Alexandre de Rhodes, một bậc kỳ tài
Alexandre de Rhodes sinh ngày 15/3/1591 tại Vignon, miền Nam nước Pháp. Ông là giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa, đến nước ta để truyền đạo trong khoảng thời gian từ năm 1624 đến 1646. Ông để tâm nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên nước ta. Lĩnh vực nào ông cũng quan sát, khảo cứu đến nơi đến chốn. Ông đã kiên trì tìm tòi học hỏi và dày công nghiên cứu tiếng Việt đến mức nói rất sõi. Theo các tài liệu để lại, ông đã nhờ một cậu bé 12 tuổi dạy tiếng Việt và chỉ sau 4 tháng đã có thể giảng đạo và làm lễ rửa tội bằng tiếng Việt.
Ông đã kế thừa một cách xuất sắc sự nghiệp của một số giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã dùng chữ cái La tinh để phiên âm tiếng Việt. Trên cơ sở đó đã góp phần đáng kể vào việc chế tác chữ Quốc ngữ. Ông đã soạn ra nhiều truyện ký dịch ra nhiều thứ tiếng như: Phép giảng tám ngày (tiếng La tinh và tiếng Việt), Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La tinh, Diễn giải vắn tắt về Hành trình truyền giáo Đàng Ngoài; Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài…
Để ghi nhớ công ơn Alexandre de Rhodes, theo sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố, nhà bia tưởng niệm ông đã được dựng cạnh đền Bà Kiệu bên Hồ Gươm vào ngày 29/5/1941 (nhà bia này đã bị phá năm 1957). Một đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh gần Dinh Độc lập cũng được đặt tên Alexandre de Rhodes.
Phép giảng tám ngày (tiếng La tinh và tiếng Việt) của Alexandre de Rhodes
Hành trình cải cách chữ Việt
Kể từ khi ra đời, chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Ngày 22/2/1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.
Nghị định 82 ký ngày 6/4/1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ban hành ghi rõ: “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng…”
Kể từ đó đến nay đã có nhiều lần chữ Quốc ngữ được đề xuất cải cách chữ viết. Ngay từ đầu thế kỷ XX, tại Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, đã có người đề xuất phương án thay một số con chữ như K thay cho C, Q; Z thay cho Đ, J thay cho GI. Quãng năm 1919, một số học giả như Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có các đề xuất cải tiến, chẳng hạn viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê. Năm 1949, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy đưa ra cuốn sách “Chữ và văn Việt khoa học”, đề nghị dựa trên một số nguyên tắc âm học để thay đổi hệ thống chữ Quốc ngữ.
Thu Điếu theo cách viết của nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy năm 1949
Đáng chú ý, năm 1960, GS Hoàng Phê đưa ra đề án cải tiến chữ viết. Theo PGS Phạm Văn Tình, đề án này dài tới 60 trang, được viết khá công phu, với những cơ sở luận chứng khá rõ ràng,trong đó có đề xuất bỏ H trong GH, NGH; dùng F thay PH, dùng D thay Đ thay Y trong I trong hầu hết các từ trừ AY, ÂY. Căn cứ theo hướng đề xuất của Giáo sư Hoàng Phê thì công trình mới đây mà PGS Bùi Hiền công bố cũng có một phần kế thừa từ các công trình đi trước.
Cần trân trọng những thành quả khoa học
Tại sao những nghiên cứu của những học giả đi trước như Nguyễn Bạt Tụy, như Hoàng Phê không bị dư luận lên án mà nay cả xã hội lại hướng mũi nhọn vào công trình nghiên cứu của PGS Bùi Hiền? Đây chỉ là một công trình nghiên cứu cá nhân, không phải chủ trương của Bộ Giáo dục hay của một cơ quan nhà nước nào khác. Ông nghiên cứu ngôn ngữ chỉ đơn thuần mang tính khoa học, không phải dùng ngân sách nhà nước vậy tại sao lại lên án với nhiều ngôn từ nặng nề như vậy? Hãy xem lại những trang của cuốn từ điển Việt-Bồ-La để thấy rằng, chữ Việt sơ khai cũng trúc trắc, khó đọc và khó hiểu như thế nào. Để thấy rằng, có được bộ chữ hoàn hảo như chúng ta đang sử dụng hiện nay đã phải qua bao nhiêu lần sửa đổi, là kết quả của bao nhiêu những nhà trí thức lớn như Nguyễn Bạt Tụy, như Hoàng Phê.
Chữ Việt thủa sơ khai trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes năm 1651.
Phải chăng chúng ta, dưới sự ảnh hưởng của Internet, đang trở nên mẫn cảm hơn với những gì quá mới, quá xa lạ? Hãy trân trọng những thành quả của khoa học, của tri thức và hãy coi đề án của PGS Bùi Hiền chỉ là một công trình nghiên cứu góp phần cải cách tiếng Việt của chúng ta. Một ngôi nhà mà các bậc tiền nhân đã xây dựng nên qua bao nhiêu lần sửa đổi, thêm bớt.
Sơn Tùng