Khoảng một thập kỷ trước, một số nghiên cứu khoa học cho rằng việc chơi các trò chơi rèn luyện trí nhớ sẽ giúp phát triển trí thông minh. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này đã chứng minh điều ngược lại, cách “rèn luyện trí não” này không hề có hiệu quả đối với trí thông minh của con người.
Geoffrey James – cây bút quen thuộc của tạp chí Inc., tác giả của quyển Business without the bullsh*t: 49 secrets and shortcuts you need to know (tạm dịch: 49 bí quyết điều hành doanh nghiệp một cách đơn giản và thông minh) cho biết, những nghiên cứu về tâm lý và thần kinh mới đây đã chỉ ra 5 “chiến lược” hiệu quả để phát triển trí thông minh. Một vài điều trong số đó có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
1. Tin rằng mình có thể làm được
Theo một cuộc nghiên cứu được trích dẫn từ New York Times, một nhóm sinh viên được sắp xếp tham gia vào các lớp rèn luyện trí não. Nhóm 1 được đảm bảo rằng họ sẽ trở nên thông minh hơn, nhóm 2 được cho biết thông tin ngược lại.
Kết quả được đánh giá thông qua các bài kiểm tra sau đó là, nhóm 1 tiếp thu hiệu quả đến 85% kiến thức được truyền đạt trong khi nhóm 2 chỉ tiếp thu được 54%.
Niềm tin rằng mình có thể trở nên thông minh hơn sẽ góp phần giúp điều đó trở thành hiện thực. Bởi vì não bộ nhận tín hiệu từ lòng tin của bạn và trở nên “hợp tác” hơn, từ đó giúp các tế bào thần kinh tạo nên sự kết nối. Như Henry Ford đã từng có câu nói nổi tiếng: “Dù bạn nghĩ rằng mình có thể làm được hoặc không thể làm được, bạn đều đúng”.
2. Thường xuyên tương tác xã hội
Thói quen tương tác xã hội, chẳng hạn như trò chuyện với bạn bè và gia đình cũng có thể làm tăng trí thông minh của bạn.
Một nghiên cứu được thực hiện từ năm 1998 – 2004 cho thấy, những người có tương tác xã hội nhiều hơn đạt được điểm số cao hơn so với những người ít tương tác xã hội khi làm các bài kiểm tra duy trì trí nhớ trong vòng 2 năm.
Một bất ngờ thú vị nữa là nội dung của những tương tác xã hội này không phải là yếu tố quan trọng. Bởi những người không có bằng đại học/cao đẳng lại có điểm số trung bình cao hơn so với những người có học thức cao.
3. Thường xuyên tập thể dục
Lời khuyên này thường được áp dụng để phòng tránh các loại bệnh có liên quan đến stress. Thế nhưng theo nghiên cứu mới nhất về khoa học thần kinh, việc tập thể dục giúp thúc đẩy BDNF – một protein có trong máu và não, có thể “tăng cường sự hình thành và phát triển của các tế bào thần kinh mới”.
Tập thể dục còn giúp thúc đẩy sự hoạt động của vùng hippocampus – vùng não liên quan đến bộ nhớ.
Nhiều CEO và người thành công bắt đầu ngày mới bằng việc tập thể dục. Dù họ có biết hay không thì thói quen này cũng giúp họ trở nên thông minh hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ.
4. Uống nhiều cà phê hoặc trà
Chất kích thích có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sự giải phóng dopamine vào các phần quan trọng nhất của não bộ, giúp tăng cường trí nhớ dài hạn.
Caffeine còn giúp ngăn chặn tác động của adenosine – một loại protein làm não hoạt động chậm lại để dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hạn chế adenosine giúp tế bào thần kinh làm việc mạnh mẽ hơn và giúp bạn trở nên thông minh hơn.
Caffeine còn làm sản sinh ra norepinephrine, làm tăng khả năng phản ứng, duy trì trí nhớ và năng suất chung của não bộ.
5. Thường xuyên… mơ mộng
Trái ngược với những quan niệm thông thường rằng việc để cho trí óc “đi lang thang” là một biểu hiện của sự lười biếng. Ngược lại, khi đang mơ mộng, tâm trí bạn “điên” một cách tích cực.
Sự mơ mộng giúp kết nối những phần rời rạc trong não, tạo ra các con đường thần kinh mới. Ở các cuộc nghiên cứu, tính trung bình những sinh viên hay mơ mộng lại làm tốt các bài kiểm tra ở mức độ tiêu chuẩn hơn so với các sinh viên quá tập trung vào các nhiệm vụ chính.
Mơ mộng cũng là bước đầu tiên trong rèn luyện chánh niệm – phương pháp mà Steve Jobs từng áp dụng để trở nên sáng tạo hơn.