Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, tại TP Hà Nội, đa số các siêu thị đều nhanh chóng, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, cách thực nhằm thực hiện có hiệu quả, một trong số đó là việc giữ khoảng cách tối thiểu khi thực hiện giao dịch với khách hàng.
Với nhiều lợi thế thuận lợi như: Mặt bằng rộng, lực lượng giám sát và bảo vệ túc trực 24/24, nhân viên được đào tạo, tập huấn và có những kỹ năng xử lý các tình huống, nên siêu thị là địa điểm ngày càng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn mua sắm. Đặc biệt trong mùa dịch bệnh, bên cạnh những giải pháp thường xuyên thì chủ các siêu thị còn có sự chuẩn bị từ trước với những diễn biến và phương pháp dự phòng trong phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, ngay khi có sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, phần lớn các siêu thị đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ tâm lý và thói quen người tiêu dùng một cách tốt nhất.
Một giải pháp của siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội là dán miếng cảnh báo giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp .
Thực hiện việc giữ khoảng cách 2 mét khi giao tiếp, với một số siêu thị do đặc thù nằm xen kẽ, thậm chí là các tòa nhà của tư nhân cho thuê thì việc giữ khoảng cách cũng còn nhiều trở ngại vì diện tích nhỏ, bày nhiều hàng hóa… Tuy nhiên, với các siêu thị lớn, đa số đều triển khai nhiều giải pháp.
Theo khảo sát của phóng viên, một số siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai những giải pháp như: Duy trì thực hiện tuyên truyền bằng loa trong toàn hệ thống; nhân viên túc trực sẵn sàng hướng dẫn khách mua sắm thực hiện các yêu cầu đề ra. Hay như mới đây một siêu thị đã có giải pháp khá thú vị là in hình bàn chân với khoảng cách 2 m một hình tại chỗ lấy đồ mua hàng và khu vực thanh toán… Theo đại diện các siêu thị chia sẻ, đây là việc làm thiết thực để thực hiện Chỉ thị 16/TT-TTg, góp phần nhắc nhở và phối hợp cùng khách hàng, người dân cố gắng thực hiện vì sức khỏe của mình và cộng đồng.
Trong khi đó, đi chợ là thói quen đã có từ lâu của người dân. Chợ là nơi giao thương, trao đổi, giúp mọi người mua được thực phẩm, đồ dùng mình mong muốn một cách thật dễ dàng. Thực phẩm ở chợ so với thực phẩm ở siêu thị có sự chênh lệch rất lớn về giá cả. Đây là lý do vì sao không ít người tiêu dung vẫn giữ thói quen đi chợ, tuy nhiên việc đứng cách nhau 2 mét khi tiếp xúc dường như còn một bước trở ngại vô hình, nhiều người vẫn chưa quen với việc này.
Khảo sát một số khu vực chợ truyền thống như chợ Đại Từ (Hoàng Mai), chợ Cống Vị, chợ 7,2 ha Vạn Phúc, chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Thanh Xuân (Thanh Xuân)…, phóng viên nhận thấy, rất ít người mua chấp hàng nghiêm việc đứng cách nhau 2m khi thực hiện giao dịch mua bán. Đa số đều đi qua nhau, thậm chí đứng, ngồi trên xe trao đổi, nói chuyện trên một diện tích chật hẹp. Một phần thói quen này cũng đến từ cái tiện: Không phải gửi xe, không phải xếp hàng, tiện cho việc mặc cả… hoặc đôi khi cũng vì lý do “ngại”.
Trong khi đó, tâm lý người bán thì luôn muốn làm sao tiện lợi nhất cho người mua để họ không phiền lòng. Do thay đổi thói quen, tâm lý người đi mua hàng thì ai cũng như ai, sao mình phải khác và đôi lúc sợ làm đúng quy định thì như kẻ “trên giời rơi xuống”, lại thấy ngại với người mua. Những thói quen của người bán và người mua ở chợ khiến khó đảm bảo được yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Thiết nghĩ, với những yêu cầu và biện pháp quyết liệt từ các cấp, ngành trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 đang có xu hướng ngày càng phức tạp, thì tự bản thân mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện. Ban quản lý các chợ cũng cần giám sát, nhắc nhở người dân mua hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Việc nâng cao ý thức tự giác đi đôi với sự quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện sẽ góp phần bảo đảm an toàn, sức khỏe người dân, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được:
Tại một siêu thị lớn ở TP Hà Nội, ý tưởng dán miếng cảnh báo khoảng cách được thực hiện tại ngay khu vực cửa ra vào.
Đa số khách hàng đều hợp tác cùng nhân viên hướng dẫn.
Tại quầy thanh toán, cả nhân viên và khách hàng đều cố gắng thực hiện tốt việc giữ khoảng cách khi giao tiếp.
Không chỉ thực hiện việc giữ khoảng cách, mà ngay tại cửa ra vào, nhân viên đều thực hiện đo thân nhiệt khách hàng.
Trong khi đó, tại chợ Bưởi, dường như cả khách hàng và người bán không mấy quan tâm khoảng cách theo yêu cầu. Tại chợ Đại Từ, tình trạng diễn ra tương tự. Tại khu chợ 7,2 ha Vạn Phúc, nhiều người vẫn giữ thói quen dựng xe, “sà” xuống mua hàng Chợ Xanh (Cầu Giấy) khoảng cách tiếp xúc chưa tới 1 m. Tại chợ Ngọc Hà, nhiều người thản nhiên trao đổi ngay sát mặt. Người dân vô tư mua bán, không hề quan tâm đến khoảng cách tại khu vực chợ tự phát Thanh Xuân.