Bạn có dự định mua hoa hồng về trồng trong sân nhà mình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Kỹ thuật trồng hoa hồng khi mới mua về như thế nào? Cách chăm sóc chúng ra sao? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để biết cách trồng hoa hồng khi mới mua về nhanh ra hoa bạn nhé!
Chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện cách trồng hoa hồng khi mới mua về
Chọn giống hoa hồng
Tại Việt Nam có khoảng 50 loại hoa hồng, đa dạng kiểu dáng và màu sắc. Tùy vào từng loại sẽ phù hợp với điều kiện sống khác nhau. Vậy nên đối với những bạn mới bắt đầu trồng hoa hồng cần tìm hiểu kỹ loại hoa hồng trước khi mua. Bạn có thể mua cây chiết cành, giâm cành hay cây ghép tại vườn.
Chọn chậu phù hợp
Việc chọn chậu trồng cũng vô cùng quan trọng, quyết định sự sinh trưởng và phát triển của cây. Bạn cần chọn chậu hoa hồng phù hợp với kích thước và độ tuổi của cây. Nếu là cây trưởng thành, thân cây lớn, nhu cầu nước nhiều thì bạn trồng trong chậu lớn. Nếu là cây giâm cành bộ rễ còn nhỏ, bạn trồng cây trong chậu nhỏ để đảm bảo thoát nước tốt, tránh tình trạng ngập úng gây thối rễ. Nên chọn chậu có nhiều lỗ thoát nước.
Chọn vị trí trồng cây phù hợp
Hoa hồng là loài cây ưa nắng, khi trồng bạn cần đảm bảo mỗi ngày cây tiếp xúc với nắng khoảng 6- 7 tiếng. Vị trí trồng hoa lý tưởng có thể kể đến như sân thượng, ban công hoặc vườn, nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, thoáng gió.
Đất trồng hoa hồng
Đây là yếu tố cơ bản mà người trồng cần lưu ý khi thực hiện cách trồng hoa hồng. Tốt nhất bạn nên lựa chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt, giữ ẩm cao. Dưới đây là công thức trộn đất trồng hoa hồng trong chậu cho hoa sai, to, đậm màu mà Monrovia gợi ý cho bạn:
- ⅓ Đất thịt sạch
- ⅓ Trấu hun
- ⅓ Phân trùn quế
- Một chén đá perlite (Đây là phần bổ sung không nhất thiết phải có).
Cách trồng hoa hồng khi mới mua về
Cách trồng hoa hồng khi mới mua xuống đất
Trước khi thực hiện cách trồng hoa hồng bạn cần chuẩn vị dụng cụ và nguyên vật liệu sau đây:
- Phân Lân
- Cây hoa hồng mới
- Dăm gỗ, mùn vụn, vỏ cây,… làm lớp phủ
- Xẻng làm vườn
- Găng tay làm vườn
Bước 1: Đào hố trồng cây
Dùng xẻng đào một cái hố rộng hơn một chút so với bầu đất gốc của cây hoa hồng khi mới mua về. Thêm một ít phân hữu cơ vào hố để tăng dinh dưỡng cho đất. Tiếp đến trộn phân lân vào đất và để lại một ít để lấp hố sau khi trồng. Điều này sẽ giúp hoa hồng thích nghi với môi trường sống mới. Lưu ý không bón thêm bất kỳ thức gì vào thời điểm trồng, có thế cây mới tập trung nuôi rễ, rễ bám chặt vào đất trước, chồi mới phát triển được.
Bước 2: Chuẩn bị hoa hồng
Mở phần bao nilon mà người trồng bọc rễ lại cẩn thận cắt bỏ rễ bị gãy hoặc mềm, thối. Lưu ý cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ cắt để tránh làm rễ hư tổn, nhiễm bệnh. Ngâm rễ vào nước 12 tiếng trước khi trồng để rễ cây có đủ độ ẩm.
Đối với cây hoa hồng trưởng thành hãy cắt tỉa những cành dài xuống khoảng 15- 20 cm. Mục đích của việc cắt tỉa là để cây tập trung dinh dưỡng phát triển bộ rễ, thay vì nuôi dưỡng ngọn cây.
Bước 3: Trồng hoa hồng
Tạo một gò đất ở giữa hố trống. Tiến hành đặt rễ cây vào gò đất. Phủ rễ xuống bao quanh gò đất và lấp đất vào đầy hố. Tiếp theo, tưới nước vào đất khi lấp xong hố để đất lắng xuống. Tiếp tục lấp đất vào hố và vỗ nhẹ đất xuống vùng rễ, để hơi nén chặt.
Bước 4: Tưới nước và phủ lớp phủ
Tưới nước đẫm cho cây đồng thời phủ thêm 2- 5cm rơm rạ, mùn vụn, vỏ cây vụn lên quanh vùng gốc của nó. Điều này giúp giữ độ ẩm trong đất, ngăn chặn cỏ dại và chống nóng cho cây.
Cách trồng hoa hồng khi mới mua về vào trong chậu
Trồng hoa hồng vào chậu cũng cần chuẩn bị dụng cụ và nguyên vật liệu như sau:
- Chậu cây phù hợp với kích thước và độ tuổi của cây.
- Đất trộn sẵn theo công thức Monrovia đã chia sẻ.
- Kéo cắt chuyên dụng làm vườn.
- Phân hữu cơ
- Mùn hữu cơ
- Đá perlite: đóng vai trò giữ nước, chống xói mòn chất dinh dưỡng của đất.
- Đá cuội: đá này dùng để phủ quanh gốc cây giúp yếm khí, phân giải dinh dưỡng có trong vi sinh vật có lợi cho cây. Ngoài ra, dùng để trang trí cho chậu hoa hồng thêm xinh.
- Phân bón hoa hồng.
Sau khi đã có đầy đủ dụng cụ và nguyên vật liệu, chúng ta tiến hành trồng hoa hồng mới mua về vào trong chậu:
- Bước 1: Đổ ⅔ đất đã trộn vào chậu. Lót một tầng đá cuội dày khoảng 3cm ở gần đáy để hạn chế việc rửa trôi khoáng và chất dinh dưỡng.
- Bước 2: Cắt bao nilon bao quanh bầu đất của cây hoa hồng và đặt cây thẳng đứng vào chậu. Dùng kéo tỉa bớt phần cành dài, mục đích để cây tập trung nuôi rễ khỏe hơn là phát triển cành.
- Bước 3: Vỗ nhẹ chậu để đất trải điều, sau đó cho tiếp ⅓ phần đất còn lại vào trong chậu sao cho đất lấp sát phần rễ giao với phần thân. Hơi ém nhẹ đất xuống.
- Bước 4: Tưới đẫm nước cho cây cho đến khi đáy chậu thoát nước là được. Đặt chậu ở nơi ánh sáng chiếu vào ít nhất 6 giờ/ ngày. Theo dõi và tưới nước đầy đủ cho cây hằng ngày.
Bí quyết chăm sóc hoa hồng khỏe mạnh, sai hoa
Sau khi đã nắm được kỹ thuật trồng hoa hồng đúng chuẩn, người trồng cần ghi nhớ cách chăm sóc cây hoa hồng dưới đây để cây ít sâu bệnh, mau hoa.
Chế độ tưới tiêu
Cây hoa hồng khi trồng ở nơi nhiều nắng cần được tưới nước thường xuyên. Tưới nước đẫm cho cây khi thấy phần gốc khô. Đối với cây hoa hồng trồng trong chậu có khả năng giữ nước hạn chế hơn, cần tưới nước thường xuyên, mỗi ngày 2 lần tùy vào điều kiện thời tiết.
Chế độ phân bón
Hoa hồng cần được bón phân cách 1 tuần, 1 lần. Tùy vào từng giai đoạn phát triển, cây hoa hồng cần dưỡng chất khác nhau. Các loại phân bón có thể bón cho cây như: Phân bón đậu tương, NPK, dịch chuối humic. Cần ngâm cho phân tan trong nước trước khi bón cho cây. Liều lượng phân bón phải phù hợp, không được bón quá nhiều dễ gây cháy phân.
Tuyệt chiêu phòng và trị sâu bệnh
Sâu bệnh và nấm gây hại dễ xuất hiện khi trồng hoa hồng trong môi trường thiếu ánh sáng, đất ẩm do tưới quá nhiều nước. Vì thế, người trồng hoa hồng cần nắm bắt một số dấu hiệu loại bệnh thường gặp ở hoa hồng để phòng bệnh và chữa bệnh cho cây.
- Bọ trĩ: làm cây hoa hồng xoăn lá, quầng đen, chồi thui không nở được, hoa biến dạng,… Bệnh thường xuất hiện vào thời tiết hanh khô, nắng nóng.
- Nhện đỏ: Ăn biểu bì, chích hút mô dịch của lá cây. Từ đo, làm lá chuyển sang màu vàng, mặt trên màu vàng, mặt dưới có đốm trắng lấm tấm như bụi cám. Nếu cây bị bệnh nặng lá sẽ bị phồng rộp, sau đó lá cứng và vàng khô lại.
- Rệp vảy: là loại côn trùng có vảy màu nâu, trắng hoặc xanh bám chặt trên thân cây hoa hồng hút chất dinh dưỡng của cây làm cây còi cọc, thân đen và chết.
- Rệp sáp: Khi cây bị bệnh sẽ có đốm li ti màu trắng như nấm mốc trên thân và lá. Rệp sáp hút nhựa cây, hút chất ngọt của quả và lá cây, lá non, tấn công nụ khiến cây vàng úa, còi cọc, hoa dị dạng.
- Nấm lá: dấu hiệu cây bị nấm lá là lá xuất hiện đốm đen, phấn trắng hay màu như rỉ sắt. Các bệnh này sẽ khiến cây rụng lá, thân khô và cây sẽ chết.
Khi gặp những dấu hiệu trên bạn cần sử dụng chế phẩm sinh học để tiêu diệt côn trùng gây bệnh. Đồng thời loại bỏ tất cả lá, chồi, hoa bị nhiễm bệnh để tránh lây lan cho cây.
Kỹ thuật cắt cành cũng nằm trong cách trồng hoa hồng mới mua về
Việc cắt tỉa định kỳ cho hoa hồng là điều cần thiết. Cắt tỉa bớt lá sẽ giúp gốc cây thông thoáng, tránh ẩm mốc gây bệnh. Đồng thời, bạn cần tỉa bỏ những lá bị nhiễm bệnh bỏ thùng ra không bỏ gốc cây, phòng ngừa lân lan bệnh.
Đối với cây hoa hồng lâu năm, xanh tốt thì bỏ 3 cặp lá đầu tính từ ngọn xuống, hướng cắt nghiêng 45 độ, ra bên ngoài cây. Đối với cây hoa hồng non có 1 tới 2 nhánh thì chỉ nên cắt tỉa 1- 2 cặp lá đầu tính từ ngọn xuống. Sau khi cắt tỉa, cây hoa hồng cần được bón phân giúp cây sinh trưởng tốt.
Khi cắt tỉa xong, hãy quan sát cây một thời gian. Nếu cây ra nhánh mới màu đỏ tía đậm và cành mập mạp thì cây của bạn đang phát triển rất tốt, đầy đủ dinh dưỡng. Ngược lại, nếu cây trở nên ốm yếu thì bạn phải chăm sóc và bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Thời điểm cắt tỉa hoa hồng là việc diễn ra thường xuyên trong năm. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất là khi khí hậu mát mẻ, không nắng nóng hay mưa nhiều.
Trên đây là hướng dẫn cách trồng hoa hồng vừa mới mua về sao cho cây khỏe, nhanh ra hoa. Hy vọng rằng những chia sẻ của Monrovia Việt Nam sẽ giúp bạn trồng thành công cây hoa hồng mà mình yêu thích.