Người tiêu dùng tại các nước Bắc Âu ngày càng chú trọng đến lối sống lành mạnh và nhận thức được tầm quan trọng của giá trị gia tăng do thực phẩm và đồ uống hữu cơ mang lại. Cùng với trợ cấp sản xuất, các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã góp phần vào sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ trong những năm gần đây của Bắc Âu.
Các nước Bắc Âu, bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan là các thị trường sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ khá phát triển, đặc biệt là Thụy Điển và Đan Mạch. Na Uy có phần phát triển vừa phải hơn. Iceland đi sau đáng kể và chưa có bước đột phá lớn trong thực phẩm hữu cơ. Quy mô đất canh tác hữu cơ, giá trị và thị phần của thị trường thực phẩm hữu cơ tương ứng khác nhau ở các nước Bắc Âu đều do tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Cuốn sách này nhằm mục đích cung cấp tổng quan về thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ tại các nước Bắc Âu, tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu nông nghiệp hữu cơ, đặc điểm tiêu dùng và kênh phân phối tại các nước này. Đồng thời, cuốn sách cũng cung cấp cái nhìn tổng thể về các chính sách khuyến khích, thái độ của người tiêu dùng và xu hướng phát triển thực phẩm hữu cơ tại khu vực này.
Các nước Bắc Âu bao gồm cả Phần Lan. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển không kiêm nhiệm Phần Lan và thị trường thực phẩm Iceland khá nhỏ. Do vậy, cuốn sách này sẽ tập trung vào các nước Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Biên soạn: Chu Thị Hoa
I. Tổng quan thị trường
Cả ba quốc gia Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều nằm trong tốp 10 quốc gia tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tính trên đầu người cao nhất thế giới năm 2019. Đứng đầu thế giới là Đan Mạch với 344 EUR/người, Thụy Điển đứng thứ 5 với 215 EUR/người và cuối cùng là Na Uy đứng thứ 10 với 83 EUR/người.
Hình 1 . Tốp 10 quốc gia có mức tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên đầu người cao nhất thế giới năm 2019
Nguồn: FiBL
1. Thụy Điển
Trong năm 2020, thị trường thực phẩm Thụy Điển đạt tổng giá trị khoảng 320 tỷ SEK (tương đương 31,49 tỷ EUR). Thực phẩm hữu cơ được bán qua nhiều kênh khác nhau lên tới 27,7 tỷ SEK (2,72 tỷ EUR), tương ứng chiếm 8,6% tổng thị trường thực phẩm ở Thụy Điển – theo Ekoweb.
Thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển đã tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gần 5% từ năm 2015 đến năm 2018. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhất, sự tăng trưởng đã giảm đi. Đặc biệt trong năm 2020 tỷ lệ mua thực phẩm hữu cơ đã giảm 1% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh đó, thực phẩm hữu cơ cũng có sự cạnh tranh gay gắt từ các thực phẩm lành mạnh thay thế khác, như các sản phẩm được sản xuất bền vững, thực phẩm chay… Các sản phẩm này cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn đã làm ảnh hưởng đển sự phát triển của thị trường thực phẩm hữu cơ.
Hình 2 . Sự phát triển mua thực phẩm hữu cơ trong khu vực công Thụy Điển 2003 – 2020
Nguồn: Ekomatcentrum
Uớc tính có khoảng 57% thực phẩm hữu cơ tại Thụy Điển được bán tại các kênh bán lẻ, 20% đến từ hệ thống Systembolaget – hệ thống bán đồ uống có cồn thuộc nhà nước Thụy Điển, 17% thông qua lĩnh vực dịch thực phẩm và bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 6% thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển.
Doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ tại kênh bán lẻ của Thụy Điển đạt khoảng 15,7 tỷ SEK (1,54 tỷ EUR) năm 2020. Hiện tại, ba chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Thụy Điển là ICA, COOP và AXFOOD. Doanh thu thực phẩm hữu cơ của Systembolaget năm 2020 đạt 5,6 tỷ SEK (551 triệu EUR) tăng 19% so với năm 2019 (5,4 tỷ SEK – 531 triệu EUR). Các nhà kinh doanh lĩnh vực dịch vụ thực phẩm bị giảm doanh số bán thực phẩm trong năm 2020 chỉ đạt 4,6 tỷ SEK (452 triệu EUR) trong năm 2020, giảm 16% so với 2019 (5,5 tỷ SEK 2019 – 541 triệu EUR). Bán hàng trực tuyến tăng mạnh trong thời gian qua tại Thụy Điển đạt 1,8 tỷ SEK năm 2020, tăng 28,6% so với năm 2019 (1,4 tỷ SEK 2019 – 139 triệu EUR).
2. Đan Mạch
Đan Mạch là quốc gia có tham vọng cao về sản xuất thực phẩm hữu cơ. Là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập các tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ, để phát triển tiêu chuẩn quốc gia cho hữu cơ và phát triển nhãn hữu cơ. Đan Mạch cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra mục tiêu 60% thực phẩm hữu cơ trong các bếp ăn công cộng đến năm 2020 và mới đây nhất trong kế hoạch hành động khí hậu của Đan Mạch đã đặt ra mục tiêu tăng lên 90% thực phẩm hữu cơ trong các bếp ăn công cộng đến năm 2030. Đan Mạch cũng là quốc gia có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng thực phẩm, đồ uống hữu cơ.
Thị trường hữu cơ ở Đan Mạch được coi là mô hình thành công trong ngành công nghiệp hữu cơ. Đan Mạch hiện là thị trường tiêu dùng thực phẩm hữu cơ lớn thứ 7 ở EU, trong khi dân số của Đan Mạch chỉ có trên 5,6 triệu người. Tính theo tỷ lệ phần trăm, các sản phẩm hữu cơ chiếm 12,1% trong tổng doanh số bán thực phẩm của Đan Mạch trong năm 2019 với 106 tỷ EUR.
Ngày càng có nhiều sản phẩm hữu cơ được bán ở Đan Mạch và người tiêu dùng Đan Mạch ngày càng thích tiêu dùng các sản phẩm này.
Khoảng trên 80% doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ được bán thông qua các chuỗi bán lẻ và mua hàng trực tuyến. Hiện nay, mua hàng trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng. Khoảng trên 15% được bán thông qua dịch vụ thực phẩm. Và khoảng 4% được bán hàng thông qua các chợ, các cửa hàng của trang trại.
Theo Tổ chức phi chính phủ Hữu cơ Đan Mạch, từ năm 2018 đến 2019, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch đã tăng 9,4%. Hơn một nửa người dân Đan Mạch – cụ thể 52,5% dân số thường mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần. Cũng theo tổ chức này, trung bình mỗi người dân Đan Mạch chi khoảng 344 EUR cho tiêu dùng thực phẩm hữu cơ vào năm 2019 – điều này đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thực phẩm hữu cơ.
Theo thống kê, ngày nay cứ bốn người mua thực phẩm thì có ba người mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần. Điều này cho thấy, hầu hết người dân Đan Mạch dùng thực phẩm hữu cơ.
Hình 3 . Sự phát triển thị phần thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Thực phẩm hữu cơ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 15 năm qua (2006 – 2020), được thể hiện thông qua thị phần thực phẩm hữu cơ tại thị trường Đan Mạch. Có thể thấy, năm 2006, thị phần thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch khá nhỏ chỉ khoảng gần 4%, đã tăng lên 12,8% vào năm 2020. Đây là mức thị phần thực phẩm hữu cơ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đan Mạch cũng là quốc gia có doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ trên đầu người lớn trên thế giới.
Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ liên tục tăng qua các năm và đang tăng trưởng với tốc độ kỷ lục tại Đan Mạch.
Hình 4 . Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ Đan Mạch 2010 – 2020
Đơn vị: nghìn DKK
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Lĩnh vực bán lẻ thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch bao gồm bán hàng trực tuyến đang bùng nổ chiếm phần lớn nhất trong tổng doanh số bán hàng hữu cơ, đạt khoảng 16 tỷ DKK (2,14 tỷ EUR) trong năm 2020, tăng 214% so với năm 2010, và tăng trưởng khá mạnh trong giai đoạn 2010 – 2020.
Ngược lại, năm 2020 là một năm khó khăn đối với lĩnh vực dịch vụ thực phẩm nói chung của Đan Mạch, vì dịch bệnh covid-19 đã chấm dứt sự tăng trưởng thực phẩm hữu cơ đáng kể từ năm 2010. Do sự đóng cửa kéo dài của các bộ phận lớn của ngành dịch vụ thực phẩm trong thời gian ngừng hoạt động, nên doanh thu của các sản phẩm hữu cơ trong ngành dịch vụ thực phẩm giảm mạnh vào năm 2020 đạt 1,6 tỷ DKK (215 triệu EUR). Tuy nhiên, doanh số bán thực phẩm hữu cơ thông qua lĩnh vực dịch vụ thực phẩm dự kiến sẽ phục hồi dần vào năm 2021 khi các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh được dỡ bỏ dần.
Bán hàng thông qua các cửa hàng chuyên biệt bán thực phẩm hữu cơ và các chợ nhỏ, các cửa hàng nhỏ tại các trang trại đạt 0,7 tỷ DKK (94 triệu EUR) trong năm 2020.
Hình 5 . Chi tiết các mặt hàng hữu cơ theo doanh số bán hàng tại Đan Mạch năm 2020
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Trái cây và rau quả chiếm hơn một phần ba doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ trong lĩnh vực bán lẻ tại Đan Mạch với thị phần 37%. Tiếp theo là sữa, chiếm 1/5 doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ với thị phần 19%. Nhìn chung, hầu hết các danh mục sản phẩm hữu cơ đều đạt được thị phần khá cao.
Dưới đây là tốp 10 các sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ phổ biến nhất năm 2020 của Đan Mạch gồm:
1. Chuối
2. Sữa gốc thực vật
3. Cà rốt
4. Bột yến mạch
5. Sữa chua tự nhiên
6. Cây lấy củ
7. Bắp cải
8. Sữa
9. Bột mì
10. Trứng
3. Na Uy
Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm hữu cơ Na Uy có sự tăng trưởng tích cực. Động lực chính cho sự thay đổi này chính là thói quen tiêu dùng phổ biến đối với thực phẩm hữu cơ của người dân Na Uy. Người Na Uy đang ngày càng chi nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ.
Thị phần thực phẩm hữu cơ tại Na Uy đang càng ngày càng tăng lên. Năm 2018, người Na Uy mua thực phẩm hữu trị giá khoảng 300 triệu EUR, tăng 8% so với năm 2017.
Năm 2020, thị trường thực phẩm hữu cơ Na Uy đạt khoảng 507 triệu EUR chiếm thị phần 2,6% trong tổng thị trường thực phẩm Na Uy. Thị trường thực phẩm hữu cơ Na Uy dự kiến sẽ đạt 795 triệu EUR vào 2025 và 1.053 triệu EUR vào năm 2030, tương ứng với thị phần thực phẩm hữu cơ trên thị trường thực phẩm Na Uy lần lượt là 3,8% vào năm 2025 và 4,7% vào năm 2030.
Năm 2020, tất cả các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất hữu cơ và bán hàng thực phẩm hữu cơ tại Na Uy đều tăng. Theo báo cáo của Cơ quan nông nghiệp Na Uy, doanh số bán hàng thực phẩn hữu cơ tăng 25%. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn trong các kênh bán hàng. Doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ tại các cửa hàng chuyên biệt và Vinmonopolet tăng lần lượt là 20% và 54%. Trong khi, doanh số bán thực phẩm hữu cơ từ các nhà bán buôn thực phẩm lại giảm 36%.
Hình 6 . Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại Na Uy theo sản phẩm năm 2018
Đơn vị: triệu NOK
Nguồn: Statistic.com
II. Phân khúc thị trường
Người tiêu dùng tại thị trường Bắc Âu có thể được chia thành các phân khúc sau:
– Màu xanh: được thúc đẩy bởi niềm tin rằng các vấn đề bền vững là quan trọng trong xã hội ngày nay và con người chịu trách nhiệm phần lớn cho các vấn đề môi trường hiện tại. Do đó, họ điều chỉnh hành vi của mình để giải quyết vấn đề này. Hầu hết, họ được giáo dục tốt về những vấn đề này. Nhóm này có xu hướng mua sản phẩm hữu cơ không chỉ vì nó được cho là tốt cho sức khỏe mà còn thân thiện với môi trường hơn trong quá trình sản xuất.
– Những người quan tâm đến chất thải: đang làm rất nhiều cho môi trường và cảm thấy cần phải làm gì đó về các vấn đề bền vững. Tuy nhiên, các hành động của họ chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tránh lãng phí hơn là giảm thiểu tác động đến môi trường của chúng. Họ hiểu biết về tình trạng lãng phí và ô nhiễm cục bộ và sử dụng tối đa các phương án tái chế hiện tại. Nhưng họ thiếu nhận thức về các vấn đề khác và hoài nghi về quy mô và mức độ cấp bách của các vấn đề môi trường. Do đó, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ của họ bị hạn chế bởi sở thích cá nhân về hương vị hoặc sức khỏe.
– Người tiêu dùng quan tâm: được thúc đẩy bởi các mối quan tâm về môi trường và xã hội nhưng lựa chọn tiêu dùng của họ là tự cao tự đại và tập trung để làm cho họ cảm thấy ít mặc cảm hơn về việc hủy hoại môi trường. Nhóm này có tiềm năng mua hàng hữu cơ vì họ cảm thấy cần phải được coi là xanh đối với hành vi mua sắm của họ.
– Những người ủng hộ bên lề: là những người tiêu dùng có thế giới quan theo chủ nghĩa môi trường nhưng họ vẫn chưa bị thuyết phục về tính cấp thiết của vấn đề. Người tiêu dùng ở phân khúc này thường thực sự tin rằng nhân loại sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề hiện tại bằng cách sử dụng công nghệ ngày càng phát triển. Do đó, họ thiếu hành động vì họ tin rằng dù thế nào đi nữa các chính phủ sẽ giải quyết được vấn đề. Nhóm này sẽ mua sản phẩm hữu cơ nếu họ có sở thích cá nhân về nó như hương vị và sức khỏe.
– Những người thận trọng: là những người tiêu dùng có thế giới quan về môi trường ở mức trung bình. Họ có xu hướng đồng ý rằng có một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra hoặc một vấn đề nào đó nhưng đồng thời họ cũng bi quan về khả năng giải quyết vấn đề của từng cá nhân. Các hành vi hiện tại của họ chỉ giới hạn trong nhà và tập trung chủ yếu vào việc tiết kiệm năng lượng và nước. Vì vậy, nhóm này không quá bận tâm về lợi ích môi trường của việc canh tác hữu cơ và tiêu dùng hữu cơ.
– Những người bắt đầu bị đình trệ: bao gồm những người tiêu dùng có quan điểm về môi trường khá bối rối. Mặc dù họ đồng ý rằng con người đang làm tổn hại đến hệ sinh thái bằng cách họ sống, họ vẫn cảm thấy rằng biến đổi khí hậu hoặc tính bền vững sinh thái không phải là những vấn đề sắp xảy ra. Họ có mức độ hiểu biết thấp nhất về các vấn đề môi trường và nhìn chung không quan tâm đến chủ đề này. Do đó, nhóm sẽ chỉ mua thực phẩm hữu cơ nếu có hương vị tốt hơn hoặc nếu nó thực sự rẻ hơn thực phẩm thông thường.
– Nhóm người trung thực: là phân khúc người tiêu dùng trong đó người tiêu dùng hoàn toàn không quan tâm đến thế giới quan sinh thái. Giống như những người mới bắt đầu bị đình trệ, họ phủ nhận trách nhiệm về việc hủy hoại môi trường và hoài nghi về quy mô của mối đe dọa. Họ tin rằng ngay cả những vấn đề như vậy tồn tại, chúng có thể được giải quyết mà không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lối sống. Do đó, nhóm sẽ chỉ mua thực phẩm hữu cơ nếu họ thích hương vị hoặc nếu nó thực sự rẻ hơn thực phẩm thông thường.
III. Xu hướng tiêu dùng
Có hai nhóm người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ chính tại các nước Bắc Âu:
(i) Nhóm thứ nhất là nhóm những người mua trung thành. Những người này thường lớn tuổi, đã tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ trong nhiều thập kỷ. Những người tiêu dùng này cực kỳ có giá trị đối với ngành công nghiệp hữu cơ vì sẽ tiếp tục mua các sản phẩm hữu cơ. Nhóm này chủ yếu thích mua các sản phẩm chưa qua chế biến hơn thực phẩm đóng gói, như các loại thịt, các loại hạt… Nhóm này thường quan tâm đến việc mua thực phẩm được sản xuất tại địa phương, thân thiện với môi trường và quan tâm đến phúc lợi động vật. Giá cả không phải là yếu tố quan trọng đối với nhóm này.
(ii) Nhóm thứ hai đông và đa dạng hơn là những người tiêu dùng giàu có, giới trẻ và những người tiêu dùng đang tìm kiếm xu hướng mới. Họ mua sản phẩm hữu cơ vì muốn có lối sống lành mạnh hơn, thích hương vị, chất lượng, bao bì hấp dẫn, quan tâm đến phúc lợi động vật. Nhóm này thường mua các sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị hoặc trực tuyến. Đây là nhóm được ngành công nghiệp hữu cơ tập trung vào để tạo ra sự tăng trưởng trong tương lai.
Số lượng người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ (thường sẵn sàng trả nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ) đang tăng lên tại các nước Bắc Âu. Đặc biệt trong mấy năm qua, rất nhiều người chú ý đến tính bền vững, các xu hướng sức khỏe và thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng thích các sản phẩm chế biến lành mạnh và được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường.
Trong số các nước Bắc Âu, người tiêu dùng Đan Mạch là những người tiêu dùng ủng hộ thực phẩm hữu cơ nhất trên thế giới. Thực tế cho thấy, Đan Mạch có thị phần hữu cơ cao nhất thế giới và thị trường hữu cơ phát triển tốt nhất. Mới đây, Đan Mạch đã đưa ra kế hoạch khí hậu với mục tiêu giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030. Đồng thời, kế hoạch cũng đặt ra việc chuyển đổi sang các bữa ăn hữu cơ, thân thiện với môi trường và lành mạnh hơn trong các bếp ăn công cộng. Hàng nghìn trường học, bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ em, người già, các bộ, ngành và thậm chí cả doanh trại quân đội trên khắp Đan Mạch đã dần chuyển đổi bữa ăn của họ sang nhiều rau quả, giảm bớt thịt, tiêu thụ sản phẩm theo mùa và tránh lãng phí thực phẩm. Kế hoạch bao gồm các mục tiêu rất cụ thể, như: 90% thực phẩm hữu cơ trong các bếp ăn công cộng; chính sách mua sắm công đổi mới, bền vững với yêu cầu thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường; hợp tác chuỗi cung ứng để đưa nông dân và các công ty lại với nhau để đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ… Kế hoạch dự định sẽ sử dụng các nhà bếp công và tư nhân như một nền tảng để khuyến khích người Đan Mạch áp dụng chế độ ăn hữu cơ.
Tại Thụy Điển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, tác động môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là một trong những yếu tố quyết định mua sản phẩm của họ. Trong khuôn khổ chiến lược lương thực quốc gia, Chính phủ Thụy Điển đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất nông nghiệp và 60% tiêu dùng thực phẩm công cộng phải là hữu cơ.
Hình 7 . Dự báo thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển đến 2030
Nguồn: Ekoweb
Theo Ekoweb Thụy Điển, tiếp tục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển sẽ tiếp tục giảm 0,5 tỷ SEK (49 triệu EUR) trong năm 2021. Tuy nhiên, sau đó sẽ tăng trưởng trở lại và dự kiến sẽ tăng thêm 5 tỷ SEK (0,49 tỷ EUR), đạt khoảng 32,8 tỷ SEK (3,22 tỷ EUR) trong năm 2030.
Năm 2006, Na Uy đã đặt ra mục tiêu đạt 15% ngành công nghiệp phẩm của Na Uy là hữu cơ vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2017, Na Uy muốn giảm kế hoạch mục tiêu hữu cơ vào năm 2020 để ủng hộ thương mại tự do theo nhu cầu. Tuy nhiên, quyết định này đã nhận nhiều chỉ trích của các tổ chức. Hiện tại, nhận thức của người dân về khí hậu và bảo vệ môi trường ngày càng cao. Các quốc gia láng giềng của Na Uy là Đan Mạch và Thụy Điển, cùng với các quốc gia EU khác đang ngày càng đặt ra các mục tiêu tham vọng về tăng sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, it sử dụng thuốc trừ sâu, ít sử dụng kháng sinh hơn, đang dạng sinh học hơn, tăng cường phúc lợi động vật và sức khỏe đất đai. Do vậy, lo ngại nguy cơ Na Uy, vốn đã bị tụt hậu về canh tác hữu cơ so với các quốc gia EU khác, sẽ có nguy cơ bị thực phẩm hữu cơ của các quốc gia khác vượt mặt tại thị trường Na Uy. Do vậy, trong năm 2021, Hiệp hội hữu cơ Na Uy đã kêu gọi hướng đi mới cho nông nghiệp, cùng với các tổ chức môi trường, liên đoàn, công đoàn đã đệ trình kháng nghị lên quốc hội Na Uy yêu cầu mục tiêu 25% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030. Mặc dù thị phần thực phẩm hữu cơ tại Na Uy hiện tại còn thấp nhưng được cho là đầy hứa hẹn và được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới cùng với nhiều nước châu Âu khác. Người Na Uy quan tâm đến việc ăn uống đầy đủ và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe và mang tính công bằng. Các xu hướng thân thiện với môi trường và hữu cơ, được truyền thông trong những năm gần đây, cũng hỗ trợ cho việc chuyển đổi thói quen mua hàng thông thường sang các lựa chọn thay thế xanh hơn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đã thông qua kế hoạch hành động về phát triển sản xuất hữu cơ vào ngày 25 tháng 3 năm 2021 giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, nhằm đạt được 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ vào năm 2030. Ủy ban châu Âu cũng đã tuyên bố ngày 23/9 hàng năm là “Ngày hữu cơ của Liên minh châu Âu” theo kế hoạch hành động về phát triển sản xuất hữu cơ để góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn. Tất cả những điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trong tương lai.
I. Tình hình sản xuất
1. Thụy Điển
Từ khoảng năm 1990, canh tác hữu cơ đã trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong chính sách nông nghiệp quốc gia Thụy Điển. Năm 1994, quốc hội Thụy Điển đặt ra mục tiêu cuối năm 2000, 10% diện tích đất canh tác được sử dụng các phương pháp hữu cơ. Trên thực tế vào năm 2000, 11% diện tích đất canh tác của Thụy Điển được chứng nhận hữu cơ hoặc đang sử dụng chương trình hỗ trợ quốc gia cho nông nghiệp hữu cơ.
Đất nông nghiệp hữu cơ ở Thụy Điển đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua và tăng lên 577.000 ha và chiếm 19% tổng diện tích đất canh tác vào năm 2017.
Năm 2019, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ tại Thụy Điển đã tăng lên khoảng 613.964 ha, tương đương với 20,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của Thụy Điển.
Hiện tại, Thụy Điển đưa ra mục tiêu 30% đất nông nghiệp hữu cơ và 60% tiêu dùng thực phẩm hữu cơ tại các bếp ăn công cộng vào năm 2030.
Đất nông nghiệp hữu cơ ở Thụy Điển dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, nhờ vào nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với sản xuất hữu cơ.
Trong năm 2019, có 5.730 nhà sản xuất hữu cơ tại Thụy Điển, giảm 1,2% so với năm 2017 (5.801 nhà sản xuất).
Các sản phẩm hữu cơ được sản xuất nhiều nhất tại Thụy Điển là ngũ cốc, ngô, sữa và thịt bò. Trong năm 2020, sản lượng ngũ cốc hữu cơ đạt kỷ lục với 421.200 tấn, tăng 4% so với 2019; củ cải hữu cơ đạt 15.900 tấn.
2. Đan Mạch
Năm 2019, Đan Mạch có khoảng 301.481 ha được sử dụng để sản xuất các sản phẩm hữu cơ, tương đương 10,9% tổng diện tích đất nông nghiệp của Đan Mạch. Năm 2020, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đã tăng lên 310.210 ha, tăng 3% so với năm 2019. Hầu hết đất nông nghiệp hữu cơ Đan Mạch được phân bổ tại Jutland, phần lục địa phía Bắc của Đan Mạch.
Hình 8 . Diện tích và số lượng nông dân sản xuất thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch từ 2012 – 2020
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Đan Mạch liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, cùng với đó là số lượng trang trại sản xuất hữu cơ cũng tăng theo. Năm 2012, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ là 182.930 ha với 2.603 trang trại. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 310.210 ha và 4.121 trang trại.
So với phương pháp canh tác thường, canh tác hữu cơ cải thiện phúc lợi của động vật, không sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp, dẫn đến ít nitrat chảy vào môi trường, giúp bảo vệ môi trường. Đồng thời các sản phẩm hữu cơ cũng là các sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe nên Chính phủ Đan Mạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi canh tác và sản xuất hữu cơ.
Tuy nhiên, trước khi trang trại được chuyển đổi từ sản xuất thường sang sản xuất hữu cơ, cần phải trải qua giai đoạn chuyển đổi khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này, khi các phương thức canh tác được tiến hành theo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm không thể được bán hoặc dán nhãn là hữu cơ. Những người nông dân cần đầu tư trang thiết bị nông nghiệp mới và phương tiện bảo quản trong khi tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm. Mặc dù quy mô của các trang trại riêng lẻ còn khác nhau, nhưng nhiều trang trại hữu cơ ở Đan Mạch đã có tính chuyên môn hóa cao.
Sản xuất hữu cơ ở Đan Mạch chủ yếu là sản xuất ngũ cốc hữu cơ, các loại đậu, hạt, các sản phẩm tươi như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, sữa. Năm 2020, sản xuất các loại động vật sinh thái hữu cơ như bò, lợn, gia cầm đạt 4,6 triệu con, tăng 14% so với 2019; sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa hữu cơ đạt 689,7 triệu ki-lô-gam, không thay đổi so với 2019; sản xuất trứng hữu cơ đạt 23 triệu kg, tăng 5% so với 2019.
3. Na Uy
Với diện tích đất là 365,123 km2 và dân số Na Uy tương đối nhỏ chỉ trên 5 triệu người, Na Uy là quốc gia có mật độ dân số thấp chỉ 14,5 người/km2. Một phần lớn diện tích đất của Na Uy ở Cực Bắc có rất ít dân cư sinh sống. Dân cư chủ yếu tập trung sinh sống tại phía Nam nơi có khí hậu ấm áp hơn. Hiện nay, khoảng 3% tổng diện tích đất của Na Uy sử dụng cho nông nghiệp và khoảng 2/3 trong số này là đồng cỏ và các loại cây làm thức ăn cho gia súc.
Diện tích đất nông nghiệp hữu cơ ở Na Uy khá nhỏ, chỉ khoảng 45.312 ha vào năm 2019, tương đương 4,6% tổng diện tích đất nông nghiệp và chủ yếu phân bổ tại Oslo, Viken và Trondelag.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp thông thường sang đất nông nghiệp hữu cơ rất tốn kém và chính quyền Na Uy không tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi. Sự khác biệt về lợi ích từ các hội nông dân là các trở ngại cho quá trình chuyển đổi này.
Ngoài ra, các trang trại của Na Uy tương đối nhỏ, phụ thuộc vào sản lượng cao. Do vậy, việc đầu tư cải tạo sang đất hữu cơ của các trang trại này cũng còn nhiều hạn chế.
Số lượng các nhà sản xuất hữu cơ đang giảm dần tại Na Uy. Theo Cơ quan thống kê Na Uy, hàng quý đều có các công ty mới chuyển sang hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng đồng thời lại có một số công ty quay trở lại hoạt động sản xuất nông nghiệp thông thường hoặc đóng cửa. Năm 2020, có 1.962 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, trong đó 114 doanh nghiệp đang chuyển đổi, giảm 0,7% so với năm 2019 (1.976 doanh nghiệp).
Sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở Na Uy thấp hơn so với các nước Bắc Âu khác, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, và trồng trọt ngũ cốc và cây có dầu.
II. Tình hình xuất nhập khẩu
1. Xuất khẩu
Thụy Điển
Do Cơ quan Hải quan và Thống kê của Thụy Điển không ghi nhận số liệu giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường nên không có số liệu xuất nhập khẩu chính xác của các năm.
Báo cáo xuất khẩu do Organic Thụy Điển công bố cho thấy Thụy Điển là nước nhập khẩu ròng thực phẩm hữu cơ. Chỉ có ngũ cốc hữu cơ thì xuất khẩu mới vượt quá nhập khẩu.
Theo báo cáo nông nghiệp hữu cơ thế giới 2021, xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Thụy Điển đạt 117 triệu EUR năm 2018, giảm 6,4% so với năm 2017 (125 triệu EUR).
Phần lớn xuất khẩu thực phẩm hữu cơ được xuất khẩu sang các nước Bắc Âu khác (chủ yếu là Đan Mạch), tiếp theo là Đức và phần còn lại của châu Âu. Cà phê, quả mọng và mứt, đồ uống, ngũ cốc và bánh mì là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong nhóm sản phẩm hữu cơ.
Hình 9 . Nhóm hàng xuất khẩu thực phẩm hữu cơ lớn nhất của Thụy Điển năm 2017
Đơn vị: triệu EUR
Nguồn: Organic Thụy Điển
Đan Mạch
Các nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ Đan Mạch không chỉ thành công ở thị trường Đan Mạch mà còn thành công ở cả thị trường xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch liên tục tăng qua các năm.
Với tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, và có hệ thống kiểm soát thực phẩm hữu cơ nghiêm ngặt đã khiến cho xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch liên tục tăng trong 6 năm qua, từ 1,72 triệu DKK (231,2 triệu EUR) năm 2014 đã tăng lên gần gấp đôi với 3,02 triệu DKK (406,8 triệu EUR) vào năm 2019.
Trước đây, Cơ quan thống kê Đan Mạch thống kê riêng việc xuất nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từng năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, Cơ quan thống kê Đan Mạch không thống kê riêng việc xuất nhập khẩu thực phẩm hữu cơ. Do vậy, không có số liệu xuất nhập khẩu thực phẩm hữu cơ riêng trong năm 2020.
Bảng 1 . Xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch từ 2014 – 2019
Đơn vị: triệu EUR
1 DKK = 0,13 EUR
2014
2015
2016
2017
2018
2019
Xuất khẩu thực phẩm hữu cơ
231,2
266,4
328,9
396,6
390,4
406,8
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Nhóm các quốc gia mà Đan Mạch xuất khẩu lớn nhất là các nước EU với 2,44 tỷ DKK (328 triệu EUR), tiếp đến là các nước châu Á với 488 triệu DKK (65,6 triệu EUR) năm 2019. Trong đó, Đức hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đan Mạch, tiếp theo là Thụy Điển, Hà Lan, Pháp và Trung Quốc.
Hình 10 . Xuất khẩu thực phẩm hữu cơ theo quốc gia của Đan Mạch 2019
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Đan Mạch có rất nhiều công ty sản xuất chăn nuôi lớn và nhỏ được định hướng sản xuất để xuất khẩu. Do vậy, các sản phẩm được Đan Mạch xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm sữa, bơ, phô mai và thịt. Trong đó, sản phẩm từ trứng và sữa xuất khẩu nhiều nhất với 1,185 tỷ DKK (159 triệu EUR) năm 2019.
Hình 11 . Các sản phẩm hữu cơ Đan Mạch xuất khẩu 2017 – 2019
Đơn vị: nghìn DKK
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Na Uy
Na Uy là quốc gia với thời tiết giá lạnh nên hạn chế cho việc sản xuất thực phẩm. Do vậy, hầu hết các sản phẩm thực phẩm đều được nhập khẩu (khoảng 60% tổng lượng thực phẩm tiêu thụ ở Na Uy).
Theo Cơ quan Nông nghiệp Na Uy, lượng xuất khẩu thực phẩm hữu cơ từ Na Uy rất thấp. Không có dữ liệu nào chính xác về số lượng Na Uy xuất khẩu thực phẩm hữu cơ, tuy nhiên, hầu như mọi loại thực phẩm đều phải nhập khẩu. Do vậy, có khả năng xuất khẩu thực phẩm hữu cơ từ Na Uy là vô cùng nhỏ và không đáng kể.
2. Nhập khẩu
EU hiện đang là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu thực phẩm hữu cơ trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong năm 2019, EU nhập khẩu khoảng 3,24 triệu tấn thực phẩm hữu cơ, tăng 0,4% so với năm 2018. Trong đó, các nước Bắc Âu, cụ thể là Thụy Điển và Đan Mạch đều nằm trong tốp 10 quốc gia nhập khẩu sản phẩm hữu cơ nhiều nhất tại EU. Năm 2020, Thụy Điển là quốc gia đứng thứ 6 về nhập khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ của EU, tiếp theo đó là Đan Mạch đứng thứ 8 về nhập khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ của EU.
Tuy nhiên, trong khi thị trường hữu cơ của EU tăng trưởng tổng thể, nhập khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ giảm nhẹ từ năm 2019 đến năm 2020. Về chủng loại sản phẩm, EU nhập khẩu trái cây nhiệt đới hữu cơ và gạo hữu cơ tăng. Tuy nhiên, phần tăng này này bị lấn át bởi sự sụt giảm nhập khẩu các loại ngũ cốc khác, bánh dầu và đường – theo Báo cáo nhập khẩu nông sản hữu cơ EU năm 2020 .
Năm 2020, EU nhập khẩu 2,79 triệu tấn nông sản hữu cơ, giảm 1,9% so với 2,85 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2019. Hàng hóa, bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật và hạt có dầu, đường, bột, sữa, bơ, cà phê chưa rang và ca cao chiếm 48% lượng nhập khẩu năm 2020 về khối lượng và chiếm 29% về giá trị. Đối với các sản phẩm khác, bao gồm các sản phẩm thịt, trái cây, rau quả, sữa chua và mật ong, chiếm 42% kim ngạch nhập khẩu về lượng và 53% về giá trị.
Hình 12 . Nhập khẩu nông sản thực phẩm theo quốc gia của EU 2019 – 2020
Đơn vị: triệu tấn
Nguồn: Báo cáo nhập khẩu nông sản hữu cơ EU 2020
Về chủng loại sản phẩm, cho đến nay, nhóm hàng thực phẩm hữu cơ nhập khẩu vào lớn nhất là trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị, chiếm 30% sản lượng, tương đương 0,84 triệu tấn, tiếp theo là bánh dầu (oilcakes) chiếm 8% sản lượng, tương đương 0,23 triệu tấn, củ cải đường và đường mía chiếm 7% sản lượng, tương đương 0,19 triệu tấn và rau chiếm 5% sản lượng, tương đương 0,15 triệu tấn.
Do các quốc gia Bắc Âu không tách số liệu xuất nhập khẩu giữa thực phẩm hữu cơ và vô cơ, nên không có số liệu chính xác của xuất nhập khẩu riêng lẻ thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu, các đối tác thương mại chính về nhập khẩu sản phẩm hữu cơ tại châu Âu là Ecuador (12%), Cộng hòa Dominica (9%), Trung Quốc (8%) và Ukraine (8%). Dưới đây là tốp mười quốc gia xuất khẩu sản phẩm hữu cơ lớn nhất sang EU, và chiếm 64% tổng kim ngạch nhập khẩu hữu cơ vào EU năm 2020.
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 11.466 tấn thực phẩm hữu cơ vào EU, giảm 8,7% so với năm 2018 (12.561 tấn), chiếm thị phần 0,4% trong tổng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của châu Âu.
Hình 13 . Nhập khẩu thực phẩm hữu cơ theo quốc gia của EU 2018 – 2019
Nguồn: FiBL
Thụy Điển
Tương tự như một số quốc gia khác, Thụy Điển không phân biệt giữa sản phẩm thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ, bởi cùng chung mã HS, chỉ khác nhau về nhãn mác. Do đó không thể phân biệt đượcgiữa nhập khẩu hàng hóa hữu cơ và hàng hóa thông thường.
Tuy nhiên, theo số liệu của FiBL 2021, trong năm 2019, Thụy Điển đã nhập khẩu khoảng 190.023,20 tấn thực phẩm hữu cơ.
Mặc dù không có được bất kỳ dữ liệu định lượng nào về việc nhập thực phẩm hữu cơ đến Thụy Điển, nhưng theo Organic Thụy Điển, sản phẩm hữu cơ điển hình được nhập khẩu bao gồm trái cây và rau quả, cà phê, chè, chuối.
Bảng 2 . Nhập khẩu một số sản phẩm rau quả, cà phê, chè của Thụy Điển 2016 – 2020
Đơn vị: nghìn USD
HS
2016
2017
2018
2019
2020
07. Rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được
720.669
745.366
776.012
756.126
759.019
Tăng trưởng (%)
–
3,4%
4,1%
-2,6%
0,4%
08. Quả và quả hạch ăn được
1.116.553
1.138.789
1.160.288
1.038.730
1.135.739
Tăng trưởng (%)
–
2,0%
1,9%
-10,5%
9,3%
09. Cà phê, trà, và các loại gia vị
584.619
622.715
541.382
517.880
550.197
Tăng trưởng (%)
–
6,5%
-13,1%
-4,3%
6,2%
Nguồn: ITC Trademap
Dựa vào số liệu nhập khẩu trái cây và rau quả, trà, cà phê của Thụy Điển (gồm cả hữu cơ và vô cơ), có thể thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rau quả, cà phê, trà của Thụy Điển khá lớn và ổn định. Năm 2020, nhập khẩu rau củ đạt 759 triệu USD, tăng 0,4% so với 2019; nhập khẩu các loại quả đạt 1,135 tỷ USD, tăng 9,3% so với 2019, nhập khẩu trà và cà phê đạt 550 triệu USD, tăng 6,2% so với 2019.
Đan Mạch
Mặc dù sản lượng sản xuất hữu cơ của Đan Mạch tương đối cao và xuất khẩu nhiều, nhưng do điều kiện thời tiết, Đan Mạch vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản nhiệt đới.
Song song với việc xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch ngày càng tăng, nhập khẩu cũng tăng trưởng khá mạnh. Nhu cầu của người tiêu dùng Đan Mạch đối với một loạt các sản phẩm hữu cơ ngày càng cao đã dẫn đến việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch vượt quá xuất khẩu. Năm 2019, Đan Mạch nhập khẩu thực phẩm hữu cơ về lượng khoảng 120.704,77 tấn, về trị giá khoảng 4,82 tỷ DKK (648 triệu EUR), tăng 8,93% so với 2018.
Bảng 3 . Nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch 2014 – 2019
Đơn vị: triệu EUR
1 DKK = 0,13 EUR
2014
2015
2016
2017
2018
2019
Nhập khẩu thực phẩm hữu cơ
260,8
322,5
432,2
518,5
594,9
648
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Các mặt hàng hữu cơ chủ yếu được Đan Mạch nhập khẩu là rau quả và trái cây, do điều kiện khí hậu lạnh giá và khắc nghiệt tại Đan Mạch nên không thích hợp để trồng và phát triển các loại rau và trái cây. Trong đó, Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu hoa quả nhiệt đới như chuối, cam, chanh… Ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc cũng được nhập khẩu khá lớn từ Đan Mạch … do Đan Mạch không thể sản xuất được các mặt hàng này. Thức ăn chăn nuôi cũng được Đan Mạch nhập khẩu, và sau đó tái xuất sang một số thị trường lân cận.
Hình 14 . Nhóm thực phẩm hữu cơ nhập khẩu tại Đan Mạch 2017 – 2019
Đơn vị: nghìn DKK
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Rau quả và ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc là nhóm hàng hữu cơ được Đan Mạch nhập khẩu nhiều nhất. Đối với rau quả, từ 1,52 tỷ DKK (204,3 triệu EUR) năm 2017 tăng lên 2,01 tỷ DKK (270,2 triệu EUR) năm 2019. Tiếp đó là ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc với 560 triệu DKK năm 2019 (75,2 triệu EUR).
Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu từ các nước thuộc EU. Năm 2019, tổng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch từ các nước EU là 4,17 tỷ DKK (560,6 triệu EUR), chiếm 86,64% tổng nhập khẩu trong năm 2019, tiếp đó là các nước ASEAN, 426 triệu DKK (57,2 triệu EUR), chiếm 8,84%, đứng thứ 3 là Hoa Kỳ,173 triệu DKK (23,2 triệu EUR), chiếm 3,6%.
Na Uy
Tương tự như một số quốc gia khác, Na Uy không tách riêng thực phẩm hữu cơ và các thực phẩm khác.
Theo Cơ quan Nông nghiệp Na Uy việc nhập khẩu thực phẩm hữu cơ được diễn ra ở các nhóm sản phẩm khác nhau trừ pho mát (bởi hầu hết pho mát được sản xuất trong nước). Khoảng 50% pho mát hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài. Trái cây là loại thực phẩm hữu cơ được nhập khẩu nhiều nhất. Theo Cơ quan Nông nghiệp Na Uy, trong năm 2018, 76% trái cây, quả hạch và quả mọng hữu cơ được bán ra tại các cửa hàng bán lẻ là được nhập khẩu.
Do sản xuất sản phẩm hữu cơ ở Na Uy quá nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên Na Uy phải nhập khẩu thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là mặt hàng ngũ cốc, khoai tây, trái cây và quả mọng hữu cơ do rất khó sản xuất trong nước.
Đối với yến mạch, sản lượng sản xuất yến mạch năm 2020 của Na Uy đã tăng lên đạt 2.400 tấn, tăng 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ yến mạch cũng tăng lên đáng kể trong năm 2020.
Đối với ngũ cốc hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước cũng không đủ đáp ứng nhu cầu và phải nhập khẩu một lượng lớn hàng năm, chủ yếu từ Thụy Điển. Ngoài ra, Na Uy cũng phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu một số nguyên liệu thô không sản xuất được như ngô, mật đường và đậu nành.
Đối với khoai tây, rau quả doanh số bán năm 2020 tăng 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm khác, việc sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Do đó, Na Uy cũng phải nhập khẩu rau quả hữu cơ. Khoai tây, rau quả hữu cơ chủ yếu được bán thông qua các cửa hàng bán lẻ tạp hóa, ngoài ra còn được bán tại nông trại.
I. Thụy Điển
Thực phẩm hữu cơ tại Thụy Điển được phân phối qua 04 kênh chính sau: Bán lẻ thực phẩm, hệ thống Systembolaget, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và thương mại điện tử.
Lĩnh vực bán lẻ
Như đã phân tích ở trên, 57% thực phẩm hữu cơ tại Thụy Điển được bán tại các kênh bán lẻ. Năm 2019, Thụy Điển nằm trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu trên thế giới về doanh thu bán lẻ thực phẩm hữu cơ với 2,14 tỷ EUR, chiếm 9,0% trong tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm, và đạt 1,54 tỷ EUR trong năm 2020.
Nhóm các công ty bán lẻ phân phối thực phẩm hữu cơ hàng đầu tại Thụy Điển gồm ICA, Coop, Axfood, Lidl và Bergendahl.
Hiện tại, ICA hiện vẫn đang dẫn đầu về doanh thu bán lẻ thực phẩm hữu cơ với 8 tỷ SEK (787 triệu EUR) năm 2020, tiếp đó là Coop với doanh số bán hàng 3 tỷ SEK (295 triệu EUR), và Axfood là 2,4 tỷ SEK (236 triệu EUR).
Hình 15 . Tốp các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống hữu cơ hàng đầu tại Thụy Điển năm 2020, theo doanh thu
Đơn vị: tỷ SEK
Nguồn: Statistic.com
Ngoài ra, còn có kênh bán hàng khác trong thương mại bán lẻ với doanh số bán hàng đạt 1,1 tỷ SEK (108 triệu EUR) năm 2020. Phân khúc này bao gồm một số nhà bán lẻ như các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe, Circle K, Shell, Seven-eleven…
Systembolaget
Công ty nhà nước Thụy Điển Systembolaget là công ty lớn thứ hai của Thụy Điển trên thị trường thực phẩm hữu cơ, gồm chuỗi các cửa hàng bán lẻ. Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ duy nhất được phép bán đồ uống có cồn trên 3,5% theo thể tích. Hiện tại, Systembolaget cung cấp hơn 1.700 loại sản phẩm hữu cơ, hầu hết trong số đó là rượu vang. Rượu là danh mục có thị phần hữu cơ lớn nhất, chiếm 22%.
Trong năm 2020, Systembolaget chiếm 20% thị phần thực phẩm hữu cơ của Thụy Điển với doanh thu 5,6 tỷ SEK (551 triệu EUR).
Dịch vụ thực phẩm
Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm hiện đang đứng thứ ba tại Thụy Điển về phân phối và bán hàng thực phẩm hữu cơ với 17% thị phần năm 2020, tương ứng với 4,6 tỷ SEK (452 triệu EUR), giảm 16% so với 2019.
Dịch vụ ăn uống bao gồm khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống và khu vực công cộng. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến cho khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề và tổng doanh thu đã giảm khoảng 15-20%. Theo tính toán của Ekoweb, doanh thu thực phẩm hữu cơ từ khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống đạt khoảng 1,1 tỷ SEK (108 triệu EUR) vào năm 2020 (trong khi năm 2019 đạt 1,9 tỷ SEK – 187 triệu EUR).
Khu vực công cộng cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng không nặng nề như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Theo đánh giá của Ekoweb, doanh thu bán thực phẩm hữu cơ ở khu vực công cộng năm 2020 đạt 3,5 tỷ SEK (344,4 triệu EUR), giảm 2,7% so với 2019 (3,6 tỷ SEK, 2019 – 354,3 triệu EUR).
Hiện nay, dịch vụ thực phẩm công cộng bị chi phối bởi ba doanh nghiệp lớn là Martin & Servera (53%), Menigo (49%), và Svensk Cater (7%).
Bán hàng trực tuyến
Bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 6% thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển.
Doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ lên tới 1,8 tỷ SEK (177 triệu EUR), tăng 28,6% so với năm 2019 (1,4 tỷ SEK – 137 triệu EUR). Đại dịch đã làm thúc đẩy sự phát triển đáng kể của bán hàng thương mại điện tử.
Hiện nay, Mathem.se và Mat.se hiện là hai website thương mại điện tử bán hàng trực tuyến thực phẩm hữu cơ hàng đầu Thụy Điển. Doanh số bán thực phẩm hữu cơ của Mathem.se đạt gần 470 triệu kronor (46,6 triệu EUR) và Mat.se đạt 200 triệu SEK (19,8 triệu EUR) vào năm 2020.
II. Đan Mạch
Để có thể xâm nhập vào thị trường hữu cơ Đan Mạch, các nhà xuất khẩu nên tập trung cung cấp cho nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất.
Một trong những nhà phân phối sản phẩm hữu cơ độc quyền lâu đời nhất và nổi tiếng tại Đan Mạch là Urtekram A/S. Công ty này phân phối hơn 2.500 mặt hàng thực phẩm hữu cơ khác nhau ở 36 quốc gia gồm Đan Mạch, các nước Bắc Âu, EU, Nga, Trung Đông, châu Á và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Good Food Group đã tiếp quản hoạt động của công ty Woodland Wonders Organic ApS – chuyên về thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch và cả khu vực Bắc Âu. Jan Import A/S là một công ty thuộc Good Food Group, chuyên nhập khẩu, đóng gói và đưa ra thị trường các sản phẩm khô như trái cây, quả hạch và các loại hạt và được phân phối trong cả lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm.
Đối với lĩnh vực bán buôn và dịch vụ ăn uống, Solhjulet A/S là nhà bán buôn, phân phối, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Công ty cung cấp thực phẩm hữu cơ cho các cửa hàng, nhà bếp tại các trường học, căng tin… và là một nhà bán buôn thực phẩm hữu cơ trên khắp Đan Mạch và Thụy Điển với nhiều sản phẩm như trái cây, rau quả, sữa, thịt, các loại hạt… Ngoài ra, Solhjulet cũng xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước châu Âu khác.
Về kênh phân phối, thực phẩm hữu cơ Đan Mạch chủ yếu được bán thông qua hệ thống bán lẻ. Hiện nay, bán lẻ, bao gồm cả bán hàng trực tuyến đang bùng nổ tại Đan Mạch, chiếm phần lớn doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ chủ yếu được bán thông qua:
– Các cửa hàng bán lẻ, bao gồm cả bán hàng trực tuyến: 80,57%.
– Dịch vụ thực phẩm: 15,42%.
– Các chợ nhỏ: 4,01%.
Bán lẻ thực phẩm và bán hàng trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong phân phối thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch với 80,57% doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ. Bán hàng trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến tại Đan Mạch. Đặc biệt, gần đây tại Đan Mạch, người tiêu dùng khá thích thú với hộp bữa ăn “meal boxes”, cung cấp cho người tiêu dùng các nguyên liệu thô, công thức để nấu các món chính hàng ngày. Giải pháp này được các gia đình bận rộn khá ưa chuộng. Bán hàng thực phẩm thông qua lĩnh vực dịch vụ thực phẩm chiếm khoảng 15,42% và cuối cùng là bán hàng thông qua các chợ nhỏ, các cửa hàng trực tiếp của các trang trại khá nhỏ chỉ khoảng 4,01%.
Bán lẻ thực phẩm
Các siêu thị ở Đan Mạch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho khách hàng. Họ cung cấp nhiều loại sản phẩm hữu cơ khác nhau từ sản phẩm tươi sống đến sản phẩm khô và đồ uống. Các sản phẩm hữu cơ thường được đặt bên cạnh các sản phẩm thông thường trên kệ hàng.
Năm 2019, Đan Mạch có doanh thu bán lẻ thực phẩm hữu cơ đạt 1,98 tỷ EUR, chiếm 12,1% trong tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm. Đến năm 2020, doanh số bán lẻ thực phẩm hưu cơ Đan Mạch đã tăng lên 16 tỷ DKK (tương đương 2,16 tỷ EUR), tăng 8,6% so với năm 2019, đưa tổng thị phần bán lẻ thực phẩm hữu cơ lên 12,8% trong tổng số doanh thu bán lẻ thực phẩm tại Đan Mạch. Trong đó, bán lẻ rau quả lớn nhất với doanh số đạt 5,8 tỷ DKK (779 triệu EUR), tăng 21% so với 2019. Tiếp theo là đồ uống hữu cơ đạt 234 triệu DKK (32 triệu EUR), tăng 39% so với năm 2019.
Chuỗi các siêu thị lớn nhất của Đan Mạch là Coop Denmark, Dansk Supermarket và Dagrofra – chiếm khoảng 86% doanh số bán hàng thực phẩm tại Đan Mạch. Trong đó: (i) Coop Denmark, bao gồm các chuỗi bán lẻ Fakta, Dagli/LokalBrugsen, SuperBrugsen, Irma và Kvickly với trên 1000 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch cung cấp trên 1.289 sản phẩm sinh thái, hữu cơ. (ii) Dansk Supermarked A/S, bao gồm chuỗi bán lẻ Fotex, Bilka và Netto. Dansk Supermarked A/S không nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ trực tiếp từ các nhà sản xuất trong nước hay nước ngoài, mà thay vào đó, công ty mua các sản phẩm mang logo hữu cơ thông qua các nhà phân phối Đan mạch. Và (iii) Dagrofa, hiện vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, ki – ốt, cửa hàng thức ăn nhanh… bao gồm cả các chuỗi bán lẻ Spar, Min Kobmand và Let-Kob. Dagrofa có 511 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch. Mặc dù Dagrofa có thị phần nhỏ nhất trong ba chuỗi trên, nhưng Dagrofa vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, kiốt, cửa hàng thức ăn nhanh… Dagrofa có các công Dagrofa logistics, Dagrofa Foodservice, là các công ty cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm tại Đan Mạch.
Ngoài ra, còn có một chuỗi các cửa hàng chăm sóc sức khỏe đặc biệt là Helsam , cũng cung cấp các sản phẩm hữu cơ như trái cây khô, quả hạch, các loại hạt, mỳ ống, ngũ cốc…
Cuối cùng là các cửa hàng trực tuyến chuyên về thực phẩm hữu cơ cũng đang ngày càng phổ biến trên thị trường Đan Mạch.
Dịch vụ thực phẩm
Dịch vụ ăn uống bao gồm cả các bếp ăn công cộng và các căng tin tư nhân. Hiện nay các sản phẩm hữu cơ đã bắt đầu xuất hiện trên các thực đơn tại các nơi này. Ngành công nghiệp khách sạn và nhà hàng hiện nay đang chiếm một nửa lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm.
Sự thành công của thực phẩm hữu cơ trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm phần lớn là do sự tương tác chặt chẽ giữa chính sách hữu cơ có tầm nhìn xa và việc phân bổ kinh phí cho các hoạt động đào tạo và thông tin trong lĩnh vực này.
Năm 2009, Chính phủ Đan Mạch đã giới thiệu nhãn ẩm thực hữu cơ để tiếp thị thực phẩm hữu cơ trong các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học, các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ sử dụng các món ăn hữu cơ và các sản phẩm thường có thể theo 30 – 60%, 60 – 90% hoặc 90-100%. Hiện nay, có khoảng 2500 cơ sở như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công cộng… sử dụng nhãn ẩm thực hữu cơ tại Đan Mạch.
III. Na Uy
Thực phẩm hữu cơ tại Na Uy được phân phối qua 03 kênh chính sau: các nhà bán lẻ, hệ thống Vinmonopolet và lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Ngoài ra, còn có một kênh đang phát triển là bán hàng trực tiếp.
Lĩnh vực bán lẻ
Thị trường bán lẻ thực phẩm hữu cơ đang phát triển trong những năm gần đây do nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm này đang càng ngày càng tăng.
Năm 2018, doanh số bán lẻ hữu cơ đạt 293 triệu ERU, chiếm khoảng 2% doanh thu bán lẻ thực phẩm.
Năm 2019, Na Uy có doanh thu bán lẻ thực phẩm hữu cơ đạt 442 triệu EUR, tăng 51% so với năm 2018.
Năm 2020, thị trường thực phẩm hữu cơ Na Uy ước đạt 338 triệu EUR và dự kiến sẽ đạt 496 triệu vào năm 2025 và 634 triệu vào năm 2030.
10 loại thực phẩm hữu cơ được bán nhiều nhất tại các của hàng bán lẻ là: Rau, sữa, ngũ cốc, thực phẩm cho trẻ em, trái cây – quả mọng – hạt, trứng, đồ uống, cà phê – trà, thịt và gia vị.
Thách thức lớn đối với lĩnh vực bán lẻ ở Na Uy là giá thực phẩm hữu cơ cao hơn so với thực phẩm thông thường. Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Na Uy do nông dân Na Uy thống trị. Do vậy, điều này sẽ làm cho thị trường thực phẩm hữu cơ khó khăn.
Tại Na Uy, bốn công ty bán lẻ lớn thống lĩnh thị trường gồm: ICA AB , Coop Norden,Reitangruppen và Norges Gruppen.
– ICA AB: Là một tập đoàn bán lẻ có trụ sở tại Thụy Điển, điều hành các cửa hàng thuộc sở hữu của công ty tại Thụy Điển, Na Uy và ba nước Baltic. Công ty là một liên doanh thuộc sở hữu của Hakon Invest và Royal Ahold của Hà Lan. Công ty cung cấp các sản phẩm thực phẩm tại nhiều cửa hàng bao gồm ICA Naer, ICA Siêu thị, ICA Maxi và Rimi.
– Coop Norden: điều hành hoạt động của hàng nghìn đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng giảm giá trên toàn khu vực Bắc Âu. Là một công ty trách nhiệm hữu hạn do ba doanh nghiệp làm chủ sở hữu; Kooperativa Forbundet của Thụy Điển, FBD Đan Mạch và Coop NKL Na Uy, với cổ phần lần lượt là 42%, 38% và 20%. Coop Norge có tổng cộng 208 hợp tác xã điều hành 1.300 cửa hàng tại Na Uy. Công ty cung cấp các sản phẩm thực phẩm tại nhiều cửa hàng bao gồm Coop Marked, Coop Mega, Coop Obs, Bygg và Coop Prix.
– Reitangruppen: Là một nhà bán buôn và nhượng quyền bán lẻ của Na Uy đang hoạt động và điều hành khoảng 1979 cửa hàng trong nước. Công ty cung cấp các sản phẩm thực phẩm tại nhiều cửa hàng bao gồm 7 -Eleven, HydroTexaco, Easy24, Narvesen, Spaceworld và Pressbyrån cũng như REMA 1000, một chuỗi siêu thị giảm giá ở Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển.
– Norges Gruppen: Là nhà bán lẻ tạp hóa lớn tại Na Uy với 1.975 cửa hàng trên cả nước. Công ty cung cấp các sản phẩm thực phẩm ở nhiều dạng cửa hàng bao gồm Meny (siêu thị lớn), KIWI (cửa hàng giảm giá) và SPAR. Norges Gruppen cũng hoạt động ở các thị trường bán lẻ khác thông qua chuỗi siêu thị Ultra trong khu vực, cũng như các cửa hàng tiện lợi (Fresh, MIX).
Một số nhà bán buôn/phân phối thực phẩm hữu cơ lớn tại Na Uy như:
ASKO : Nhà bán buôn thực phẩm lớn nhất của Na Uy và là thành viên của NorgesGruppen. ASKO phân phối hàng hóa thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm hữu cơ đến các cửa hàng tạp hóa, các cửa hàng bán lẻ tiện lợi, các cơ sở phục vụ ăn uống…
Bama : Là nhà phân phối tư nhân trái cây và rau quả lớn nhất Na Uy. Bama hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán buôn về sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm tươi như trái cây, rau quả và hoa…
Norganic AS : nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ các hợp tác xã Na Uy và các nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới để phân phối cho các cửa hàng, trường học, tiệm bánh, các công ty thực phẩm tại Na Uy.
Servicegrossistene : là tập đoạn bán buôn lớn thứ hai ở Na Uy trong mảng dịch vụ thực phẩm. Các khách hàng của Servicegrossistene gồm bệnh viên, căng tin, khách sạn, nhà hàng, thức ăn nhanh, các tổ chức vận tải, du lịch,…
Solberg&Hansen : nhập khẩu và phân phối cà phê đặc sản từ khắp các quốc gia và châu lục trên thế giới và là công ty lớn nhất và lâu đời nhất Na Uy về cà phê.
TINE : nhà sản xuất, phân phối, xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất Na Uy.
Nortura AS : nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm thịt và trứng trên thị trường na Uy với nhiều thương hiệu khác nhau.
Vinmonopolet
Công ty nhà nước Na Uy Vinmonopolet là công ty của Na Uy chuyên phân phối rượu vang và rượu mạnh. Các sản phẩm hữu cơ chủ yếu của Vinmonopolet là các loại rượu vang và rượu mạnh hữu cơ.
Năm 2015, số lượng sản phẩm hữu cơ của Vinmonopolet là 1.482 sản phẩm, đến năm 2020, con số này đã tăng lên 3.527 sản phẩm.
Năm 2020, 8 triệu lít đồ uống hữu cơ đã được bán ra tại Vinmonopolet, tăng 45% so với 2019. Sự gia tăng này có thể được giải thích do việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, khiến cho người tiêu dùng mua nhiều về tích trữ.
Doanh thu bán rượu vang và rượu mạnh hữu cơ đạt 137 triệu EUR năm 2020, chiếm 9,1% thị trường hữu cơ. Dự kiến doanh thu sẽ đạt 252 triệu EUR vào năm 2025 chiếm thị phần 14,5% và đạt 353 triệu EUR vào năm 2030 chiếm 17,6% thị phần hữu cơ.
Dịch vụ thực phẩm
Thị trường dịch vụ thực phẩm hữu cơ đạt 27 triệu EUR vào năm 2018, tương ứng xấp xỉ 1% tổng thị trường dịch vụ thực phẩm Na Uy.
Thị trường dịch vụ thực phẩm hữu cơ Na Uy phát triển với tốc độ tương đối cao. Từ năm 2010 – 2015, mức tăng trưởng trung bình hàng năm là gần 20%. Trong giai đoạn 2015 – 2018, tốc độ tăng trưởng có chậm hơn khoảng 9% mỗi năm.
Thị trường thực phẩm hữu cơ đã có sự tăng trưởng ổn định và tích cực trong 10 năm qua với doanh thu tăng gấp bốn lần trong giai đoạn từ 2010 đến 2019. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh covid-19 đã làm cho doanh thu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm lần đầu tiên trong năm 2020 với mức giảm là 36% so với năm 2019, tương đương 10,5 triệu EUR và doanh thu cho lĩnh vực này trong năm 2020 chỉ đạt 18,52 triệu EUR.
Bán hàng trực tiếp
Theo báo cáo của Cơ quan Nông nghiệp Na Uy có một số các nhà sản xuất tự phát triển các kênh bán hàng trực tiếp mà không tham gia vào chuỗi giá trị của thị trường bán lẻ, tạp hóa. Ví dụ như họ bán hàng trực tiếp tại các trang trại của họ, sản phẩm chủ yếu được bán qua kênh này là trái cây, quả mọng, rau và khoai tây hữu cơ. Một số hình thức bán hàng trực tiếp như:
– REKO-ring: nông dân trong một vùng đi cùng nhau và trình bày về sản phẩm của họ trên mạng xã hội (Facebook) để giới thiệu sản phẩm, tìm địa điểm phù hợp để bán hàng.
– Hợp tác nông nghiệp: Cơ quan hữu cơ Na Uy có vai trò điều phối viên hỗ trợ, kết nối các trang trại hợp tác với nhau trồng sản phẩm hữu cơ và bán trực tiếp cho khách hàng.
– Chợ nông sản: Chợ nông sản được thành lập từ năm 2003 tại Na Uy và có sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bênh nên doanh số bán hàng nông sản tại các chợ này cũng giảm 10% trong năm 2020 so với 2019.
– Các cửa hàng đặc biệt: Trong những năm gần đây, một số cửa hàng chuyên biệt được thành lập tập trung vào các sản phẩm được sản xuất trong nước.
Là thành viên của EU, Thụy Điển và Đan Mạch đều tuân theo các quy tắc và quy định và áp dụng thuế quan chung của EU. Bên cạnh đó, Na Uy là thành viên của EEA nên hầu hết các quy định nhập khẩu của Na Uy cũng tuân theo các quy định của EU.
EU đặt ra một số quy tắc và quy định quản lý việc sản xuất, phân phối và tiếp thị các sản phẩm hưu cơ ở EU. Các quy định cụ thể liên quan đến các sản phẩm cụ thể.
I. Các Hiệp định thương mại tự do của EU và GSP
EU dành ưu đãi thương mại không tương hỗ cho tất cả các nước đang phát triển. Theo Hệ thống ưu đãi chung (GSP) Các nước kém phát triển (LDC) được miễn thuế nhập khẩu vào EU tất cả các mặt hàng ngoại trừ vũ khí và đạn dược cũng như gạo, đường và chuối – xem EBA (Mọi thứ trừ vũ khí) tại đây . Theo đó, Việt Nam cũng nằm trong danh sách GSP của EU để được hưởng ưu đãi của EU.
Tuy nhiên, Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Điều này đã mang lại cơ hội cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng nông sản, thực phẩm hữu cơ của Việt Nam.
II. Thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), hầu hết các loại nông sản, thực phẩm, ngũ cốc, chè và cà phê của Việt Nam đều được miễn giảm thuế nhập khẩu.
Xem biểu thuế cơ sở và thuế ưu đãi theo Hiệp định EVFTA tại đây .
Xem biểu thuế nhập khẩu vào Na Uy 2021 tại đây.
Thuế chống phá giá
Nếu Ủy ban châu Âu nghi ngờ rằng các sản phẩm được xuất khẩu sang EU với giá thấp hơn giá trị thông thường, hành vi đó bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và Ủy ban châu Âu có thể áp đặt một loại thuế đặc biệt – gọi là thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa đó.
Thuế giá trị gia tăng – VAT
Thuế VAT của Đan Mạch, Thụy Điển chiếm 25% và là một trong những mức thuế cao nhất trong EU, đối với Na Uy VAT cũng là 25%.
III. Các quy định cụ thể
1. An toàn sản phẩm
Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung (GPSD) điều chỉnh sự an toàn của các sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu và bán tại thị trường EU. Các sản phẩm khi xuất khẩu sang EU phải đảm bảo là an toàn.
2. Quy định đối với sản xuất hữu cơ
Việc sản xuất và các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu đối với sản phẩm hữu cơ tại Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy hài hòa với các quy định của Liên minh châu Âu. Tất cả các đạo luật này là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hàng hóa có thể được tiếp thị dưới dạng hữu cơ hay không, bao gồm cả hàng hóa được nhập khẩu từ các nước không thuộc EU.
Đối với sản xuất hữu cơ cần tuân thủ Quy định của Hội đồng châu Âu (EC) 834/2007 về sản xuất hữu cơ và dán nhãn hữu cơ, Quy định 889/2008 đưa ra các quy định chi tiết để thực hiện quy định 834/2007 và Quy định (EU) 2019/2164 sửa đổi quy định 889/2008 thay đổi một số danh sách đầu vào được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ và chế biến.
Các quy tắc về sản xuất hữu cơ
Sản xuất hữu cơ nghĩa là tôn trọng các quy tắc về canh tác hữu cơ. Các quy tắc này được thiết kế để thúc đẩy bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học của châu Âu và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ. Các quy định này điều chỉnh tất cả các lĩnh vực sản xuất hữu cơ và dựa trên một số nguyên tắc chính, như:
+ Cấm sử dụng GMO;
+ Cấm sử dụng bức xạ ion hóa;
+ Hạn chế sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu nhân tạo;
+ Cấm sử dụng hóc môn và hạn chế sử dụng kháng sinh và chỉ sử dụng khi cần thiết cho sức khoẻ vật nuôi.
Các nhà sản xuất hữu cơ cần áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để duy trì độ phì nhiêu của đất và sức khỏe của động vật và thực vật, như:
+ Cắt xoay;
+ Trồng các loại cây cố định đạm và các loại cây phân xanh khác để phục hồi độ phì nhiêu của đất;
+ Cấm sử dụng phân đạm khoáng;
+ Để giảm tác động của cỏ dại và sâu bệnh, nông dân hữu cơ nên chọn giống và giống kháng bệnh và các kỹ thuật khuyến khích phòng trừ sâu bệnh tự nhiên;
+ Khuyến khích sự bảo vệ miễn dịch tự nhiên của động vật;
+ Để duy trì sức khỏe vật nuôi, các nhà sản xuất hữu cơ cần ngăn chặn việc thả quá nhiều.
Các quy tắc về chăn nuôi
Người chăn nuôi cũng phải đáp ứng các điều kiện cụ thể nếu họ muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường là sản phẩm hữu cơ. Các quy tắc này bao gồm tôn trọng quyền lợi động vật, cho động vật ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của chúng, và được thiết kế để bảo vệ sức khỏe và môi trường của động vật. Một số quy tắc áp dụng cho nông dân về chăn nuôi như:
+ Người nông dân phải cung cấp 100% thức ăn hữu cơ cho vật nuôi của họ để tiếp thị sản phẩm của họ là hữu cơ;
+ Thức ăn chủ yếu phải được lấy từ trang trại nơi động vật được nuôi nhốt hoặc từ các trang trại trong cùng khu vực;
+ Cấm nhân bản vô tính động vật và hoặc chuyển phôi;
+ Cấm chất kích thích tăng trưởng và axit amin tổng hợp;
+ Động vật có vú đang bú phải được nuôi bằng sữa tự nhiên, tốt nhất là sữa mẹ;
+ Phải sử dụng các phương pháp sinh sản tự nhiên, tuy nhiên thụ tinh nhân tạo có thể được sử dụng;
+ Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không hữu cơ có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn từ động vật, phụ gia thức ăn chăn nuôi, một số sản phẩm dùng trong dinh dưỡng động vật và chất hỗ trợ chế biến chỉ được sử dụng nếu chúng được phép để sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
Các quy tắc về chuỗi sản xuất thực phẩm
Các quy tắc bao gồm tất cả các giai đoạn sản xuất, chuẩn bị và phân phối (từ sản xuất ban đầu đến lưu trữ, chế biến, vận chuyển, phân phối và cung cấp cho người tiêu dùng cuối cùng). Nghĩa là tất cả các sản phẩm hữu cơ ở EU đều tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt từ trang trại đến đĩa ăn. Các quy định cụ thể về chế biến thực phẩm và thức ăn hữu cơ bao gồm:
+ Tách biệt giữa các sản phẩm hữu cơ đã qua chế biến theo thời gian và không gian khỏi các sản phẩm không hữu cơ;
+ Hàm lượng hữu cơ tối thiểu là 95% thành phần nông sản hữu cơ và các điều kiện nghiêm ngặt đối với 5% còn lại;
+ Áp dụng quy tắc rõ ràng về ghi nhãn và những sản phẩm có thể và không thể sử dụng biểu tượng hữu cơ;
+ Giới hạn cụ thể đối với các chất có thể được thêm vào thực phẩm và thức ăn chăn nuôi và danh sách giới hạn các chất phụ gia và chất hỗ trợ chế biến đã được phê duyệt để sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
Các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ
Một trong những mục tiêu trong sản xuất hữu cơ là giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài. Bất kỳ chất nào được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để chống lại sâu bệnh hoặc bệnh thực vật đều phải được Ủy ban Châu Âu phê duyệt trước.
Thực phẩm đã qua chế biến chỉ được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu nông nghiệp (không tính thêm nước và muối nấu ăn). Chúng cũng có thể chứa:
+ Các chế phẩm vi sinh và enzym, nguyên tố khoáng vi lượng, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và hương liệu, vitamin, axit amin và các vi chất dinh dưỡng khác được bổ sung vào thực phẩm cho các mục đích dinh dưỡng cụ thể nhưng chỉ được phép sử dụng khi được phép theo quy định của pháp luật hữu cơ;
+ Không được sử dụng các chất và kỹ thuật phục hồi các đặc tính bị mất trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, sửa chữa bất kỳ sơ suất nào trong quá trình chế biến, hoặc có thể gây hiểu nhầm về bản chất thực sự của sản phẩm;
+ Các thành phần nông nghiệp phi hữu cơ chỉ có thể được sử dụng nếu chúng được phép trong các phụ lục của luật hoặc đã được một quốc gia EU cho phép tạm thời.
Và trên hết, bất kỳ chất nào được liệt kê để sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ phải tuân thủ các quy tắc của EU và sau đó được Ủy ban Châu Âu đánh giá kỹ lưỡng và phê duyệt để sử dụng trong sản xuất hữu cơ.
Các q uy tắc về sản xuất rượu vang, nuôi trồng thủy sản và thủy canh
+ Rượu
Rượu hữu cơ phải được làm bằng nho và men hữu cơ. Tuy nhiên, có một số hạn chế khác cũng được áp dụng. Bao gồm: cấm sử dụng axit sorbic và khử lưu huỳnh; mức sulphite trong rượu hữu cơ phải thấp hơn mức tương đương thông thường của chúng (tùy thuộc vào hàm lượng đường còn lại).
Sản xuất rượu hữu cơ phải tuân theo: Quy định thực hiện của Ủy ban (EU) số 203/2012 ngày 8 tháng 3 năm 2012 sửa đổi Quy định (EC) số 889/2008 đưa ra các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định của Hội đồng (EC) số 834/2007, liên quan đến các quy tắc chi tiết về rượu hữu cơ.
+ Nuôi trồng thủy sản
Các nguyên tắc này tuân theo các nguyên tắc chung giống như các quy định đối với tất cả các sản phẩm hữu cơ khác nhưng đã được điều chỉnh để phù hợp với ngành. Các đặc điểm chính của quy định nuôi trồng thủy sản bao gồm: mật độ nuôi tối đa; yêu cầu chất lượng nước; các quy tắc chỉ rõ rằng đa dạng sinh học cần được tôn trọng, và không cho phép sử dụng kích thích tố nhân tạo sinh sản; xử lý giảm thiểu để tránh căng thẳng và thiệt hại vật chất; thức ăn hữu cơ nên được sử dụng, bổ sung bằng thức ăn được quản lý bền vững;
Sản xuất thủy sản hữu cơ phải tuân theo Quy định của Ủy ban (EC) số 710/2009 ngày 5/8/2009 sửa đổi Quy định (EC) số 889/2008 đưa ra các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định của Hội đồng (EC) số 834/2007, liên quan đến việc đặt ra các quy tắc chi tiết về động vật nuôi trồng thủy sản hữu cơ và sản xuất rong biển và Quy định của Ủy ban (EU) số 1358/2014 ngày 18/12/2014 sửa đổi Quy định (EC) số 889/2008 đưa ra các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định của Hội đồng (EC) số 834/2007 liên quan đến nguồn gốc của động vật nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi trồng thủy sản thực hành chăn nuôi, thức ăn cho động vật nuôi trồng thủy sản hữu cơ và các sản phẩm và chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
+ Thủy canh (Hydroponics và Aquaponics)
Các quy tắc của EU không cho phép các loại cây trồng theo phương pháp thủy canh được bán trên thị trường dưới dạng hữu cơ. Do sản xuất hữu cơ chỉ có thể thực hiện được khi cây được trồng tự nhiên trong đất. Quy định này cũng áp dụng cho các loại cây được trồng trong hệ thống aquaponics.
Tuy nhiên, cá được nuôi trong hệ thống aquaponics có thể được bán dưới dạng hữu cơ nếu tuân thủ luật liên quan về nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
3. Quy định đối với nhập khẩu sản phẩm hữu cơ
Trước hết, để một công ty có thể tiếp thị sản phẩm là “hữu cơ” trên thị trường Châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng là phải tuân thủ luật của EU (834/2004) và (1235/2008). Tuy nhiên, sau ngày 1/1/2022 sẽ phải tuân theo luật mới là 2018/848 về sản xuất, dãn nhãn và nhập khẩu thực phẩm hữu cơ.
Tất cả các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận kiểm định điện tử (e-COI) phù hợp và được quản lý thông qua Hệ thống Kiểm soát Thương mại và Chuyên gia (TRACES).
Các quốc gia tương đương: chứng chỉ được cấp bởi các cơ quan kiểm soát do cơ quan quản lý quốc gia của các quốc gia đó chỉ định.
Tất cả các quốc gia khác: chứng chỉ được cấp bởi các cơ quan kiểm soát do EU chỉ định.
Sản phẩm hữu cơ được nhập khẩu vào EU phải tuân thủ các quy định sau:
Quy định (EC) 1235/2008 quy định chi tiết để thực hiện Quy định của Hội đồng (EC) số 834/2007 liên quan đến các thỏa thuận nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ các nước thứ ba.
Quy định của Ủy ban (EU) số 125/2013 ngày 13/2/2013 sửa đổi Quy định (EC) số 1235/2008 đưa ra các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định của Hội đồng (EC) số 834/2007 liên quan đến các thỏa thuận nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ quốc gia thứ ba.
EU yêu cầu các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Các sản phẩm hữu cơ không thuộc Liên minh châu Âu phải có ghi nhãn quốc gia xuất xứ nếu họ muốn sử dụng biểu tượng hữu cơ của Liên minh châu Âu. Không bắt buộc phải sử dụng biểu tượng hữu cơ của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm từ bên ngoài Liên minh châu Âu.
Bắt đầu từ ngày 3/2/2020, cơ quan y tế cảng nhập cảnh sẽ chỉ xác nhận giấy chứng nhận kiểm tra (COIs) nếu người chứng nhận đã cấp nó trước khi lô hàng xuất khẩu theo Điều 13 (2) EU 2020/25. Một số phần nhất định của giấy chứng nhận (ô 13, 16 và 17) có thể được điền thông tin tạm thời, vì người chứng nhận không thể xác minh tất cả dữ liệu trước khi sản phẩm được xuất khẩu. Thông tin tạm thời phải được xác nhận/cập nhật trong vòng 10 ngày và trước khi chứng chỉ có thể được xác nhận tại cảng nhập cảnh. Nếu doanh nghiệp không thực hiện điều này, sản phẩm của doanh nghiệp không thể được bán dưới dạng hữu cơ ở EU và sẽ được bán như một sản phẩm thông thường.
Danh sách các cơ quan kiểm soát và các cơ quan kiểm soát tương đương của EU.
4. Quy định sản xuất và nhập khẩu mới của EU kể từ ngày 1/1/2022
Kể từ ngày 1/1/2022, các quy tắc mới liên quan đến sản xuất hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ và nhập khẩu thực phẩm hữu cơ sẽ áp dụng ở châu Âu theo quy định EU 2018/848 . Quy định này áp dụng cho cả nông dân ở châu Âu và ở cả các quốc gia khác muốn bán sản phẩm hữu cơ của họ vào châu Âu, bãi bỏ Quy định (EC) 834/2007 ngày 28/6/2007. Quy định mới sẽ giúp tăng cường hệ thống kiểm soát, giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng hơn nữa đối với hệ thống sản phẩm hữu cơ của EU; các quy định mới cho các nhà sản xuất sẽ giúp các hộ nông dân nhỏ chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ dễ dàng hơn; các quy định mới về các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu giúp đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán ở Châu Âu đều có cùng tiêu chuẩn. Các điểm mới và nổi bật trong quy định nhập khẩu mới, gồm:
a. Phạm vi sản phẩm
Phạm vi của các quy tắc hữu cơ được mở rộng, bao gồm danh sách các sản phẩm rộng hơn so với trước đây. Các sản phẩm mới bao gồm: muối, nút chai, sáp ong, mate, lá nho, tinh dầu và tâm cọ (palm hearts). Danh sách đầy đủ xem tại Phụ lục I của Quy định.
b. Quy định đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU
Để được nhập khẩu vào EU, các sản phẩm hữu cơ cần phải tuân thủ tất cả các quy tắc sản xuất hữu cơ được xác định trong quy định mới này (2018/848) và sẽ phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan kiểm soát được Ủy ban châu Âu công nhận.
Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Sản phẩm là các sản phẩm nông nghiệp sống hoặc chưa qua chế biến, bao gồm hạt giống và các vật liệu sinh sản thực vật khác; nông sản chế biến làm thực phẩm; thức ăn chăn nuôi; hoặc một số sản phẩm khác có liên quan chặt chẽ đến nông nghiệp được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định 2018/848.
(ii) Sản phẩm tuân thủ các Chương II, III và IV của Quy định 2018/848 về các nguyên tắc sản xuất hữu cơ, các nguyên tắc về dán nhãn hữu cơ và tất cả các nhà kinh doanh phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan kiểm soát hoặc các cơ quan kiểm soát được công nhận phù hợp của EU, và các cơ quan hoặc cơ quan có thẩm quyền đã cung cấp cho tất cả các nhà kinh doanh và nhà xuất khẩu giấy chứng nhận xác nhận rằng họ tuân thủ Quy định này;
(iii) Các nhà kinh doanh ở các nước thứ ba phải cung cấp cho các nhà nhập khẩu và các cơ quan chức năng quốc gia trong Liên minh và ở các nước thứ ba đó thông tin cho phép xác định các nhà kinh doanh là nhà cung cấp của họ và các cơ quan kiểm soát, nhằm đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm chuyển đổi liên quan. Thông tin đó cũng phải được cung cấp cho các cơ quan kiểm soát hoặc cơ quan kiểm soát của nhà nhập khẩu.
Việc tuân thủ các điều kiện và biện pháp nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm chuyển đổi vào Liên minh sẽ được xác định tại các chốt kiểm soát biên giới, theo Điều 47 (1) của Quy định (EU) 2017/625. Tần suất của các cuộc kiểm tra thực tế được đề cập trong Điều 49 (2) của Quy định đó sẽ phụ thuộc vào khả năng không tuân thủ như được định nghĩa tại Điều 3 của Quy định 2018/848.
Ủy ban Châu Âu sẽ thiết lập một danh sách cập nhật các cơ quan kiểm soát/cơ quan có thẩm quyền được công nhận và ủy quyền thực hiện kiểm soát và chứng nhận ở các nước không thuộc Liên minh châu Âu theo các quy định mới.
Trên thực tế, danh sách hiện tại của các cơ quan kiểm soát được công nhận và các cơ quan kiểm soát ở các nước thứ ba sẽ hết hạn vào ngày 31 tháng 12 năm 2024 để cho các cơ quan kiểm soát và các nhà điều hành được chứng nhận của họ ở các nước thứ ba thời gian để khắc phục các tác động của đại dịch COVID-19 và để sẵn sàng cho các điều khoản mới.
Nông dân ở các nước không thuộc châu Âu sẽ tiếp tục đạt chứng nhận hữu cơ thông qua cùng một tổ chức chứng nhận cho đến cuối năm 2024 nhưng ngay từ bây giờ nên thích nghi với các quy tắc mới này vì sẽ bắt đầu áp dụng vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.
c. Tiêu chuẩn hữu cơ duy nhất
Cho đến nay, Liên minh châu Âu cho rằng các tiêu chuẩn hữu cơ khác ở các nước không thuộc châu Âu có thể được coi là “tương đương” với tiêu chuẩn châu Âu. Trong một số trường hợp hạn chế, các sản phẩm được sản xuất hữu cơ theo các tiêu chuẩn không phải của châu Âu vẫn có thể được bán trên thị trường EU bằng cách sử dụng biểu tượng hữu cơ của EU.
Nguyên tắc tương đương sẽ được thay thế bằng yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của EU đối với hàng nhập khẩu hữu cơ từ các nước không thuộc EU (theo Quy định 2018/848 của EU). Nghĩa là đối với các quốc gia có Thỏa thuận tương đương với EU (ở Mỹ Latinh, Argentina, Chile và Costa Rica) sẽ ngừng áp dụng và sẽ cần được đàm phán lại.
Đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác (trên thực tế là hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam), một sản phẩm hữu cơ sẽ cầnphải tuân thủ tất cả các quy tắc sản xuất hữu cơ được xác định trong quy định mới này (2018/848) và sẽ phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan kiểm soát hoặc các cơ quan kiểm soát được Ủy ban châu Âu công nhận.
Các nguyên tắc cụ thể mới áp dụng cho các hoạt động canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hữu cơ
(i) Duy trì và nâng cao tuổi thọ của đất và độ phì tự nhiên của đất, ổn định đất, giữ nước cho đất và đa dạng sinh học của đất, ngăn ngừa và chống thất thoát chất hữu cơ trong đất, và nuôi dưỡng thực vật chủ yếu thông qua hệ sinh thái đất;
(ii) Hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và các yếu tố đầu vào bên ngoài;
(iii) Tái chế chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc động thực vật làm đầu vào cho sản xuất cây trồng và vật nuôi;
(iv) Duy trì sức khỏe cây trồng bằng các biện pháp phòng trừ, cụ thể là lựa chọn loài, giống hoặc vật liệu dị hợp thích hợp có khả năng chống chịu sâu bệnh, luân canh cây trồng thích hợp, các biện pháp cơ học, vật lý và bảo vệ thiên địch của dịch hại;
(v) Sử dụng hạt giống và động vật có mức độ đa dạng di truyền cao, kháng bệnh và kéo dài tuổi thọ;
(vi) Trong việc lựa chọn giống cây trồng, có tính đến đặc thù của các hệ thống sản xuất hữu cơ cụ thể, tập trung vào hiệu suất nông học, khả năng kháng bệnh, thích ứng với các điều kiện khí hậu và đất đai đa dạng của địa phương;
(vii) Sản xuất các giống hữu cơ thông qua khả năng sinh sản tự nhiên và tập trung vào việc ngăn chặn sinh sản không tự nhiên;
(viii) Người nông dân có thể sử dụng vật liệu tái tạo cây trồng thu được từ trang trại của họ để nuôi dưỡng các nguồn gen thích nghi đến các điều kiện đặc biệt của sản xuất hữu cơ;
(ix) Trong việc lựa chọn giống vật nuôi, xét đến mức độ đa dạng di truyền cao, khả năng thích nghi của vật nuôi với điều kiện địa phương, giá trị giống, tuổi thọ, sức sống và khả năng chống chịu bệnh tật, sức khỏe của vật nuôi;
(x) Thực hành sản xuất chăn nuôi thích hợp với địa điểm và đất đai;
(xi) Áp dụng các phương pháp chăn nuôi nhằm nâng cao hệ thống miễn dịch và tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên chống lại bệnh tật;
(xii) Cho vật nuôi ăn bằng thức ăn hữu cơ bao gồm các thành phần nông nghiệp do sản xuất hữu cơ và các chất phi nông nghiệp tự nhiên;
(xiii) Sản xuất các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ có nguồn gốc từ động vật được nuôi bằng phương pháp hữu cơ trong suốt cuộc đời của chúng kể từ khi chúng mới sinh hoặc nở ra;
(xiv) Duy trì chất lượng của môi trường thủy sinh và chất lượng của các hệ sinh thái thủy sinh và xung quanh trên cạn;
(xv) Cho các sinh vật thủy sinh ăn thức ăn từ thủy sản khai thác bền vững theo Quy định (EU) số 1380/2013 hoặc bằng thức ăn hữu cơ bao gồm các thành phần nông nghiệp được sản xuất hữu cơ, bao gồm nuôi trồng thủy sản hữu cơ và các chất phi nông nghiệp tự nhiên;
(xvi) Tránh bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với các loài bảo tồn có thể phát sinh từ sản xuất hữu cơ.
Các nguyên tắc cụ thể áp dụng cho quá trình chế biến thực phẩm hữu cơ
(i) Sản xuất thực phẩm hữu cơ từ các nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ;
(ii) Hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm, các thành phần phi hữu cơ có chức năng chủ yếu là công nghệ và giác quan, vi chất dinh dưỡng và chất hỗ trợ chế biến, sử dụng chúng ở mức độ tối thiểu và chỉ trong các trường hợp cần thiết về công nghệ hoặc cho các mục đích dinh dưỡng cụ thể;
(iii) Loại trừ các chất và phương pháp chế biến có thể gây hiểu nhầm về bản chất thực sự của sản phẩm;
(iv) Chế biến thực phẩm hữu cơ một cách cẩn thận, tốt nhất là thông qua việc sử dụng các phương pháp sinh học, cơ học và vật lý;
(v) Loại trừ thực phẩm có chứa, hoặc bao gồm, vật liệu nano được chế tạo.
Các nguyên tắc cụ thể áp dụng cho quá trình chế biến thức ăn hữu cơ
(i) Sản xuất thức ăn hữu cơ từ nguyên liệu thức ăn hữu cơ;
(ii) Hạn chế sử dụng phụ gia thức ăn chăn nuôi và chất hỗ trợ chế biến, hạn chế sử dụng chúng ở mức độ tối thiểu và chỉ trong các trường hợp nhu cầu thiết yếu về công nghệ hoặc kỹ thuật hoặc cho các mục đích dinh dưỡng cụ thể;
(iii) Loại trừ các chất và phương pháp chế biến có thể gây hiểu nhầm về bản chất thực sự của sản phẩm;
(iv) Chế biến thức ăn hữu cơ một cách cẩn thận, tốt nhất là thông qua việc sử dụng các phương pháp sinh học, cơ học và vật lý.
Cấm sử dụng GMO
GMOs, các sản phẩm được sản xuất từ GMOs và các sản phẩm được tạo ra từ GMO không được sử dụng trong thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, hoặc làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất hỗ trợ chế biến, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất điều hòa đất, vật liệu sinh sản thực vật, vi sinh vật hoặc động vật trong sản xuất hữu cơ.
Các nguyên tắc cụ thể áp dụng cho dán nhãn
Các sản phẩm được sản xuất trong giai đoạn chuyển đổi sẽ không được dán nhãn hoặc quảng cáo là sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm chuyển đổi. Tuy nhiên, vật liệu tái tạo thực vật, sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm thức ăn có nguồn gốc thực vật được sản xuất trong giai đoạn chuyển đổi, tuân thủ Điều 10 của quy định 2018/848, có thể được dán nhãn và quảng cáo là sản phẩm chuyển đổi bằng cách sử dụng thuật ngữ “trong quá trình chuyển đổi” hoặc một thuật ngữ tương ứng.
Các thuật ngữ “sinh học”, “sinh thái” hay “trong quá trình chuyển đổi” sẽ không được sử dụng cho một sản phẩm mà luật Liên minh yêu cầu dán nhãn hoặc quảng cáo để nêu rõ rằng sản phẩm đó có chứa GMO, bao gồm GMO hoặc được sản xuất từ GMO.
Đối với thực phẩm đã qua chế biến, các thuật ngữ nêu trong “sinh học, “sinh thái” có thể được sử dụng:
(i) Trong mô tả bán hàng và trong danh sách các thành phần mà danh sách đó là bắt buộc theo luật của Liên minh, với điều kiện: thực phẩm đã qua chế biến tuân thủ các quy tắc sản xuất hữu cơ theo quy định 2018/848; ít nhất 95% thành phần nông sản của sản phẩm tính theo trọng lượng là hữu cơ; và trong trường hợp hương liệu, chúng chỉ được sử dụng cho các chất tạo hương tự nhiên và các chế phẩm tạo hương tự nhiên được dán nhãn theo Điều 16 (2), (3) và (4) của Quy định (EC) số 1334/2008 và tất cả các thành phần hương liệu và chất có các thành phần hương liệu có liên quan là chất hữu cơ;
(ii) Chỉ trong danh sách các thành phần, với điều kiện ít hơn 95% các thành phần nông nghiệp của sản phẩm tính theo trọng lượng là hữu cơ và với điều kiện là các thành phần đó tuân thủ các quy tắc sản xuấthữu cơ được quy định trong Quy định 2018/848;
Hệ thống chứng nhận
Trước khi đưa bất kỳ sản phẩm nào ra thị trường dưới dạng “hữu cơ” hoặc “trong quá trình chuyển đổi” hoặc trước giai đoạn chuyển đổi, các nhà sản xuất, chế biến, phân phối các sản phẩm hữu cơ hoặc các sản phẩm chuyển đổi, nhập khẩu các sản phẩm đó từ nước thứ ba hoặc xuất khẩu các sản phẩm đó sang nước thứ ba, hoặc đưa sản phẩm đó ra thị trường, phải thông báo hoạt động của mình cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu.
Cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan kiểm soát sẽ cung cấp chứng chỉ cho bất kỳ nhà sản xuất, chế biến, nhập khẩu, phân phối nào đã thông báo về hoạt động của mình theo Điều 34 và tuân thủ Quy định 2018/848.
Các nguyên tắc về thu gom, đóng gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm hữu cơ
Thu gom/thu hoạch sản phẩm: Doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành thu gom/thu hoạch đồng thời các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm chuyển đổi vàcác sản phẩm phi hữu cơ khi các biện pháp thích hợp đã được thực hiện để ngăn chặn bất kỳ hỗn hợp hoặc trao đổi nào có thể xảy ra giữa các sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm chuyển đổi và các sản phẩm không hữu cơ và để đảm bảo nhận dạng các sản phẩm hữu cơ và trong quá trình chuyển đổi. Phải lưu giữ thông tin liên quan đến ngày, giờ thu hoạch, thu mua, ngày giờ tiếp nhận sản phẩm có sẵn cho cơ quan kiểm soát hoặc cơ quan kiểm soát.
Đóng gói và vận chuyển sản phẩm: Phải đảm bảo rằng các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm chuyển đổi được vận chuyển đến các nhà kinh doanh khác, bao gồm cả người bán buôn và bán lẻ, chỉ trong bao bì thích hợp.
Đối với việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến các đơn vị sản xuất hoặc chuẩn bị khác hoặc các cơ sở lưu trữ, phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện: Trong quá trình vận chuyển, thức ăn được sản xuất hữu cơ, thức ăn chuyển đổi và thức ăn không hữu cơ được tách biệt một cách hiệu quả về mặt vật lý; Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi hữu cơ thành phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi chuyển đổi được tách biệt về mặt vật lý hoặc thời gian với việc vận chuyển các thành phẩm khác; Trong quá trình vận chuyển, số lượng sản phẩm lúc bắt đầu và từng số lượng riêng lẻ được giao trong quá trình vận chuyển phải được ghi lại.
Đối với vận chuyển cá sống phải được vận chuyển trong các bể thích hợp, có nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh lý của chúng về nhiệt độ và oxy hòa tan. Các bể chứa phải được làm sạch, khử trùng và rửa sạch trước khi vận chuyển. Các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện để giảm căng thẳng. Trong quá trình vận chuyển, mật độ không được đạt đến mức gây bất lợi cho loài.
Các sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm chuyển đổi được nhập khẩu từ một nước thứ ba, sẽ được vận chuyển trong bao bì hoặc thùng chứa thích hợp, được đóng theo cách ngăn chặn sự thay thế của nội dung và mang dấu hiệu nhận biết của nhà xuất khẩu cũng như bất kỳ nhãn hiệu và số hiệu nào khác để xác định lô hàng và phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm soát nhập khẩu từ các nước thứ ba nếu thích hợp.
Bảo quản sản phẩm: Các khu vực lưu trữ sản phẩm phải được quản lý sao cho đảm bảo nhận biết các lô và tránh bất kỳ sự trộn lẫn hoặc nhiễm bẩn nào với các sản phẩm hoặc các chất không tuân thủ các quy tắc sản xuất hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm chuyển đổi phải luôn được nhận dạng rõ ràng.
Một số quy định mới liên quan đến sửa đổi và thực thi Quy định 2018/848 cần lưu ý :
Quy định EU 2020/427 ngày 13/1/2020 sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến các quy định sản xuất cho các sản phẩm hữu cơ.
Quy định (EU) 2020/1794 ngày 16/9/2020 sửa đổi Phụ lục II của phần I của Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến việc sử dụng vật liệu tái tạo và thực vật chuyển đổi vô cơ.
Quy định EU 2020/1693 ngày 11/11/2020 sửa đổi Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến ngày áp dụng và một số ngày áp dụng khác của một số điều khoản trong Quy định 2018/848.
Quy định (EU) 2020/1794 ngày 16/9/2020 sửa đổi Phần I của Phụ lục II về Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu liên quan đến việc sử dụng vật liệu tái tạo thực vật chuyển đổi và vô cơ.
Quy định (EU) 2020/464 ngày 26/3/2020 để thực hiện Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến các tài liệu cần thiết để công nhận hồi tố các giai đoạn nhằm mục đích chuyển đổi, sản xuất sản phẩm hữu cơ và thông tin được cung cấp bởi các quốc gia thành viên.
Quy định (EU) 2020/2042 ngày 11/12/2020 sửa đổi Quy định (EU) 2020/464 liên quan đến ngày áp dụng và một số ngày áp dụng khác của một số điều khoản trong Quy định 2018/848.
Quy định (EU) 2020/2146 ngày 24/9/2020 bổ sung Quy định (EU) 2018/848 về các quy tắc sản xuất đặc biệt trong sản xuất hữu cơ.
Quy định (EU) 2021/269 ngày 4/12/2020 sửa đổi Quy định được ủy quyền (EU) 2020/427 liên quan đến ngày áp dụng các sửa đổi đối với các quy tắc sản xuất chi tiết nhất định đối với các sản phẩm hữu cơ trong Phụ lục II của Quy định (EU) 2018/848.
Quy định (EU) 2021/642 ngày 30/10/2020 sửa đổi Phụ lục III của Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu liên quan đến thông tin được cung cấp về việc ghi nhãn sản phẩm hữu cơ.
Quy định (EU) 2021/715 ngày 20/1/2021 sửa đổi Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng liên quan đến các yêu cầu đối với các nhóm nhà khai thác.
Quy định (EU) 2021/716 ngày 9/2/2021 sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu liên quan đến các quy tắc sản xuất hữu cơ đối với vi trùng và thức ăn cho một số động vật nuôi trồng thủy sản và ký sinh trùng phương pháp điều trị cho động vật nuôi trồng thủy sản.
Quy định (EU) 2021/279 ngày 22/2/2021 quy định các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định (EU) 2018/848 về các biện pháp kiểm soát và các biện pháp khác đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ trong sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ.
Quy định (EU) 2021/771 ngày 21/1/2021 bổ sung Quy định (EU) 2018/848 đặt ra các tiêu chí và điều kiện cụ thể để kiểm tra tài khoản chứng từ trong khuôn khổ kiểm soát chính thức hữu cơ sản xuất và các kiểm soát chính thức của các nhóm người vận hành.
Quy định (EU) 2021/1006 ngày 12/4/2021 sửa đổi Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến mẫu giấy chứng nhận tuân thủ các quy tắc về sản xuất hữu cơ.
Quy định (EU) 2021/1342 ngày 27/5/2021 bổ sung Quy định (EU) 2018/848 các quy tắc về thông tin được gửi bởi các nước thứ ba và các cơ quan kiểm soát cho mục đích giám sát việc công nhận của họ theo Điều 33 (2) và (3) của Quy định Hội đồng (EC) số 834/2007 đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu và các biện pháp khi thực hiện sự giám sát đó
Quy định (EU) 2021/1697 ngày 13/7/2021 sửa đổi Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng liên quan đến các tiêu chí để công nhận các cơ quan kiểm soát có thẩm quyền đối với các sản phẩm hữu cơ ở các nước thứ ba và rút lại sự công nhận của họ.
Quy định (EU) 2021/1691 ngày 12/7/2021 sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EU) 2018/848 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng liên quan đến các yêu cầu lưu trữ hồ sơ đối với các nhà khai thác trong sản xuất hữu cơ.
Quy định (EU) 2021/1698 ngày 13/7/2021 bổ sung Quy định (EU) 2018/848 với các yêu cầu thủ tục để công nhận các cơ quan kiểm soát có thẩm quyền đối với các nhà khai thác và các nhóm người điều hành được chứng nhận hữu cơ và sản phẩm hữu cơ ở các nước thứ ba và các quy tắc về giám sát của họ và các biện pháp kiểm soát và các hành động khác được thực hiện bởi các cơ quan kiểm soát.
5. Yêu cầu dán nhãn hữu cơ
Thuật ngữ hữu cơ hoặc các từ sinh học, sinh thái chỉ có thể được sử dụng để ghi nhãn các sản phẩm tuân thủ các quy tắc sản xuất hữu cơ của EU và nếu ít nhất 95% thành phần của sản phẩm là hữu cơ. Đối với các sản phẩm có chứa ít hơn 95% thành phần hữu cơ thì thuật ngữ hữu cơ chỉ có thể được sử dụng để chỉ các thành phần hữu cơ riêng lẻ trong danh sách các thành phần của sản phẩm. Các sản phẩm săn bắt và đánh bắt động vật hoang dã không được coi là sản xuất hữu cơ và không được dán nhãn hữu cơ EU.
Kể từ ngày 1/7/2012, việc sử dụng biểu tượng logo hữu cơ của EU đã trở thành bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm hữu cơ được đóng gói và sản xuất tại EU. Các sản phẩm hữu cơ được nhập khẩu từ nước thứ ba có thể mang biểu tượng logo hữu cơ của EU nếu chúng tuân thủ các quy tắc sản xuất của EU.
Ngày 30/5/2018, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua văn bản quy định mới của EU về sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ, quy định EU 2018/848 . Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Tuy nhiên, trước thời gian trên, việc ghi nhãn hữu cơ EU vẫn dựa trên quy định (EC) 834/2007 và (EC) 889/2008 điều chỉnh việc sản xuất, chế biến và thương mại thực phẩm hữu cơ và thức ăn chăn nuôi hữu cơ trên toàn châu Âu, đồng thời tuân theo quy định (EU) 1235/2008 quy định việc giới thiệu các sản phẩm hữu cơ từ các nước thứ ba.
Các loại nhãn hữu cơ tại Bắc Âu
Nhãn hữu cơ EU
Nếu được sử dụng trên một sản phẩm, biểu tượng hữu cơ của EU cho biết rằng sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với các điều kiện và quy định cho lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ do Liên minh châu Âu thiết lập. Đối với các sản phẩm chế biến, điều đó có nghĩa là ít nhất 95% thành phần nông nghiệp là hữu cơ. Bên cạnh biểu tượng hữu cơ mới của EU, một số mã của cơ quan kiểm soát được hiển thị cũng như nơi sản xuất các nguyên liệu nông nghiệp tạo ra sản phẩm.
Tại Thụy Điển:
Thị trường hữu cơ Thụy Điển bị thống trị bởi hệ thống nhãn sinh thái gồm: nhãn sinh thái của EU và nhãn sinh thái KRAV của Thụy Điển.
Nhãn thực phẩm hữu cơ của Thụy Điển và EU
Chứng nhận hữu cơ của EU là bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm được tiếp thị là hữu cơ trong khi chứng nhận KRAV là sự bổ sung tự nguyện cho các quy tắc của EU, bao gồm nhiều yêu cầu hơn liên quan đến trách nhiệm xã hội, phúc lợi động vật, khí hậu và sức khỏe.
Khoảng 80% tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán ở Thụy Điển được dán nhãn KRAV vào năm 2010. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, thị phần của các sản phẩm hữu cơ mang nhãn KRAV đã giảm, đặc biệt là trong 3 – 4 năm gần đây. Theo Ekoweb Thụy Điển, lý do chính mà các nhà sản xuất chọn không sử dụng chứng nhận KRAV mà ghi nhãn theo lá xanh hữu cơ của EU là do yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn và quy trình tổng thể đơn giản hơn.
Các lĩnh vực mà KRAV yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với nhãn hữu cơ của EU là:
– Sức khỏe: Chất phụ gia Nitrit bị cấm.
– Trách nhiệm xã hội: Người lao động có quyền tham gia công đoàn, không có lao động trẻ em, không có cưỡng bức lao động.
– Ô nhiễm: Các trang trại không được phép bố trí gần các con đường có đông xe cộ qua lại.
– Khí hậu: 80% năng lượng canh tác trong nhà kính phải từ nguồn năng lượng tái tạo.
– Đa dạng sinh học: Thuốc trừ sâu đa dạng sinh học như piperonylbutoxide bị cấm.
Mặc dù thị phần sụt giảm, nhãn KRAV vẫn được coi là nhãn hàng đầu và chứng nhận giá trị gia tăng ở Thụy Điển. Nó được coi là một nhãn hữu cơ được thiết lập tốt cho thực phẩm, với mức độ nhận biết cao của người tiêu dùng. Do đó, những người tiêu dùng có ý thức đối với môi trường vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm được dán nhãn KRAV hơn là sản phẩm chỉ được dán nhãn hữu cơ của EU, đặc biệt là trong phân khúc sản phẩm động vật.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ ăn uống có nhãn KRAV riêng, với ba sao cho các nhà hàng phục vụ ít nhất 90% thực phẩm hữu cơ, hai sao cho nhà hàng phục vụ ít nhất 50% thực phẩm hữu cơ và một sao cho các nhà hàng phục vụ ít nhất 25% thực phẩm hữu cơ.
Ngoài ra, Coop và ICA đã liên kết thực hiện thương hiệu hữu cơ riêng cho mình để phát triển hệ thống sản phẩm hữu cơ như:
– ICA I love Eco : Chuỗi siêu thị Thụy Điển ICA làm việc với một loạt các sản phẩm hữu cơ được sản xuất riêng cho ICA dưới dạng nhãn hiệu riêng của họ. I love Eco cũng được ghi nhãn Ø của Debio, hệ thống ghi nhãn KRAV của Thụy Điển và EU cho thực phẩm hữu cơ.
– Änglamark COOP : COOP cũng đã sản xuất một loạt các loại thực phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ. Chúng được đánh dấu là Änglamark. Chuỗi COOP cung cấp cả sản phẩm Änglamark hữu cơ của riêng họ và các sản phẩm có nhãn hiệu hữu cơ khác.
Tại Đan Mạch:
Tại Đan Mạch, nhãn thực phẩm hữu cơ có thể dễ dàng nhận diện bởi dấu Ø đỏ. Nhãn này được tạo từ năm 1989 và chứng nhận những sản phẩm được gắn nhãn này là những sản phẩm được phát triển và chế biến tuân theo các quy định hữu cơ theo quy định của EU và của Đan Mạch trước khi đưa vào chuỗi cung ứng thực phẩm.
Nhãn thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch và EU
Hàng hóa nước ngoài có thể được đánh dấu Ø đỏ nếu quy trình chế biến hoặc đóng gói lại được thực hiện dưới sự kiểm soát hữu cơ Đan Mạch. Nhãn Ø đỏ cũng có thể áp dụng cho một số loại sản phẩm không phải là thực phẩm như hạt cỏ, thức ăn cho chó mèo. Việc sử dụng nhãn Ø đỏ là tự nguyện. Tuy nhiên, để dán nhãn này các nhà sản xuất ít nhất phải tuân thủ các quy tắc hữu cơ của Đan Mạch và EU.
Ngày nay, các sản phẩm mang nhãn Ø đỏ rất được coi trọng tại Đan Mạch. Các sản phẩm mang nhãn này được kiểm soát chặt chẽ của nhà nước và được biết đến với: (i) Quy định nghiêm ngặt đối với tất cả các sản phẩm hữu cơ, (ii) Kiểm soát của nhà nước từ trang trại đến bàn ăn, (iii) Tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, (iv) Độ tin cậy về giao hàng, và (v) Độ tin cậy cao với 98% người tiêu dùng Đan Mạch tin tưởng vào nhãn này.
Sự kiểm soát của chính phủ là một yếu tố thành công quan trọng để thuyết phục người tiêu dùng Đan Mạch về chất hữu cơ. Chỉ các cơ quan chức năng thuộc Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch mới tiến hành kiểm tra theo quy định của chính phủ đối với sản xuất hữu cơ. Cơ quan Nông sản Đan Mạch kiểm tra sản xuất chính, trong khi Cơ quan Thú y và Thực phẩm Đan Mạch kiểm tra các công ty thực phẩm. Ít nhất mỗi năm một lần sẽ tiến hành kiểm tra các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm hữu cơ.
Hầu hết tất cả người Đan Mạch (98%) đều quen thuộc với nhãn đỏ và 81% rất tin tưởng vào nó, điều này khiến nó trở thành nhãn nổi tiếng nhất trên toàn Đan Mạch.
Nhãn Ø đỏ không chỉ dành riêng cho các sản phẩm Đan Mạch sản xuất. Các sản phẩm nhập khẩu cũng có thể dán nhãn Ø đỏ, nhưng chỉ các công ty nhập khẩu hoặc sản xuất được chính phủ Đan Mạch chứng nhận mới có thể dán nhãn này.
Ở Đan Mạch, có một danh sách dài các quy định nghiêm ngặt mà các công ty cần tuân thủ nếu họ chế biến, đóng gói, dán nhãn và nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ. Ví dụ như phải đảm bảo các sản phẩm hữu cơ không tiếp xúc với các sản phẩm không phải là hữu cơ. Nếu một công ty bỏ qua quy định này, họ có thể bị phạt hoặc thậm chí mất quyền phân phối các sản phẩm hữu cơ.
Trong vài năm gần đây, nhãn hữu cơ của EU đã dần trở nên phổ biến hơn tại Đan Mạch, và thường được sử dụng cùng với nhãn Ø đỏ. Ngày càng có nhiều sản phẩm nhập khẩu chỉ được bán với nhãn EU trong các siêu thị của Đan Mạch. Đối với các sản phẩm không được sản xuất tại Đan Mạch (như chuối, trái cây có múi…), người tiêu dùng dần quen với việc nhãn EU thay vì nhãn Ø đỏ.
Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu sang Đan Mạch chỉ cần đáp ứng các quy định của EU về nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, lưu ý rằng các siêu thị Đan Mạch thích các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hữu cơ Đan Mạch.
Trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, có ba nhãn khác nhau để tiếp thị thực phẩm hữu cơ trong các nhà bếp quy mô lớn, nhà hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học và các cơ sở kinh doanh lớn hơn. Nhãn ẩm thực hữu cơ và cho biết lượng nguyên liệu hữu cơ được sử dụng trong sản xuất thực phẩm của nhà hàng/nhà bếp. Thị phần của thực phẩm hữu cơ trong đó được tính theo tỷ lệ phần trăm: 90-100% (Vàng), 60-90% (Bạc), hoặc 30-60% (Đồng).
Nhãn ẩm thực hữu cơ Đan Mạch
Tại Na Uy:
Nhãn hữu cơ Na Uy
Tại Na Uy, Debio là dấu được phát triển cho thực phẩm hữu cơ trong suốt 30 năm qua. Deibo đảm bảo rằng hàng hóa được đánh dấu bằng nhãn này được sản xuất theo qui trình hữu cơ và bền vững. Debio quản lý, điều tiết và kiểm soát sản xuất hữu cơ, các quy định và là sự lựa chọn tự nhiên của các công ty để chứng nhận chất lượng và môi trường. Chứng nhận được biết đến nhiều nhất là nhãn Ø với màu xanh lá cây. Ngoài ra, Na Uy cũng có một nhãn bền vững khác là Demeter tương đồng về giá trị.
Ngoài nhãn Debio màu xanh lá cây, Debio cũng đã đưa ra kế hoạch dán nhãn cho các nhà hàng, khách sạn hoặc các tổ chức khác muốn quảng bá về việc sử dụng thực phẩm hữu cơ của họ, như:
+ Đồng: đối với các nhà hàng, khách sạn, tổ chức sử dụng từ 15 – 49% thành phần là hữu cơ;
+ Bạc: đối với các nhà hàng, khách sạn, tổ chức sử dụng từ 50 – 89% thành phần là hữu cơ;
+ Vàng: đối với các nhà hàng, khách sạn, tổ chức sử dụng từ 90 – 100% thành phần là hữu cơ;
Nhãn ẩm thực hữu cơ Na Uy
6. Quy định riêng của Na Uy
Ngoài việc tuân thủ các quy định bắt buộc về sản xuất, dãn nhãn hữu cơ của EU thì việc sản xuất và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Na Uy phải tuân theo Quy định về sản xuất và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Na Uy
Sản xuất nuôi trồng thủy sản hữu cơ ở Na Uy tuân theo Quy định số 879 7/7/2015 về sản xuất nuôi trồng thủy sản hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại Na Uy.
Nhu cầu đối với thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng tại các nước Bắc Âu. Những sản phẩm mà Bắc Âu có nhu cầu nhập khẩu là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như hoa quả nhiệt đới, rau quả, các loại ngũ cốc, chè, cà phê…. Do vậy, thực phẩm hữu cơ dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội thương mại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
1. Tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
Một trong những thách thức cho các nhà xuất khẩu khi muốn xuất khẩu vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng là thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu cao khiến cho họ không thể cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian vận chuyển cũng là thách thức cho các nhà xuất khẩu khi so sánh với các nhà cung ứng trong EU. Tuy nhiên Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2020 đã biến thách thức này thành lợi thế cho các nhà sản xuất Việt Nam khi hầu hết thuế nhập khẩu các loại rau quả, hạt… được xóa bỏ về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Các nhà xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Âu.
2. Cải tiến bao bì sản phẩm và nhãn mác
Doanh nghiệp xuất khẩu sang Bắc Âu nên chú ý đến bao bì và nhãn mác. Tầm quan trọng của bao bì và nhãn mác thường bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, hai lớp này được người tiêu dùng nhìn thấy đầu tiên của một thương hiệu. Nó có thể thu hút người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm và mua hàng.
Bên cạnh đó, cùng với vấn đề bảo vệ môi trường cũng như giảm thiểu sử dụng các loại nhựa dùng một lần nên người tiêu dùng Bắc Âu cũng ngày càng chú trọng đến bao bì sản phẩm. Họ ưa thích tiêu dùng các sản phẩm có bao bì tự nhiên, làm từ vật liệu tái chế và không gây tổn hại đến môi trường. Ví dụ như tại Na Uy và Thụy Điển, ICA là công ty hàng đầu trong ngành chú ý đến bao bì và nhãn mác với các tiêu chuẩn cao nhất và mục tiêu về bao bì bền vững. Một số đặc điểm của bao bì bền vững mà ICA thiết kế như: Giảm khối lượng và thể tích bao bì; Giảm lượng chất thải đến bãi chôn lấp thông qua khả năng tái chế, khả năng tái sử dụng hoặc khả năng phân hủy; Giảm ảnh hưởng đến môi trường bằng cách sử dụng tài nguyên bền vững và giảm phát thải; Giảm chất thải bằng cách kéo dài thời hạn sử dụng và ngăn ngừa hư hỏng hoặc ô nhiễm.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm khách hàng
Sau cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã mất đi khách hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy cơ quan Organic Thụy Điển đã xây dựng một cổng thông tin giúp các công ty tìm kiếm các kênh bán hàng mới, gọi là Eko-Portalen . Mục đích của cổng này nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và nguyên liệu hữu cơ được dán nhãn KRAV, bằng cách kết nối các nhà sản xuất với người mua tiềm năng. Eko-Portalen không nhắm vào trực tiếp người tiêu dùng mà nhắm vào đối tượng B2B. Các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thực phẩm hữu cơ có thể vào cổng này để tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội.
4. Tham gia các hội chợ triển lãm
Việc tham gia hội chợ triển lãm có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về thị trường nước ngoài, xu hướng sản phẩm và sự cạnh tranh. Hội chợ thương mại có vai trò quan trọng để tạo mối liên hệ với các đối tác kinh doanh trong tương lai.
Một số hội chợ triển lãm thực phẩm hữu cơ tại Bắc Âu, như:
Foodexpo – tại Đan Mạch – hội chợ diễn ra vào tháng 3 hàng năm.
Nordic Organic food fair – tại Thụy Điển – hội chợ diễn ra vào tháng 11 hàng năm.
5. Một số sản phẩm có tiềm năng phát triển
Một số sản phẩm hữu cơ có thể phát triển mạnh trong thời gian tới tại Bắc Âu, như:
Cà phê hữu cơ:
Tại Thụy Điển, cà phê hữu cơ chiếm khoảng 2/3 doanh số bán đồ uống hữu cơ, dự kiến sẽ là một trong những ngành hàng ghi nhận hoạt động tích cực trong giai đoạn dự báo 2019-2024, với tốc độ CAGR trên trung bình là 6,5% trong cùng kỳ. Những doanh nghiệp lớn chính trong ngành tiếp tục quảng cáo mở rộng thị phần cà phê hữu cơ của họ. Ví dụ, Johan & Nyström, Kafferostare & Tehandlare là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực cà phê hữu cơ, với dòng Johan & Nyström, bao gồm hạt cà phê tươi và cà phê mới xay tiêu chuẩn, với một số biến thể hữu cơ.
Nước trái cây hữu cơ:
Nước trái cây hữu cơ là một trong những danh mục đồ uống hữu cơ phát triển nhanh nhất vào năm 2019, như nước chanh hữu cơ hay nước mật hoa hữu cơ cho trẻ em. Người Thụy Điển ưa thích sinh tố, chứ không phải từ nước ép 100% cô đặc. Do vậy, nước trái cây hữu cơ được dự báo sẽ tăng trưởng trong tương lai.
Nước sốt, gia vị và nước sốt hữu cơ, các sản phẩm từ sữa hữu cơ:
Nước sốt, gia vị, các sản phẩm từ sữa hữu cơ đã thu được giá trị đáng kể trong những năm gần đây tại Đan Mạch, với đóng góp của sữa hữu cơ là khoảng 52% thị phần giá trị của thực phẩm đóng gói hữu cơ vào năm 2019.
Đồ uống nóng và nước giải khát hữu cơ :
Đồ uống nóng và nước giải khát hữu cơ dự kiến sẽ tăng trưởng kỷ lục trong những năm tới, ghi nhận tốc độ CAGR giá trị là 41,5% trong giai đoạn 2019-2024 do người tiêu dùng Đan Mạch tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên nhiều hơn. Với nhu cầu mạnh mẽ đối với đồ uống hữu cơ, tính sẵn có của sản phẩm có khả năng tiếp tục tăng trong giai đoạn dự báo 2019-2024.
I. Thụy Điển
BKI Kaffe AB
Agrovektor AB
Alt Grönt I Vallentuna AB
Axfood AB
Bergendahls Food AB
Coop Sverige AB
Ekologiska Säljbolaget Greeen Team AB
Kakaw.se
Magnihill AB
Martin & Servera AB
Menigo Foodservice AB
Biofood AB
Saba Fruit AB
Biodynamic Products Foundation
Dagap Inkop & Logistik AB
Frukt Direkt AB
ICA handlarnas AB
Kung Markatta AB
II. Đan Mạch
Aarstiderne AS
AB Catering
BC Catering
Biohabit Food
Cater Food
Catering Engros AS
Dans Cater AS
Dencon Foods AS
DK Trading ApS
Ganefryd ApS
Gron Fokus ApS
Gront Grosssisten ApS
Horkram Foodservice AS
Jan Import Hadsten AS
Local and Global
Megafood AS
Orkla food Denmark
Romer Naturprodukt AS
Scandic food AS
Solhjulet A/S
Tamaco Food AS
Oko Taste AS
III. Na Uy
ASKO
Bama
Norganic AS
Servicegrossistene
Solberg&Hansen
TINE
Nortura AS
Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch
Báo cáo nông nghiệp hữu cơ thế giới 2021
Báo cáo sản xuất và bán hàng thực phẩm hữu cơ Na Uy năm 2020
Báo cáo thực phẩm hữu cơ Đan Mach
Báo cáo nhập khẩu nông sản hữu cơ EU 2020
Cơ quan an toàn thực phẩm Na Uy
Cơ quan thống kê Đan Mạch
Cơ quan thống kê Thụy Điển
Cơ quan thống kê Na Uy
Cơ quan thực phẩm và thú y Đan Mạch
Cơ quan Nông nghiệp Na Uy
Chiến lược lương thực quốc gia Thụy Điển
Hội đồng nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch
Hiệp hội hữu cơ Na Uy
Tổ chức Lương thực Na Uy
Thực phẩm quốc gia Đan Mạch
Organic Đan Mạch
Organic Sweden
Organic.dk
Ecoweb Sweden
Ecoweb Denmark
Nhãn sinh thái Thụy Điển
Nhãn sinh thái Đan Mạch
Nhãn sinh thái Na Uy
USDA – Quy định mới về thực phẩm hữu của cơ EU
I. Trang web của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia
1. Website tiếng Việt
2. Website tiếng Anh
II. Các ấn phẩm của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia
1. Quy định về thị trường cơ bản của các nước Bắc Âu
2. Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu
3. Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Bắc Âu
4. Thị trường rau quả tươi Bắc Âu
5. Thị trường cà phê Bắc Âu
6. Những điều cần biết về thị trường Thụy Điển
7. Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch
8. Những điều cần biết về thị trường Phần Lan
9. Những điều cần biết về thị trường Na Uy
10. Những điều cền biết về thị trường Iceland
11. Những điều cần biết về thị trường Latvia
Top 20 bắc âu gồm những nước nào viết bởi Cosy
Các nước, vùng lãnh thổ
- Tác giả: tulieuvankien.dangcongsan.vn
- Ngày đăng: 06/27/2022
- Đánh giá: 4.97 (660 vote)
- Tóm tắt: Ai-len (Ireland). Thuộc Tây Âu, chiếm 5 trong số 6 hòn đảo Ai-len ở Bắc Đại Tây Dương, giáp Bắc Ai-len thuộc Anh và eo Xanh Gioóc. · Ai-xơ-len (Iceland). Là quốc …
Hành trình Bắc Âu bao gồm những nước nào? – Du Lịch Việt
- Tác giả: dulichviet.com.vn
- Ngày đăng: 04/13/2023
- Đánh giá: 4.43 (201 vote)
- Tóm tắt: Hành trình Bắc Âu bao gồm những nước nào? · 1. Thụy Điển · 2. Đan Mạch · 3. Phần Lan · 4. Na Uy.
- Nội Dung: Các sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm chuyển đổi được nhập khẩu từ một nước thứ ba, sẽ được vận chuyển trong bao bì hoặc thùng chứa thích hợp, được đóng theo cách ngăn chặn sự thay thế của nội dung và mang dấu hiệu nhận biết của nhà xuất khẩu cũng như …
Tổng hợp các nước Bắc Âu và bản đồ từng nước
- Tác giả: visadep.vn
- Ngày đăng: 11/19/2022
- Đánh giá: 4.25 (425 vote)
- Tóm tắt: Bắc Âu bao gồm các nước: Thụy Điển, Estonia, Nauy, Đan Mạch, Latvia, Ireland, Iceland, Lithuania, Anh, Phần Lan. Bản đồ và lá cờ của các nước …
- Nội Dung: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, thường gọi tắt là Anh Quốc, Vương quốc Anh, Liên hiệp Anh hoặc chỉ gọi tắt là Anh là một quốc gia có chủ quyền tại châu Âu. Quốc gia này nằm tại ngoài khơi đại lục châu Âu, bao gồm đảo Anh và phần đông bắc …
Thông tin về Liên minh châu Âu
- Tác giả: endevio.com
- Ngày đăng: 09/18/2022
- Đánh giá: 4.16 (499 vote)
- Tóm tắt: Andorra, Áo, Bỉ, Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Kosovo, Latvia, Luxembourg, Malta, Monaco, Montenegro, Hà Lan, Bồ Đào Nha, San Marino, …
- Nội Dung: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, thường gọi tắt là Anh Quốc, Vương quốc Anh, Liên hiệp Anh hoặc chỉ gọi tắt là Anh là một quốc gia có chủ quyền tại châu Âu. Quốc gia này nằm tại ngoài khơi đại lục châu Âu, bao gồm đảo Anh và phần đông bắc …
BẮC ÂU: PHẦN LAN – THỤY ĐIỂN – NA UY – ĐAN MẠCH
- Tác giả: tsttourist.com
- Ngày đăng: 11/01/2022
- Đánh giá: 3.79 (492 vote)
- Tóm tắt: NGÀY 01: TP. HỒ CHÍ MINH – HELSINKI · NGÀY 02: HELSINKI – STOCKHOLM · NGÀY 03: STOCKHOLM · NGÀY 04: STOCKHOLM – KARLSTAD · NGÀY 05: KARLSTAD – OSLO …
- Nội Dung: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, thường gọi tắt là Anh Quốc, Vương quốc Anh, Liên hiệp Anh hoặc chỉ gọi tắt là Anh là một quốc gia có chủ quyền tại châu Âu. Quốc gia này nằm tại ngoài khơi đại lục châu Âu, bao gồm đảo Anh và phần đông bắc …
Tour du lịch Bắc Âu đầy hấp dẫn nhất định phải đi một lần trong đời
- Tác giả: dhtravel.com.vn
- Ngày đăng: 03/03/2023
- Đánh giá: 3.59 (564 vote)
- Tóm tắt: Những vấn đề như kinh nghiệm du lịch Bắc Âu, nên đi vào mùa nào và đâu là công ty … Các nước Bắc Âu gồm có: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Iceland, …
- Nội Dung: Điểm dừng chân đầu tiên trong tour du lịch Bắc Âu mà DH Travel muốn đưa bạn tới đó là đất nước Đan Mạch, đến với Copenhagen (thủ đô của Đan Mạch) thành phố xanh sạch bậc nhất hành tinh. Tại đây có rất nhiều công viên và vườn hoa, bạn có thể đi trên …
Bắc Âu gồm những nước nào và bản đồ của mỗi nước
- Tác giả: kienthuctonghop.vn
- Ngày đăng: 07/03/2022
- Đánh giá: 3.4 (209 vote)
- Tóm tắt: Bắc Âu bao gồm các nước đó là: Thụy Điển, Estonia, Nauy, Đan Mạch, Latvia, Ireland, Iceland, Lithuania, Anh, Phần Lan. Các nước Bắc Âu. Bắc Âu gồm những nước …
- Nội Dung: Đan Mạch là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia của Bắc Âu và là thành viên chính của Vương quốc Đan Mạch. Đan Mạch nằm ở phía vùng cực nam của các nước Nordic, nằm phía Tây Nam của Thụy Điển, phía Nam của Na Uy và giáp với nước Đức về phía Nam. Đan …
DU LỊCH BẮC ÂU PHẦN LAN – THỤY ĐIỂN – NA UY – ĐAN MẠCH
- Tác giả: vyctravel.com
- Ngày đăng: 01/24/2023
- Đánh giá: 3.32 (331 vote)
- Tóm tắt: + Không nhận khách có thai từ 05 tháng trở lên tham gia các tour nước ngoài vì lý do an toàn cho khách hàng. + Quý khách khi đăng ký tour có trách nhiệm thông …
- Nội Dung: + Lâu đài Rosenborg: Là một trong những niềm tự hào của kiến trúc Hà Lan theo phong cách Phục hưng. Lâu đài Rosenborg là dinh cơ hoàng gia từ năm 1606 cho đến năm 1710 và đã từng là nhà của hoàng đế Christian IV trước khi đăng quang. Đến với …
CHÂU ÂU GỒM NHỮNG NƯỚC NÀO
- Tác giả: dinhcucacnuoc.com
- Ngày đăng: 06/11/2022
- Đánh giá: 3.12 (587 vote)
- Tóm tắt: CHÂU ÂU GỒM NHỮNG NƯỚC NÀO ; Áo; Nước Bỉ; Nước pháp ; Belarus; Bungari; Czechia ; Đan mạch; Estonia; Phần Lan ; Albania; Andorra; Bosnia và Herzegovina ; Nga; Turkey …
- Nội Dung: Châu Âu gồm những nước nào. Có 44 quốc gia châu Âu, mỗi quốc gia có Cờ quốc gia và thủ đô riêng. Cờ của Châu Âu hoặc cờ của các nước Châu Âu là những biểu tượng mang tính đại diện của họ. Trong số 44 quốc gia này, một số quốc gia trong số đó là …
Tour Du Lịch Bắc Âu 4 Nước: Đan Mạch – Na Uy – Thụy Điển – Phần Lan
- Tác giả: tourchauautot.com
- Ngày đăng: 05/13/2022
- Đánh giá: 2.81 (51 vote)
- Tóm tắt: Tham quan City Hall Square – Quảng trường thành phố, nằm ngay trung tâm Copenhagen, là địa điểm thường xuyên được chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng, các lễ …
- Nội Dung: Gefion Fountain – Đài phun nước Gefion là đài kỷ niệm lớn nhất Copenhagen, được quỹ Carlsberg xây tặng thành phố nhân kỷ niệm 50 năm của hãng bia Carlsberg 1899. Đài phun nước còn là điểm thăm quan thu hút khách du lịch, mọi người thường ném tiền xu …
Tại sao các quốc gia Bắc Âu luôn nằm trong top hạnh phúc bậc nhất thế giới?
- Tác giả: cand.com.vn
- Ngày đăng: 01/01/2023
- Đánh giá: 2.79 (67 vote)
- Tóm tắt: PGS.TS. … Các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland hiện đang được đề cao như một trong những mô hình quản trị hiệu …
- Nội Dung: PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mô hình phát triển kinh tế – xã hội của khối Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hệ thống phúc lợi xã hội tiên …
Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội – Hỏi đáp.
- Tác giả: molisa.gov.vn
- Ngày đăng: 05/16/2022
- Đánh giá: 2.79 (166 vote)
- Tóm tắt: Ở Thụy Điển và các nước Bắc Âu, an sinh xã hội từ giáo dục, y tế, … xét kỹ cái gì nhà nước đáng làm thì tập trung làm thật tốt còn những cái gì không đáng …
- Nội Dung: Ngay sau kiến nghị trên chúng tôi kiến nghị tiếp về việc xác định làm sao cho “hợp lý” vai trò và chức năng của nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội. Trên thế giới, các mô hình phát triển hiện nay đều theo mô hình hỗn hợp với nghĩa có cả ‘bàn …
Thị trường Bắc Âu: Những điều chung nhất cần biết
- Tác giả: tapchicongthuong.vn
- Ngày đăng: 10/31/2022
- Đánh giá: 2.68 (92 vote)
- Tóm tắt: Thị trường Bắc Âu bao gồm các nước: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Litva, Latvia, Estonia và một số vùng lãnh thổ với tổng …
- Nội Dung: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến… có tiềm năng và dư địa phát triển tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, so với khu vực thị trường truyền thống là các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Áo… thì đây vẫn là khu …
Tổng hợp đầy đủ danh sách các nước thuộc khối Schengen châu Âu
- Tác giả: dinhcuphanlan.com.vn
- Ngày đăng: 05/18/2022
- Đánh giá: 2.53 (111 vote)
- Tóm tắt: Hay khối Schengen bao nhiêu nước, khối Schengen gồm những nước nào. Chúng tôi xin trả lời trong khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia, với diện tích: 4.3 triệu m …
- Nội Dung: Điều này có nghĩa là những công dân của 26 quốc gia này đều có thể đi lại các quốc gia khác mà không cần có bất kỳ sự kiểm tra nào tại biên giới. Vì thế các công dân không tốn thời gian chờ đợi tại các điểm kiểm soát, có thể đi lại tự do các nước …
Vì sao các nước Bắc Âu hạnh phúc vô đối?
- Tác giả: nld.com.vn
- Ngày đăng: 11/18/2022
- Đánh giá: 2.3 (128 vote)
- Tóm tắt: (NLĐO) – Những đất nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2022 đều gọi tên khu vực Bắc Âu, với Phần Lan xếp đầu bảng lần thứ năm liên tiếp và Đan Mạch …
- Nội Dung: Là một trong những nước khỏe mạnh nhất thế giới, Thụy Sĩ có tỉ lệ béo phì thuộc hàng thấp nhất thế giới trong khi có tuổi thọ cao. Đất nước châu Âu này có mức lương trung bình cực cao – cao hơn Mỹ khoảng 75% – cùng GDP bình quân đầu người thuộc hàng …
Làm gì để khai thác thành công thị trường các nước Bắc Âu?
- Tác giả: moit.gov.vn
- Ngày đăng: 03/15/2023
- Đánh giá: 2.34 (186 vote)
- Tóm tắt: Các nước Bắc Âu có nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, cùng với động lực từ Hiệp định EVFTA nên còn nhiều dư địa …
- Nội Dung: Là một trong những nước khỏe mạnh nhất thế giới, Thụy Sĩ có tỉ lệ béo phì thuộc hàng thấp nhất thế giới trong khi có tuổi thọ cao. Đất nước châu Âu này có mức lương trung bình cực cao – cao hơn Mỹ khoảng 75% – cùng GDP bình quân đầu người thuộc hàng …
Nordic những quốc gia thịnh vượng bậc nhất
- Tác giả: saigontourist.net
- Ngày đăng: 10/15/2022
- Đánh giá: 2.25 (52 vote)
- Tóm tắt: Được biết đến như những quốc gia giàu có và thịnh vượng bậc nhất thế giới, 5 quốc gia thuộc vùng Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland …
- Nội Dung: Iceland Iceland là quốc gia đi đầu về sự thịnh vượng và bình đẳng. Nơi đây luôn được biết đến là một trong những quốc gia hòa bình nhất trên thế giới, tránh xa khỏi các cuộc xung đột. Đến Iceland bạn có cơ hội ngắm nhìn bắc cực quang, thứ ánh sáng …
Vì sao giá cả tại Bắc Âu đắt đỏ bậc nhất thế giới nhưng người dân lại hạnh phúc nhất?
- Tác giả: kenh14.vn
- Ngày đăng: 05/23/2022
- Đánh giá: 2.04 (52 vote)
- Tóm tắt: Scandinavia là một khu vực tại Bắc Âu bao gồm 3 nước: Na Uy, … Các sản phẩm tivi, ô tô hay bất kỳ loại hàng hóa nào thì người tiêu dùng cũng phải trả mức …
- Nội Dung: Thế nhưng, hiểu lầm lớn nhất về quốc gia này có lẽ là vấn đề bảo vệ hệ sinh thái. Theo báo cáo năm 2012 của Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu, họ có diện tích sinh thái trên đầu người cao thứ tư trên thế giới, hơn cả Mỹ. Những cối xay gió ngoài khơi có thể …
Du lịch Bắc Âu để khám phá cái nôi văn hóa Viking huyền thoại
- Tác giả: pystravel.vn
- Ngày đăng: 09/07/2022
- Đánh giá: 1.93 (196 vote)
- Tóm tắt: 1.1. Bắc Âu gồm những quốc gia nào? … Các nước Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển cùng các lãnh thổ phụ thuộc là …
- Nội Dung: Lễ hội mùa hè được tổ chức vào sáng thứ 7 đầu tiên sau ngày 21/6 hằng năm. Đây cũng là thời điểm để người dân miền Bắc có thể nhìn thấy mặt trời cả ngày còn dân miền Nam chỉ còn vài tiếng là đón hoàng hôn. Điều này tạo ra nét độc đáo, hấp dẫn, đặc …
Châu Âu gồm những nước nào? Danh sách các nước châu Âu theo khu vực
- Tác giả: casaseguro.asia
- Ngày đăng: 05/06/2022
- Đánh giá: 1.88 (74 vote)
- Tóm tắt: Tổng dân số các nước châu Âu:
Các bán đảo:
Các điểm cực:
Dân tộc: - Nội Dung: Khu vực Đông Âu bao gồm 10 quốc gia và có tổng dân số khoảng 293 triệu người. Quốc gia đông dân nhất ở Đông Âu là Nga, khoảng 144 triệu cư dân, trở thành quốc gia đông dân nhất ở châu Âu. Quốc gia có dân số thấp nhất trong khu vực là Moldova, chỉ có …