Tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân đái tháo đường tháng 3/2019, với chủ đề “Xử trí đường huyết quá cao hay quá thấp ở người đái tháo đường”, BS Bùi Thị Mỹ Hạnh đã chia sẻ về mục tiêu điều trị, các mức dao động đường huyết, nguy cơ của dao động đường huyết quá mức và hướng dẫn tự xử trí tại nhà.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý mạn tính, theo dõi điều trị phải là quá trình thường xuyên liên tục. Đường huyết dao động, diễn biến liên tục theo bữa ăn trong ngày, do đó bệnh nhân cần nhận biết các mức dao động quá mức của đường huyết, như hạ đường huyết hay tăng đường huyết quá mức và biết cách tự xử trí cơ bản tại nhà.
BS Bùi Thị Mỹ Hạnh – khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115
MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ:
– Đường huyết đói: 80- 120 mg/dL. (4.4 – <7 mmol/L)
– Đường huyết sau ăn 2 giờ: < 140 – 160 mg/dL (< 8.0- 9.0 mmol/L)
– HbA1c < 7%
Đối với bệnh nhân > 65 tuổi, kèm các bệnh lý nội khoa thì mục tiêu điều trị là đường huyết đói: 100- 140 mg/dL; đường huyết sau ăn 2 giờ: <180- 200 mg/dL và HbA1c 7- 8 %.
Với người bệnh ĐTĐ, kiểm soát được đường huyết luôn là mục tiêu chính. Mục tiêu cuối cùng là đạt được mức đường huyết càng gần với bình thường càng tốt. Việc này giúp giảm thiểu sự hình thành và tiến triển của biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.
HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
– Đường huyết < 70 mg/dL. Triệu chứng: đói, hơi mệt, run tay.
– Đường huyết hạ đến 50- 45 mg/dL. Triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, lạnh tay chân.
– Đường huyết ≤ 20 mg/dL: đo đường huyết → LO (LOW). Triệu chứng: lơ mơ, nói sảng, hoặc hôn mê.
Các biến cố tim mạch dễ xảy ra: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não
Nguyên nhân hạ đường huyết bao gồm:
– Liều thuốc không phù hợp
– Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân bỏ bữa, ăn trễ, ăn quá ít
– Tập luyện quá mức
– Có bệnh lý cấp: nôn ói, rối loạn tiêu hóa, ăn kém… nhưng vẫn dùng liều thuốc như thường ngày.
Cách xử trí hạ đường huyết như sau:
– Tri giác tỉnh: ăn, uống dùng nước có đường: lon nước ngọt, hay pha 2-3 muỗng đường.
– Tri giác lơ mơ, không tự ăn uống được: đưa ngay bn vào cơ sở y tế gần nhất.
TĂNG ĐƯỜNG HUYẾT:
– Đường huyết đói > 7.7 mmol/L (>140 mg/dL)
– Đường huyết sau ăn 2 giờ > 10 mmol/L (> 180 mg/dL)
Báo động đường huyết > 250- 300 mg/dL (>13 mmo/L)
đường huyết > 600 mg/dL → HI
Triệu chứng tăng đường huyết:
– Tăng đường huyết nhẹ: triệu chứng không rõ ràng.
– Tăng đường huyết > 250- 300 mg/dL: mệt, khát, tiểu nhiều, tiểu đêm, tê bì tay chân, mắt mờ…
– Tăng đường huyết > 600 mg/dL: kéo dài, không điều trị, các triệu chứng trên trở nặng, có thể gặp hôn mê nhiễm toan ceton. Ở người già, không tự chăm sóc được, thường gặp hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không điều trị kịp thời, tỉ lệ tử vong cao (2-5% nhiễm ceton. 12%-24% tăng áp lực thẩm thấu).
Nguyên nhân tăng đường huyết:
– Bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán và điều trị.
– Bệnh nhân không tuân thủ thuốc
– Không tuân thủ chế độ ăn phù hợp. Ít vận động.
– Bệnh nhân dùng các thuốc gây tăng đường huyết
– Có bệnh lý stress: nhiễm trùng, PT, sang chấn, …
Việc xử trí tăng đường huyết tuỳ theo nguyên nhân. Bệnh nhân cần điều chỉnh lại chế độ ăn và thuốc theo toa BS, tái khám để được tư vấn cụ thể. ĐT bệnh lý đi kèm.
Khi có triệu chứng rõ, đường huyết > 300 mg/dL, nên vào bệnh viện để được xử trí theo y lệnh BS.
Với bệnh nhân đang dùng insulin (tỉnh, tự chăm sóc, loại trừ tăng đường huyết sau hạ đường huyết): thêm 2- 4- 6 đv insulin nhanh TDD (việc này cần thận trọng, phải có hướng dẫn của BS điều trị).