Thuốc hạ sốt uống cách mấy tiếng để không gây hại tới sức khỏe?

Mặc dù là một loại thuốc tương đối an toàn mà người dùng có thể đi mua trực tiếp không cần kê đơn bởi bác sĩ, các thuốc hạ sốt vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ và biến chứng nhất định. Với những trường hợp sốt liên tục hoặc có nhiều cơn sốt trong ngày, người sử dụng nên biết thuốc hạ sốt uống cách mấy tiếng thì không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe để tránh những biến chứng có thể gặp phải khi dùng thuốc quá liều.

Các nhóm thuốc hạ sốt trên thị trường

Sốt là trạng thái tăng thân nhiệt của cơ thể (> 37,8°C ở miệng hoặc > 38,2°C ở trực tràng) thường biểu hiện như là một phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể khi có các tác nhân gây bệnh xâm nhập hoặc lưu thông trong cơ thể. Tuy nhiên cơ thể con người rất nhạy cảm với các sự thay đổi và thường được duy trì một môi trường nội môi cố định, nên khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao thì các hoạt động sinh lý bình thường hoặc các hoạt động chức năng của các cơ quan có thể bị xáo trộn và gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng sức khỏe tổng quát.

Do đó, trong những trường hợp cần thiết thì việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt rất quan trọng để tránh tình trạng sốt cao kéo dài gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Các nhóm thuốc hạ sốt thường được sử dụng trên thị trường có thể được phân loại theo cơ chế tác dụng như sau:

  • Nhóm Salicylate: Có tác dụng hạ sốt và giảm đau trong một số bệnh thông thường như đau đầu, đau cơ, cảm cúm, đau do viêm khớp…
  • Nhóm Paracetamol: Thường được sử dụng rộng rãi để điều trị triệu chứng các tình trạng sốt, đau đầu…
  • Nhóm NSAIDs: Có hiệu quả hạ sốt nhanh, mạnh và kéo dài hơn so với các thuốc nhóm Paracetamol.

Các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt

Trên thực tế có rất nhiều bệnh lý có thể gây ra sốt. Không phải tất cả các trường hợp sốt đều nên được điều trị triệu chứng với thuốc hạ sốt, mà điều quan trọng hơn là tìm ra nguyên nhân gây sốt và giải quyết được nguyên nhân đó. Những nguyên nhân gây sốt thường gặp có thể được phân loại thành các nhóm như sau:

  • Nguyên nhân do nhiễm trùng: Là nhóm thường gặp nhất.
  • Các bệnh lý khối u.
  • Hội chứng viêm: Bao gồm các bệnh lý thấp khớp, không thấp khớp và sốt do thuốc gây ra.
Rất hay:  Bé 3 tuổi bị ho nhiều là do đâu? Giải pháp khắc phục là gì?

Những nguyên nhân gây sốt đặc hiệu chẳng hạn như do nhiễm khuẩn nên được điều trị với các thuốc đặc trị như kháng sinh, kháng viêm. Để điều trị triệu chứng sốt, bình thường thuốc hạ sốt được sử dụng ở người lớn khi có nhiệt độ cơ thể lớn hơn 39°C và ở trẻ em thì ngưỡng điều trị sốt sẽ thấp hơn là 38,5°C. Những trường hợp sốt có nhiệt độ thấp hơn nhưng có thể gây khó chịu cho người ốm thì nên bắt đầu hạ sốt với các biện pháp làm mát khác như chườm với nước ấm, khăn lạnh hoặc các miếng dán hạ sốt. Tuy nhiên nếu sau khi điều trị tại nhà mà người dùng có các biểu hiện sau thì nên tới các cơ sở y tế tin cậy để được thăm khám và theo dõi chuyên sâu hơn:

  • Sốt kéo dài trên 3 ngày.
  • Sốt cao (40°C – 41°C).
  • Không đáp ứng hạ sốt sau khi dùng thuốc.
  • Dị ứng với các thuốc hạ sốt đang sử dụng.

Bên cạnh đó, chỉ định sử dụng thuốc cũng thường có những thay đổi đối với những nhóm đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em, và người có những bệnh lý về gan, thận. Ở những nhóm đối tượng này nên được hướng dẫn trước về liều và cách sử dụng cụ thể để có thể sử dụng thuốc an toàn hơn.

Một số tác dụng phụ của thuốc hạ sốt

Mặc dù thuốc hạ sốt thường được sử dụng rộng rãi để điều trị triệu chứng mà không cần kê đơn, mọi người nên biết về các tác dụng phụ có thể gặp phải của thuốc hạ sốt để có thể phát hiện và theo dõi tùy theo mức độ phản ứng của cơ thể.

Một số các tác dụng phụ thường gặp của thuốc hạ sốt có thể kể tới như:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Khó ngủ, mất ngủ.
  • Các biểu hiện của phản ứng dị ứng quá mẫn: Khó thở, thở rít, phát ban, hoặc sưng nề mặt…

Bên cạnh một số tác dụng phụ thường gặp như trên, các loại thuốc hạ sốt thậm chí có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng khi sử dụng quá liều quy định. Các cơ quan bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc hạ sốt bao gồm:

  • Tổn thương gan: Việc sử dụng một số loại thuốc hạ sốt như Paracetamol có thể gây tổn thương tế bào gan hoặc suy gan. Do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc hạ sốt trên những người có bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan…
  • Tổn thương thận: Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều hoặc không đúng cách có thể gây ra các tổn thương ở thận như viêm thận kẽ, suy thận…
  • Tổn thương dạ dày: Khi sử dụng các thuốc thuộc nhóm NSAIDs để hạ sốt, người dùng có thể phải chịu những vấn đề của tổn thương niêm mạc dạ dày như viêm, loét.
  • Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc hạ sốt đặc biệt là nhóm NSAIDs trên những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch do nhóm thuốc này có khả năng làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch.
Rất hay:  Cách trị ho đêm cho bé an toàn, hiệu quả

Người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của mỗi thuốc về cách sử dụng chính xác chẳng hạn như đường dùng thuốc, thuốc hạ sốt uống cách mấy tiếng và thời gian tác dụng của thuốc, các tác dụng phụ thường gặp phải và các trường hợp có chống chỉ định dùng thuốc. Một ví dụ điển hình như với trường hợp trẻ em sốt do các nguyên nhân liên quan tới virus thì không nên sử dụng nhóm hạ sốt Salicylates do nguy cơ gây ra hội chứng Reye.

Nếu trong quá trình sử dụng thuốc mà người dùng gặp phải các vấn đề về tác dụng phụ như đã nêu ở trên thì cần tới các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh các trường hợp có thể ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Dùng thuốc hạ sốt uống cách mấy tiếng để tránh tác dụng phụ?

Các loại thuốc hạ sốt được lưu thông trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau với cơ chế tác dụng, các dạng bào chế và hàm lượng khác nhau. Để có thể sử dụng thuốc an toàn nhất, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các thận trọng khi sử dụng thuốc, liều dùng tối đa và thời điểm sử dụng thuốc. Đối với hầu hết các trường hợp thông thường thì khi cần điều trị triệu chứng sốt, người bệnh sẽ được sử dụng các thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol vì nhóm thuốc này tương đối an toàn và phù hợp để sử dụng ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Rất hay:  Cách Trộn Đất Trồng Sen Đá: Hướng Dẫn Chi Tiết

Để đảm bảo an toàn thì nhóm thuốc Paracetamol sẽ được tính toán liều lượng dựa trên cân nặng, cụ thể là từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần dùng. Đồng thời, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc nên cách nhau từ 4 – 6 giờ, và không dùng quá 4g thuốc (tương đương khoảng 6 – 8 lần dùng) trong ngày. Trên thực tế Paracetamol được bào chế với nhiều hàm lượng khác nhau, nên người bệnh có thể căn cứ theo tình trạng sốt và cân nặng để lựa chọn mức hàm lượng thuốc phù hợp.

Ngoài ra, Paracetamol còn có nhiều dạng kết hợp với các thành phần khác để nâng cao hiệu quả điều trị, do đó thời gian thuốc bắt đầu phát huy tác dụng và hiệu quả hạ sốt cũng có thể chênh lệch giữa các loại thuốc được lưu thông trên thị trường.

Ngoài Paracetamol, các thuốc hạ sốt nhóm Salicylate như Aspirin hoặc nhóm NSAIDs như Ibuprofen cũng có thể được sử dụng phổ biến, tuy nhiên sẽ có những thận trọng khi dùng và có những đối tượng có chống chỉ định. Thông thường khoảng thời gian giữa các lần sử dụng thuốc sẽ cách nhau từ 4 – 6 giờ ở người lớn và từ 6 – 8 giờ ở trẻ nhỏ. Do đó, việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về liều dùng, thời gian sử dụng và các chống chỉ định là điều hết sức cần thiết khi sử dụng những thuốc thuộc các nhóm này. Nếu không thể chắc chắn về cách dùng thuốc, người dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Các loại thuốc với các cơ chế khác nhau sẽ có các liều lượng dùng và thời điểm sử dụng khác nhau. Khi người dùng chưa rõ cách sử dụng chính xác của thuốc hoặc thắc mắc nên thuốc hạ sốt uống cách mấy tiếng để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn thì nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia về liều và cách sử dụng thuốc. Nhà thuốc Long Châu mong bài viết này có thể giúp ích cho các bạn trong việc dùng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hapacol.vn