Làm cách nào để dễ ho khạc đờm ra ngoài? – Phổi Việt

Làm cách nào để dễ ho khạc đờm ra ngoài?

ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoàng

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

Khi chúng ta bị các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen suyễn, giãn phế quản, di chứng bệnh phổi cũ… Việc làm chúng ta khó chịu nhất vẫn là đàm, đàm nhiều làm chúng ta phải ho khạc, khò khè, khó thở… Vậy có cách nào để đàm dễ khạc ra ngoài và không gây khó chịu nữa hay không?

Thứ nhất, việc đờm tạo ra nhiều là do nguyên nhân nhiễm vi trùng hoặc vi rút đường hô hấp hoặc do các bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD… gây viêm đường thở và tiết ra đàm nhiều. Như vậy để giảm bớt được đàm thì cần phải được chẩn đoán đúng và điều trị đúng bệnh để cắt hoặc giảm bớt nguồn tạo ra đàm.

Thứ hai, để đờm dễ khạc ra ngoài thì chúng ta cần phải làm những việc sau đây:

  • NÊN LÀM:
  • Uống nước đầy đủ vì nước sẽ làm cho loãng đàm, khiến cho đàm không bị vón cục lại hoặc tạo thành nhưng sợi đàm dài dai và khó khạc. Lượng nước bao nhiêu thì đủ? Hãy áp dụng công thức tính sau: “1kg cân nặng thì uống 40ml nước lọc mỗi ngày” như vậy nếu 1 người nặng 50kg thì mỗi ngày người đó cần uống 2 lít nước. Để đàm loãng ra dễ dàng hơn thì yêu cầu người bệnh cần uống hơn lượng nước đó khoảng 0,5 lít.
  • Uống thêm các loại nước trái cây cũng giúp bù lượng vitamin cũng như muối khoáng và đồng thời cũng giúp loãng đàm.
  • Sinh hoạt trong môi trường không quá nóng và quá lạnh: nhiệt độ và độ ẩm phù hợp là khoảng từ 27o C tới 30o C và độ ẩm thì nước ta khá là tốt nếu nhiệt độ không quá cao hoặc quá thấp.
  • Vận động nhiều hàng ngày yêu cầu không được nằm nhiều nếu đi lại được, nếu không thì cũng phải ngồi dậy. Thời gian cần vận động mỗi ngày từ 30 phút trở lên (nếu đi bộ) tùy từng người, không nên gắng sức quá mức.
  • Sử dụng đúng các thuốc bác sỹ cho để điều trị phù hợp. Nếu sử dụng thêm thuốc thì cần phải hỏi ý kiến bác sỹ.
  • Các động tác vật lý trị liệu như vỗ lưng, vỗ ngực, rung bằng tay, hít thở sâu, ho khạc đàm chủ động… cũng giúp đàm bong ra khỏi đường thở dễ dàng và dễ khạc ra ngoài.
  • Những việc KHÔNG NÊN LÀM:
  • Không nên ăn quá mặn vì không có lợi cho sức khỏe và không có lợi cho loãng đàm, ăn với chế độ đủ muối khoáng.
  • Không nên uống các nước mát làm kích thích tiểu nhiều vì như vậy sẽ làm mất nước nhiều hơn, trà và café cũng không nên dùng do tác dụng làm lợi tiểu.
  • Không dùng các thuốc giảm ho vì sẽ làm giảm khả năng bài tiết đàm ra ngoài. Các thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc cũng không nên dùng vì không thể biết được hàm lượng cũng như có thể gây ảnh hưởng tới các thuốc đang điều trị.
  • Không được nằm nhiều vì sẽ làm đàm ứ lại không ra ngoài được, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Rất hay:  Cách tính điểm trung bình môn THCS, THPT, Cấp 2, Cấp 3, Đại học

Một lần nữa cần nhắc lại, việc quan trọng nhất vẫn là chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hợp lý để đàm không tiếp tục tạo ra nữa cũng như mau lành bệnh. Tùy vào từng bệnh khác nhau thì bác sỹ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho việc làm loãng đờm dễ dàng hơn.

Xem thêm kỹ thuật lấy đàm làm xét nghiệm soi đờm trực tiếp tìm trực khuẩn lao