Bé 3 tuổi bị ho nhiều và ho có đờm là tình trạng thường gặp ở những gia đình có con nhỏ trong độ tuổi này. Ho không chỉ khiến bé mệt mỏi, khó chịu mà còn khiến cha mẹ lo lắng không yên. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Bé cần được chăm sóc, điều trị như thế nào cho nhanh khỏi? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc trên.
Tổng quan về ho ở trẻ nhỏ
Ho là phản xạ sinh lý của cơ thể trẻ nhằm loại bỏ các chất bài tiết, chất nhầy, hạn chế sự xâm nhập của các dị vật lạ, các chất gây kích thích và các vi khuẩn để bảo vệ đường hô hấp của trẻ.
Ho có đờm ở trẻ nhỏ xảy ra khi các dịch tiết của đường hô hấp như dịch khí quản, xoang hàm, họng, phế nang, hốc mũi hay máu, mủ,.. cản trở đường hô hấp của trẻ, khiến trẻ phải ho để đào thải chúng ra khỏi cơ thể.
Bình thường, ho là phản xạ tự nhiên có lợi cho cơ thể trẻ. Tuy nhiên, ho nhiều, ho liên tục sẽ khiến trẻ khó chịu, mệt nhọc, bỏ ăn, quấy khóc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bé. Đặc biệt, ho nhiều và ho có đờm ở trẻ có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý đường hô hấp tiềm ẩn, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé.
Nguyên nhân nào khiến bé 3 tuổi bị ho nhiều và ho có đờm?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ho nhiều, ho có đờm ở trẻ 3 tuổi, trong đó chủ yếu thường do các bệnh lý đường hô hấp gây nên:
Cảm lạnh
Ho có thể là dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh ở trẻ nhỏ. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ gây ra bởi các loại virus, đặc biệt là Rhinovirus. Sức đề kháng của bé 3 tuổi thường còn yếu nên sẽ là đối tượng rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Khi bị cảm lạnh, bé thường có biểu hiện ho nhiều và ho có đờm hoặc nôn trớ, sặc nước bọt, chảy nước mũi, hắt hơi và có thể sốt nhẹ.
Hen suyễn
Hen suyễn hay hen phế quản là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính làm phế quản co thắt, phù nề, tăng tiết các chất nhầy, đờm,… gây tắc nghẽn đường thở. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như khò khè, khó thở, tức ngực và ho kéo dài.
Ngoài ra, cơn ho do hen phế quản còn có thể khởi phát khi bé tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa, lông động vật, thời tiết lạnh, hóa chất,…
Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều cơ quan ở đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản. Trong trường hợp này, các chất tiết và đờm sẽ chảy xuống phía sau họng gây kích thích trung tâm phản xạ ho của trẻ khiến bé ho nhiều.
Trẻ có thể bị ho thành cơn, hoặc ho khan hay ho có đờm. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt (sốt cao và thành cơn), sổ mũi, chảy nước mũi, biếng ăn và nôn,…
Viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những nguyên nhân gây nên triệu chứng ho nhiều ở bé 3 tuổi. Phế quản là các đường dẫn không khí vào trong phổi. Khi các phế quản bị viêm sẽ dẫn đến các hiện tượng như ho, khò khè, có đờm,.. Có nhiều tác nhân có thể gây viêm phế quản, phổ biến nhất là virus hoặc vi khuẩn.
Ban đầu khi mới bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện ngạt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở, có thể sốt nhẹ hay tiêu chảy. Ở giai đoạn sau, thường là 3 ngày sau khi bệnh khởi phát, trẻ có thể bị sốt cao, kèm ho nhiều, ho có đờm xanh hoặc vàng, thở khò khè và có thể bị khó thở.
Viêm phổi
Đây là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus. Trẻ 3 tuổi bị viêm phổi thường có biểu hiện ho nhiều, ho có đờm, nghẹt mũi, thở nhanh (nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên), thở khò khè hoặc thở rít, mệt mỏi, sốt, nôn ói, đau ngực,…
Viêm phổi là bệnh lý rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý đến tình trạng của bé để sớm phát hiện bệnh và đưa ra các phương án điều trị phù hợp nhất.
Bệnh ho gà
Ho gà là bệnh lý cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ. Khi mới mắc bệnh, bé thường biểu hiện triệu chứng giống cảm lạnh thông thường như sốt nhẹ, hắt hơi, ho, sổ mũi,… có thể khiến cha mẹ nhầm lẫn dẫn đến chủ quan. Sau khoảng 1 – 2 tuần nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh của bé sẽ chuyển biến nặng hơn và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, thời tiết quá lạnh, hay thay đổi thất thường, tiếp xúc môi trường ô nhiễm bởi bụi bẩn, khói thuốc lá, phản xạ ho do tâm lý,… cũng là những yếu tố nguy cơ có thể khiến bé 3 tuổi bị ho nhiều.
Các biện pháp khắc phục tại nhà khi bé 3 tuổi bị ho nhiều
Khi bé bị ho nhiều, ho có đờm, điều đầu tiên bạn cần làm là để bé nghỉ và chăm sóc giúp bé giảm ho, bớt khó chịu, ngủ ngon hơn. Dưới đây là một số gợi ý chăm sóc bé khi bị ho nhiều mà bạn có thể áp dụng:
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ
Bé bị ho nhiều, ho có đờm sẽ rất khó chịu, mệt mỏi, lười ăn và có thể bị nôn trớ. Do đó, bạn nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng như cháo, súp,… để giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho bé.
Cho trẻ uống nhiều nước
Việc cung cấp đủ nước cho trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi bé bị ho nhiều. Cho trẻ uống nhiều nước ấm hoặc súp nóng sẽ giúp làm dịu các cơn đau và kích ứng ở ngực, đồng thời ngăn chất nhầy bị cô đặc lại gây tắc nghẽn đường hô hấp, nhờ đó giúp trẻ giảm ho và bớt khó chịu.
Nếu trẻ không chịu uống sữa hoặc không ăn nhiều, bạn cần cho bé uống nhiều nước hơn, ít nhất là một đến hai giờ một lần, nhưng đừng ép bé uống nước. Bên cạnh đó, bạn có thể thay thế nước lọc bằng nước trái cây để bé dễ uống hơn.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ
Khi bé bị ho nhiều và ho có đờm, bạn nên thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho bé bằng nước muối sinh lý. Nước muối sẽ giúp làm mềm các chất nhầy trong mũi trẻ để dễ dàng tống nó ra ngoài, nhờ đó mũi trẻ sẽ được thông thoáng và giảm tình trạng ho ra đờm.
Bạn có thể dễ dàng mua nước muối sinh lý tại các nhà thuốc và vệ sinh cho bé theo đúng hướng dẫn trên sản phẩm. Bạn nên thực hiện phương pháp này cho bé trước khi đi ngủ hoặc vào ban đêm, khi bé tỉnh giấc bởi những cơn ho để giúp bé dễ chịu hơn.
Bổ sung độ ẩm ở không gian sinh hoạt của trẻ
Độ ẩm trong không khi sẽ giúp làm ẩm đường hô hấp của bé, nhờ vậy giúp làm giảm tình trạng ho và nghẹt mũi. Bạn nên lựa chọn các loại máy làm ẩm không khí lạnh vì nó an toàn hơn, tránh gây bỏng cho trẻ.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý giữ thiết bị sạch sẽ và đảm bảo rằng nó không bị nấm mốc. Máy tạo độ ẩm bị bẩn sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
Kê cao đầu trẻ khi ngủ
Kê cao đầu cho bé khi ngủ sẽ giúp ngăn chặn sự tích tụ các chất đờm nhầy ở phía sau cổ họng – nguyên nhân gây kích ứng cổ họng và gây ho ở trẻ. Để nâng cao đầu bé, bạn có thể thử nâng một đầu của nệm lên bằng cách đặt một chiếc khăn đã cuộn lại dưới nệm ở phía đầu bé đang nằm.
Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện việc này để xác định xem liệu phương pháp này có phù hợp với con bạn hay không.
Xông hơi ấm cho trẻ
Xông hơi ấm có thể giúp làm giảm các cơn ho của bé một cách hiệu quả. Bạn có thể vào nhà tắm, đóng cửa lại và xả nước nóng từ vòi sen. Khi phòng tắm đã đủ ấm, bạn hãy đưa bé vào và ngồi cùng bé trong đó khoảng 5 – 10 phút. Không khí ấm áp và hơi nước nóng sẽ giúp đường hô hấp của bé được thư giãn, đồng thời làm giảm lượng chất nhầy trong cổ họng bé.
Dùng nước mật ong trị ho cho trẻ
Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên có thể giúp làm dịu cơn đau họng khi trẻ ho nhiều. Mật ong cũng có tính kháng khuẩn, kháng viêm tốt, giúp bé chống lại tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường hô hấp – nguyên nhân phổ biến gây ho ở trẻ 3 tuổi.
Bạn có thể pha mật ong với nước ấm để trẻ dễ uống hơn. Bên cạnh đó, nước mật ong còn giúp cung cấp thêm nước cho bé. Do đó, sử dụng mật ong là phương pháp giảm ho tự nhiên hiệu quả, an toàn cho bé 3 tuổi được nhiều cha mẹ áp dụng.
Bé 3 tuổi bị ho nhiều, ho có đờm có nên dùng thuốc trị ho không?
Đây là một vấn đề quan trọng mà các bậc cha mẹ có con 3 tuổi đang bị ho nhiều và ho có đờm cần đặc biệt chú ý. Theo khuyến cáo của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), cha mẹ không nên cho trẻ 3 tuổi sử dụng bất kỳ loại thuốc ho nào có thành phần hoạt tính (thuốc long đờm, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi,…) nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Do đó, cha mẹ không nên cho bé 3 tuổi dùng các loại thuốc ho khi trẻ bị ho nhiều, ho có đờm. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên áp dụng các phương pháp tự nhiên tại nhà để cải thiện triệu chứng ho của trẻ.
Bé 3 tuổi bị ho nhiều – Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Bé 3 tuổi bị ho là tình trạng phổ biến và thường sẽ tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu bạn đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà triệu chứng ho của trẻ vẫn không thuyên giảm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy rằng nguyên nhân gây ho của bé có thể là do một bệnh lý nguy hiểm khác gây ra. Lúc này, bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.
Bác sĩ có thể cho trẻ làm một số kiểm tra, xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ho ở trẻ. Khi đã xác định được nguyên nhân chính xác, tùy theo từng bệnh lý và tình trạng sức khỏe của mỗi trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho bé.
Trong trường hợp trẻ bị ho kèm theo các dấu hiệu dưới đây, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ:
- Ho kéo dài hơn 10 ngày.
- Gặp khó khăn khi thở hoặc nói chuyện.
- Trẻ bị nôn trớ liên tục.
- Mặt mũi trẻ chuyển sang tái nhợt, tím tái khi ho.
- Chảy nước dãi hoặc khó nuốt.
- Trẻ rất yếu, mệt mỏi.
- Đau tức ngực khi hít thở sâu.
- Ho ra đờm lẫn máu hoặc thở khò khè.
- Trẻ sốt cao trên 40 độ và không cải thiện sau hai giờ uống thuốc hạ sốt.
- Sốt trên 38 độ trong hơn 3 ngày.
Đặc biệt, cha mẹ cần gọi cấp cứu hoặc đưa con đến cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Trẻ bị khó thở và không thể nói chuyện.
- Trẻ bất tỉnh hoặc ngừng thở, thở rất yếu.
- Môi và móng tay trẻ chuyển xanh.
Ho có đờm, ho nhiều ở trẻ 3 tuổi khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, các bệnh lý gây ho ở lứa tuổi này có thể trị khỏi hoàn toàn nếu trẻ được chăm sóc và điều trị đúng cách. Do đó, khi bé 3 tuổi bị ho nhiều, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, quan sát kỹ các biểu hiện, diễn biến tình trạng ho của bé để có phương pháp chăm sóc phù hợp cũng như đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời khi có triệu chứng bất thường, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/children/guide/cough-treatment
- https://www.healthline.com/health/parenting/toddler-cough-remedy
- https://www.parents.com/health/cough/how-bad-is-that-cough-7-bad-coughs-to-worry-about/