Việc trẻ bị chấy tóc là một căn bệnh vô cùng phổ biến. Khi trẻ bắt đầu đến trường và tiếp xúc với bạn bè, thì chấy trở thành vấn đề gây đau đầu cho cha mẹ. Vậy cha mẹ đã biết cách trị chấy cho trẻ tại nhà chưa? Hãy cùng AVAKids tìm hiểu về chấy và một số cách trị tận gốc cho trẻ trong bài viết sau nhé!
1Chấy là gì và chúng trông như thế nào?
Chấy là một loài côn trùng hút máu ký sinh trên da đầu người. Nguồn ảnh: Kidshealth
Chấy (hay còn gọi là Chí) là một loài côn trùng ký sinh trên da đầu người, đẻ trứng bám vào tóc và lấy máu làm nguồn thức ăn. Chấy và trứng chấy có màu sắc khá tương đồng với màu da hoặc tóc của người bị ký sinh nên khó phát hiện. Chúng có kích thước nhỏ như hạt vừng và khả năng sinh sôi nhanh chóng.
Một ngày, chấy có thể đẻ khoảng 6 – 10 trứng mới và trứng chấy chỉ cần 7 – 10 ngày để nở. Trứng chấy hình bầu dục, màu hơi ngả vàng và kích thước nhỏ như đầu kim bám chặt vào sợi tóc. Sau khi nở, chấy con sẽ trưởng thành sau 1 tuần. Chấy cái có thể bắt đầu đẻ trứng tầm 2 tuần sau khi nở và có thể đẻ 200 – 300 trứng sau khi giao phối.
Chấy lây lan rất nhanh và dễ dàng. Chúng truyền từ đầu người này sang người khác theo hai cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Lây trực tiếp: Chụm đầu vào nhau, tạo cơ hội cho chấy “nhảy” từ đầu này qua đầu khác. Chấy không có cánh, chỉ có thể bò nên đây cũng là một điều khá may mắn.
- Lây gián tiếp: Sử dụng chung các vật dụng chứa chấy hay trứng chấy như nón, lược, quần áo, gối, hay chăn nệm.
2Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chấy cắn
Trẻ học mẫu giáo và cấp 1 là độ tuổi dễ bị chấy hơn cả. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 6 – 12 triệu trẻ em bị chấy ở Mỹ. Còn ở Úc, cứ 4 trẻ đến trường thì có 1 bé bị chấy. Bé gái thường dễ bị hơn do các em tóc dài và thường chụm đầu vào nhau hơn các bé trai.
Trước khi có các dấu hiệu “báo động” thì rất khó để nhận biết trẻ bị lây chấy. Do chấy thường có màu sắc khá tương đồng với màu da hoặc tóc người nên khó phát hiện.
Khi trẻ bị chấy ký sinh sẽ thường có các dấu hiệu như sau:
- Cảm giác có con gì bò trên đầu mình.
- Có vết đỏ trên da đầu, sau tai, cổ hoặc vai.
- Da đầu ngứa ngáy khó chịu, phải gãi nhiều lần. Có thể gây tổn thương, viêm da hoặc nhiễm trùng da nếu có quá nhiều chấy.
Nếu chấy không được phát hiện sớm và diệt tận gốc, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, rụng tóc,…
Bài viết liên quan: Bí quyết giúp trẻ ngủ ngon hơn
3Cách tìm kiếm “thủ phạm”
Khi thấy trẻ có biểu hiện ngứa ngáy và gãi đầu liên hồi, cha mẹ cần tìm thử xem trên đầu trẻ có chấy hay không.
Cha mẹ nên làm ướt hoàn toàn tóc trẻ, rồi sau đó hãy vạch tìm. Như vậy sẽ làm cho chấy khó di chuyển và dễ dàng cho việc phát hiện hơn. Hãy để trẻ ngồi dưới ánh sáng, vạch từng vệt chân tóc ra và quan sát kĩ có chấy hay trứng bám vào tóc trẻ không.
Hoặc theo cách ông bà từ xưa, cha mẹ có thể dùng lược chuyên chải chấy hoặc một cây lược răng khít dày, chải từ gốc đến ngọn tóc một cách chậm rãi để lược chấy và trứng. Cách này giúp tuốt phần lớn bọn chấy khỏi đầu trẻ và tăng nhanh hiệu quả điều trị.
Lược chải chấy truyền thống.
4Cách trị chấy cho trẻ tại nhà
Khi đã xác định trẻ bị chấy thì cách trị chỉ có việc giết chấy và trứng chấy mà thôi. Cha mẹ có thể diệt chấy bằng các phương pháp dùng hoá mỹ phẩm, hoặc cách thủ công.
- Phương pháp hoá mỹ phẩm là phương pháp dễ dàng và nhanh chóng. Cha mẹ có thể dùng dầu gội chuyên dụng, hoặc kem đặc trị chấy. Tùy mục đích giết trực tiếp chấy, hoặc giết cả chấy và trứng chấy mà có thể lựa chọn kem hay dầu gội cho trẻ. Cha mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh việc gây hại cho da đầu của trẻ.
- Phương pháp thủ công chính là cha mẹ tự giết chấy và trứng sau khi dùng lược tuốt chấy cho trẻ.
Cha mẹ nên dùng lược tuốt chấy và trứng chấy cho trẻ. Nguồn ảnh: Children’s Hospital of Philadelphia
Để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả trị chấy cho trẻ, cha mẹ nên áp dụng cả hai phương pháp trên.
Thường khả năng cao người nhà cũng có thể bị lây khi có một trẻ bị chấy. Vì vậy cả nhà hãy thường xuyên kiểm tra lẫn nhau. Nếu có thì cùng điều trị để tránh trường hợp lây lan giữa các thành viên trong gia đình. Các vật dụng như chăn nệm, gối, quần áo, nón, lược,… thường là nguồn lây lan tiềm ẩn. Cha mẹ cần ngâm những vật dụng cá nhân trong nước nóng, hoặc giặt giũ thường xuyên để chấy và trứng chấy hết đường quay lại.
Trẻ bị chấy là vấn đề phổ biến khiến ba mẹ đau đầu vì không biết làm sao để ngăn ngừa triệt để loại côn trùng ký sinh này. Nếu không điều trị kịp thời, chấy sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da, chàm hóa và khiến chất lượng cuộc sống trẻ suy giảm. AVAKids mong rằng những cách trị chấy đã chia sẻ trong bài viết này sẽ hữu ích với cha mẹ và bé.
Ngọc Tú tổng hợp từ chia sẻ của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo.