Thông thường khi mụn biến mất và da bắt đầu lành thương, chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả sau đó là những vết thâm có màu để lại. Có 2 loại thâm sau mụn thường gặp là hồng ban sau viêm – thường gọi là thâm đỏ và tăng sắc tố sau viêm – hay còn gọi là thâm đen.
Các loại thâm này cần mất rất nhiều thời gian mới hồi phục lại về làn da ban đầu, thậm chí có thể kéo dài hơn 6 tháng. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị các loại thâm sau mụn giúp rút ngắn thời gian hồi phục của da. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về các loại thâm sau mụn và cách điều trị chúng trong bài viết sau đây nhé.
Thâm đỏ sau mụn là gì?
Thâm đỏ thường giống với các nốt mụn trứng cá, có thể có màu đỏ, màu hồng hoặc màu tím đậm. Thâm đỏ có thể xuất hiện thành cụm hoặc dưới dạng chấm riêng lẻ trên da như ở mặt, vai, lưng, cổ và ngực. Nó cũng có thể là giai đoạn sớm của sẹo, sau khi da đã hết mụn.
Nguyên nhân gây thâm đỏ
Đặc trưng cho hồng ban sau viêm là các đốm đỏ, hồng hoặc tím trên bề mặt. Hồng ban sau viêm là do sự giãn nở, viêm hoặc tổn thương các mạch máu nhỏ là mao mạch nằm dưới da.
Mụn nang là nguyên nhân phổ biến của thâm đỏ, mặc dù bất kỳ tình trạng viêm da nào, chẳng hạn như viêm da và cháy nắng, đều cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thâm đỏ. Thâm đỏ cuối cùng sẽ tự biến mất, nhưng chúng ta cần có những phương pháp điều trị hiệu quả để có thể làm giảm bớt hoặc loại bỏ thâm đỏ sau mụn nhanh hơn.
Thâm đen sau mụn là gì?
Mụn trứng cá thường đi kèm với các mảng hoặc đốm sẫm màu – thâm đen. Khi các tế bào da phản ứng với tổn thương hoặc kích ứng bằng cách tạo ra thêm melanin (sắc tố tự nhiên tạo nên màu tóc, da và mắt) được gọi là tình trạng tăng sắc tố sau viêm. Tình trạng da này biểu hiện dưới dạng các mảng và đốm rám nắng màu nâu, nâu sẫm hoặc thậm chí xanh xám trên da.
Nguyên nhân gây thâm đen
Mặc dù bất kỳ tình trạng viêm da nào cũng có thể dẫn đến tăng sắc tố, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất của thâm đen ở những bệnh nhân có da sẫm màu là do mụn trứng cá, viêm da dị ứng và chốc lở. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác như nhiễm trùng, bọ cắn, bỏng, viêm nang lông, phát ban, phản ứng dị ứng, bệnh vẩy nến.
Cách phân biệt thâm đỏ và thâm đen sau mụn
Hồng ban sau viêm gây ra các vết đỏ hoặc hồng, thì tăng sắc tố sau viêm gây ra các vết nâu, xám hoặc sẫm màu trên da.
Tăng sắc tố sau viêm xảy ra khi các tế bào sắc tố da bị kích thích trong quá trình chữa lành vết thương, các đốm đen là sự tập trung sắc tố trong một khu vực. Hồng ban sau viêm có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở da trắng, trong khi đó tăng sắc tố sau viêm xảy ra nhiều hơn ở da sẫm màu.
Cách điều trị thâm đỏ
Thâm đỏ có thể cần tới 6 tháng để tự biến mất, tuy nhiên những phương pháp dưới đây có thể được lựa chọn điều trị để thâm đỏ mất đi nhanh hơn.
Sử dụng thuốc bôi ngoài da
Hydrocortison tại chỗ
Hydrocortison là một loại steroid làm giảm viêm. Đôi khi nó được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị viêm do mụn trứng cá, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu để tránh nguy cơ gây tác dụng phụ nếu sử dụng không phù hợp.
Vitamin C bôi ngoài da
Vai trò của vitamin C đối với thâm đỏ do mụn trứng cá chưa được nghiên cứu rộng rãi. Tuy nhiên, nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm ban đỏ do tia cực tím UVB gây ra. Vì vitamin C cũng có đặc tính làm sáng da nên phù hợp cho cả cho những người bị tăng sắc tố sau viêm (thâm đen) và cả những người bị hồng ban sau viêm (thâm đỏ).
Niacinamide
Niacinamide hay còn gọi là vitamin B3, có tác dụng giảm viêm và giúp da giữ ẩm. Niacinamide có một số lợi ích đối với thâm đỏ khi bôi tại chỗ. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có thể giúp giảm mụn nang. Tuy nhiên, nếu vùng da bị thâm đỏ lớn và không đáp ứng với thuốc bôi ngoài da như niacinamide thì nên gặp Bác sĩ Da liễu để được hướng dẫn điều trị.
Điều trị bằng các phương pháp kỹ thuật cao
Ngoài biện pháp điều trị bằng thuốc bôi ngoài da, Bác sĩ Da liễu có thể cân nhắc các phương pháp điều trị kỹ thuật cao dưới đây:
Điều trị bằng laser
Bác sĩ Da liễu sẽ chỉ định một số loại laser như laser xung cường độ cao và laser nhuộm xung để điều trị thâm đỏ. Các loại laser này hoạt động bằng cách xác định chính xác và loại bỏ các vùng mạch máu dưới da bị tổn thương, giúp giảm viêm và đổi màu da. Có thể mất vài lần điều trị để thấy được sự cải thiện tình trạng thâm đỏ.
Lăn kim
Lăn kim là một kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn, đây là phương pháp sử dụng nhiều kim nhỏ siêu bén và vô trùng để chọc thủng lớp biểu bì của da, tạo ra các vết thương vi điểm có kiểm soát trên da.
Quá trình gây ra vết thương và lành thương này có tác dụng làm trẻ hóa làn da bằng cách kích thích sản xuất collagen nội sinh, do đó phương pháp này còn có các tên gọi khác là liệu pháp cảm ứng collagen (collagen induction therapy – CIT) và cảm ứng collagen qua da (percutaneous collagen induction – PCI).
Lăn kim cũng giúp phá vỡ sẹo liên quan đến mụn trứng cá. Lăn kim để điều trị thâm đỏ nên được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu vì có thể dẫn đến kích ứng, mẩn đỏ và sẹo đáng kể. Cũng giống như phương pháp điều trị bằng laser, có thể cần thực hiện lăn kim nhiều lần để thấy được sự cải thiện của tình trạng thâm đỏ.
Cách điều trị thâm đen
Điều trị thâm đen bao gồm việc bảo vệ da hàng ngày khỏi tia cực tím. Đầu tiên cần điều trị chứng rối loạn viêm trên da. Sau đó, sử dụng liệu pháp làm sáng da tại chỗ như peel da hoặc laser. Liệu trình điều trị thường kéo dài hàng tuần hay hàng tháng. Vì vậy, không nên đặt kỳ vọng về sự cải thiện nhanh tình trạng thâm đen sau mụn.
Điều trị tại chỗ
Sử dụng các sản phẩm có chứa chất ức chế tyrosinase giúp ngăn sản xuất melanin. Phương pháp điều trị chính là sử dụng một chất làm sáng tại chỗ như hydroquinone hoặc có thể thay bằng mequinol nếu cần một chất ít gây kích ứng hơn.
Ngoài ra thường kết hợp với retinoid tại chỗ để tăng cường hiệu quả. Bộ ba được kết hợp thường sử dụng bao gồm hydroquinone 4%, tretinoin 0,05% và fluocinolone acetonide 0,01%. Steroid tại chỗ có thể làm giảm tác dụng kích ứng của chất làm sáng da retinoid nhưng chỉ nên sử dụng trong tối đa 8 tuần để giảm thiểu khả năng thay đổi da do steroid.
Retinoid tại chỗ bao gồm tretinoin, adapalene và tazarotene có hiệu quả trong việc điều trị mụn ẩn cũng như thâm đen và có thể được sử dụng lâu dài. Acid azelaic cũng có thể điều trị cả mụn trứng cá và thâm đen.
Peel da hóa học
Peel da hóa học là phương pháp loại bỏ các tế bào biểu bì có chứa melanin dư thừa. Acid salicylic, acid α-hydroxyl (acid glycolic, acid lactic) và acid trichloroacetic là các tác nhân peel da bề mặt và trung bình được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị mụn trứng cá.
Khi chỉ định peel da cho bệnh nhân, Bác sĩ Da liễu cần cá thể hóa điều trị để đạt được hiệu quả trị mụn tối ưu và đảm bảo an toàn, bao gồm việc lựa chọn tác nhân peel, nồng độ, thời gian và số lần thực hiện.
Điều trị bằng laser
Điều trị bằng laser bao gồm công nghệ Q-switched ruby laser, công nghệ Q-Switched Nd:YAG laser và công nghệ laser picosecond đã được sử dụng để điều trị thâm đen.
Năng lượng của tia laser sẽ giúp phá vỡ các hạt sắc tố, tạo thành những phân tử sắc tố nhỏ li ti và bị thực bào tiêu hoá rồi bài tiết ra ngoài cơ thể, từ đó giúp các vết thâm mờ hơn, da sáng và mịn màng hơn. Ưu điểm của phương pháp này là da không bị tổn thương, thời gian nghỉ dưỡng ngắn nên rất được các Bác sĩ và bệnh nhân ưu tiên lựa chọn.
Như vậy, về mặt cơ chế thì thâm đỏ và thâm đen là hoàn toàn khác nhau và có cách điều trị riêng biệt. Chính vì vậy việc phân biệt đúng tình trạng thâm mụn là quan trọng để tìm ra các phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp bạn không thể phân biệt rõ hoặc chưa lựa chọn được phương pháp điều trị cho mình, bạn nên tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được hướng dẫn chi tiết.
Tài liệu tham khảo
- “How to Treat Post-Inflammatory Erythema”. Healthline.com
- Angela Hou, Brandon Cohen, Adele Haimovic, Nada Elbuluk. “Microneedling: A Comprehensive Review”. Dermatol Surg. 2017 Mar;43(3):321-339
- Elizabeth Lawrence; Khalid M. Al Aboud. “Postinflammatory Hyperpigmentation”. Ncbi.nlm.nih.gov
- David E Castillo and Jonette E Keri. “Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018; 11: 365-372
- Nicole Wu. “What is Post Inflammatory Hyperpigmentation?”. Webmd.com
- “What to Know About Post-Inflammatory Erythema”. Webmd.com