Trước đây, các bà mẹ trẻ được thế hệ trước chỉ bảo cách cho con bú, vì vậy điều đó trở thành điều “tự nhiên” ! Ngày nay, nhiều bà mẹ trẻ được tham gia một lớp dạy cấp tốc về cách cho con bú tại bệnh viện ngay sau khi sinh bé. Rất tiếc là với chỉ một lần hướng dẫn như vậy có thể là chưa đủ.
Việc cho con bú đòi hỏi sự kiên nhẫn và thực hành. Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn trong việc để con bạn ngậm ti hoặc việc cho con bú khiến bạn bị đau, vậy hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các bà mẹ khác, y tá hoặc nữ hộ sinh của bạn, hoặc khóa học ở bệnh viện hay trung tâm hỗ trợ khác. Cho con bú rất tốt cho cả bạn và bé. Nhưng nó phải mang tâm thế thoải mái chứ không nên ngập trong nỗi lo âu và nước mắt.
Bắt đầu Sớm
Thời điểm thích hợp để bắt đầu cho con bú đó là ngay sau khi sinh, nếu có thể, khi con bạn đang thức và bản năng ngậm mút của bé đang mạnh mẽ. Cho dù cơ thể bạn chưa sản sinh ra sữa thì đầu ti của bạn vẫn có sữa non, một loại chất dịch loãng chứa nhiều kháng thể.
Đặt đúng Tư thế
Miệng của bé nên mở to, để đầu ti của bạn được ngậm trong miệng bé sâu nhất có thể. Làm vậy để sau này bạn sẽ ít có cảm giác đau. Y tá, nữ hộ sinh hoặc một người có hiểu biết khác có thể giúp bạn tìm một tư thế cho bú cho thoải mái. Nếu bạn thấy rất đau nghĩa là có khả năng con bạn không ngậm ti đủ sâu trong miệng bé.
Cho bú theo Nhu cầu
Bé sơ sinh cần được cho bú thường xuyên, khoảng 2 giờ một lần, và không theo bất cứ thời gian cố định nào. Cho bú theo nhu cầu sẽ kích thích bầu ngực của bạn sản sinh nhiều sữa. Sau đó, thời gian bú của bé sẽ dần đi vào nề nếp dễ đoán hơn. Nhưng do sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa công thức nên bé được nuôi bằng sữa mẹ sẽ bú thường xuyên hơn bé được cho bú bình.
Căng sữa
Là người mới làm mẹ, cơ thể bạn sẽ thường sản sinh ra rất nhiều sữa và có thể khiến vú bạn căng, cứng và đau trong nhiều ngày liền. Để giảm tình trạng căng sữa này, bạn nên cho bé bú thường xuyên và khi bé đòi bú cho tới khi cơ thể bạn điều chỉnh và chỉ sản sinh ra lượng sữa mà con bạn cần. Trong khi đó, hãy trao đổi với cơ sở chăm sóc sức khỏe của bạn về việc dùng các loại thuốc giảm đau thông thường, chườm gạc ấm lên bầu ngực trong vài phút trước khi cho bú để kích thích tiết sữa, và chườm đá trong 10 phút trước hoặc sau khi cho bú để tăng cường giảm đau.
Không dùng Thực phẩm bổ sung
Đừng cho con bạn uống nước đường hay các loại thực phẩm bổ sung khác nếu bạn cảm thấy cơ thể mình đang không sản sinh đủ sữa. Trên thực tế, làm vậy có thể ảnh hưởng tới cảm giác thèm bú của con bạn, dẫn đến việc giảm lượng sữa sản sinh. Bé càng bú nhiều thì cơ thể bạn sẽ sản sinh càng nhiều sữa. Nếu bạn lo rằng con mình đang bú không đủ lượng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Trì hoãn Sử dụng Núm vú Giả
Trì hoãn sử dụng núm vú giả: Tốt nhất là nên chờ 1 hoặc 2 tuần trước khi sử dụng núm vú giả để con bạn không bị nhầm lẫn. Núm vú giả cần một tư thế mút khác so với núm vú thật. Con bạn cũng có thể nhầm lẫn nếu bé bú bình, khiến việc cho bé bú mẹ trở nên khó khăn hơn.
Sử dụng Miếng lót
Sử dụng miếng lót để tránh tình trạng sữa rỉ ra giữa các cữ bú gây bối rối.
Trớ sữa
Việc bé trớ sữa trong hoặc sau khi cho bú là bình thường. Hầu như trẻ nào cũng hết trớ sữa trước khi được một tuổi. Mặc dù trớ là một hiện tượng bình thường, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bé không tăng cân, thường xuyên nôn mửa (khác với chỉ trớ sữa), không chịu bú hoặc bạn thấy các dấu hiệu có vấn đề khác.
Nứt Núm vú
Vào thời gian đầu sau khi sinh, bạn có thể gặp tình trạng nứt núm vú. Nếu điều này xảy ra, hãy liên hệ với cơ sở chăm sóc sức khỏe, nữ hộ sinh hoặc tư vấn viên về sữa để nhận được lời khuyên thích hợp. Nếu núm vú của bạn bị nứt, hãy rửa bằng nước sạch sau khi cho bú và làm sạch hàng ngày một cách nhẹ nhàng. Thoa một loại kem hoặc dầu bôi núm vú an toàn và thích hợp cũng có thể giúp ích. Nhớ trao đổi với cơ sở chăm sóc sức khỏe của bạn nếu tình trạng này tiếp tục hoặc ảnh hưởng tới việc bạn cho con bú.
Theo dõi Nhiễm trùng
Những triệu chứng nhiễm trùng vú bao gồm sốt cao, nổ cục đau và vú tấy đỏ. Những triệu chứng này đòi hỏi phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ăn uống Phù hợp và Nghỉ ngơi
Các bà mẹ đang cho con bú nên có một chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng, thường phải tăng thêm 500 calo mỗi ngày. Nên nghĩ tới việc bỏ cafein và tránh uống rượu. Ngoài ra hãy chắc chắn là bạn uống nhiều nước (6-8 cốc) mỗi ngày. Nghỉ ngơi và giấc ngủ chất lượng cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp duy trì sức khỏe tốt cho bản thân bạn.