Theo Bộ Y tế, sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các loại thực phẩm sẽ hạn chế tác nhân lây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên. Sử dụng gừng, sả, tỏi đun sôi để xông là cách hiệu quả để giảm các triệu chứng, song cần thực hiện đúng cách. Theo Đông y, gừng tươi vị cay, tính ấm, tác dụng giải biểu, tán hàn, giải độc. Chính vì thế, gừng có thể dùng để thông khí tinh thần, thông mũi họng. Sả vị cay, thơm, tính ấm, chống viêm, tiêu đờm. Tỏi được coi như chất kháng sinh và kháng khuẩn, tiêu diệt vi trùng. Các chế phẩm từ tỏi (rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông) có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh có thể xông hỗn hợp gừng, tỏi, sả để làm giảm triệu chứng về mũi. Hỗn hợp sau khi đun sôi, chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Ngoài ra, có thể đun, nấu các loại dược liệu sau để xông và sát khuẩn phòng:
Phương pháp 1:
– Nguyên liệu: hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió…
– Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200 – 400 g tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập, đậy nắp rồi đun sôi lăn tăn. Khi nước sôi già, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuyếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Phương pháp 2:
– Nguyên liệu: sử dụng tinh dầu hoặc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế… được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
– Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10 – 40 m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 – 4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 – 3 lần.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng lưu ý, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Về việc sát khuẩn/vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng, có thể sử dụng dung dịch có nguồn gốc từ dược liệu có tác dụng tuyên phế lợi họng, thuốc cổ truyền để súc họng, xịt mũi họng, xông mũi họng nhằm làm sạch đường hô hấp trên. Cũng theo hướng dẫn, gia đình có thể lựa chọn sử dụng thêm một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng như hoài sơn, trần bì, hoàng kỳ, bạch linh, bạch biển đậu, đảng sâm, thái tử sâm, ý dĩ nhân, cam thảo…
Sau khi xông cần lau khô, giữ ấm và tránh gió. Lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã. Đặc biệt, chỉ những người có triệu chứng bệnh mới nên xông, không nên lạm dụng, tần suất tốt nhất là ngày/lần.