Phong cách thời trang Nhật Bản nổi tiếng với sự khác biệt và sáng tạo. Những “tín đồ thời trang” của “xứ anh đào” luôn đem đến sự mới mẻ, độc đáo và đôi khi có phần dị biệt. Với bài viết này, hãy cùng Thanh Giang tìm hiểu TOP 9 xu hướng thời trang được thịnh hành tại quốc gia này nhé!
Xu hướng phong cách thời trang Nhật Bản được ưa chuộng nhất hiện nay
Được ví như cái nôi thời trang của châu Á, Nhật Bản chinh phục các tín đồ bằng những style mà sự hấp dẫn của nó nằm ở nguyên tắc về phom dáng, họa tiết, sự kết hợp các phụ trang cũng như phụ kiện đi kèm.
Người Nhật rất sáng tạo,mạnh mẽ, đề cao sự khác biệt. Cũng vì thế, họ luôn biết cách biến thời trang thành ngôn ngữ cho cơ thể và tâm hồn. Vậy đây là xu hướng thời trang đang được yêu thích tại “đất nước mặt trời mọc”?
Lolita
Không đơn thuần là phong cách thời trang, Lolita trở thành nét văn hóa đặc trưng của “đất nước mặt trời mọc”. Theo quan niệm phương Tây, Lolita là quyến rũ, nóng bỏng. Thế nhưng, khi được “Nhật hóa”, phong cách này lại hướng đến sự ngây thơ, thanh lịch và đáng yêu của người thiếu nữ.
Mặc dù nước Nhật được xem là cái nôi của thời trang Lolita nhưng thời điểm Lolita ra đời đến nay vẫn là một ẩn số. Chỉ đến khi những thương hiệu như: Milk, Pink House, Pretty…xuất hiện vào cuối thập niên 1970 và sau đó là Baby, The Stars Shine Bright…thì phong cách Lolita mới thực sự trở nên phổ biến.
Nếu như trước đây, thiết kế Lolita tương đối đơn giản với hai màu chủ đạo là đen và trắng thì từ năm 2006, các họa tiết in trên trang phục đã trở nên phức tạp và chi tiết hơn rất nhiều.
Để hướng đến sự quý phái và sang trọng, điểm nhấn của Lolita là sự “kín đáo”. Trên những con phố thời trang của Nhật Bản, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với chiếc váy búp bê, áo tay phồng, áo corset, đầm dài chấm đất, tất ngang đùi hay tất liền quần cùng những chiếc mũ cầu kỳ.
Harajuku
Xuất hiện từ thập niên 80, Harajuku trở thành xu hướng của giới trẻ quận Harajuku, Tokyo. Hướng đến phong cách càng độc càng đẹp, các tín đồ Harajuku thường lên đồ theo phong cách cá nhân và thoải mái tự tin khoe cá tính trên đường phố.
Harajuku cũng rất đa dạng với nhiều kiểu khác nhau như Gothic – phong cách quý tộc thời trung cổ của châu Âu, Victoria là sự kết hợp hài hòa những phụ kiện điệu đà hay Wamono kết hợp trang phục Nhật truyền thống và phương Tây. Đặc biệt, các tín đồ của Harajuku có thể thoải mái sáng tạo, phá cách với tinh thần tự do và sở thích của mình.
Nếu như trước đây, Harajuku rất nổi tiếng và thịnh hành ở Nhật Bản, là khởi nguồn cho phong cách đường phố ở đất nước này. Nhưng những năm gần đây, kiểu thời trang này dần suy thoái bởi sự phát triển của các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo, H&M, Forever21,…
Decora
Phong cách thời trang Nhật Bản này xuất hiện từ những năm 1990 và bắt đầu thịnh hành vào giữa thập niên 2000.
Thuật ngữ “Decora” xuất phát từ “decoration” trong tiếng Anh, có nghĩa là “trang trí”. Đây là xu hướng khá nổi tiếng, đặc biệt là ở Harajuku – nơi bắt nguồn của xu hướng này. Từ ngữ mô tả Decora sát nhất là “vui tươi” và “trẻ con”, nhưng nó khác với thời trang Lolita.
Nếu Lolita được lấy cảm hứng từ thời đại Victoria, thì Decora được lấy cảm hứng từ các nhân vật hoạt hình thập niên 1980. Phong cách này cũng thường được gọi là “Decora-chan”, được cho là bắt nguồn từ thần tượng nhạc pop Nhật Bản, Tomoe Shinohara.
Phong cách này tạo nét đặc trưng bởi quần áo, phụ kiện và tóc sáng màu. Decora tạo điểm nhấn bằng các loại phụ kiện bắt mắt như kẹp tóc, vòng đeo tay, dây chuyền, thú nhồi bông, túi xách và sử dụng chúng để trang trí vẻ ngoài.
Những cô gái Decora thường có tóc nhuộm những màu tươi sáng như cam, hồng, vàng hoặc kết hợp từ 2 đến 3 màu kể trên. Trên mái tóc là một loạt các phụ kiện, nơ và kẹp tóc rực rỡ. Trái ngược với quần áo và tóc cầu kỳ, phong cách Decora không đòi hỏi lớp trang điểm sặc sỡ, thậm chí càng tối giản càng tốt. Điều này để làm nổi bật vẻ ngây thơ và trẻ con ở các cô gái Decora hơn nữa.
Mori Girl
Mori trong tiếng Nhật có nghĩa là “rừng cây”, vậy nên “Mori Girl” là từ chỉ những cô gái ưa thích cuộc sống giản dị gần gũi thiên nhiên và lấy cảm hứng ăn mặc từ rừng xanh. Phong cách Mori Girl được khởi xướng ở Nhật Bản bắt đầu từ năm 2007 sau sự thành công của bộ phim hoạt hình Honey&Clover. Tiếp đó, nó trở thành phong cách được nhiều cô gái trong nước và thế giới theo đuổi bởi sự đáng yêu và cách sống lành mạnh gần gũi với thiên nhiên.
Đây là phong cách thời trang Nhật Bản gần gũi với thiên nhiên với họa tiết hoa nhỏ, chất vải thô cùng các tông màu mát như: nâu đất, xanh lá, xanh da trời, be sáng,… Các loại trang phục đều được thiết kế đơn giản, đậm chất vintage, khiến nhiều cô gái ưa thích.
Natural Kei
Khá giống với Mori Girl, Natural Kei cũng hướng thiết kế tới thiên nhiên. Nếu Mori Girl là hình ảnh của cô gái sống trong rừng thì Natural Kei có thể được tưởng tượng là cô gái sống trong một ngôi nhà nhỏ dễ thương tại ngôi làng gần rừng.
Xu hướng này chịu ảnh hưởng từ những nhân vật trong truyện “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, “Khu vườn bí mật” và “Anne” của Green Gables. Natural Kei cũng được truyền cảm hứng từ nhiều phong cách của thập niên 1970 như những chiếc váy Gunne Sax và Young Edwardian.
Natural Kei cũng chuộng mặc nhiều lớp nhưng không nhiều như Mori Girl. Trang phục có màu sắc và hoa văn đa dạng, thể hiện cuộc sống hàng ngày sinh động của một cô gái sống trong làng. Phong cách này cũng không làm nổi bật đường cong cơ thể, tạo điểm nhấn với phom dáng rộng, tương đối dài với đường viền cổ áo kín đáo. Màu sắc trên trang phục thường là màu đồng nhất với họa tiết kẻ sọc và hoa lá.
Oshare Kei
Đây là một phiên bản của Visual kei, được xem là xu hướng có tính thời trang và tân tiến nhất. Phong cách này xuất hiện vào khoảng năm 2001, và được cho là bắt đầu bởi Ryo của nhóm Baroque trong PV “Anakuro Film”.
Oshare Kei hướng đến kết hợp các hoa văn khác nhau, màu sắc tươi sáng và các yếu tố punk để tạo nên vẻ ngoài độc đáo. Không giống Visual Kei, lớp trang điểm được làm dịu đi một chút và tập trung nhiều hơn vào đôi mắt.
Khác với Visual Kei, các bài hát của các ban nhạc thuộc thể loại Oshare Kei thường tập trung vào các thông điệp vui vẻ và tích cực như bạn bè và tình yêu. Một số nghệ sĩ âm nhạc tạo ảnh hưởng lớn đến xu hướng thời trang này là An Cafe, Panic Channel, Ichigo69, Lolita23q, SuG, Delacroix, LM.C và Aicle.
Kogal
“Kogal” là thuật ngữ biến tấu từ “Kokosei”, nghĩa là “học sinh trung học”. Thế nên phong cách Kogal bắt đầu phát triển từ đồng phục học sinh vào những năm 1980.
Phong cách Kogal thiên về sự trẻ trung, năng động và đáng yêu. Do đó, bên cạnh việc mang các phụ kiện nhí nhảnh, những cô nàng theo style này sẽ phá cách thêm khi diện váy ngắn, nhuộm tóc sáng màu và nhuộm da. Ngoài ra, họ còn ưa chuộng kiểu mang tất trắng rộng có nhiều nếp gấp sao cho trông thật xì tin, năng động.
Gyaru
Đây là kiểu thời trang nổi loạn phổ biến chủ yếu ở quận Shibuya từ thập niên 90. Người khởi xướng phong cách này là nữ ca sĩ Ayumi Hamasaki. Những tín đồ của Gyaru thường xuất hiện với làn da rám nắng, trang điểm lòe loẹt cùng với mái tóc nhuộm tẩy sáng được tạo kiểu cầu kỳ. Họ thường mặc các trang phục gợi cảm như váy ngắn hay quần short đi kèm với boots cổ cao.
Gyaru được chia thành nhiều nhánh nhỏ, với những đặc trưng riêng, nhưng nổi bật nhất phải kể đến phong cách Ganguro. Các cô gái Ganguro dành rất nhiều thời gian để trang điểm mỗi sáng. Họ thích dùng lông mi giả, đeo kính áp tròng để làm cho mắt to tròn hơn.
Đặc biệt, để làm nổi bật làn da nâu của mình, họ thường vẽ các đường trắng trên mũi và xung quanh mắt cũng như tô son trắng. Móng tay của một Ganguro được để rất dài với các phụ kiện trang trí khổng lồ.
Gyaru được cho là phong cách đi ngược với vẻ đẹp của phụ nữ Châu Á truyền thống và thể hiện cách sống cá tính, chống đối lại quy tắc chuẩn mực hà khắc về cái đẹp của xã hội.
Otome Kei
Otome Kei là phong cách xuất hiện tại Nhật vào những năm 1970. Dịch nghĩa “Otome Kei” có nghĩa là thiếu nữ. Xu hướng này chịu ảnh hưởng từ mod fashion” và “femininity” của thập niên 1960. Đây là phong cách vô cùng đa dạng với rất ít hạn chế.
Không giống như nhiều phong cách khác của Nhật Bản, phong cách này có thể được mặc hàng ngày cũng như trong những dịp trang trọng. Phong cách này rất thịnh hành ở Nhật, nhưng không phổ biến trên toàn thế giới.
Otome Kei không có bất kỳ quy tắc cụ thể hoặc hạn chế nào. Phong cách này tuân theo “cảm giác” hoặc sự ảnh hưởng.
“Quy tắc” duy nhất cho Otome là sự nữ tính, dễ thương hoặc thanh lịch. Quần áo thường có hoa văn tươi sáng, váy và quần short có thể ngắn nhưng không có nghĩa là phải gợi cảm. Màu sắc đậm và các hoa văn không-phù-hợp rất phổ biến cho phong cách này. Tuy nhiên, quần áo trung tính và đồ trơn cũng thường được kết hợp trong Otome. Màu sắc phù hợp hoàn hảo không được cho là điều quan trọng.
Qua sự tìm hiểu trên, có thể thấy phong cách thời trang Nhật Bản rất đa dạng. Điểm cốt yếu làm nên vẻ đẹp cũng như sự khác biệt của thời trang Nhật là sự chỉn chu, sự hoàn hảo từ các ý tưởng độc đáo, sử dụng trang phục linh hoạt và ấn tượng.