Tổng lượng mưa năm – UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước ta. Lượng mưa trung bình hàng năm ở các vùng trong toàn tỉnh phổ biến từ 2700-3800mm, phân bố lượng mưa không đồng đều tại các nơi trong Tỉnh, vùng có lượng mưa nhiều nhất có thể hơn vùng ít mưa đến 40%.

Mưa tại Thừa Thiên Huế không những thay đổi theo thời gian do tác động của hoàn lưu khí quyển và dao động quy mô hành tinh mà còn phân hoá theo không gian dưới tác dụng của địa hình.

Sau đây sẽ lần lượt xét đến các đặc điểm chủ yếu của chế độ mưa ở Thừa Thiên Huế.

1. Phân bố theo thời gian

Tổng lượng mưa trong từng tháng, từng mùa, cũng như từng năm có sự khác nhau khá nhiều. Lượng mưa năm dao động khá mạnh từ năm này qua năm khác, khoảng 50-70% số năm có tổng lượng mưa chênh lệch ±20% so với lượng mưa năm trung bình, còn lại khoảng 30-50% số năm có độ chênh lệch ±20 đến ±50%, thậm chí có năm lệch gần 100%.

Tổng lượng mưa từng năm tại hầu hết các nơi trong tỉnh Thừa Thiên Huế thường dao động theo chu kỳ trung bình 3-4 năm và thường có hai chu kỳ liên tiếp thiên cao (cao hơn lượng mưa năm TB) hoặc thiên thấp (thấp hơn lượng mưa năm TB).

Biến trình mưa năm tại các vùng cũng khác nhau, có thể chia ra vùng núi tây đến tây bắc tỉnh, vùng núi nam đến tây nam tỉnh và vùng đồng bằng.

Bảng 6.1. Lượng mưa năm (mm)

– Vùng núi tây đến tây bắc tỉnh: nhìn chung biến trình tổng lượng mưa năm các nơi tại vùng núi tây đến tây bắc tỉnh tương tự nhau, nhưng do điều kiện hoàn lưu gây mưa lớn thay đổi và địa hình không hoàn toàn như nhau, nên có giai đoạn lệch pha 1-2 năm. Lượng mưa năm trung bình vùng này thường lớn hơn 3400mm.

Diễn biến mưa tại khu vực này theo chu kỳ phổ biến 2-4. Những năm mưa ít thường chỉ đạt cỡ 2000-2400mm, tương đương 60-70% lượng mưa năm trung bình, nhưng cũng có năm mưa rất nhiều, có thể đạt trên 6300mm, như tại A Lưới, tại Tà Lương – tương đương 160-180% lượng mưa năm trung bình.

Rất hay:  Cách sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày: Tổng quan và cách hoạt động

– Vùng núi nam đến tây nam tỉnh: chế độ mưa vùng núi nam đến tây nam tỉnh khá giống nhau. Hầu hết các địa phương trong vùng này có lượng mưa hàng năm dao động khá mạnh, ở mức từ 3500-3800mm.

Diễn biến mưa tại khu vực này theo chu kỳ phổ biến 3-5 năm với biên độ mưa rất lớn. Năm mưa ít thường chỉ đạt khoảng 2000mm, tương đương 50-70% lượng mưa năm trung bình. Nhưng cũng có năm mưa rất nhiều, tương đương 150-200%, như lượng mưa năm 2007 tại Nam Đông đo được 7055mm, năm 1980 tại Bạch Mã: 8664mm và năm 2007, tại Thượng Nhật: 5884mm. Năm 2011 tại đỉnh Bạch Mã, lượng mưa đạt đến 11789mm, tại Truồi: 4968mm.

Quá trình mưa năm Nam Đông, Thượng Nhật

Hình 6.2. Biến trình tổng lượng mưa năm vùng núi tây nam tỉnh

– Vùng đồng bằng: nhìn chung biến trình mưa năm các nơi tương tự nhau, nhưng có năm do điều kiện hoàn lưu gây mưa lớn thay đổi nên cũng có thời kỳ biến trình mưa lệch pha 1-2 năm. Lượng mưa từng năm ở các địa phương trong vùng dao động khá mạnh, từ 2700-3000mm – nhỏ hơn lượng mưa vùng núi.

Diễn biến mưa tại khu vực này theo chu kỳ phân tán hơn các vùng khác, phổ biến 2-5 năm với biên độ mưa rất lớn. Những năm mưa ít đạt từ 1500-1700mm, tương đương 50-60% lượng mưa năm trung bình. Nhưng cũng có năm mưa rất nhiều, như năm 1999 tại Huế đạt trên 5642mm và gần 5000mm tại Phú Ốc, tương đương 160-200% lượng mưa năm trung bình.

2. Phân bố theo không gian

Các hệ thống thời tiết cục bộ, quy mô nhỏ gây mưa dông nhiệt có thể tạo nên khác biệt một ít về mưa ở các nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, dông nhiệt xuất hiện trong mùa ít mưa, gây mưa với lượng không nhiều nên không tác động lớn đến sự phân bố của lượng mưa năm theo không gian. Các hệ thống thời tiết gây mưa quy mô trung bình đến quy mô lớn, như nhiễu động nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới, gió mùa đông bắc, trường gió đông trên cao,… với tác động của địa hình là nhân tố chính tạo nên sự khác biệt về lượng mưa năm giữa vùng này và vùng khác.

Rất hay:  Bật Mí Top 19 appreciation là gì ? Giúp bạn hiểu rõ hơn

Như tại vùng đất hẹp ven biển phía bắc tỉnh, khi gió tây nam hoạt động mạnh vào mùa hè thì hầu hết hơi ẩm bị chặn lại bởi dãy Trường Sơn, nên thời tiết khô và nóng; còn mùa đông khi hoàn lưu áp cao cực đới hoạt động mạnh thì địa hình vùng ven biển có độ cao thấp, chưa gây được dòng thăng lớn, nên lượng mưa trung bình năm ít hơn vùng núi. Vùng ít mưa nhất là vùng đồng bằng, lượng mưa dao động trong khoảng 2600-2800mm (bảng 6.2). Ngược lại vùng núi thường có độ dốc lớn và cao dần về phía tây, thuận lợi cho việc đón gió mùa đông khiến không khí thăng lên dễ dàng, tạo nên mây đối lưu gây mưa lớn, do vậy thường vùng núi chạy dọc theo chiều tây bắc – đông nam có lượng mưa lớn nhất, có nơi lượng mưa lớn hơn vùng ven biển từ 30-40%.

Cũng do địa hình, khu vực ven biển phía nam tỉnh, nơi có dãy Bạch Mã khá cao chạy theo chiều đông tây đâm ra sát biển, tạo điều kiện đón gió, tích ẩm suốt thời kỳ mùa mưa, nên vùng này có lượng mưa năm khá lớn – là một trong hai tâm mưa lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế (khu vực từ Hải Vân đến Nam Đông). Như vậy, có thể nhận thấy điều kiện địa hình có vai trò rất lớn, quyết định lượng mưa từng nơi trong tỉnh. Phân bố mưa năm theo không gian tại tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

– Vùng núi tây đến tây bắc tỉnh có lượng mưa năm trung bình từ 3400¬3700mm; vùng núi phía nam đến tây nam tỉnh có lượng mưa năm trung bình từ 3500-3800mm, riêng tại đỉnh Bạch Mã có lượng mưa lớn hơn nhiều, với tổng mưa năm trung bình có thể đạt đến 6000mm. Đây là 2 tâm mưa lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Vùng đồng bằng, có lượng mưa năm trung bình từ 2700-3000mm, nhỏ hơn lượng mưa vùng núi.

– Vùng ít mưa nhất là khu vực Lăng Cô, với lượng mưa năm đạt gần 2500mm. Tuy nhiên lân cận khu vực Lăng Cô lại có lượng mưa lớn hơn khá nhiều.

Rất hay:  Chứng minh đường thẳng tiếp tuyến đường tròn - Ôn thi vào lớp 10

Nhìn chung, lượng mưa năm tại Thừa Thiên Huế có xu hướng chung tăng dần từ đông sang tây và từ bắc vào nam.

Bảng 6.2. Lượng mưa (mm) trung bình nhiều năm theo vị trí

Hình 6.4. Bản đồ phân bố lượng mưa TBNN tỉnh Thừa Thiên Huế

3. Khả năng xảy ra lượng mưa các cấp theo chu kỳ trung bình

Các giá trị tổng lượng mưa năm trong chuỗi số liệu có thể xảy ra với mức giới hạn của tổng lượng mưa năm ứng với tần suất nhất định, khác biệt hẳn so với giá trị trung bình nhiều năm. Khả năng xảy ra những giới hạn của tổng lượng mưa năm, tính lượng mưa ứng với suất bảo đảm khác nhau như ở bảng 6.3.

Bảng 6.3. Tổng lượng mưa năm ứng với suất bảo đảm (%)

Trạm

Suất đảm bảo (%)

10

20

30

40

50

60

70

80

90

Huế

3910

3450

3160

2960

2750

2580

2440

2260

2060

A Lưới

4940

4330

3970

3690

3440

3180

2970

2720

2430

Nam Đông

5160

4590

4210

3910

3640

3410

3190

2920

2620

Xác xuất xuất hiện năm có lượng mưa theo một số mức như sau:

– Tổng lượng mưa năm vùng đồng bằng, trung bình trong 10 năm có khả năng xảy ra đến 9 năm mưa lớn hơn 2050mm; trung bình 2 năm xảy ra một lần tổng lượng mưa năm lớn hơn 2750mm; đặc biệt khả năng trung bình 10 năm, có một năm xảy ra tổng lượng mưa năm lớn hơn 3900mm.

– Tổng lượng mưa năm vùng núi phía tây đến tây bắc tỉnh, trung bình trong 10 năm có khả năng xảy ra đến 9 năm mưa lớn hơn 2400mm và trung bình 2 năm có một năm xảy ra lượng mưa năm lớn hơn 3400mm; đặc biệt khả năng trung bình trong 10 năm, có một năm xảy ra tổng lượng mưa năm lớn hơn 4900mm.

– Tổng lượng mưa năm vùng núi phía nam đến tây nam tỉnh, trung bình trong 10 năm có khả năng xảy ra đến 9 năm mưa lớn hơn 2600mm và trung bình 2 năm có một năm xảy ra lượng mưa năm lớn hơn 3600mm; khả năng trung bình trong 10 năm, có một năm xảy ra tổng lượng mưa năm lớn hơn 5150mm.