Tư cách pháp nhân là gì?
Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:
– Tổ chức phải được thành lập theo quy định của luật
Theo khoản 1 Điều 82 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Doanh nghiệp được thành lập theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.
– Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức theo quy định
Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
– Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
– Tổ chức phải nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Nếu tổ chức không đáp ứng được bất kỳ 01 trong 04 tiêu chí như trên thì không được coi là tư cách pháp nhân.
Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
– Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
– Công ty TNHH 1 thành viên;
– Công ty cổ phần;
– Công ty hợp danh;
– Doanh nghiệp tư nhân.
Đối với công ty TNHH 2 thành viên, công ty TNHH 1 thành viên, công ty cổ phần.
Các loại hình doanh nghiệp này đều đáp ứng cả 04 điều kiện tại Điều 74 Bộ Luật Dân sự 2015 nên đương nhiên có tư cách pháp nhân.
Đối với công ty hợp danh
Theo khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn, trong đó:
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Mặc dù thành viên hợp danh không có tài sản độc lập với cá nhân nhưng cong ty hợp danh lại tồn tại có thành viên góp vốn, đây là những thành viên có tài sản độc lập với công ty. Vì vậy, công ty hợp danh là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Đối với doanh nghiệp tư nhân
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Việc quy định doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình khiến cho tài sản của doanh nghiệp không còn độc lập với tài sản của cá nhân. Trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp tư nhân phải dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho doanh nghiệp.
Trong các loại hình doanh nghiệp trên, chỉ có duy nhất doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhưng không có tư cách pháp nhân.
Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân không có tư cách pháp nhân
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh và văn phòng đại diện được định nghĩa như sau:
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi hoạt động của chi nhánh đều phụ thuộc vào doanh nghiệp và thông qua việc uỷ quyền. Do đó, chi nhánh và văn phòng đại diện không tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách độc lập nên không được coi là có tư cách pháp nhân.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân và chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp khác là những tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Nếu có thắc mắc liên quan đến thành lập doanh nghiệp, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.