Lợi dụng cách thức cho vay đơn giản, thủ tục nhanh gọn của các website hay các ứng dụng vay tiền online, rất nhiều hội nhóm như thế này đã thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia..Đơn cử như Hội Bùng App vay tiền và Chia sẻ cách đối phó. Để trạng thái hoạt động công khai, hội nhóm này có tới gần 100 nghìn thành viên. Mỗi khi có ai đó than thở về việc chưa biết xoay tiền đâu ra để trả nợ là ngay lập tức nhận được vô số những lời động viên, chấn an tinh thần kèm theo hướng dẫn rất chi tiết cách đối phó hay các quái chiêu móc tiền bùng tiền, quỵt nợ.
Đại tá Bùi Chiến Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh – cho biết: “Xuất phát từ thực tế có nhiều người vay nợ qua App và không có khả năng trả nợ. Và cũng xuất phát từ các hành vi đòi nợ bất hợp pháp như xiết nợ, đe dọa nhân phẩm của người vay nợ cũng như những người thân quen của họ khiến nhiều người không chịu được áp lực và tìm đến những hội nhóm dạy cách bùng tiền như một giải pháp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho những hội nhóm này xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng XH, thu hút không chỉ những người đang vay nợ mà là cả những đối tượng có ý định chiếm đoạt tiền của những App cho vay. Từ đó gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”.
Cơ quan công an nhận định, đặc điểm chung của đa số thành viên trong các hội nhóm này chính là kiểu tư duy “không làm mà vẫn có ăn”, chỉ trực chờ đi vay để tiêu sài và cuối cùng là bùng tiền, quỵt nợ. Mánh khóe vay tiền và bùng nợ được tiền vay qua App được chia sẻ nhiều nhất là dùng thông tin giả, sim rác, danh ba điện thoại ảo. Đây chính là nguyên nhân khiến thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người dân bị đòi nợ oan dù không hề vay tiền. Như trường hợp người dân này bỗng nhiên bị các đối tượng cho vay năng lãi nhắn tin đòi nợ, cắt ghép ảnh, xúc phạm danh dự phát tán trên mạng xã hội.
Cũng rất đáng lo ngại khi rất nhiều thành viên trong các hội nhóm này không hề e ngại khoe khoang chiến tích bùng được tiền vay qua App. Lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như làm CCCD giả, bán tài khoản mạng XH ảo, bán danh bạ điện thoại ảo hay thậm chí là cả những bộ hồ sơ đẹp để dễ dàng vay tiền qua App.
Đại tá Bùi Chiến Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay: “Những đối tượng dạy cách bùng tiền vay qua App này nhiều khả năng lại chính là những đối tượng lập ra những App cho vay. Mục đích là để những người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng việc vay tiền qua App rất đơn giản, nếu không có khả năng trả nợ thì cũng có thể dễ dàng bùng tiền, quịt nợ. Từ đó thu hút ngày càng nhiều người hơn tìm đến việc vay tiền qua App. Đây có thể coi như một kiểu quảng cáo, marketing cho các App cho vay tiền chứ không đơn thuần là việc tư vấn, chia sẻ một cách miễn phí. Do vậy có thể nhận định việc tham gia và làm theo hướng dẫn của các hội nhóm dạy cách bùng tiền này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.
Bùng tiền, trốn nợ online là phạm pháp
Hoạt động cho vay và đi vay có thể thực hiện dưới nhiều hình thức thỏa thuận: Bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng thông điệp dữ liệu điện tử hay còn gọi là cho vay qua App. Với các khoản nợ phát sinh thông qua các hợp đồng kinh tế như xây dựng, sản xuất, kinh doanh, thời hạn đòi nợ theo quy định của pháp luật là 3 năm.
Bộ luật Hình sự cũng quy định rất cụ thể. Với trường hợp, người vay tiền qua App, ngay từ đầu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách làm giả một số giấy tờ như CCCD, chứng minh thu nhập để bên cho vay giải ngân, sau đó chiếm đoạt thì hành vi này có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất có thể là tù chung thân.
Còn đối với các trường hợp tham gia bình luận, tư vấn, chia sẻ các cách bùng, quỵt tiền trong các hội nhóm, nếu cơ quan CA điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự. Đây cũng là điều mà mỗi người dân cần biết để tránh tự đưa bản thân mình rơi vào vòng lao lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!