Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh – vụ Đông 2022

Phong trào trồng cây vụ Đông trong những năm qua đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân tỉnh Thái Bình. Cây bí xanh là một trong những cây trồng được lựa chọn vì nó có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, dễ thâm canh, cho năng suất và hiệu quả cao.

1. Thời vụ

Bí xanh là cây ưa ấm nên thời kỳ cây ra hoa đậu quả cần điều kiện thời tiết ấm áp để đảm bảo cho năng suất cao. Vì vậy, vụ Đông nên tranh thủ thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể gieo hạt từ 20/8-25/9, thời vụ trồng bí xanh nên kết thúc trước ngày 10/10/2022.

Để chủ động quỹ đất trồng bí xanh trên chân ruộng 2 lúa, từ vụ Mùa 2022 cần phải chủ động lựa chọn các giống ngắn ngày, gieo cấy trà lúa mùa sớm hoặc cấy hàng rộng hàng hẹp để tiện đặt bầu.

2. Giống

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại giống bí xanh để lựa chọn như giống bí xanhSố 1, bí xanh Số 2, bí xanh HN999…

Lượng hạt giống: từ 15-20g/sào (trồng bò lan), 25-30g/sào (trồng giàn).

3. Gieo hạt

Ngâm ủ: Ngâm hạt giống trong nước sạch từ 6-8 tiếng, vò nhẹ và rửa cho hết nhớt, gói vào vải ẩm rồi đem ủ ấm. Sau ủ khoảng 40-48 giờ kiểm tra hạt, hạt nứt nanh thì tiến hành gieo.

Gieo hạt: Tùy vào điều kiện thời tiết cũng như quỹ đất ở từng địa phương có thể gieo hạt trực tiếp trên ruộng, mỗi hốc từ 1- 2 hạt hoặc gieo hạt vào bầu rồi trồng ra ruộng. Nên áp dụng biện pháp trồng bầu để đảm bảo thời vụ, đặc biệt trên diện tích đất 2 vụ lúa.Trồng bầu sẽ thuận tiện hơn trong việc chăm sóc cây con và khi đưa cây con ra ruộng sẽ phát triển nhanh hơn, rút ngắn thời gian trên đồng ruộng.

Đất làm bầu: Chuẩn bị đất bột (đất ải, đất vườn hoặc bùn mương, máng phơi khô đập nhỏ) + mùn mục (phân chuồng mục, trấu…) theo tỉ lệ 1:1.

Làm bầu: Mỗi sào cần chuẩn bị 320 – 350 bầu (trồng bò lan), 650-700 bầu (trồng làm giàn). Tuỳ thuộc thời gian cây con ở trong bầu để làm kích cỡ bầu khác nhau, thông thường bầu có đường kính từ 5-6 cm. Vỏ bầu có thể sử dụng túi bầu chuyên dùng được bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, hoặc làm bằng lá chuối, vỏ bao xi măng, bằng túi nilon có chọc lỗ thủng… hoặc có thể gieo bầu bánh chưng.

Rất hay:  Cách nhận Robux miễn phí trong Roblox

Gieo hạt vào bầu: Cho đất vào bầu cách mặt bầu 1cm, tưới nước đủ ẩm rồi mới tra hạt, sau đó phủ đất cho kín hạt. Đối với bầu làm bằng lá chuối, vỏ bao xi măng,… khi cho đất vào bầu cần nén chặt 1/3 đế bầu để tạo đế khi vận chuyển không làm vỡ bầu.

Nền đặt bầu: Nên chọn chỗ dại nắng, không bị lá cây rụng để đặt bầu, giúp cây sinh trưởng khoẻ, khi đưa ra ruộng cây dễ thích nghi và không bị héo. Đặt bầu thoáng cách nhau 2-3cm giúp cây con không bị vống, lá không bị cài vào nhau.

Chăm sóc cây con trong bầu:

+ Thường xuyên tưới ẩm.

+ Khi bắt đầu nảy mầm, một số cây bị ấp vỏ, dùng tay tách nhẹ vỏ để cây phát triển bình thường.

+ Có thể dùng lưới đen để che bớt nắng trong những ngày nắng to, hoặc dùng nilon trắng che những ngày trời mưa để giúp cho cây con trong bầu phát triển tốt.

+Dùng lân pha loãng để tưới cho cây con giúp bộ rễ phát triển tốt.

+ Để phòng trừ bệnh hại cây tốt nhất cứ 4 – 5 ngày tưới hoặc phun 1 lần bằng thuốc Validacin, Anvil,…

+ Khi cây con có 1,5 – 2 lá thật đem trồng là tốt nhất. Tùy vào điều kiện cụ thể, nếu chưa có ruộng trồng hoặc trời mưa chưa thể trồng ra ruộng được thì cần bổ sung dinh dưỡng cho cây con bằng lân Supe pha loãng hoặc phun các loại phân qua lá, chế phẩm sinh học như KH, siêu lân,…

4. Làm đất

Chọn ruộng trồng bí xanh ở nơi cao ráo, thuận tiện tưới tiêu. Cày bừa, nhặt sạch cỏ dại, lên luống và xử lý mầm sâu bệnh (áp dụng trên vùng chuyên màu). Trên đất 2 lúa nên áp dụng hình thức làm đất tối thiểu và trồng bò lan.

– Trồng cắm giàn: Lên luống rộng 1,5 m; rãnh rộng 30cm; cao luống 25 – 30cm, trồng 2 hàng trên luống với khoảng cách hàng cách hàng 80cm; cây cách cây 50cm.

– Trồng bò lan: Lên luống rộng 3,6 – 4 m, vét rãnh sâu 25 – 30 cm, rộng 30 – 40 cm, trồng hai hàng trên luống, hàng cách hàng 3 – 3,5 m, cây cách cây 30-35cm (1bầu/hốc).

Trường hợp chưa thu hoạch lúa mùa cần tháo cạn nước trước khi đưa bí ra trồng; Cứ khoảng 3,6 – 4 m gặt 3 – 4 hàng lúa sau đó cuốc một đường ở giữa để tạo rãnh, đồng thời lấy đất phủ xung quanh bầu và lấp phân sau này, hai bên rãnh là 2 mép luống trồng 2 hàng bí để khi bí ngả ngọn bò quay ngọn vào giữa luống.

Rất hay:  Cách cài đặt skin trong Minecraft bằng TLauncher

Lưu ý: Cần phải tạo rãnh sâu để thoát nước nhanh khi có mưa lớn.Chọn vị trí cao nhất để đặt bầu nổi lên trên mô đất, không nên đặt bầu sát với mặt ruộng. Khi trồng cần làm nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu, đứt rễ.

5. Phân bón

– Lượng phân bón cho mỗi sào: 4-5 tạ phân chuồng hoai mục (hoặc 30 – 40 kg phân hữu cơ hoặc phân vi sinh); 20 – 25 kg Lân Supe; 10 – 12 kg đạm Ure; 8 – 10 kg Kali; 15 – 20 kg bôi bột.

Nên ưu tiên dùng phân NPK dễ tiêu như loại 16:16:8, 13:13:13, 20:20:20,… dùng cho cả bón lót và bón thúc với lượng từ 25-30 kg/sào tùy theo từng chân đất…

– Cách bón:

+ Bón lót: Bón 100% phân chuồng hoặc phân hữu cơ, phân vi sinh +100% phân Supe Lân + 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali + 100% vôi bột, hoặc 1/3 lượng phân NPK.

Lưu ý: Phân bón lót có thể rải đều theo hàng trồng trên luống hoặc bón theo từng hốc, đảo đều với đất, sau đó phủ đất thành từng mô ở mỗi hốc rồi tra hạt hoặc đặt bầu; không đặt bầu trực tiếp lên phân bón lót. Nếu đất ướt, không nên bón lót bằng đạm Ure và Kali, khi cây bén rễ hồi xanh hòa loãng lượng phân này để bón nhử cho cây.

+ Bón thúc:

  • Nếu dùng phân đơn: chia làm 3 lần bón thúc:

Thúc lần 1 (khi cây có 3-4 lá thật): bón 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali.

Thúc lần 2 (khi cây bắt đầu ngả ngọn bò, hoặc lúc bắt đầu leo lên giàn): bón 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali;

Thúc lần 3 (sau khi cây đậu quả rộ): bón hết lượng phân bón còn lại.

  • Nếu dùng phân NPK chia làm 2 lần bón thúc:

Thúc lần 1 (khi cây có 3-4 lá thật): bón 1/3 lượng phân NPK.

Thúc lần 2 (khi cây bắt đầu ra hoa đậu quả): bón hết 1/3 lượng phân NPK còn lại.

Nếu dùng màng phủ nilon thì sau khi cây có 2-3 lá thật bón hết lượng phân NPK, vun luống rồi phủ màng phủ nilon.

Lưu ý: Phân bón thúc phải bón xung quanh gốc và cách xa gốc từ 5-10cm. Giai đoạn sau, tùy điều kiện có thể phun thêm một số loại phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng nếu cần.

6. Tưới tiêu

Ở giai đoạn đầu sau gieo trồng cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau mọc mầm (gieo hạt trực tiếp trên ruộng), nhanh bén rễ hồi xanh (trồng bầu), đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Thời kỳ ra hoa kết quả cần nhiều nước, cần tưới đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Nếu thiếu nước cây sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh phát triển gây thiệt hại năng suất. Những lần tưới nước sau nên áp dụng hình thức tưới rãnh để đảm bảo “trên khô, dưới ẩm”. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu được ngập úng.

Rất hay:  Phép Chia Cho Số Có Ba Chữ Số Lớp 3 Và Bài Tập Vận Dụng

7. Các biện pháp chăm sóc khác

Sau khi thu hoạch lúa, vét rãnh hoàn thiện luống, rơm rạ khô trải ra mặt ruộng để khi bí bò bám tua không bị gió lật và kê quả giúp mẫu mã quả đẹp hơn (không dùng rơm rạ ở những ruộng lúa bị bệnh khô vằn). Trên ruộng chuyên màu hoặc ruộng làm đất kĩ nên dùng màng phủ vừa có tác dụng kê quả, vừa có tác dụng giữ ẩm mặt luống và hạn chế cỏ dại.

Vun lần 1 kết hợp với bón thúc lần 1; vun lần 2 kết hợp với bón thúc lần 2.

Khi cây được 5 – 6 lá thật tiến hành bấm ngọn để kích thích ra nhánh cấp 1. Mỗi cây chỉ để lại 2 – 3 nhánh cấp 1. Nếu thu bí non thì mỗi nhánh có thể để 2 – 3 quả, nếu để thu bí già thì mỗi nhánh chỉ nên để 1 quả. Sau đó bấm ngọn cho nuôi quả tập trung. Nếu để bí bò lan, khi cây dài 60 – 70cm có thể dùng đất chặn ngang đốt để cho bí ra rễ bất định, tăng khả năng hút chất dinh dưỡng và giữ dây.

Thụ phấn bổ sung để tăng mẫu mã và chất lượng quả.

Hái bỏ những quả bí khi mới đậu bị dị dạng, bị sâu bệnh.

Hàng ngày cần buộc cây vào dàn, buộc theo kiểu số 8 (nếu trồng giàn).

8. Phòng trừsâu bệnh

– Giai đoạn đầu sau khi gieo trồng ra ruộng, nếu gặp mưa hoặc đất quá ẩm, nên chủ động phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng một số loại thuốc như Validacin hoặc Anvil.

– Thường xuyên hái bỏ lá già, lá bị sâu bệnh để hạn chế sự trú ngụ, lây lan của sâu bệnh.

– Thường xuyên kiểm tra và chủ động phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.

9. Thu hoạch

Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Nếu thu bí non nên thu ở giai đoạn 25 – 30 ngày sau khi đậu quả. Nếu thu bí già nên thu sau khi quả đậu 50 – 60 ngày.

ThS. Lại Thị Bích Hợi