Gợi Ý Top 16 những bước chân âm thầm [Triệu View]

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Những Bước Chân Âm Thầm” (“Kỷ Niệm”) của Thi sĩ Kim TuấnNhạc sĩ Y Vân.

Thi sĩ Kim Tuấn (1938-2003) là một nhà thơ nổi tiếng trước 1975. Ba ca khúc phổ thơ của ông nổi tiếng là “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Nguyễn Hiền), “Những Bước Chân Âm Thầm” (Y Vân), “Khi Tôi Về” (Phạm Duy).

Thi sĩ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, ông sinh tại Huế nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ 5 đời của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm nhà Nguyễn. Ông là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học. Ông có tính cách hiền lành; ngoại hình mập mạp, da hơi ngăm đen, nụ cười híp mắt. Năm 20 tuổi cưới người vợ đầu là bà Hồ Thị Mộng Sương (em gái Hồ Đình Phương). Sau 1975 hai người ly dị, bà Mộng Sương sang Pháp, ông cưới người vợ thứ nhì là bà Minh Phương và có hai người con trai.

Ông làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập “Hoa Mười Phương”. Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê. Sau thời gian làm việc ông thường về nhà phụ vợ bán thuốc tây tại nhà riêng – hiệu thuốc cùng tên Kim Tuấn trên đường Phan Bội Châu.

Thi sĩ Kim Tuấn.
Thi sĩ Kim Tuấn.

Năm 1977, ông về Sài Gòn làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 – một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời. Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.

Đa số thơ của ông đều là thơ năm chữ với vần điệu êm ả, dịu dàng; mang nhiều hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng đất mà ông viết. Cái hay của thơ ông là nắm bắt được tính cô động, “kiệm lời” của thể thơ năm chữ.

Gồm 3 mảng chính: Thiên Nhiên – Chiến Tranh – Tình Yêu.

Thơ của ông được in trên nhiều báo, tạp chí trước và sau 1975. Ngoài ra ông còn được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “chiếc cầu nối huy hoắc giữa thơ ca và âm nhạc trước 1975” với nhiều bài thơ phổ nhạc đặc sắc mà tiêu biểu là “Khi Tôi Về” (Phạm Duy), “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Nguyễn Hiền) và “Những Bước Chân Âm Thầm” (Y Vân).

Nhạc sĩ Y Vân thời trẻ.
Nhạc sĩ Y Vân thời trẻ.

Nhạc sĩ Y Vân là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân Nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được trình diễn bởi những ca sĩ hiện thời.

Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với GS NS Tạ Phước và cũng đã sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, gia đình ông phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để lo cho gia đình.

Năm 1952 ông vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ngoài ra ông còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Ông là người đi tiên phong cho dòng Nhạc Trẻ với những bài hát có giai điệu Chachacha, Disco, Twist như: “Sài Gòn”, “Ảo Ảnh”, “60 Năm Cuộc Đời”, “Thôi”.

Thời gian sau năm 1975, ông tham gia Đoàn Ca Nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu…

Nhạc sĩ Y Vân có 2 đời vợ và 8 người con. Ông mất vào ngày 28 tháng 11 năm 1992 (tức ngày 05 tháng 11 năm Nhâm Thân – âm lịch). Hưởng thọ 60 tuổi (đúng như dự đoán của ông trong bài “60 Năm Cuộc Đời”)

Y Vân có nghĩa là “Yêu Vân”, tên của tiểu thư Tường Vân – người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và tiểu thư Tường Vân tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết với tâm sự mất mát này như: “Đò Nghèo”, “Ảo Ảnh”, “Nhạt Nắng”…

Sự nghiệp sáng tác của ông có khoảng trên dưới 200 tác phẩm. Tác phẩm “Lòng Mẹ” của ông rất nổi tiếng và được xem như một trong những ca khúc kinh điển tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ. Tác phẩm “Lòng Mẹ” được ông sáng tác vào năm 1952. Từ đó đến nay, bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện, vì thế nó là một bài hát rất quen thuộc với người Việt Nam từ ngày nó ra đời cho đến ngày nay.

Ngoài “Lòng Mẹ”, các ca khúc còn lại của ông trong phạm vi bài này cũng nổi tiếng không kém và thường được các ca sĩ nhiều thế hệ tiếp tục trình diễn cho đến giờ.

Đồng thời ông còn cùng Lan Đài đồng sáng tác hai quyển sách Tự Học Tây Ban Cầm cũng rất phổ biến:

– Tự học Tây Ban Cầm (nhạc thời trang – nhạc Jazz) – Tự học Tây Ban Cầm (phương pháp Flamenco)

kimtuan2

Thi phẩm “Kỷ Niệm” (Thi sĩ Kim Tuấn)

Từng bước từng bước thầm hoa vông rừng tuyết trắng rặng thông già lặng câm hai đứa nhiều hối tiếc sương mù giăng mấy đồi tay đan đầy kỷ niệm mưa giữa mùa tháng năm dật dờ cơn gió thổi một tháng không trăng rằm mây núi ôm trời thấp giá rét về căm căm cao nguyên mù đất đỏ từng bước từng bước thầm cúi đầu in dấu mỏi tuổi trẻ buồn lặng câm núi nghiêng đầu thủ thỉ từng bước từng bước thầm hoa vông rừng tuyết trắng tuổi trẻ buồn lặng câm víu hồn hoang cỏ dại từng bước từng bước thầm… (Pleiku 1961)

kimtuan_NBCAT1

kimtuan_NBCAT2

kimtuan_NBCAT3

kimtuan_NBCAT4

Thi khúc “Những Bước Chân Âm Thầm” (Nhạc sĩ Y Vân)

Từng bước từng bước thầm Hoa vòng rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Em yêu vì xa vắng? Cho trời mây ướp buồn

Từng bước từng bước thầm Mưa giữ mùa tháng năm Tay đan sầu kỷ niệm Gió rét về lạnh căm Từng bước chân âm thầm…

Anh yêu tình nở muộn Chiều tím màu mến thương Mắt biếc sầu lắng đọng Đèn thắp mờ bóng đêm Từng bước từng bước thầm

Khi người yêu không đến Tuổi xuân buồn lặng căm Đi trong chiều mưa hoang Đời biết ai thương mình …

Dưới đây mình có các bài:

– Kim Tuấn, chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và âm nhạc – PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’ – Y Vân và ảo ảnh cuộc đời – Nhạc sỹ Y Vân với tài sản của 60 năm cuộc đời

Cùng với 7 clips tổng hợp thi khúc “Những Bước Chân Âm Thầm” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

kimtuan_NT Kim Tuấn và Du Tử Lê

Kim Tuấn, chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và âm nhạc

(Du Tử Lê)

Nhìn lại 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, dù đứng ở góc độ nào hay, từ lăng kính chính trị nào, người ta cũng không thể phủ nhận sự giầu có, dẫn tới thăng hoa tinh thần của hai lãnh vực văn chương và, âm nhạc.

Với tôi, hai lãnh vực này còn tìm đến nhau, hợp thành những hôn phối tốt đẹp. Rực rỡ. Tôi muốn nói tới hiện tượng thơ được các nhạc sĩ soạn thành ca khúc.

Nói tới thơ phổ nhạc, dù đã bao nhiêu năm trôi qua, hôm nay, ở hải ngoại cũng như trong nước, giới thưởng ngoạn, thuộc nhiều thế hệ, vẫn còn ắp đầy rung động khi được nghe “Mộng dưới hoa,” của Phạm Đình Chương, phổ từ thơ Đinh Hùng. “Ngậm ngùi” của Phạm Duy, phổ từ thơ Huy Cận. “Tình quê hương” của Đan Thọ, phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên. “Trăng sáng vườn chè” của Văn Phụng, phổ từ thơ Nguyễn Bính. “Bạn lòng” của Hoàng Trọng, phổ từ thơ Hồ Đình Phương. ““Ai bảo em là giai nhân” của Anh Bằng, phổ từ thơ Lưu Trọng Lư. “Những bước chân âm thầm” của Y Vân, phổ từ thơ Kim Tuấn. “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền, phổ từ thơ Kim Tuấn. “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng, phổ từ thơ Du Tử Lê. “Áo lụa Hà Đông” của Ngô Thụy Miên, phổ từ thơ Nguyên Sa. “Chiều trên phá Tam Giang” của Trần Thiện Thanh, phổ từ thơ Tô Thùy Yên… Và, còn nhiều, rất nhiều những phối ngẫu vàng mười, giữa thi ca và, âm nhạc miền Nam, khác nữa.

Mỗi nhạc sĩ tôi chỉ chọn ra một trong nhiều ca khúc đi ra từ thi ca thì, nhà thơ Kim Tuấn đã có tới hai bài gắn liền với hai tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam là Y Vân và Nguyễn Hiền.

Tôi nhớ, một nhà báo từng viết xuống rằng, Kim Tuấn là một nhà thơ, có thơ được soạn thành ca khúc, nhiều nhất ở miền Nam.(1) Kết luận này, theo tôi, tương đối gần với thực tế; nếu tính theo con số những ca khúc được phổ biến và lưu truyền tới bây giờ. Tôi chỉ xin được bổ túc: Một người có thơ được các nhạc sĩ tìm đến nhiều không kém là, nhà thơ Đinh Hùng. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng tới hôm nay, nhờ thơ của tác giả “Mê hồn ca” và, “Đường vào tình sử”…

Có hơn một người từng hỏi tôi, nhà thơ Kim Tuấn giống như chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và, âm nhạc; nhưng số người thực sự tìm đọc thơ ông, dường không nhiều lắm! Đâu là câu trả lời nên có trước sự kiện có vẻ như mâu thuẫn này?

Bằng vào ghi nhận riêng, có tính cách chủ quan của tôi thì:

– Thứ nhất: Thành tựu tốt đẹp của hiện tượng thơ phổ nhạc, đã khiến một số nhà thơ trở thành nổi tiếng, trước khi tự thân thơ của họ, được nhiều người biết tới.

– Thứ nhì: Sự nổi tiếng ấy, làm những nhà thơ kia, không cảm thấy thoải mái khi phải tự động gửi thơ mình cho những tạp chí văn chương, vốn được dư luận coi là những thước đo cấp độ, giá trị thi ca đương thời.

Điều đó, không có nghĩa họ không muốn phổ biến thơ mình, tới quảng đại quần chúng. Bằng chứng họ vẫn gửi thơ cho những tờ báo nào, hỏi xin thơ họ. Nhưng, những tờ báo kia, thường không được nhìn ngắm như một diễn đàn có thẩm quyền về văn chương hoặc thi ca. Nói cách khác, giới thưởng ngoạn thi ca, không phải là độc giả của những diễn đàn ấy.

– Thứ ba: Những nhà thơ ở trường hợp vừa kể, thường chờ đợi những người giữ vai trò chủ biên các tạp chí văn học, ngỏ ý xin bài của mình. Nhưng, thực tế của sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam lại không hề “mặn mà,” nếu không muốn nói là gần như không hề quan tâm tới những nhà thơ có thơ phổ nhạc, thành công. Chưa kể, có người còn cho rằng, các nhạc sĩ đã giết chết bài thơ khi biến nó thành ca khúc.

Điển hình cho quan điểm này, là hoạ sĩ, kiêm thi sĩ Tạ Tỵ. (Mặc dù ông cũng có một vài bài thơ phổ nhạc. Cũng như ông chưa hề giữ vai trò chủ biên một tạp chí văn chương nào thời miền Nam, trước 1975.)

Nhà văn Tạ Tỵ nhấn mạnh, ông chỉ muốn nói tới những bài thơ hay. Những bài thơ có giá trị. Chứ không hề nhắc tới những bài thơ mà, nhạc sĩ nhặt ra được ít câu, rồi thêm thắt (tay, chân, mắt mũi…cho bài thơ) để ca khúc, khi được phổ biến thì, phân nửa hay hơn, là của nhạc sĩ. Ông nói, ông cũng không muốn nhắc tới những bài thơ được các nhạc sĩ “đặt hàng,” theo kiểu: Với nội dung thế này. Câu chuyện diễn ra theo thứ tự thế kia… Đầy đủ nhập đề, thân bài, kết luận…

– Thứ tư: Thậm chí, trong sinh hoạt hàng ngày, nếu giới nhạc sĩ thường gặp nhau ở nhà hàng Thanh Thế, Kim Sơn ở đường Nguyễn Trung Trực, thì nhà văn, nhà thơ thường gặp nhau ở nhà hàng La pagoda, hay Givral…

Theo cách nói bình dân, nôm na thì đó là tình trạng “nước giếng không đụng nuớc sông!” Mỗi giới đều có những “sân” riêng của mình. Họa hiếm lắm, mới có người “đá” nhiều sân. Như trường hợp cố nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Đình Chương. Lý do, bằng hữu thân thiết của họ Phạm, đa số thuộc giới văn chương như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Anh Tuấn…

Những ghi nhận trên, giải thích phần nào sự kiện có rất nhiều người biết nhà thơ Kim Tuấn, qua những ca khúc như “Anh cho em mùa xuân,” “Những bước chân âm thầm” hay, “Khi tôi về” (nhạc Phạm Duy,) nhưng lại ít được đọc thơ của ông – – Dù, thơ Kim Tuấn được ấn hành thành tuyển tập, rất sớm. Phải đợi tới đầu thập niên (19)70 qua trung gian của một người bạn, thơ Kim Tuấn mới bắt đầu xuất hiện đều đặn trên bán nguyệt san Văn, thời nhà văn Trần Phong Giao còn là Thư ký tòa soạn.

Căn cứ theo một số tài liệu phổ biến thì, nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê. Ông sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh (2), là hậu duệ của Tùng Thiện Vương / Miên Thẩm. Ông trưởng thành tại Phan Thiết và, Saigòn. Kim Tấn có một thời gian khá dài ở thành phố Pleiku. Đó là thời gian ông tòng sự tại phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh QĐ/2. Sau biến cố 30 tháng 4-75, ông trở lại Saigòn, làm hiệu trưởng một trường Anh ngữ, do một tổ chức văn hóa của người Anh ở Luân Đôn trực tiếp bảo trợ…

Kim Tuấn làm thơ rất sớm. Cũng rất sớm, năm 1959, cùng với 9 tác giả khác, ông xuất bản tuyển tập thơ “Hoa mười phương.” Sau đó là những thi phẩm kế tiếp như “Ngàn thương” 1969 (in chung với Định Giang;” “Dấu bụi hồng,” 1971; “Thơ Kim Tuấn,” 1974, ra đời.

Tính đến ngày từ trần là ngày 10 tháng 9 năm 2003, nhà thơ Kim Tuấn còn có thêm nhiều thi phẩm khác…

Đa số thơ của nhà thơ Kim Tuấn là thơ vần điệu êm ả, dịu dàng; với nhiều hình ảnh đặc thù của những vùng đất nước ông đã sống. Thỉnh thoảng ông cũng có những bài thơ xuôi, thâm sâu, tạo được nhiều chú ý. Điển hình như bài thơ xuôi nhan đề “Những điều ghi trong giấc ngủ” của ông, đã được nhạc sĩ Phạm Duy chọn, để soạn thành ca khúc năm 1968, với nhan đề mới “Khi tôi về.” Ca khúc này nằm trong loạt bài “Hòa bình ca” của Phạm Duy:

“Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm – Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự – Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa – Khi tôi về, con diều bay đùa trong gió – Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh – Có lũ trẻ để bụng lòi rốn đen, cười thanh bình – Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong giấc mộng – Khi tôi về, với hai tay tôi níu con tim tôi ôm lồng ngực – Khi tôi về, giọng hát ru nối lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở – Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời – Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi – Mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền – Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh – Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm – Cùng mùi khói lam quen thuộc…” (Trích ca khúc “Khi tôi về,” theo trang mạng Đặc Trưng)

Kim Tuấn làm thơ để phổ nhạc?

Nếu chỉ tính đến tháng 4-1975 thì, “Thơ Kim Tuấn” là thi phẩm sau cùng của ông, được ấn hành bởi nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc, Saigòn, 1974.

Như những tập thơ của trước, tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân / Anh cho em mùa xuân,” cho thấy ông nhuần nhuyễn với tất cả mọi thể thơ – – Từ tự do, lục bát, tới bảy và tám chữ. Ở thể loại nào, những bài thơ được viết ra của Kim Tuấn, nếu không phảng phất nét riêng những nơi chốn ông đi qua, vùng đất ông đã sống với thì, chúng cũng đậm đặc tính đời thường. Thơ ông tựa nhật ký, ghi những điều ông muốn nói. Những cảm nhận ẩn, tang giữa hai hàng chữ, thậm chí, trong từng hình ảnh, từng con chữ mà ông đã lựa chọn một cách chân, tiết. Thí dụ bài thơ tự do nhan đề: “Buổi chiều ở Pleiku”:

“Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù “tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng “anh còn phút nào để nói yêu em (……) “Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn “có đêm, có ngày, có quan, có lính “có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm “có vui, có buồn, có mây, có núi “có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua “buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền “có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt “ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê “ôi đời mình sao nhìn muốn khóc “ta với ta xa lạ vô cùng.” (Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon 1974.)

Hay lục bát, “Bài Pleime”:

“Nhớ em ta nhớ ngậm ngùi “hương bay cỏ lạ đêm vùi gối chăn “đã quên thân xác nhọc nhằn “hố bom ven núi con trăng đứng nhìn.” (Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)

Hoặc tám chữ, bài “Trên núi mình ta”:

“Ở trên núi ta buồn râu tóc mọc “ngày thinh không chim gọi nắng ven rừng “khe suối cạn năm ba bầy cá lội “ta với đời nay bỗng đã quay lưng

“Trong giấc ngủ có em cười với mộng “giật mình ra ly chén ngả nghiêng đầy “ta lẻ bạn chén nào ta chúc bạn “một ngày vui trên núi có ta đây

“Ở trên núi khi sầu ta cúi mặt “anh em còn đâu đó hãy mừng ta “ly rượu nhỏ dẫu sao mời uống cạn “lỡ mai rồi không gặp lúc chia xa.” (Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)

Hoặc nữa, thơ bảy chữ, với bài: “Một chút buồn”:

“Quẩn quanh đời sống ta cười ngất “rượu đã mềm môi cúi mặt sầu “bên đèo đỏ gấc chiều chưa hết “ai biết tin ai người ở đâu.

“Giấc say một chút buồn ghi dấu “tình đã mù khơi cùng gió bay “em đã mù khơi cùng cõi mộng “ta đã mù khơi nào có hay.

“Mù khơi năm tháng đi cùng gió “này chút sầu riêng ta tặng người “cõi vui ta đó em nào biết “đời đã già nua tuổi mấy mươi.” (Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigon, 1974.)

Nhưng xuất sắc, mạnh mẽ nhất trong tất cả các thể loại thơ, ở Kim Tuấn, là năm chữ.

Ở thơ năm chữ, Kim Tuấn không chỉ nắm bắt được yếu tính cô đọng, “kiệm lời” của thể thơ này mà, ông còn không để mình rơi vào trường hợp “chiêu hồn cổ” như Huy Cận, với “một chiếc linh hồn nhỏ – mang mang thiên cổ sầu!” (“Ê chề,” H.C.) Hay gõ, đập cánh cửa quá khứ, cất tiếng tuyệt vọng, như Vũ Đình Liên, với “những người muôn năm cũ – hồn ở đâu bây giờ? (“Ông đồ già,” VĐL.)

Ở thể thơ năm chữ, tôi thấy Kim Tuấn gần với Hồ Dzếnh. Kim Tuấn không đóng vai “trích tiên” (kẻ tự cho rằng mình bị ông trời đầy ải xuống trần gian ô trọc, xa lạ, để sống những ngày đoạ lạc,) mà, ông gần với Hồ Dzếnh, người đã cho chúng ta bài thơ năm chữ nhan đề “Màu cây trong khói” (3) – – Bài thơ tiêu biểu cho một thứ hồn-chiều, hôm nay, vẫn còn thấy đâu đấy, nơi quê nhà. Sau đó, bài thơ ấy đã được cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, soạn thành ca khúc, với nhan đề ngắn, gọn: “Chiều.” (4)

“Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh có những câu như: “Tôi là người lữ khách – màu chiều khó làm khuây – ngỡ lòng mình là rừng – ngỡ lòng mình là mây – nhớ nhà châm điếu thuốc – khói huyền bay lên cây.” (Trích “Màu cây trong khói,” HD.)

Những câu thơ đời thường, dung dị kia, gần gũi làm sao với những câu thơ, cũng năm chữ của Kim Tuấn. Như bài “Kỷ niệm” mà, cố nhạc sĩ Y Vân, khi phổ nhạc, đã đổi tên thành “Những bước chân âm thầm”:

Rất hay:  Bật Mí Top 23 những tên tiếng pháp hay [Hay Lắm Luôn]

“Từng bước từng bước thầm – hoa vông rừng tuyết trắng – rặng thông gia lặng câm – hai đứa nhiều hối tiếc – sương mù giăng mấy đồi – tay đan đầy kỷ niệm – mưa giữa mùa tháng năm – dật dờ cơn gió thổi – một tháng không trăng rầm – mây núi ôm trời thấp – giá rét về căm căm – cao nguyên mù đất đỏ…” (Trích “Kỷ niệm,” K.T., Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)

Hoặc bài “Nụ hoa vàng ngày xuân” cũng của Kim Tuấn, được nhạc sĩ Nguyễn Hiền đổi thành “Anh cho em mùa xuân” sau khi soạn thành ca khúc:

“Anh cho em mùa xuân – bàn tay thơm sữa ngọt – dải đất liền chim hót – người yêu nhau trọn đời – mái nhà ai mới lợp – trẻ đùa vui nơi nơi – hết buồn mưa phố nhỏ – hẹn nhau cho cuộc đời – khi hoa vàng sắp nở – trời sắp sang mùa xuân – anh cho em tất cả – tình yêu non nước này – bài thơ còn xao xuyến – nắng vàng trên ngọn cây.” (Trích “Nụ hoa vàng ngày xuân,” K.T., Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)

Đó là những câu thơ mà sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng phát biểu, đại ý: Khi đọc chúng, ngay những người không rành về ký âm pháp, cũng muốn cất tiếng hát, nói chi nhạc sĩ…

Phát biểu vừa kể của cố nhạc sĩ họ Nguyễn, cho thấy Kim Tuấn không hề, dù chỉ một thoáng, ý hướng làm thơ để phổ nhạc. Thơ ông, tự thân vốn đã là âm nhạc. Ông làm thơ chỉ để bày tỏ tấm lòng yêu cuộc sống, tha thiết ôm trọn cuộc đời từng ngày buồn, vui; phút giây hạnh phúc hay đau khổ trên phần đất ông được sinh ra. Cũng như nơi chốn ông đã đi qua. Cuộc tình ông đã đắm đuối, sống cạn. Và, bằng hữu từng mang đến cho ông những tia nắng ấm, khoảng trời xanh che, chắn những ngày đất, trời tâm hồn ông u ám…

Với Kim Tuấn, tình bằng hữu không chỉ được ghi nhận trong thơ, như một tình yêu mà; ngoài đời, sinh thời, suốt mấy chục năm gập ghềnh trên lộ trình nhân thế, dù ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, ông cũng luôn cho thấy bằng hữu đã chiếm cứ một phân quan trọng trong đời ông.

Như đã nói, Pleiku, những năm tháng thời chinh chiến, là một trong những nơi chốn tác giả “Trên núi mình ta” sống lâu nhất và, cũng gửi lại nhiều kỷ niệm nhất. Nơi đó, một cách kín đáo, ông chính là người đã góp phần dấy lên những ngọn lửa sinh hoạt văn học, nghệ thuật rưng rưng rừng, núi, ở địa phương này.

Kể từ ngày có sự hiện diện của Kim Tuấn, những buổi đọc thơ, những cuộc triển lãm của những bằng hữu như các hoạ sĩ Dương Ngọc Sum, Nguyễn Văn Hiền, Thái Tăng An…; các nhà thơ như Vũ Hoàng, Anh Hoa, Lâm Hảo Dũng; hay những đêm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Châu v.v…, đã lần lượt hình thành, lưu dấu. Nói cách khác, Kim Tuấn, chính ông đã thêm phần nhan sắc cho Pleiku, cho vùng đất đỏ ấy, một tâm cảnh khác.

Riêng ở lãnh vực này, tôi trộm nghĩ, tương lai, những người viết sách địa phương chí cho Pleiku nói riêng, vùng cao nguyên trung phần nói chung, trong phần sinh hoạt văn học nghệ thuật, không nên quên ghi ơn nhà thơ Kim Tuấn. Như những người yêu văn chương, sẽ mãi nhớ ông, qua thơ, cũng như qua các ca khúc, đi ra từ thơ của ông vậy.

Chú thích:

(1): Theo tác giả Hà Đình Nguyên (trong nước) thì nhà thơ Kim Tuấn có tất cả 17 bài thơ được soạn thành ca khúc. Bài viết không ghi rõ con số này, có gồm cả những bài thơ của Kim Tuấn, được phổ nhạc sau năm 1975 hay không?

(2): Một tài liệu khác, ghi năm sinh của ông là 1940, tại Huế. Tuy nhiên, theo nhà thơ Tô Mặc Giang, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, thân thiết với nhà thơ Kim Tuấn từ những năm giữa thập niên 1950 thì, năm sinh đúng của tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân” tức “Anh cho em mùa xuân” là năm 1938, tại Hà Tĩnh, chứ không phải 1940. Mặc dù nguyên quán của ông là Thừa Thiên/Huế.

(3): Bài “Màu cây trong khói” in trong thi phẩm “Quê Ngoại,” ấn bản đầu tiên, trong Tủ sách Nguyên Hà, nhà Á Châu Ấn Cục, Hà Nội, phát hành năm 1942.

(4): Nhạc sĩ Dương Thiệu phổ nhạc năm 1951.

kimtuan1

PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’

(Nguồn: tác giả Xuân Trường, đăng trên PleikuCafe.com)

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng…

Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:

Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc

Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.

Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:

Từng bước từng bước thầm Cuối đầu in dấu mỏi Tuổi trẻ buồn lặng câm Núi nghiêng đầu thủ thỉ

Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.

Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.

Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:

Từng bước từng bước thầm Hoa vông rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Hai đứa nhiều nuối tiếc

Sương mù giăng mấy đồi Tay đan đầy kỷ niệm Mưa giữa mùa tháng năm Dật dờ cơn gió thổi

Một tháng không trăng rằm Mây núi ôm trời thấp Giá rét về căm căm Cao nguyên mù đất đỏ

Nhạc sĩ Y Vân.
Nhạc sĩ Y Vân.

Y Vân và ảo ảnh cuộc đời

(Lê Hữu [Trong sách “Âm Nhạc Của Một Thời”])

“Yêu cho thấy bao lâu đài chỉ còn vài trang giấy” (“Ảo ảnh”, Y Vân)

Một con đường sắt / trăm con tàu…

Câu hát ấy nghe được trong bài “Đêm tái ngộ” của Y Vân. Một cô bạn tôi nói rằng cô yêu nhạc Y Vân vì những câu hát nói về “con tàu và sân ga” như thế. Tôi nói như vậy thì cô yêu những… sân ga chứ đâu phải là yêu nhạc Y Vân. Cô bạn cười, nói rằng có nhiều bài nhạc nói về sân ga nhưng cô yêu những bài của Y Vân hơn cả. “Bài ‘Tiễn em’ của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng chẳng hạn,” cô nói, “cũng hay vậy, nhưng có vẻ… Tây quá.”

Tôi chắc không phải chỉ có “trăm con tàu” thôi mà biết bao nhiêu là con tàu đến và đi trong cuộc đời này, không làm sao đếm hết được. Sân ga vẫn nằm đấy, im lìm, hiu quạnh, như cõi lòng trống vắng, quạnh hiu của một người vừa tiễn đưa một người.

Hình ảnh con tàu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay. Chia tay với con tàu, hay chia tay với sân ga, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào còn đeo đuổi cô bạn tôi mãi đến tận bây giờ, như đã đeo đuổi người nhạc sĩ đã viết nên những bản tình ca không hạnh phúc về những lứa đôi yêu nhau mà chẳng được gần nhau.

“Vì đời ai biết ta hơn mình!”

Vắng con tàu sân ga thường héo hắt Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu

Câu hát ấy ở trong bài “Ảo ảnh” của Y Vân.

Sân ga là “chứng nhân” của bao cuộc hội ngộ và chia phôi, nụ cười và nước mắt, hợp tan và tan hợp.

Một trong những bài phổ thơ hay nhất của Y Vân, “Đêm giã từ”, nói về nỗi buồn sân ga trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.

Mưa buốt lạnh trong đêm / đứng trên thềm ga vắng hắt hiu ngọn đèn vàng / em tiễn anh Mưa gió lùa qua hiên / giữa khi mình lưu luyến thì tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm

Tiếng còi tầu “lạnh lùng” không chỉ “xé màn đêm” mà còn… “xé đôi lòng” (nói như câu hát trong bài “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn, “Ôi, còi tầu như xé đôi lòng!”…).

Anh bước vào toa trong / mắt không rời ga vắng Trời mưa chỉ làm buồn chúng mình thêm…

Ánh sáng cây đèn úa soi trên thềm Còn đó chăng / là bóng em và bóng đêm

Còn nỗi buồn nào sâu hơn, tái tê hơn nỗi buồn sân ga “hắt hiu ngọn đèn vàng”, khi tiếng còi tàu xa dần, khi bóng con tàu mờ dần trong tiếng mưa đêm, chỉ còn lại “bóng em và bóng đêm”…

Bài hát đã buồn, qua giọng buồn rã rượi của Thanh Thúy, nghe càng buồn hơn.

Những câu chuyện về “con tàu và sân ga”, về một người ra đi, một người ở lại, thường là những chuyện không mấy… vui, có lẽ vì vậy Y Vân phải viết thêm “Đêm tái ngộ” để cho câu chuyện tình buồn “Đêm giã từ” ấy có một happy ending cho hợp lẽ tuần hoàn của đất trời, hợp rồi tan, tan rồi hợp.

Em đứng đây chờ anh trước thềm ga hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa…

Anh bước xuống tàu / ngơ ngác vài giây khi thấy em cười sau ánh đèn soi Nhìn nhau mà nói không nên lời Nơi cũ lúc xưa tay rời / thì nay lại tay cầm tay

“Tay cầm tay”, như thế cũng tạm ổn, tuy nhiên sau đó cảm thấy vẫn… chưa đủ, nhạc sĩ bèn phải viết thêm “Nụ cười tái ngộ” để có một kết thúc tròn đầy, có nhân có hậu (như là… tên thật của ông, Trần Tấn Hậu). Bài hát được yêu thích qua những giọng Trúc Mai, Lệ Thanh, Carol Kim…

Ôi, nụ cười thắm trên môi Tủi hờn xưa đã vơi / những đau thương xa rồi… Nếu hạnh phúc là giấc mơ / thì đã tròn ý thơ không còn mong chờ

Sau nước mắt chia phôi là “nụ cười tái ngộ”. Y Vân là thế, là con người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đầy lòng nhân bản.

Bài nhạc buồn nhất của Y Vân không phải là “Đêm giã từ”, và cũng không phải là bài “Buồn”.

Buồn như ly rượu đầy / không có ai cùng cạn Buồn như ly rượu cạn / không còn rượu để say

Bài nhạc buồn nhất là bài có cái tựa cũng chỉ một chữ thôi, bài… “Thôi” (phổ thơ Nguyễn Long). Nhạc điệu và lời hát nghe sướt mướt, sụt sùi không kém gì bài “Sang ngang” của Đỗ Lễ.

Thôi em đừng khóc nữa làm gì… Thôi em đừng tiếc / em đừng tiếc / đừng tiếc nữa đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn… Thôi, thôi bờ vai đừng rung động đã hết rồi còn khóc nữa chi em

Nghe “Thôi” qua những giọng Thái Thanh, Hùng Cường, Jo Marcel mà nghe tim thắt lại, nghe ruột gan tái tê, héo hắt.

Một bài nhạc khác cũng khá buồn là “Chiều mưa công viên”, nghe được qua những giọng Lệ Thanh, Mỹ Thể, Lệ Thu…

Chiều mưa công viên / ghế đá buồn tênh Chiều mưa rét mướt / cỏ non trăm cánh Ai thương ai dưới mưa buồn không? Mưa trong đôi mắt chờ trông… Mưa như mưa đã ngàn năm…

Như sợ rằng “Chiều mưa công viên” vẫn chưa đủ buồn, nhạc sĩ dắt ta đi vào chiều mưa… nghĩa trang.

Chiều mưa nghĩa trang / trời sa xuống thấp Buồn không tiếng khóc / nhớ thương hết rồi Người qua nghĩa trang / lòng xưa thức giấc Nghe mưa lạnh lùng / nhớ nhau vô cùng… (“Chiều mưa nghĩa trang”)

Trong cái sống có chập chờn nỗi chết, trong xum họp có bàng bạc nỗi ly tan. Đôi lúc ta còn nghe ông “triết lý vụn” về cuộc sống bề bộn, về nỗi khát khao tìm đến sự bình an trong tâm hồn sau những miệt mài đeo đuổi, tìm kiếm. Như trong “Đồi thông”, một bài Blues.

Hoài công tìm kiếm / trên bước đi thăng trầm còn đâu đẹp hơn bên gốc thông ngàn Lặng nghe muôn tiếng ca / quên niềm ưu phiền vì đời ai biết ta hơn mình!

Bài hát nghe được qua những giọng Anh Ngọc, Duy Trác, Lệ Thu, Ban hợp ca Thăng Long, mỗi giọng có những nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hay như “Hoàng hôn trên bãi biển”, một bài Rumba, nói về những giấc mơ hư ảo của đời người, như những vết chân, những lâu đài trên cát.

Nhớ câu xưa rằng, “Đừng làm lầu trên cát vàng để rồi lầu tan theo sóng”…

Bóng ai xa rồi / mờ dần Bàn chân gót trần / còn hình nằm soi trong nắng Sóng xa vô tư dâng lên tựa như chiếc khăn / ai đem xóa đi không còn một vết chân mềm…

Hay như “Ảo ảnh”, một bài Boston (sau đổi thành Rumba), nói về những đuổi bắt chiếc bóng tình yêu.

Yêu cho thấy bao lâu đài chỉ còn vài trang giấy

Kìa phồn hoa còn đó Những con đường buồn vui lộng gió Những ân tình chìm trong lòng phố cũng theo hư không mà đi

Thật khó mà kể ra cho hết được các bài nhạc của Y Vân, và cũng khó mà nói được giọng hát nào là “độc quyền” hoặc thích hợp với nhạc Y Vân, cho dù một vài ca sĩ từng hát nhiều bài của Y Vân như Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Tâm… Tuy nhiên, có thể kể ra những giọng hát được xem là gắn liền với những bài hát phổ biến nhất của Y Vân, như:

Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết với “Đôi mái chèo trăng”; Thanh Thúy với “Lòng mẹ”, “Đêm giã từ”; Minh Hiếu với “Ngăn cách”; Hồng Phúc với “Tình yêu thủy thủ”; Mai Trường-Trần NgọcHồng Phúc với “Những bước chân âm thầm”; Phương Tâm với “60 năm”, “20 – 40”, “Thần tượng”; The Cat’s Trio (ban nhạc nữ) với “Đêm đô thị”; Ban hợp ca Thăng Long với “Đồi thông”; Duy Trác với “Đừng lừa dối nhau”, “Tôi sẽ đưa em về”; Sĩ Phú với “Người em sầu mộng”; Hà Thanh với “Cánh hoa thời loạn”, “Tưởng vọng”; Thái Thanh với “Thôi”, “Thương về năm Cửa Ô xưa”; Lệ 5 Thanh với “Chiều mưa công viên”, “Hoàng hôn trên bãi biển”; Yến Vỹ với “Sài Gòn”; Trúc Mai với “Về miền Tây”, “Bóng người cùng thôn”; Hoàng Oanh với “Xa vắng”, “Tình chàng ý thiếp”, “Đôi mắt người xưa”; Nhật Trường với “Khi em nhìn anh”; Duy Khánh với “Hãy yêu tôi”; Khánh Ly với “U hoài”; Lệ Thu với “Ảo ảnh”; Mỹ Thể với “Thương anh”; Túy Phượng với “Người yêu lý tưởng”; Connie Kim với “Tình lính”; Carol Kim với “Đêm tái ngộ”; Vy Vân với “Đại lộ hoàng hôn”; Ngọc Long với “Những bước chân trên cao nguyên”; Ban Sao Băng với “Tôi trở về thành phố”; Hùng Cường với “Thúy đã đi rồi”; Mai Lệ Huyền với “Thiên thần mũ đỏ”; Elvis Phương với “Tát nước đầu đình”…

Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát một bài nào của Y Vân.

“Tưởng lòng là mây theo gió về”

Em yêu gì xa vắng cho trời mây ướp buồn!

Tôi tin rằng thật khó mà tìm được chữ nào hay hơn và “thơ” hơn chữ “ướp” trong câu hát trên. Câu ấy ở trong bài “Những bước chân âm thầm”, phổ một bài thơ năm chữ của Kim Tuấn. Lạ một điều, câu hát ấy cũng như những câu hát được nhiều người yêu thích trong bài nhạc ấy, không thấy có trong bài thơ được Y Vân phổ nhạc, chẳng hạn:

Anh yêu tình nở muộn Chiều tím mầu mến thương

Tôi chắc những người yêu thơ sẽ thích hai câu “thơ” ấy. “Tình nở muộn”, nghe không “mới” hay sao!

Mắt biếc sầu lắng đọng Đèn thắp mờ bóng đêm

Hai câu này cũng được Y Vân thêm vào, làm cho bài thơ nghe “thơ” hơn và làm cho bài nhạc có một khí hậu trầm mặc của những “rặng thông già lặng câm”, của “gió rét về lạnh căm” và của “từng bước, từng bước thầm”, như vẽ lên hình ảnh thật cô đơn của một người lặng lẽ đếm bước trong chiều, tìm về những tháng năm kỷ niệm đã phôi pha.

Câu thơ “Tay đan đầy kỷ niệm” của Kim Tuấn được Y Vân đổi khác đi một chữ thành “Tay đan sầu kỷ niệm”, nghe “buồn” hơn và lắng đọng hơn.

“Đời biết ai thương mình!…” (câu hát cuối, cũng được Y Vân thêm vào). Bài hát kết thúc như một dấu hỏi lửng lơ, như nỗi buồn vướng vất, không trôi đi được, làm sâu thêm nỗi cô đơn của kẻ độc hành.

Thường thì khi phổ nhạc một bài thơ, vì những lý do “kỹ thuật”, nhạc sĩ có thể thay đổi chút ít lời thơ, hoặc có khi phải đặt thêm lời cho bài thơ phổ nhạc. Những “sáng tạo” này của Y Vân chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ, cho thấy “tay nghề” phổ thơ của người nhạc sĩ .

Người ta yêu “Những bước chân âm thầm” là yêu nhạc điệu ấy lẫn những lời hát thật đẹp ấy, và cũng yêu cả những giọng hát trầm ấm của Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc quyện vào nhau (cách thể hiện của Ban hợp ca Thăng Long và Ban Sao Băng sau này nghe cũng hay không kém). Có vẻ như bài hát ấy hát “đơn ca” nghe không được hay, dẫu là những giọng ca xuất sắc.

“Những bước chân âm thầm” của Y Vân và “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền được xem là hai bài phổ thơ Kim Tuấn hay nhất. Rõ ràng là Y Vân đã làm cho người ta đi tìm bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn, và cũng làm cho nhiều nhạc sĩ tìm đến thơ Kim Tuấn để phổ nhạc, và để mong có được “Những bước chân âm thầm” khác.

Không kể những bài nhạc phổ thơ như “Đêm giã từ” và “Thôi”, giới yêu nhạc cũng yêu thích những bài nhạc tình của Y Vân phổ từ thơ Lưu Trọng Lư, như “Người em sầu mộng”:

Ai bảo em là giai nhân / cho lệ đêm xuân tràn cho tình dâng đầy trước ngõ / cho mộng tràn gối chăn

Hoặc “U hoài”:

Anh xin / muốn xin em đừng nói Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay… Hãy như chiếc sao băng / băng mãi để lòng buồn / buồn mãi không thôi

Hoặc những bài phổ thơ Đinh Hùng, như “Hãy yêu tôi”:

Tôi không yêu sao có má em hồng? Tôi không buồn sao có mắt em trong? Tôi không yêu sao có phấn hương nồng? Tôi không mộng sao có lá thư xanh?

Một bài phổ thơ khác là “Dung nhan mùa hạ” (thơ Hoàng Huy), nghe được qua những giọng Duy Trác và Nhật Trường với lời hát khá “lập dị”. Bài hát, có lẽ vì thế ít được phổ biến.

Khi em tắm nắng / cho tôi xin hai thước mặt trời Vẻ kiêu sa thần vệ nữ ngàn đời… Xin cho ngây ngất / bên dung nhan đan trắng hạ này và cho xanh giấc ba mươi

“Xa vắng” và “Tình chàng ý thiếp” có thể gọi là phóng tác ý thơ “Chinh phụ ngâm khúc”, kể về nỗi lòng chinh phụ của những “cánh hoa thời loạn”, với con tim héo hắt, với âu lo thẫn thờ và nỗi nhớ thương dằng dặc qua bao năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

Đợi chàng một hai năm / hay là cả đời xuân xanh Ngày nao đầu pha tuyết sương vẫn mong tái ngộ một lần… Ngày anh xa vắng / tóc buông giữ vẹn lời thề Ước mong ngấn lệ ngày về / thay dòng nước mắt khi đi Vì trời làm phong ba / nên đời hội ngộ chia ly

Lệ rơi nhiều hơn nước mưa dẫu cho bốn biển chẳng vừa (“Xa vắng”)

Bao nhiêu là nước mắt của bao nhiêu người vợ trẻ “tóc buông giữ vẹn lời thề”, cam chịu nỗi tàn phai nhan sắc và phòng không chiếc bóng lạnh lùng buổi chinh chiến điêu linh. Lời ca tiếng nhạc nghe mà não lòng.

Rất hay:  Xem Ngay Top 10+ địa bàn 8 gồm những tỉnh nào [Hay Nhất]

Ngày ngày ra đứng / trước thềm nhìn theo lối xưa… Thiếp bên song cửa / nhìn trăng úa Chàng ngoài chân mây / gội mưa bay…

Từ chàng xa vắng / má hồng điểm trang với ai Nước dâng rồi vơi / lòng thiếp biết bao giờ nguôi Thẫn thờ trâm lệch / buồn thương nhớ Lỏng vòng lưng eo / sầu tương tư Nhạt làn môi son / hờn duyên lỡ / những mùa xuân qua (“Tình chàng ý thiếp”)

Nhiều bài của Y Vân, tuy không phải nhạc phổ thơ, nhưng là những bài nhạc rất thơ, với những lời nhạc đẹp tựa lời thơ.

Như những lời tả tình tả cảnh “Hoàng hôn trên bãi biển”.

Hoàng hôn nắng soi trên biển xanh Người đi vết chân in cồn cát trắng Lặng nghe những âm thanh mơ hồ ngàn con sóng xô ven bờ tưởng lòng là mây theo gió về

Tôi chắc những người yêu thơ sẽ thích câu “thơ” ấy, “Tưởng lòng là mây theo gió về…”

Trời mây dắt nhau đi vào đêm mình tôi đứng đây nghe chiều lên tiếng Chữ “dắt” ấy, tôi chưa thấy ai sử dụng hay hơn.

Có khi là nỗi xót xa và tiếc nuối vì không giữ được tình yêu:

Những neo thuyền yêu đương thường dễ đứt khiến bao chiều trên bến tịch liêu (“Ảo ảnh”)

Có khi là những lời tự tình ngọt ngào của những lứa đôi yêu nhau:

Tôi sẽ đưa em về / miền hoa thơm cỏ biếc Chiều hôn trên làn tóc / mùa thu in mầu mắt Tôi sẽ đưa em về / mà không lo thiếu tình yêu (“Tôi sẽ đưa em về”)

Hay… “sẽ đưa em đi”:

Em là chim Yến nhỏ / anh khoác áo vân du Đường xa em có ngại / áo mây anh ấp ủ Ta tìm lên núi Tình / Ta đến suối Yêu Đương rồi đi thăm bến Mộng / sẽ qua đồi Ái Ân… (“Khi em nhìn anh”)

Bài nhạc được yêu thích qua giọng hát khá truyền cảm của Nhật Trường, Sĩ Phú. Chữ “Yến” viết hoa trong bản nhạc được cho là… tên cô gái nào đó, mối tình nào đó của Y Vân, thực hư không rõ. Tương tự, có những lời giải thích không giống nhau về bút danh “Y Vân” của ông, với cái họ “Y” nghe tựa như họ của người sắc tộc thiểu số ở cao nguyên Trung phần. Người thì cho rằng nhạc sĩ có mối liên hệ khá mật thiết với “phố núi” nào đó ở cao nguyên (qua những bài “Tiếng trống cao nguyên”, “Những bước chân trên cao nguyên”…). Người thì nói rằng cái tên ấy có nghĩa là… “Yêu” cô gái tên “Vân” nào đó. (Đến “Y Vũ”, tên của người nhạc sĩ là em trai của ông, thì chẳng thấy ai… giải thích chi cả). Những chuyện ấy chỉ là “nghe vậy biết vậy” và cũng chẳng mang ý nghĩa gì đối với sự nghiệp âm nhạc của Y Vân; hơn thế nữa, ông không có khuynh hướng bộc lộ những chuyện riêng tư nên ai muốn nói gì thì nói, ông vẫn lặng thinh, vì… “đời ai biết ta hơn mình”.

“Bao năm nước mắt như suối nguồn…”

Một nhạc sĩ tên tuổi thường có ít nhất một, hai bài nhạc nào đó gắn liền với tên mình. Khi nhắc đến tên bài nhạc ấy, người ta nghĩ ngay đến tên nhạc sĩ ấy. Có khi chỉ một bài nhạc thôi cũng đủ làm nên tên tuổi người nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ sáng tác chỉ mong có được một bài nhạc gắn liền với tên mình, trong lúc ấy Y Vân không chỉ có một mà khá nhiều bài gắn liền tên ông, đến nỗi người ta tự hỏi những bài nào trong số ấy là… “Y Vân” nhất. Nếu phải chọn ra ba bài, theo tôi, đấy là những bài “Lòng mẹ”, “Sài Gòn” và “60 năm” (còn gọi là “60 năm cuộc đời”). Nói đến tên bài nào trong số những bài ấy, người ta lập tức bật ra ngay cái tên “Y Vân” chứ không nói lầm sang tên một nhạc sĩ nào khác. Bài thứ nhất ngợi ca trái tim của người mẹ, làm cho những đứa con yêu mẹ mình hơn. Bài thứ hai ngợi ca cuộc sống tươi đẹp, làm cho người ta thêm yêu thành phố từng là thủ đô của miền Nam. Bài thứ ba ngợi ca tình yêu và cuộc sống, làm cho những đôi tình nhân thêm gắn bó nhau.

“Lòng mẹ” đến nay vẫn được xem là bài hát classic về người mẹ tiêu biểu nhất và hay nhất, hiểu theo nghĩa bài hát quen thuộc nhất, được nhiều người nghe, nhiều người hát và nhiều người yêu thích nhất. (“Mẹ tôi” của Nhị Hà và “Quê mẹ” của Thu Hồ cũng là những bài khá cảm động và lấy được nhiều nước mắt của những đứa con mất mẹ).

Hầu như không ai… biết hát mà không từng hát một đôi câu bài “Lòng mẹ”. Hầu như không ca sĩ nào mà không từng hát “Lòng mẹ”, và giọng Thanh Thúy, theo tôi, cho nhiều cảm xúc nhất. Nhạc điệu man mác, lời hát bình dị, đơn sơ nhưng nghe dạt dào tình cảm như là tấm lòng của người mẹ.

Sau những chữ “như” là những cách ví von mang theo nhiều hình ảnh, nhiều ý tưởng thật gần gũi, thân quen.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…

Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ

Và những lời thật cảm động về “lòng mẹ thương con”.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền…

Bao năm nước mắt như suối nguồn chảy vào tim con / mái tóc trót đành đẫm sương

Nghe những câu hát ấy không ai mà không nghe lòng chùng xuống, không nghe tim thắt lại và chỉ ước mong ngày nào được… “quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu”.

“Lòng mẹ” có lẽ là bài hát được sử dụng nhiều nhất trong đám táng người mẹ nào vừa xa lìa thế gian này.

Giống như đề tài về tình yêu, đề tài “người mẹ” là vô tận, và các nhạc sĩ vẫn còn tiếp tục sáng tác về đề tài này trong một cố gắng để vượt qua được “Lòng mẹ” của Y Vân, nhưng trước sau vẫn chỉ là… những cố gắng vô ích.

Khi hát bài “Lòng mẹ” là khi ta nghĩ về, nhớ về người mẹ của mình, là đấng sinh thành, là người đã trao tặng cho ta đời sống này. Người mẹ trong bài hát của Y Vân không chỉ là, không còn là bà mẹ của riêng ông mà là của tất cả những ai có được một người phụ nữ yêu quý trên đời này để gọi là “Mẹ”. Có một cách nói quen thuộc chúng ta vẫn nghe, đại để “Mỗi chúng ta đều mắc nợ (hay “đều mang ơn”)…” nhằm ca ngợi hoặc đề cao ai đó-đôi lúc quá lố-về những thành tựu hoặc cống hiến có ý nghĩa đặc biệt cho công chúng, tôi cho là sẽ không có gì quá đáng khi nói rằng chúng ta cần cám ơn tác giả bài “Lòng mẹ”, cám ơn người nhạc sĩ đã nói thay cho chúng ta những điều ta muốn 10 nói về người mẹ của mình hay những bà mẹ yêu dấu trên thế gian này mà không diễn được ý của một đứa con.

Tôi cũng tin rằng một trong những việc làm mà Y Vân cho là ý nghĩa nhất trong đời mình là ông đã dâng tặng bà mẹ mình bài hát ấy, như dâng tặng bông hoa thơm ngát của lòng biết ơn.

Điều “tệ hại” nhất là cố tình khoác cho bài hát nói về trái tim của người mẹ ấy tấm áo có… màu sắc chính trị, như: “Nhạc sĩ Y Vân sáng tác bài ấy từ nỗi xót thương bà mẹ mình bị… cảnh sát ‘chế độ cũ’ bắt giam vì vi phạm giờ giới nghiêm, nửa đêm ra máy nước công cộng giặt quần áo cho con…” (trong lúc ai cũng biết bài hát ra đời trong những năm “thanh bình” hiếm hoi ở miền Nam vào cuối thập niên 1950’s, khi mà mọi sinh hoạt của người dân kéo dài thâu đêm suốt sáng, và chẳng ai biết “giới nghiêm” là… cái gì).

Khác với bài “Lòng mẹ”, “Sài Gòn” với tiết tấu vui tươi nhộn nhịp qua những giọng Yến Vỹ, Trúc Mai, Carol Kim… thời ấy, được xem là bài Cha Cha Cha đầu tiên của nhạc Việt. “Sài Gòn” của Y Vân và “Ghé bến Sài Gòn” của Văn Phụng được kể là những bài nhạc hay nhất nói về thủ đô miền Nam, về một thành phố trẻ trung, tươi đẹp và tràn đầy sức sống.

“60 năm” còn “kích động” hơn cả “Sài Gòn” nữa, với thể điệu Twist và với nhạc điệu náo hức như giục giã những lứa đôi phải gấp gáp “yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi”, phải vội vàng lên để mà chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu, vì cuộc sống ngắn ngủi. Hãy đến gần nhau hơn, hãy cho nhau những thương yêu ngọt ngào, vì… “được bao năm sống mà yêu nhau”.

Em ơi, có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời! Khi xa em rồi / anh biết thương yêu ai nên ta yêu nhau / thì yêu cho trọn đời Em ơi, ta sống là bao!…

Nếu cần kể thêm bài nhạc nào của Y Vân được yêu thích và phổ biến rộng rãi trong những năm đầu thập niên 1960’s, không thể không nhắc đến “Ngăn cách”, là câu chuyện tình buồn của những lứa đôi yêu nhau mà nào có được gần nhau. Bài hát gắn liền với những giọng Thanh Thúy, Minh Hiếu.

Từ ngày mai ngăn cách hết rồi là khi đưa đón…

Thời của “Ngăn cách” là thời của những Slow, Boston, Blues…, thời của tiếng nhạc bềnh bồng trôi đi chầm chậm trong bóng tối mờ mờ của các phòng trà, các vũ trường, trong đó không bao giờ thiếu những bài của Y Vân như “Ngăn cách”, như “Đừng lừa dối nhau”, như “Chiều mưa công viên”, như “Người em sầu mộng”, như “Tôi sẽ đưa em về”, như “Đêm giã từ”, như “Ảo ảnh”:

Những ân tình em đong bằng nước mắt khóc cho đầy hai chữ tình yêu

Phấn hương nồng em xem tựa tấm áo đã thay màu ân ái từ lâu

“Đã có ‘Ngăn cách’ nên tìm thêm ‘Ảo ảnh’; đã có ‘Ảo ảnh’ nên tìm thêm ‘Tưởng vọng’”, câu ấy đọc thấy nơi bìa sau một bản nhạc của Y Vân, như muốn kết hợp thành một “bộ ba” nhạc tình Y Vân. Tuy nhiên “Tưởng vọng”, bài nhạc ngợi ca thiên chức cao quý của người phụ nữ, có vẻ ít được đón nhận như hai bài kia.

Không có em sao có nàng Tô Thị Không có em sao có Hòn Vọng Phu…

Không có em ai biết lòng chinh phụ Không có em ai nhớ người chinh phu

Tưởng vọng về đôi mi nhìn xuôi xuống ngày ngày ôm ấp con thơ / em khẽ ru câu dịu hiền

Bài hát nghe được qua những giọng Hà Thanh, Phương Dung ngày ấy.

Trong số những sáng tác của Y Vân, có những bài ông soạn chung với các nhạc sĩ khác, như “Chiến sĩ của mùa xuân”, “Về dưới mái nhà”, “Đường đi lối về”, “Gió hiền”, “Mây chiều” với Xuân Tiên; “Tiếng hát quê hương” với Xuân Lôi; “Cát biển” với Lê Trọng Nguyễn; “Hình ảnh quê xưa” với Hoàng Trọng; “Chuyến tàu tiễn biệt” với Minh Kỳ; “Hai chuyến tàu đêm” với Trúc Phương; “Đôi mắt người xưa” với Nghiêm Phú Phi; “Mùa thương tay đợi mắt chờ”, “Vòng tay giữ trọn ân tình” với Đỗ Kim Bảng; “Tìm về” với Lan Đài; “Đò ngang” với Tuấn Khanh; “Đừng đùa với tình yêu” với Phạm Mạnh Cương; “Đời còn ngăn cách nhiều hơn” với Cao Hoàng…

Về nhạc phổ thơ, người yêu nhạc thường nhắc đến những bài “Người em sầu mộng”, “U hoài”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Một lần cuối”, phổ thơ Nguyễn Bính; “Hãy yêu tôi”, “Em tự nghìn xưa chuyển bước về”, phổ thơ Đinh Hùng; “Thương về năm Cửa Ô xưa”, phổ thơ Tạ Tỵ; “Đêm giã từ”, phổ thơ Thể Vân; “Những bước chân âm thầm”, phổ thơ Kim Tuấn; “Thôi”, phổ thơ Nguyễn Long; “Về miền Tây”, phổ thơ Văn Thế Bảo; “Đồi thông”, ý thơ Nguyễn Đình Toàn (bài thơ “Không dưng”); “Buồn”, ý thơ Tạ Ký (bài thơ “Buồn như”)… Có thể kể thêm ít bài dân ca và phổ ca dao như “Tát nước đầu đình”, “Lý ngựa ô”, ”Lý con sáo”, “Lý quạ kêu”, “Lý qua đèo”…

Y Vân còn viết nhạc cho các phim truyện, như “Thúy đã đi rồi”, “Xa lộ không đèn”, “Như giọt sương khuya”, “Như hạt mưa sa”…, thường là các bài nhạc chính trong bộ phim cùng tên. Không chỉ sáng tác, ông còn được biết đến như một trong những nhạc sĩ soạn hòa âm tên tuổi thời ấy, bên cạnh các nhạc sĩ Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Lê Văn Thiện…, đồng thời còn là nhạc trưởng của “Ban nhạc Y Vân” và có một trung tâm sản xuất băng, dĩa nhạc tên “Mây Hồng”.

Cây đàn muôn điệu, cuộc sống muôn màu

Gió nhẹ tựa như hơi thở của người yêu buồn mà duyên dáng

Câu hát ấy ở trong bài “Tình yêu thủy thủ” (1965) của Y Vân và là câu tôi thích nhất trong bài hát ấy. “Buồn mà duyên dáng”, tôi chưa hề nghe ai nói thế bao giờ. Làn gió biển mơn man trên da thịt tựa như hơi thở nhẹ nhàng của người mình yêu, buồn mà duyên dáng. Câu hát thật đẹp!

Người khác có thể thích những câu hát khác trong bài ấy, như là:

Anh là thủy thủ / mang lòng biển cả trao về tình em…

Anh là thủy thủ / yêu đời biển cả như người tình chung

“Người tình chung”, cách gọi ấy không mới hay sao!

Tình nào cho em / Tình nào cho nước

“Nước” ở đây vừa là đất nước, vừa là sông nước, là biển cả.

Không rõ là có bao nhiêu chàng trai khi “lên đường nhập ngũ tòng quân” đã tình nguyện vào binh chủng… hải quân chỉ vì yêu bài “Tình yêu thủy thủ”, chỉ biết rằng bài hát ấy qua giọng hát thật ấm áp của Hồng Phúc và Ban nhạc Y Vân, đã phổ biến rộng rãi và được yêu chuộng đến mức Y Vân phải viết thêm bài “Tình yêu phi công” và “Tình lính” nữa cho… đủ bộ và cho công bằng, để “hải lục không quân” đều vui vẻ cả làng (tuy nhiên “Tình yêu thủy thủ” vẫn được yêu chuộng hơn). Sau “Tình yêu thủy thủ”, có khá nhiều bài nhạc tiếp theo của các nhạc sĩ khác viết về những chàng trai ôm mộng hải hồ, về những bông “hoa biển” và về những “người yêu của lính”… biển (như “Hoa biển” của Anh Thy, “Thủy thủ và biển cả” của Y Vũ, “Một lần xa bến” của Trường Sa, “Tình ca người đi biển” của Trường Hải, “Tâm tình người lính thủy” của Anh Thy & Thanh Viên, “Vùng biển trời và màu áo em” của Nguyễn Vũ… vân vân). Những chàng thủy thủ có một thời được “lên điểm”, một thời… “bao nhiêu bến, bấy nhiêu tình”, cũng là nhờ bài hát ấy, “Tình yêu thủy thủ”.

Người ta yêu “Tình yêu thủy thủ” không phải chỉ ở những câu hát như thế mà còn ở thể điệu Hully Gully trẻ trung, vui nhộn, được xem là bài Hully Gully đầu tiên của nhạc Việt (“Đêm huyền diệu”, “Thần tượng”… là những bài tiếp theo của Y Vân cùng một thể điệu).

“Tình yêu thủy thủ” là một bài “nhạc lính”, nói rộng hơn, một bài “nhạc thời trang” vào thuở ấy. Y Vân vẫn được xem là người nhạc sĩ đi tiên phong trong các thể điệu mới (Cha Cha Cha, Twist, Agogo, Surf…); và hơn thế nữa, có khả năng đặc biệt là rất bén nhạy và thích ứng nhanh chóng các trào lưu âm nhạc thế giới để đưa vào dòng nhạc Việt các kiểu mẫu “thời trang âm nhạc” mới nhất, thịnh hành nhất, như người bắt mạch được thị trường tiêu thụ để dọn ra những “món ăn” lạ miệng, hấp dẫn và hợp khẩu vị khách hàng.

Khi mà cơn bão Twist quét ngang vòm trời âm nhạc châu Âu, khi mà đâu đâu cũng nghe “Come on, let’s twist again…”, và khi mà mọi người không thể nào… ngồi yên một chỗ được khi điệu nhạc kích động ấy trỗi lên thì một nhà sản xuất băng đĩa nhạc tìm đến Y Vân. “Phải có một ‘Let’s twist again’ cho nhạc Việt chứ!” Và thế là… “Đêm đô thị” ra đời, vang vang trên khắp các “đô thị” miền Nam. Bài nhạc nghe rất “Saigon by night”.

Màn đêm xuống dần muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng Kìa bao phố phường / bao mái lầu chìm trong bóng đêm Lá lá lá lá la la!… / Lá lá lá lá la la!… Đời đẹp quá… há ha hà há há ha… bài thơ!

Tiếp đến là những bài Twist mang theo những con số, “60 năm”, “20 – 40”, và tiếp đến là những “Người yêu lý tưởng”, “Tình lính”, “Tình yêu và tuổi trẻ”, “Tình yêu và giông tố”, “Tình yêu dưới ánh mặt trời”… đã lôi cuốn các nhạc sĩ khác nhập cuộc để lại có thêm nhiều bài Twist nữa, tạo nên cơn lốc sôi động, cuồng nhiệt của “kích động nhạc” (tên gọi thuở ấy), đồng thời cũng mang đến cho nền âm nhạc miền Nam giữa thập niên 1960’s một khuôn mặt mới và một phong cách trình diễn mới, “hợp thời trang” hơn và quyến rũ hơn.

Trong lời nhạc của Y Vân, ta “bắt” được những câu hát khá “đặc biệt”, cho thấy những “sáng tạo” của ông không chỉ trong “ý nhạc” mà còn ở “lời ca” nữa.

“20 – 40” chẳng hạn, kể về một chuyện tình trái ngang, lỡ làng.

Năm anh hai mươi / em mới sinh ra đời… Khi em còn trong nôi / anh đã lo việc đời Ôi, hai mươi năm u hoài Đầu vừa điểm phai / gặp nhau tưởng duyên may Ngờ đâu tình duyên đã lỡ rồi / lỡ tuổi lỡ thời (Chuyện tình “20 – 40” ấy ngày nay là chuyện… thường tình, chẳng ai thắc mắc, nên cũng chẳng việc gì mà phải “Nay ta không xứng đôi / Thôi thôi chờ kiếp sau…”, như là câu hát trong bài).

“Thần tượng” chẳng hạn, một bài hát khá “thời thượng”.

Nếu em không cùng anh / sống chung trong cuộc đời chỉ là người yêu thôi / em sẽ là thần tượng

Câu hát cuối lặp đi lặp lại, nhỏ dần… “Nếu chỉ là người yêu / em sẽ là thần tượng…” Những lời ấy quả có đúng. Không có “thần tượng” nào bền vững mãi với thời gian. Khi không còn được đặt trên bệ thờ nữa thì thần tượng hóa thành xác phàm. Bài hát không mấy được hoan nghênh có lẽ vì… đúng quá, và vì các “thần tượng” ấy chỉ muốn được làm… “thần tượng của muôn đời”.

“Đừng lừa dối nhau” chẳng hạn, được tác giả ghi bên dưới tựa bài nhạc là “Tặng những mối tình không trọn vẹn”, là những nghi ngại, ngờ vực trong tình yêu.

Đừng lừa dối nhau / đừng nói yêu khi ta gần nhau Đừng lừa dối nhau / vì biết đâu tin nơi tình yêu

“Cánh hoa thời loạn” chẳng hạn, kể về nỗi niềm của những người tình, những người vợ trẻ thời chiến chinh.

Xin anh che chở / tấm đời nhỏ bé hậu phương như câu chuyện tình “Người hùng và giai nhân”

Những cánh hoa hồng bên hàng rào kẽm / hầm chông vẫn mong bàn tay / người đem tưới vun trong vườn

Bài hát qua giọng Hà Thanh, nghe mà xót xa, tội tình.

Trong số những bài nhạc được yêu thích một thời của Y Vân vẫn có những bài về tình yêu thuở ban đầu. Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.

Nhớ lần đến trường đón em Ôi, đẹp thay ngày mới quen! Tờ thư xanh giữ làm tin / kỷ niệm giây phút đầu tiên mà nhiều đêm trắng / dệt bóng hình em yêu (“Đời còn ngăn cách nhiều hơn”)

Bài hát, qua những giọng nữ mềm mại của Tuyết Mai-Kim Tước-Túy Hồng quyện lẫn vào nhau, như khơi dậy cả “một trời kỷ niệm”.

Mỗi người đều cần có một ngôi trường để luyến tiếc, để nhớ về… Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người thầy người bạn, những giờ ra chơi và một sân trường phượng vĩ.

Một ngày tôi còn nhớ / đầy trường hoa phượng vĩ Tạm xa bao bạn cũ / nào ai biết ra đi là sẽ không quay về… (“Từ biệt mái trường xưa”)

Nét nhạc Y Vân có dấu ấn riêng và ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các nhạc sĩ sau ông. Nhiều người vẫn lầm tưởng “Ai nói yêu em đêm nay”, một bài Slow của Trần Thiện Thanh, hoặc “Kim”, một bài Twist của Y Vũ, là của Y Vân. Trong những bài “Những tâm hồn hoang lạnh” của Y Vũ, “Tôi đưa em sang sông” của Y Vũ & Nhật Ngân… người ta nghe phảng phất nét nhạc (và cả lời ca) của Y Vân, qua những dấu thăng (dièse) hoặc dấu giảm (bémol) ở nốt nhạc cuối trong câu, tạo cảm giác lơ lửng, mênh mang.

Có thể nói được rằng Y Vân là nhạc sĩ của mọi thể loại, mọi thể điệu và mọi đề tài của nhạc Việt những thập niên 50’s, 60’s, 70’s. Từ “Đêm đô thị” đến “Ngoại ô đèn vàng”; từ “Đồi thông” đến “Hoàng hôn trên bãi biển”; từ “Người yêu lý tưởng” đến “Người vợ hiền”; từ “Phận má hồng” đến “Cánh hoa thời loạn”; từ “Thần tượng” đến “Ảo ảnh”… Nghe nhạc Y Vân, người ta nghe thấy có hạnh phúc và khổ đau, có nụ cười và nước mắt, có hội ngộ và chia phôi, có hình ảnh người mẹ, người cha, người vợ hiền, người lính chiến, có tình yêu đôi lứa, có tình tự dân tộc…, tựa như ông muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy. Nói cách khác, cuộc sống hiện ra muôn màu muôn vẻ trong nhạc Y Vân. Như câu nói của Robert Schumann, nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, “Họa sĩ biến thơ thành tranh; nhạc sĩ biến tranh thành âm nhạc”, Y Vân, ông đã vẽ ra những “bức tranh đời” nhiều màu sắc và sinh động bằng nét cọ thần kỳ là những nét nhạc, những nốt âm thanh tràn đầy cảm xúc.

Rất hay:  Gợi Ý Top 10+ bạn còn biết những nguồn nhiệt nào khác [Tuyệt Vời Nhất]

Cũng do khả năng nhạy bén, đáp ứng mọi khuynh hướng, trào lưu âm nhạc, và thích ứng mọi tình thế nữa, người ta không ngạc nhiên khi biết rằng từ sau cuộc đổi đời năm 1975 ông chuyển sang viết nhạc phim và hòa âm, một chọn lựa khá phù hợp và là điều có thể hiểu được. Những sáng tác hiếm hoi của ông về sau này ít được phổ biến, và điều này cũng… có thể hiểu được.

Dòng suối nhạc của Y Vân biến đổi không ngừng, khi thì êm đềm hiền hòa, khi thì cuồn cuộn xối xả, như dòng chảy của cuộc sống đổi thay từng ngày, từng giờ. Sức sáng tác của Y Vân thật sung mãn và nguồn nhạc hứng trong con người nghệ sĩ ấy vẫn luôn dạt dào, như cuộc sống vẫn lao nhanh về phía trước. Bằng cây đàn muôn điệu và bằng những cung bậc kỳ diệu, ông đã tạo nên ở quanh ông một thế giới âm thanh thật phong phú và biến hóa đa dạng, đôi lúc khá bất ngờ và ngoạn mục như chàng nghệ sĩ đu bay giữa không trung tràn đầy tiếng nhạc, hay như những ngón tay mềm mại thoăn thoắt bay lượn trên những phím đàn. Âm nhạc của Y Vân đến được với mọi người, mọi tầng lớp, mọi đối tượng. Dường như ai cũng tìm được ở nhạc Y Vân một bài nào mình yêu thích, ai cũng từng hát một đôi bài hay một đôi câu của Y Vân. Nói khác hơn, âm nhạc của Y Vân, bằng mọi ngả đường và bằng những cách riêng của ông, đã tới được và chạm được trái tim người yêu nhạc.

* * *

Anh muốn sống riêng trong một thế giới xa loài người / xa cuộc đời đầy đắng cay Nơi đây anh là nghệ sĩ không tên đem nhạc tình / ghi tràn đầy cung điệu buồn

Những câu hát ấy ở trong bài “Thúy đã đi rồi”, Y Vân viết chung với Nguyễn Long, là bài nhạc chính trong cuốn phim cùng tên (đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuối năm 1961). Ước muốn được làm “nghệ sĩ không tên” của ông có vẻ không dễ thực hiện chút nào, vì ông đã trót là nhạc sĩ “có tên” tuổi với nhiều bài nhạc gắn liền tên ông; và hơn thế nữa, sau ngày ông lìa đời, ở trong nước, ngoài nước người ta vẫn cứ hát mãi nhạc của ông, vẫn cứ… “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!…”

Nhiều người vẫn nói rằng vì Y Vân viết bài Twist “60 năm cuộc đời” nên ông cũng từ biệt cuộc đời này vào đúng năm… 60 tuổi, hoặc khi viết bài ấy ông đã tiên tri rằng ông sẽ lìa đời năm 60 tuổi. Đúng ra, ông mất năm 59 tuổi (1933 – 1992), người ta đã “rộng tay” tính theo… tuổi âm lịch để cho “lời tiên tri” của ông được ứng nghiệm. Gần một năm sau ngày ông mất, bà mẹ ông, người từng là nguồn nhạc hứng cho ông viết nên bài hát nổi tiếng “Lòng mẹ”, cũng lặng lẽ qua đời. (Tôi không nghe nói có ai đi tìm kiếm dấu vết bà mẹ ấy như đi tìm kiếm dấu vết những “Diễm xưa”, những “Hoàng Thị Ngọ”… là nguồn nhạc hứng cho những bài nhạc tình được người đời yêu thích).

Tôi thích một bài Twist khác của ông hơn, nghe vừa vui vui lại vừa buồn buồn.

Tình đời nhiều lúc mỉa mai Cuộc đời nghìn đắng nghìn cay Vui đó sầu đây… / Thôi thế là thôi!… (20 – 40)

Bài hát nghe được với giọng Phương Tâm, cô ca sĩ một thời “chuyên trị” những bài “kích động nhạc” của Y Vân. “Thôi thế thì thôi!… / Thế thôi thì thôi!…”, giọng nữ chính đã dứt tiếng, những giọng nam phụ họa vẫn còn lặp đi lặp lại, nhỏ dần, nhỏ dần…

Tôi nghĩ đến những niềm vui và nỗi buồn trong bài hát ấy, trong câu chuyện tình trái ngang, lỡ làng ấy, làm cho hai kẻ yêu nhau không đến với nhau được. Tôi cũng nghĩ đến những nụ cười và nước mắt trong những tấn tuồng vẫn diễn ra giữa cuộc đời “vui đó sầu đây” này. Tôi cũng nghĩ đến những phút cuối ông lặng lẽ từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, không rõ trong đầu ông khi ấy có nghe vọng lên câu hát ông đã viết ra như một dấu chấm hết cho bài hát “dở khóc dở cười” ấy. Thôi thế thì thôi!… / Thế thôi thì thôi!…

Y Vân, ông đã từng làm bao người cùng khóc cùng cười với ông. Ông đã ngợi ca tình yêu, ông đã mang những lứa đôi lại gần nhau hơn và yêu nhau hơn, vì chỉ sợ mất nhau, chỉ sợ không giữ được nhau. Ông đã ngợi ca cuộc sống, ông đã làm cho người người thương yêu cuộc đời hơn, dẫu cho đời sống có lúc không được như ý muốn và không phải là lúc nào cũng đẹp. Ông đã ngợi ca tình người, ông đã làm cho người người thương quý nhau hơn và tử tế với nhau hơn, như tình nghĩa vợ chồng, như tình thân bè bạn, như tình yêu chan chứa của những đứa con dành cho đấng sinh thành… Phía sau những dòng kẻ nhạc của ông người ta nhìn thấy được trái tim đầy tình nhân bản.

Y Vân, ông đã cố làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn, hay ít ra trông có vẻ tươi đẹp hơn. Dường như ông vẫn muốn tin rằng, dẫu có thế nào đi nữa thì mọi chuyện sau cùng vẫn đi đến một kết thúc 17 tốt đẹp. Điều có có xảy đến hay không, không ai biết chắc. Nói rằng ông có tài “tiên tri” để thấy trước là ông chỉ góp mặt góp tiếng với thế gian này có 60 năm thôi, tôi không tin lắm, thế nhưng tôi tin rằng ông đã thấy trước là-như ông đã viết ra trong bài “Đồi thông”-suốt một đời “hoài công tìm kiếm trên bước đi thăng trầm…”, ông chẳng tìm thấy được gì ở cuối đường, ngoài nỗi… trống không.

Và tôi cũng tin rằng không phải là ngẫu nhiên ông viết nên những câu hát…

Người đi tiếc chi cho thêm buồn tìm thư thái trong tâm hồn thì đừng xây mơ trên cát vàng (“Hoàng hôn trên bãi biển”)

Như những lâu đài bằng giấy, như những dấu chân trên cát sóng biển sẽ xóa nhòa, liệu còn có nghĩa gì, khi mà những phù hoa phù phiếm, những phấn son cuộc đời rồi… “cũng theo hư không mà đi”.

Liệu còn có nghĩa gì, khi mà ông đã phải chia tay với cuộc sống ông vẫn muốn làm cho tươi đẹp hơn, và khi mà những “muôn màu muôn vẻ” của cuộc sống ấy, chung cuộc chỉ như những màu sắc lung linh, óng ánh của những bong bóng xà phòng, thật mỏng manh và tan biến trong thoáng chốc như là… ảo ảnh cuộc đời.

(Lê Hữu [Trong sách “Âm Nhạc Của Một Thời”])

Nhạc sĩ Y Vân.
Nhạc sĩ Y Vân.

Nhạc sỹ Y Vân với tài sản của 60 năm cuộc đời

(VTC News) – Không chỉ thành công với bolero, rumba, ngay cả với các điệu nhạc sôi động như twist, rock, nhạc sĩ Y Vân đều để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ.

Sol vàng là chương trình tôn vinh những ca sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến.

Sau một loạt các đêm nhạc tôn vinh các ca sĩ nổi tiếng, Văn Cao là nhạc sĩ đầu tiên được tôn vinh tại chương trình này, Sol vàng tháng 8 sẽ tiếp tục tôn vinh một tên tuổi nghệ sĩ nữa, đó chính là tác giả của ca khúc nổi tiếng Lòng mẹ.

Sol vàng – Nhạc sĩ Y Vân:

Y Vân là một nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam thập niên 1950 đến 1990. Nhắc đến Y Vân, người yêu nhạc không thể không biết các ca khúc để đời của ông như Lòng mẹ, Sài Gòn, 60 năm cuộc đời, Những bước chân âm thầm, Ảo ảnh…

Các sáng tác của ông đã trở thành bất hủ, nhiều thế hệ người yêu nhạc hầu hết đều thuộc nằm lòng ca khúc của ông, từ giai điệu da diết ‘Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…’ cho đến những lời ca tươi tắn yêu đời ‘Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…’

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933, mất năm 1992, quê gốc Thanh Hóa. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với giáo sư, nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm.

Nhà nghèo, mồ côi cha, cả nhà nhạc sĩ sống nương tựa vào nhau trong một túp lều xiêu vẹo. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.

Năm 1952 nhạc sĩ Y Vân vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ông còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Y Vân là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha, disco, twist như: Sài Gòn, Ảo ảnh, 60 năm, Thôi, Kim…

Sau năm 1975, Y Vân làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình. Ông tham gia đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, ngoài ra còn tham gia viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu.

Tác giả 60 năm cuộc đời có 2 đời vợ và 8 người con. Ông mất năm 1992, hưởng thọ 60 tuổi, đúng như bài hát do chính mình sáng tác: ‘Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…’

Đêm nhạc Y Vân chủ đề 60 năm cuộc đời gồm 3 phần: Đêm đô thị, Về dưới mái nhà và 60 năm cuộc đời. Theo đạo diễn Đinh Anh Dũng, đêm nhạc sẽ chắt lọc 14 ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ để trình diễn.

Trong phần một Đêm đô thị sẽ là những ca khúc có giai điệu sôi động như twist, rumba…, những điệu nhạc mà Y Vân được xem như tiên phong trong dòng chảy nhạc trẻ lúc bấy giờ.

Phần hai Về dưới mái nhà là những khúc ca trữ tình sâu lắng. Phần ba60 năm cuộc đời gồm những ca khúc mang nhiều tâm trạng cô đơn, hối tiếc trong những cuộc tình dang dở. Kết chương trình là ca khúc 60 năm cuộc đời cũng chính những ngày tháng mà nhạc sĩ Y Vân đã sống và cống hiến cho âm nhạc.

Những bài hát nổi tiếng nhưng hết sức quen thuộc của Y Vân sẽ được các giọng ca hải ngoại và những ca sĩ nổi tiếng trong nước trình bày như: Hương Lan, Thái Châu, Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Anh, Đông Đào, Dương Triệu Vũ, Tuấn Hiệp, Nhóm Nam Việt… thể hiện, chắc chắn sẽ mang đến những giây phút thưởng thức âm nhạc thú vị dành cho khán giả.

Sol vàng – Y Vân 60 năm cuộc đời được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 8/8/2015 trên VTV9 và tiếp sóng trên VTV Huế, Đài PTTH Đà Nẵng, Đài PTTH Lâm Đồng, Đài PTTH Bình Phước và Đài PTTH Quảng Ngãi.

(Thiên An)

oOOo

Những Bước Chân Âm Thầm – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca sĩ Trung Hành (English, Vietnamese):

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca sĩ Elvis Phương:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca sĩ Bảo Hân, Ngọc Thúy, Phi Phi:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca sĩ Nini, Vina Uyen Mi:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ca sĩ Tường Nguyên, Tường Khuê:

Top 16 những bước chân âm thầm viết bởi Cosy

NGHE NHẠC

  • Tác giả: mp3.phantam.top
  • Ngày đăng: 09/15/2022
  • Đánh giá: 4.81 (788 vote)
  • Tóm tắt: Bài hát Những Bước Chân Âm Thầm do ca sĩ Thái Châu thể hiện, thuộc thể loại Nhạc Vàng Tuyển Chọn nằm trong cd album Nhạc Trữ Tình Bất Hủ CD 1.

Lời bài hát “Những Bước Chân Âm Thầm”

  • Tác giả: azlyrics.com
  • Ngày đăng: 06/22/2022
  • Đánh giá: 4.63 (215 vote)
  • Tóm tắt: Mỹ Tâm “Những Bước Chân Âm Thầm”: Từng bước từng bước thầm Hoa vòng rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Anh yêu gì xa vắng? Cho t…

Lời bài hát Những bước chân âm thầm

  • Tác giả: loibaihat.me
  • Ngày đăng: 10/28/2022
  • Đánh giá: 4.49 (400 vote)
  • Tóm tắt: Lời bài hát Những bước chân âm thầm. Lyric Nhung buoc chan am tham – loibaihat.me.

Những Bước Chân Âm Thầm

  • Tác giả: nhaccuatui.com
  • Ngày đăng: 09/06/2022
  • Đánh giá: 4.03 (586 vote)
  • Tóm tắt: Playlist | Album · Những Bước Chân Âm Thầm · Khưu Huy Vũ · Ngày Em Đi Lấy Chồng (Single) · Hamlet Trương · Lại Nhớ Người Yêu (Thúy Nga CD 576) · V.A · The Best of …
  • Nội Dung: Tôi nghĩ đến những niềm vui và nỗi buồn trong bài hát ấy, trong câu chuyện tình trái ngang, lỡ làng ấy, làm cho hai kẻ yêu nhau không đến với nhau được. Tôi cũng nghĩ đến những nụ cười và nước mắt trong những tấn tuồng vẫn diễn ra giữa cuộc đời “vui …

Bài hát Những Bước Chân Âm Thầm (Mỹ Tâm)

  • Tác giả: lyric.tkaraoke.com
  • Ngày đăng: 03/08/2023
  • Đánh giá: 3.91 (394 vote)
  • Tóm tắt: Bài hát Những Bước Chân Âm Thầm tác giả Y Vân trình bày Mỹ Tâm.
  • Nội Dung: Tôi nghĩ đến những niềm vui và nỗi buồn trong bài hát ấy, trong câu chuyện tình trái ngang, lỡ làng ấy, làm cho hai kẻ yêu nhau không đến với nhau được. Tôi cũng nghĩ đến những nụ cười và nước mắt trong những tấn tuồng vẫn diễn ra giữa cuộc đời “vui …

Những Bước Chân Âm Thầm

  • Tác giả: hopamchuan.com
  • Ngày đăng: 03/20/2023
  • Đánh giá: 3.74 (445 vote)
  • Tóm tắt: Từng [Cm]bước từng bước [Cm]thầm Hoa [Cm]vòng rừng tuyết [Bb]trắng Rặng [Eb]thông già lặng [Ab]câm Em yêu gì xa [Fm]vắng Cho trời mây [Ab]ướt [G]buồn Từng …
  • Nội Dung: Tôi nghĩ đến những niềm vui và nỗi buồn trong bài hát ấy, trong câu chuyện tình trái ngang, lỡ làng ấy, làm cho hai kẻ yêu nhau không đến với nhau được. Tôi cũng nghĩ đến những nụ cười và nước mắt trong những tấn tuồng vẫn diễn ra giữa cuộc đời “vui …

Lời bài hát Những Bước Chân Âm Thầm – Y Vân

  • Tác giả: lyrics.vn
  • Ngày đăng: 04/29/2022
  • Đánh giá: 3.42 (216 vote)
  • Tóm tắt: Lời bài hát Những Bước Chân Âm Thầm – Y Vân – (nhạc: Y Vân – thơ: Kim Tuấn) Từng bước từng bước thầm Hoa vòng rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Em …
  • Nội Dung: Tôi nghĩ đến những niềm vui và nỗi buồn trong bài hát ấy, trong câu chuyện tình trái ngang, lỡ làng ấy, làm cho hai kẻ yêu nhau không đến với nhau được. Tôi cũng nghĩ đến những nụ cười và nước mắt trong những tấn tuồng vẫn diễn ra giữa cuộc đời “vui …

“Những Bước Chân Âm Thầm” (Kim Tuấn – Y Vân) – Bản tình ca lãng mạn cho vùng cao nguyên Pleiku thơ mộng

  • Tác giả: thoixua.vn
  • Ngày đăng: 04/03/2023
  • Đánh giá: 3.23 (288 vote)
  • Tóm tắt: “Những Bước Chân Âm Thầm” (Kim Tuấn – Y Vân) – Bản tình ca lãng mạn cho vùng cao nguyên Pleiku thơ mộng. by Mẫn Nhi · 08/08/2021. in Cảm xúc âm nhạc.
  • Nội Dung: Đây là lần thứ ba cụm từ “từng bước từng bước thầm” được lặp lại trong ca khúc này, mang theo một nỗi buồn miên man không biết gửi vào đâu. Những năm tháng khi ra đời của bài thơ – bài hát này, cao nguyên Pleiku vẫn còn đang chìm trong cuộc cнιếɴ …

Về Ca Khúc ‘Những Bước Chân Âm Thầm’ Của Kim Tuấn Và Y Vân

  • Tác giả: dongnhacvang.com
  • Ngày đăng: 08/30/2022
  • Đánh giá: 3.15 (356 vote)
  • Tóm tắt: Về Ca Khúc ‘Những Bước Chân Âm Thầm’ Của Kim Tuấn Và Y Vân · Từng bước từng bước thầm. Mưa giữa mùa tháng năm. Tay đan sầu kỷ niệm. Gió rét về …
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Những bước chân âm thầm

  • Tác giả: hopamviet.vn
  • Ngày đăng: 07/05/2022
  • Đánh giá: 2.92 (185 vote)
  • Tóm tắt: Hợp âm Những bước chân âm thầm – Từng [Am] bước từng bước thầm Hoa vòng rừng tuyết [G] trắng [C] Rặng thông già lặng [F] câm Em…
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Những Bước Chân Âm Thầm

  • Tác giả: genius.com
  • Ngày đăng: 09/21/2022
  • Đánh giá: 2.76 (158 vote)
  • Tóm tắt: Những Bước Chân Âm Thầm Lyrics: Từng bước từng bước thầm / Hoa vòng rừng tuyết trắng / Rặng thông già lặng câm / Anh yêu gì xa vắng?
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Những bước chân âm thầm Lyrics

  • Tác giả: flashlyrics.com
  • Ngày đăng: 06/21/2022
  • Đánh giá: 2.69 (197 vote)
  • Tóm tắt: “Những bước chân âm thầm” is a song by Mỹ Tâm. It is track #4 from the album Melodies of Time that was released in 2010. The duration of this song is 03:36.
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Những Bước Chân Âm Thầm (Video: Hoàng Mỹ An)

  • Tác giả: hibro.vn
  • Ngày đăng: 12/31/2022
  • Đánh giá: 2.58 (151 vote)
  • Tóm tắt: Những Bước Chân Âm Thầm hợp âm và lời bài hát tone Hoàng Mỹ An: Abm – https://hibro.vn/nhung-buoc-chan-am-tham-hop-am-tone-hoang-my-an-hi-bro.html.
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Những Bước Chân Âm Thầm – Lê Hiếu, Phương Vy – Zing MP3

  • Tác giả: zingmp3.vn
  • Ngày đăng: 11/22/2022
  • Đánh giá: 2.5 (143 vote)
  • Tóm tắt: Những Bước Chân Âm Thầm – Lê Hiếu, Phương Vy Tải download 320 nhạc chờ Nhung Buoc Chan Am Tham,- Le Hieu, Phuong Vy.
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Sheet nhạc Những Bước Chân Âm Thầm <Hợp âm>

  • Tác giả: cungtapnhac.com
  • Ngày đăng: 06/09/2022
  • Đánh giá: 2.44 (142 vote)
  • Tóm tắt: Sheet nhạc Những Bước Chân Âm Thầm <Hợp âm>. hienle | Tác giả: Y Vân | Thể loại: Nhạc Vàng | Tông: Am | Nhịp: 34 | Điệu: Bolero. Kích thước.
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …

Kỷ niệm

  • Tác giả: thivien.net
  • Ngày đăng: 09/17/2022
  • Đánh giá: 2.36 (178 vote)
  • Tóm tắt: Những bước chân âm thầm – Y Phương phổ nhạc, Tường Nguyên & Tường Khuê thể hiện.
  • Nội Dung: Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng …