Vẽ người với những cử động và các tư thế
* Vẽ người đang hoạt động:
Nhân vật thể hiện trong tranh minh họa hay quảng cáo phải được quan sát kỹ trong đời sống thực.
Trước tiên phải nghiên cứu bước đi, bước chạy, bước nhảy, những hành động làm cho cơ thể chuyển động. Hàng ngày các bạn gặp những người luôn vội vã, không có gì đơn giản hơn đối với bạn bằng việc phân tích những tư thế khác nhau của họ để vẽ lại ngay sau đó vào sổ tay.
Trên sân thể thao, bạn hãy quan sát dáng điệu của vận động viên điền kinh, sự phối hợp ăn ý giữa tay và chân. Gần tới đích, cơ thể vươn thẳng ra trước trong một động tác cố gắng cuối cùng.
Những hình vẽ trên phân tích dáng điệu của những bước đi, bước nhảy và cho thấy đặc trưng của các hoạt động trên.
* Vẽ các động tác:
Múa là một động tác làm cho cơ thể thêm phần duyên dáng và uyển chuyển. Hãy quan sát trong những hình vẽ trên sự nhẹ nhàng, bay bổng ở những động tác của tay chân người phụ nữ.
Bằng cách soi gương, bạn có thể tạo cho mình nhiều tư thế khác nhau và thực hiện những bức phác họa.
Hãy thay đổi tư thế của tay và chân. Những bài tập được thực hiện nhiều lần này sẽ giúp bạn làm quen với bài vẽ người đang cử động.
Trên đây là các động tác khi chơi thể thao với tư thế và điệu bộ của người đang thực hiện các động tác ấy.
Ta thấy dáng vẻ của người đánh quần vợt luôn thay đổi (lúc đánh bên phải, lúc đánh xuống, đánh bổng… trong các tư thế cúi xuống, chạy, nhón chân).
* Điệu bộ và tư thế:
Những bức vẽ trên cho thấy một loạt những dáng điệu biểu cảm.
Hãy quan sát xung quanh và vẽ nhiều dáng điệu mà bạn bắt gặp. Bạn hãy diễn tả sự buồn bực, mãn nguyện, sự lưỡng lự, kinh ngạc bằng những nét biểu cảm trên khuôn mặt hay cử chỉ của bàn tay.
Dáng điệu thể hiện rõ đặc trưng tính cách hay công việc của những người bán hàng, người đưa thư, người bán dạo…
Y phục của một người dù giản dị thế nào vẫn thể hiện được phong cách của người đó. Chúng ta hãy quan sát và so sánh sự hình thành các nếp gấp của quần áo trong những tư thế khác nhau.
Hãy vẽ nhiều kiểu dáng khác nhau, điều đó sẽ giúp bạn nắm bắt được đặc điểm riêng của từng mẫu người, từ đó có thể phác được một cách nhanh chóng, chính xác điệu bộ và tư thế phù hợp với họ.
* Trang phục:
Chúng ta hãy lấy một chiếc khăn và treo chúng lên bằng hai đầu khăn. Trọng lực tạo cho khăn những nếp gấp ởđó những điểm sáng và vùng tối nổi rõ.
Chất liệu vải cũng cần được nghiên cứu: thô rám của len hay sự mềm mại bóng bẩy của tơ lụa…
Hãy thể hiện những bài tập này bằng bút chì và bút mực, sau đó vẽ lại bằng màu nước, cọ…
Với lớp y phục khoác bên ngoài, họa sĩ phải tạo được cảm xúc cho nhân vật lúc cử động cũng như lúc đứng yên.
Những danh họa thường vẽ khỏa thân trước, sau đó mới khoác áo cho nhân vật. David, Ingres, Raphael, Durer… để lại rất nhiều tác phẩm cho thấy sự điêu luyện của họ trong lĩnh vực này.
Bạn hãy chú ý quan sát và phác họa theo mẫu những nếp gấp ở khuỷu tay hay chỗ đầu gối của trang phục. Lưu ý đến sự khác biệt giữa những loại vải mỏng như lanh và dày như len vì nó sẽ làm cho nét vẽ của bạn ngày một thành thục.
Họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa phải thật khéo và phải diễn tả được những nhân vật với các cử động tự nhiên.
Tạo độ bóng để làm nổi rõ những nếp gấp trên bản vẽ.
Những nếp gấp của trang phục ở khuỷu tay hay đầu gối thường giống nhau, do đó người học vẽ phải nhớ kỹ những đường nét và có thể vẽ lại một cách dễ dàng.
Hãy sử dụng triệt để những mảng tối và sáng để thể hiện rõ vẻ đẹp của trang phục.
Chúng ta sẽ kết thúc phần học vẽ trang phục bằng việc vẽ những nhân vật đang ngồi với một vài chi tiết (như áo veston, sơ mi…).
Bạn hãy vẽ trên khổ giấy 21 x 27, khổ giấy này cho phép bạn thực hiện bản vẽ lớn hơn, mạnh dạn hơn.
Hãy tập vẽ thành thào bài tập này bằng cách tiếp tục những bức phác họa trên giấy màu hơi phớt trắng.
* Vẽ nhân vật theo tính cách:
Bất kể nhân vật là ai, nghề nghiệp và cá tính sẽ tạo cho họ một phong cách riêng.
Người vẽ phải quan sát kỹ cho dù đối tượng là viên chức, lính, thợ thuyền hay nông dân. Ngoài ra họ phải biết rõ về những trang phục gắn liền với nghề nghiệp của người được vẽ cho phù hợp.
Ở trang này là những nhân vật được vẽ theo tính cách. Người học vẽ ngoài việc nắm bắt tính cách cần phải có những hiểu biết về trang phục phù hợp với từng thời đại, từng địa phương, nghề nghiệp riêng…
* Luyện vẽ những đường nét mềm mại:
Phụ nữ là đề tài hấp dẫn với hình thể duyên dáng, tư thế xinh đẹp, trang phục bắt mắt.
Hãy vẽ một khuôn mặt sắc sảo, một ánh mắt dịu dàng hay sống động, những hàng lông mi cong. Mái tóc cũng cần được quan tâm, vì tóc tạo cho khuôn mặt phong cách riêng. Miệng cũng phải gợi cảm, tươi tắn.
Phải nắm vững cách vẽ cơ thể người để vẽ những nhân vật theo trí nhớ.
Chúng ta đã học những nét vẽ cơ bản để có thể nhớ những đặc trưng của vóc dáng phụ nữ, từ đó tập vẽ dáng điệu, những cử động, sự biểu cảm của nét mặt, cơ thể.
Trên đây là những đường cong gợi cảm thể hiện vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ.
Hãy vẽ thật nhiều để luyện tay và làm chủ được nét bút của mình.
* Vẽ tranh quảng cáo:
Trên đây là những đề tài thông thường được dùng trong quảng cáo: lịch, bảng quảng cáo tranh ảnh trong sách báo… Những dáng điệu và cử chỉ phải thể hiện được sự tươi tắn, uyển chuyển, duyên dáng. Hãy sáng tác thật nhiều dáng điệu (cử động của tay, chân) để thể hiện vẻ mềm mại của cơ thể phụ nữ.
Cho dù là một bức tranh quảng cáo tất chân, đồ lót, hay một quảng cáo ở bãi biển, thì những tư thế của phụ nữ phải duyên dáng, đầy gợi cảm. Một thân hình mảnh mai là một cách quảng cáo tuyệt vời vì rất dễ thu hút sự chú ý của mọi người.
Cách vẽ đầu người cũng có những quy tắc như mắt phải sáng và long lanh, lông mi cong dài, chân mày sắc, tóc bóng mượt, miệng được tô điểm kỹ…
Một nụ cười đẹp rất cần thiết cho quảng cáo kem đánh răng; những mái tóc đẹp đi kèm với quảng cáo dầu gội sẽ thu hút đông đảo người mua.
* Những bậc thầy trong vẽ trang phục có nếp gấp:
Những họa phẩm trên cho ta thấy các bậc thầy đã nghiên cứu cách vẽ trang phục có nếp gấp như thế nào. Về đề tài này, chúng ta nên nghiên cứu những bức tượng của Hy Lạp, La Mã hay thời Phục Hưng. Chúng rất độc đáo vì sự hoàn hảo của các nếp gấp trên trang phục.
>>> Đại cương về hội họa (Phần 1)
>>> Đại cương về hội họa (Phần 2)
>>> Đại cương về hội họa (Phần cuối)
>>> Vẽ người (Phần 1)