Tô Hoài, nhà văn của mọi lứa tuổi – Tạp chí Tuyên giáo

Được mệnh danh là “Nhà văn của mọi lứa tuổi” – nhà văn Tô Hoài đã để lại dấu ấn rực rỡ trên nhiều mảng sáng tác: Những truyện đồng thoại cho thiếu nhi; những tác phẩm về con người và cuộc và cuộc sống vùng cao; Nhà văn kể chuyện Hà Nội xưa hay nhất, người viết tự truyện như tiểu thuyết…

Tên tuổi lớn của văn học Việt Nam

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi nhà văn đã sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Thời thanh niên, Tô Hoài phải trải qua nhiều nghề khác nhau. Ông đến với nghề văn ở tuổi mười tám, đôi mươi và lấy bút danh là Tô Hoài (ghép từ tên đầu của con sông Tô Lịch chảy qua làng Nghĩa Đô nơi ông sống và phủ Hoài Đức nguyên quán của ông).

Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: “Con dế mèn”, sau này được ông viết bổ sung và đổi tên thành “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Quê người”, “O chuột”, “Trăng thề”, “Nhà nghèo”… Từ các tác phẩm này, người đọc nhận thấy sức sáng tạo dồi dào của cây bút trẻ với hai chủ đề chính là truyện về loài vật và truyện về làng ven đô trong cảnh đói nghèo.

Có lẽ, từ trước cho đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “O chuột”, “Gã chuột bạch”, “Tuổi trẻ”, “Đôi ri đá”, “Một cuộc bể dâu”, “Mụ ngan”… thế giới loài vật của Tô Hoài thật độc đáo, gợi lên sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội.

Bên cạnh truyện viết về loài vật, mảng truyện viết về cảnh đời lầm than cũng được ông miêu tả chân thật và sinh động. Cuộc sống cùng quẫn bế tắc của những kiếp người nghèo khổ, lang thang, phiêu bạt nơi đất khách quê người, những người thợ thủ công bị phá sản hiện lên qua từng trang sách với tất cả niềm cảm thông chân thành của nhà văn. Với những bà lão Vối (Mẹ già), chị Hối (Ông cúm bà co), Hương Cay (Khách nợ), gia đình anh Hối (Buổi chiều ở trong nhà)… cảnh đời của những thân phận cơ cực ấy khiến người đọc trăn trở về hiện thực đầy bất hạnh.

Rất hay:  Hướng dẫn bật Bluetooth trên laptop Windows

Sau năm 1945, Tô Hoài có sự chuyển biến về tư duy sáng tác. Ông nhanh chóng thâm nhập hiện thực cuộc sống và sáng tạo thành công nhiều tác phẩm có giá trị ở các thể loại loại khác nhau. Bước chuyển trong sáng tác của Tô Hoài được thể hiện rõ ở cả chủ đề và đề tài. Tô Hoài không bó hẹp nội dung và đối tượng phản ánh trong phạm vi của một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội nơi ông từng gắn bó như trước mà hướng đến không gian rộng lớn, đến với cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau. Ông viết về miền núi, với các tập “Núi Cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”… Ông viết về những người anh hùng dân tộc thiểu số dũng cảm, thủy chung sắt son, hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, quê hương như “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, “Kim Đồng”, “Giàng A Thào”, “Vừ A Dính”…

Sau này, ngòi bút của ông vẫn hướng về xã hội trước 1945 với cách nhìn, sự suy ngẫm sâu sắc hơn. Ông viết “Mười năm”, với tầm nhận thức từ chỗ đứng của cuộc sống hiện tại nhiều đổi thay mang ý nghĩa lớn trong đời sống dân tộc. Tiếp tục mạch sáng tác hoài niệm ấy, qua những “Quê nhà”, “Những ngõ phố, người đường phố”, “Chuyện cũ Hà Nội”… cho thấy vốn sống, nguồn tư liệu, cũng như nguồn cảm hứng sáng tác của Tô Hoài về Hà Nội vô cùng phong phú đa dạng. Từ các tác phẩm viết về Hà Nội của ông, người đọc hiểu hơn về phong tục, nếp sinh hoạt, tên gọi phố phường, con người Hà Nội trải dài suốt cả thế kỉ XX trong đời thường, trong chiến tranh và trong hòa bình.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam nhận định: Riêng về Hà Nội, Tô Hoài là một cây bút cự phách. Cùng với Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… Tô Hoài đã để lại nhiều trang văn xuất sắc vì câu chữ của ông không những thể hiện được văn hóa, phong tục mà còn thể hiện được “cái hồn” của người Hà Nội. Không chỉ Hà Nội hôm nay mà cả Hà Nội “chuyện cũ” đều được Tô Hoài quan tâm thể hiện.

Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Tô Hoài còn đạt được thành tựu đặc sắc ở thể ký. Nhiều tác phẩm ký của ông ra đời sau những chuyến đi về các miền đất như “Nhật ký vùng cao”, “Lên Sùng Đô”… hay tới thăm nước bạn như “Tôi thăm Campuchia”, “Thành phố Lê-nin”, “Hoa hồng vàng song cửa”… Đặc biệt, các tập hồi ký của Tô Hoài luôn gắn liền với bao nỗi vui buồn và mơ ước của tuổi thơ, bao kỷ niệm về những bạn văn, đời văn của ông như “Cỏ dại”, “Tự truyện”, “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”…

Rất hay:  4 cách khóa ứng dụng trên iPhone 14 chỉ vài bước đơn giản, giúp bảo mật thông tin cá nhân tốt hơn

Nói về nhà văn Tô Hoài, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, Tô Hoài là nhà văn của mọi lứa tuổi. Nghĩa là trẻ thơ, người lớn, tất cả đều có thể soi mình trong Tô Hoài. Nếu tính về lượng, Tô Hoài đứng đầu bảng với gần 200 đầu sách. Nếu tính về tinh, ông là một nhà văn đạt đến độ cao nhất của nghề chữ. Tô Hoài có một “bồ chữ” theo đúng nghĩa của nó. Viết nhiều, nhưng trước sau, Tô Hoài vẫn trở đi trở lại với hai vùng đất con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội và vùng đất Tây Bắc, nơi ông đã gắn bó sâu sắc trong thời kháng Pháp và sau đó còn trở lại nhiều lần.

“Tô Hoài nhìn cõi nhân sinh này, nhìn cõi đời này không ở chỗ thi vị và lãng mạn hóa, ông nhìn cuộc đời không có gì nghiêm trọng nhưng cũng rất nghiêm trọng, ông không kể gì cao xa, ông kể câu chuyện quanh mình, về mình, câu chuyện của bạn mình và của những người gần gũi với mình”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp nói.

Nhà văn của thiếu nhi

Suốt cuộc đời gần 80 năm sáng tạo bền bỉ của mình, Tô Hoài đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi ở nhiều thể loại khác nhau.

Nhắc đến Tô Hoài, nhiều người nghĩ ngay đến “Dế mèn phiêu lưu ký”. Hơn hai mươi tuổi , Tô Hoài đã tạo được một kiệt tác ở thể đồng thoại. Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, “Dế Mèn phiêu lưu ký” được ông viết cho thiếu nhi, nhưng cũng là viết cho người lớn vì ẩn trong tác phẩm này là những bài học nhân sinh sâu sắc. Tại đây, ta nhận thấy sự mẫn cảm và óc quan sát tinh tế của Tô Hoài. Ông tả loài vật nào đúng với bản chất và đặc điểm của loài vật ấy.

“Ống kính của Tô Hoài vừa sắc nét trong việc tái hiện lại các chi tiết, vừa có khả năng tạo ra sự lưu chuyển hợp lý giữa các trường đoạn, màu sắc du ký và màu sắc tự truyện hòa vào nhau hết sức sống động. Với ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’, Tô Hoài thực sự là cây bút hàng đầu về nghệ thuật miêu tả thế giới loài vật”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp đánh giá.

Rất hay:  5 Cách PHÁT HIỆN Camera Quay LÉN [Tìm Ra 100%]

Ngoài “Dế Mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng, ông có hàng loạt sáng tác được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích như: “Mực tàu giấy bản”, “Nói về cái đầu tôi”, “Ngọn cờ lau”, “Thằng phó”, “Chuyện ông Gióng”, “Võ sĩ Bọ Ngựa”, “Ba anh em”, “Ba bà cháu”, “Câu chuyện ngày chủ nhật”, “Con mèo lười”, “Đám cưới chuột”, “Đảo hoang”, “Chuyện nỏ thần”, “Chim chích lạc rừng”… Ở mảng sáng tác này, dù là đề tài sinh hoạt, cổ tích hay lịch sử, ngay cả khi tuổi tác không còn trẻ, Tô Hoài vẫn có được cách cảm nhận và thể hiện đời sống qua trang văn phù hợp với tâm hồn, nhận thức của tuổi thơ. Và ông đã dẫn dắt các em đến với một thế giới có vô vàn điều kỳ thú, góp phần bồi đắp nhân cách, nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự trong sáng, cao thượng cho những tâm hồn thơ bé.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, trong các sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài, yếu tố đặc biệt nhất là ông không giả giọng trẻ con để kể chuyện trẻ con như nhiều cây bút khác từng làm. Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo lô gíc của trẻ. Hơn thế, với biệt tài miêu tả loài vật, nhà văn đã dựng lên một thế giới gần gũi với trẻ thơ. “Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho con trẻ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn từ thuở còn bé thơ. Từng bước một, lũ trẻ sẽ hiểu dần được đời sống từ những bài học đường đời đầu tiên”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp nói.

Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 với tập “Truyện Tây Bắc”; Giải A – Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 với tiểu thuyết “Quê nhà”; Giải thưởng của Hội Nhà văn Á – Phi năm 1970 với tiểu thuyết “Miền Tây”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 1996 và Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2010. Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản…/.

Theo TTXVN