Ho khan ít nhiều cũng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chứng ho này có thể được điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp tự nhiên tại nhà. Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc cho bạn, hãy tuân thủ đúng liều lượng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kết hợp với các biện pháp sau để giảm triệu chứng ho khan. Dưới đây là 10 cách trị ho khan nhanh nhất tại nhà, mời bạn tham khảo
Cách trị ho khan bằng nghệ
Theo y học cổ truyền, nghệ là một vị thuốc quý chứa nhiều hoạt chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm. Vì vậy, từ lâu người ta đã sử dụng nghệ để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Ngày nay, khi các nhà khoa học tìm ra rất nhiều tinh chất quý giá trong nghệ như curcumin, một hợp chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: diệt khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết thương. Nếu ho lâu ngày không khỏi, bạn có thể thử dùng nghệ chế biến như sau:
- Cách 1: Pha tinh bột nghệ với 200ml nước ấm, có thể thêm một ít mật ong, khuấy đều cho tan rồi uống. Bạn nên uống hàng ngày trước khi ăn sáng.
- Cách 2: Nếu bạn không có tinh bột nghệ xay, bạn có thể sử dụng nghệ tươi, chanh và gừng để trị ho. Rửa sạch nghệ, gừng và chanh và cắt thành từng lát mỏng. Chưng cách thuỷ 3 nguyên liệu trên để lấy nước cốt uống, thêm ít mật ong cho dễ uống.
Cách chữa ho khan bằng quất (tắc)
Vỏ tắc có vị cay nồng, tính bình, là một vị thuốc nổi tiếng trong đông y với tác dụng tiêu biểu là tiêu đờm, chữa ho. Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và tìm hiểu được biết trong vỏ tắc có chứa nhiều vitamin C và các hợp chất isopropyltoluene, hesperidin, limonene,… phù hợp điều trị ho có đờm, ho dai dẳng.
Cách làm: Chuẩn bị 5g vỏ tắc, mật ong nguyên và bột gừng. Vỏ tắc sau khi rửa sạch để ráo, thái nhỏ và trộn với bột gừng. Đổ hỗn hợp vào ấm nấu với 400ml nước. Sau khoảng 15 phút, lọc lấy nước cho thêm mật ong và khuấy đề và uống khi còn ấm. Áp dụng phương pháp này mỗi ngày để thấy hiệu quả rõ rệt.
Cách chữa ho khan bằng chanh
Chanh chứa nhiều vitamin C cần thiết để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra trong thành phần chanh còn chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, được dùng trong các bài thuốc chữa tình trạng ho khan kéo dài.
- Cách 1: Pha nước cốt chanh với 1 – 2 thìa mật ong, thêm nước ấm và uống khi còn ấm.
- Cách 2: Chuẩn bị 2 – 3 thìa nước cốt chanh,1 – 2 thìa mật ong nguyên chất, 2 thìa dầu dừa. Trộn đều hỗn hợp và đun nhỏ lửa trên bếp cho đến khi dầu dừa tan chảy hết, bảo quản trong lọ kín và sử dụng hàng ngày.
- Cách 3: Chuẩn bị 2 – 3 thìa nước cốt chanh, 2 thìa dầu ô liu, 2 thìa mật ong, 1 thìa gừng băm nhỏ. Đầu tiên ngâm mật ong với gừng trong 8 tiếng, sau đó cho dầu oliu và nước cốt chanh vào, khuấy đều. Lọc bỏ bã, cất vào tủ lạnh để dùng dần.
Chữa ho khan bằng nước ép thơm (dứa)
Bromelain là một loại enzyme được tìm thấy trong dứa, với đặc tính chống viêm mạnh mẽ có thể giúp giảm sưng tấy ở mô cổ họng và làm loãng chất nhầy giúp giảm ho.
Chữa ho khan bằng gừng
Gừng có thể làm giảm ho khan hoặc hen suyễn vì nó có đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu cho thấy một số hợp chất chống viêm trong gừng có thể làm giãn nở đường hô hấp, làm giảm ho.
Để dùng gừng trị ho, bạn chỉ cần cắt vài lát gừng tươi rồi cho vào cốc nước nóng, ngâm trong vài phút rồi uống. Bạn có thể thêm mật ong hoặc chanh để tăng thêm hương vị và dễ uống hơn.
Chữa ho khan bằng nước muối
Biện pháp này rất đơn giản giúp bảo vệ, sát khuẩn, giảm chất nhầy và đờm trong cổ họng, giảm ho hiệu quả. Bạn có thể mua nước muối sinh lý hoặc tự pha ở nhà với tỷ lệ 1/2 muỗng muối vào cốc nước ấm và khuấy tan. Khi súc miệng, bạn nhớ ngửa cổ ra sau vài phút trước khi nhổ, thực hiện súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày cho đến khi giảm ho.
Chữa ho khan bằng xông hơi mũi
Tắm nước nóng hoặc xông hơi mũi khoảng 10 phút sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong mũi, dễ thở và giảm ho tốt hơn. Bạn chuẩn bị một chậu nước nóng có pha một ít tinh dầu như khuynh diệp, bạc hà, sả,… Lưu ý giữ khoảng cách với mặt nước nóng vì có thể gây bỏng da.
Uống nhiều nước
Nghiên cứu cho thấy người bị ho, cảm cần uống nhiều nước hơn, tốt nhất là uống nước ấm. Uống nước ấm giúp làm ấm cơ thể, làm dịu cổ họng, ớn lạnh và mệt mỏi. Ngoài ra bạn cần uống thêm nước ép trái cây, trà thảo mộc,…
Bổ sung probiotics
Probiotics (men vi sinh) không làm dịu cơn ho, nhưng chúng có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng cách cân bằng vi khuẩn trong đường ruột. Hệ thống miễn dịch mạnh có thể giúp chống lại nhiễm trùng hoặc dị ứng có thể gây ra ho. Bạn có thể dùng các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi hoặc các loại thuốc uống bổ sung men vi sinh.
Cách trị ho khan bằng lá bạc hà
Bạc hà từ lâu đã được nhiều người biết đến là một loại thảo dược tự nhiên có tác dụng chữa ho, tiêu đờm rất hiệu quả. Để trị ho hiệu quả tại nhà bằng lá bạc hà bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Cách 1: Chọn 5 – 6 lá bạc hà tươi rửa sạch và đun với nước trong 15 phút. Dùng uống trực tiếp khi còn ấm, bạn có thể thể thêm 1 muỗng mật ong để dễ uống hơn.
- Cách 2: Chuẩn bị 1 cốc nước nóng sau đó nhỏ 3 – 4 giọt tinh dầu bạc hà vào để thực hiện xông hơi. Áp dụng 3 lần/tuần sẽ giúp thông khí quản, giảm ho hiệu quả.
Cách chữa ho tại nhà với tỏi
Tỏi có nhiều chất kháng viêm, kháng khuẩn rất hữu ích đối với chứng ho do vi khuẩn. Bên cạnh đó tỏi có vị cay nồng, tính ấm, là bài thuốc chữa ho khan, ho có đờm tươi rất tốt. Ngoài ra các hợp chất Allicin, Diallyl Sulfide,… hỗ trợ nâng cao sức đề kháng.
- Cách 1: Dùng 4 – 5 tép tỏi, bóc vỏ và đập dập. Chưng cách thuỷ với đường phèn trong khoảng 15 phút. Chắt lấy nước cốt và sử dụng 2-3 lần/ngày.
- Cách 2: Giã nát 2 – 3 tép tỏi tươi, cắt vài lát gừng tươi. Thêm 1 – 2 thìa đường nâu và nấu với một ít nước. Chắt lấy nước cốt và dùng 2 – 3 lần/ngày.
- Cách 3: Bóc vỏ 1 củ tỏi, 1 củ hành tím, ngâm trong lọ mật ong ít nhất 12 tiếng. Mỗi lần dùng lấy nửa thìa cà phê pha với nước ấm. Không sử dụng phương thuốc này cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Nếu đã áp dụng các cách trị ho khan tại nhà ở trên mà tình trạng ho, đau họng vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra cách trị ho khan và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp