Từ đó, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật thì chế độ này luôn được sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, chế độ BHXH một lần được quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014 cùng với Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội đã đi vào cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với tình trạng nhiều người lao động rút BHXH một lần như hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm siết chặt việc cho phép rút BHXH một lần.
Cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh hướng dẫn người dân làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: DIỆP CHÂU
Trong thời gian vừa qua, tình trạng rút BHXH một lần của người lao động có xu hướng gia tăng, việc này được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi nó tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng an sinh xã hội. Chẳng hạn, khi người lao động rút BHXH một lần thì số tiền khi nhận sẽ ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH; thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Ngoài ra, người lao động mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động; hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần. Khi không có lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống thì khi về già, người lao động phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân vì không còn khả năng lao động. Bên cạnh đó, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời. Đồng thời, khi có nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, điều này đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là bảo đảm an sinh cho mọi người dân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng, trước hết do chính sách hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, trong khi thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí là 20 năm, dẫn đến nhiều người lao động khi phải nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng bảo hiểm sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp bảo hiểm để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Cùng với đó, chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn và cũng chưa tạo được niềm tin vững chắc để thu hút đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống. Đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm thì họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính để chi tiêu sinh hoạt gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn. Đồng thời còn do tác động tiêu cực của dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Tại Điều 77 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án với BHXH một lần:
Một là, giữ nguyên quy định hiện hành, tức không hạn chế rút: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH một lần.
Đối với phương án này, việc rút BHXH một lần như bây giờ sẽ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng khi về già, người lao động sẽ chịu thiệt vì không được hưởng lương hưu. Quan trọng hơn, với người hưởng chế độ hưu trí, ngoài lương hưu còn được cấp cả thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cách này không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần và sẽ tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.
Hai là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Ví dụ: Người lao động đã đóng 10 năm BHXH mà rút một lần thì còn 5 năm bảo lưu trong quỹ. Nếu sau này họ đi làm và quay trở lại hệ thống thì phải tích lũy thêm 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Phương án này là một trong những rào cản siết chặt hơn việc cho phép người lao động rút BHXH một lần. Mục tiêu của phương án là giảm tối đa tình trạng rút một lần, bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động. Như vậy, phương án này có ưu điểm cơ bản là linh hoạt giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho người lao động mà vẫn bảo đảm duy trì phần còn lại để họ có thể được hưởng lương hưu khi về già, hạn chế tối đa tình trạng khi về già không tích lũy, không lương hưu, không bảo hiểm y tế, thiếu chỗ dựa, tạo gánh nặng cho người thân và xã hội. Trong trường hợp người lao động gặp rủi ro mất đi vẫn được hưởng mai táng phí, lấy lại tiền này hoặc lấy tuất cho bố mẹ khi hết tuổi lao động hoặc cho con…
Cùng với những quy định mới trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người lao động có 4 lựa chọn khi bảo lưu 50% thời gian đóng. Cụ thể là nếu tiếp tục đi làm và tham gia BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng; tiếp tục rút BHXH một lần khi đến tuổi về hưu. Như vậy, Dự thảo Luật (sửa đổi) đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia BHXH như tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng sớm hơn.
Tuy nhiên, việc đưa đề xuất này còn phải tính toán, cân đối bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật BHXH với các văn bản luật hiện hành. Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng tuổi nghỉ hưu, nếu bây giờ giảm số năm đóng BHXH thì khoảng cách tuổi về hưu và số năm đóng BHXH sẽ bị kéo giãn ra. Chưa kể, nếu như người lao động chỉ được rút 50% BHXH một lần, 50% còn lại phải tới lúc nghỉ hưu mới được rút thì đối với không ít người lao động, đây là khoảng thời gian rất dài nên họ sẽ không mặn mà. Bên cạnh việc nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo hướng thấu hiểu được nguyện vọng và quyền lợi của người lao động, Nhà nước cũng cần phải tăng cường tuyên truyền đúng và đầy đủ những hệ lụy mà người lao động phải chịu nếu rút BHXH một lần. Như vậy, người lao động sẽ cân nhắc thiệt hơn để không rút BHXH một lần và tìm cách khác để vượt qua khó khăn nhất thời. Ngoài ra, cần phải có giải pháp điều tiết thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho người lao động để họ yên tâm làm việc, được đóng BHXH bắt buộc. Nhà nước cũng cần có chính sách tín dụng cho người lao động có nhu cầu vay tiền với lãi suất ưu đãi để họ giải quyết khó khăn tạm thời, không phải rút BHXH một lần. Về phía chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần cần có chính sách cho họ vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, sinh kế. Khi người lao động khôi phục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống khá hơn thì sẽ quay trở lại hệ thống BHXH.
Suy cho cùng, mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi quy định pháp luật cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi họ hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng và lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để chính sách khi đưa ra thực sự phù hợp, dễ dàng đi vào cuộc sống.
Luật sư PHAN KẾ HIỀN, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội