Tắc ruột là một nguyên nhân khá phổ biến đưa người bệnh đến với phòng cấp cứu. Mức độ nghiêm trọng của chúng rất thay đổi, phần lớn phụ thuộc vào nguyên nhân và thời gian tắc nghẽn. Việc nhận biết được các dấu hiệu sớm và có thái độ cẩn trọng sẽ giúp làm giảm các biến chứng và tăng khả năng điều trị thành công. Chính vì thế, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến tìm hiểu về tình trạng tắc ruột qua bài viết sau đây nhé!
Tắc ruột là gì?
Tắc ruột là một hội chứng trong đó ruột của người bệnh, bao gồm ruột non và ruột già bị tắc nghẽn cơ năng hoặc cơ học.
Sự tắc nghẽn dẫn đến sản phẩm tiêu hoá không di chuyển qua được, tích tụ lại, không đào thải khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến một loạt các biến chứng nặng nề. Vì vậy, sau khi được chẩn đoán, người bệnh cần phải được can thiệp khoa ngoại khẩn cấp. Nếu không sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, thậm chí tử vong, đặc biệt trong tắc ruột cơ học. Việc nhận diện càng sớm càng tốt các triệu chứng của bệnh đóng vai trò quan trọng giúp cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
Nguyên nhân gây tắc ruột là gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Chúng được phân chia thành hai nhóm chính: cơ học (có nguyên nhân gây tắc nhìn thấy được), hoặc cơ năng (do rối loạn chức năng).
- Nếu thực sự lòng ruột bị bít tắt do dị vật bên trong, hoặc ở ngoài chèn vào thì được gọi là tắc ruột cơ học.
- Trong khi đó, liệt ruột hay tắc ruột cơ năng xảy ra khi có một rối loạn toàn thân, dẫn đến ruột không co thắt nữa, mặc dù không hề có sử tắc nghẽn bên trong.
Tình trạng này có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Bác sĩ sẽ phân biệt rõ hai loại tắc ruột trên. Trên thực tế, đa phần bệnh nhân nhập viện vì tắc ruột cơ học.
Mỗi loại tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
1. Tắc ruột cơ học
Tắc ruột cơ học: lòng ruột bị tắc nghẹt, bị vặn xoắn hoặc cấu trúc ở ngoài chèn ép vào. Nói cách khác là loại tắc nghẽn gây ra bởi một rào cản vật lý (vật cản). Sự xuất hiện của chúng làm ngăn chặn, hoặc hạn chế dòng chảy của thức ăn trong lòng ruột. Các vật cản này có thể là:123
- Tác nhân gây tắc nghẽn trong lòng ruột: búi giun đũa, khối bã thức ăn (người già nhai không kĩ), dị vật do bệnh nhân nuốt phải, ung thư bên lòng ruột phát triển gây chít hẹp đường ống tiêu hoá.
- Dính ruột: thường gặp nhất, trước đó người bệnh đã từng phẫu thuật.
- Viêm túi thừa: viêm nhiễm gây dính tắc quai ruột.
- Thoát vị: thoát vị thành bụng, thoát vị bẹn – khối thoát vị khi thoát qua vị trí hở trên thành bụng bị kẹt lại và gây tắc ruột.
- Lạc nội mạc tử cung: cấu trúc xâm lấn gây dính.
- Viêm ruột mạn tính (IBD), bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Lồng ruột: thường gặp ở trẻ em hơn.
- Sỏi túi mật hay sỏi đường mật (hiếm gặp).
- Sự nhiễm trùng.
- Xoắn ruột.
- Ung thư đại tràng.
- Khối u từ bên ngoài chèn vào như: u nang buồng trứng, u sau phúc mạc, u xơ tử cung,…
2. Tắc ruột cơ năng
Tắc ruột cơ năng (liệt ruột), thường người bệnh cũng có triệu chứng tương tự tắc ruột; nhưng bên trong không có sự tắc nghẽn. Bình thường, các ruột lớn và nhỏ di chuyển trong các cơn co thắt phối hợp. Trong liệt ruột, hệ thần kinh ruột và cơ bị gián đoạn hoạt động, dẫn đến không co thắt và làm đình trệ sự di chuyển của thức ăn trong lòng ống tiêu hoá. Liệt ruột thường liên quan đến:12
- Sau phẫu thuật ổ bụng, vùng chậu.
- Nhiễm khuẩn nặng.
- Viêm tuỵ cấp.
- Rối loạn điện giải.
- Thuốc ức chế co bóp của cơ thần kinh ruột, bao gồm thuốc chống trầm cảm, dẫn xuất giảm đau opioid.
- Bệnh lý thực thể thần kinh: di chứng sau nhồi máu não, bệnh Hirschsprung (rối loạn bẩm sinh vắng mặt 1 đoạn thần kinh chi phối 1 đoạn ruột non), bệnh Parkinson.
- Rối loạn chuyển hoá: đái tháo đường biến chứng thần kinh thực vật, nhược giáp.
3. Những đối tượng nào dễ mắc phải tình trạng này?
Nguy cơ của người bệnh dễ bị tắc ruột gia tăng khi:2
- Từng có tiền sử phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu (thường liên quan đến tắc ruột do dính).
- Mắc bệnh Crohn làm thành ruột mỏng, thủng, rò, hẹp lòng ruột dẫn đến gây tắc ruột.
- Ung thư bên trong ống tiêu hoá hoặc trong ổ bụng gây tắc nghẽn, chèn ép.
- Viêm túi thừa: khi viêm nhiễm gây kích thích lớp dẫn đến gây dính, nhiễm trùng, sẹo và gây tắc nghẽn.3
Triệu chứng tắc ruột
Người bệnh tắc ruột có thể nhập viện vì nhiều triệu chứng bao gồm:
1. Đau quặn bụng
Người bệnh thường có những cơn đau bụng. Cơn đau đột ngột dữ dội, mỗi cơn từ 2-3 phút sau đó xuất hiện cơn đau kế tiếp. Vị trí đau có thể gợi ý vị trí ruột bị tắc: đau thượng vị, quanh rốn (tắc ruột non), đau dưới rốn hoặc đau dọc bụng (tắc ruột già). Khi bệnh đến giai đoạn trễ, các cơn đau sẽ dồn dập hơn; đến lúc bệnh nhân đau liên tục, vị trí đau cũng không còn khu trú nữa mà lan toả khắp bụng.45
2. Buồn nôn, nôn4
Buồn nôn và nôn là triệu chứng thường gặp. Nếu vị trí tắc nghẽn càng cao thì bệnh nhân nôn càng sớm, nôn kèm theo các cơn đau. Người bệnh sẽ nôn ra thức ăn vừa ăn, thức ăn cũ hôm qua, dịch mật, dịch tiêu hoá hoặc thậm chí phân.
Ban đầu nôn sẽ giúp giảm đau bụng, nếu để muộn dẫn đến viêm phúc mạc thì sẽ không còn giúp giảm đau nữa. Việc nôn ói liên tục khiến bệnh nhân không ăn uống được và gây mất nước, điện giải dễ đưa đến sốc giảm thể tích.
3. Bí trung đại tiện
Trung tiện hay được còn được gọi là xì hơi, đánh rắm là phản xạ thải khí ra khỏi đường ruột qua hậu môn. Đây là vấn đề sinh lý bình thường của cơ thể.
Bí trung tiện là tình trạng bệnh nhân không thể xì hơi hoặc đánh rắm. Đây là dấu chứng sớm quan trọng để chứng tỏ có sự tắc nghẽn trong ruột, hoặc bất thường nhu động của ruột.
Đại tiện là phản xạ tống xuất phân ra khỏi đường tiêu hoá. Bí đại tiện thường xảy ra muộn hơn đối với trung tiện. Nếu vị trí tắc càng thấp thì bí trung đại tiện xuất hiện càng muộn. Vì thời gian đầu thức ăn vẫn còn di chuyển được qua đoạn ruột non ở phía trên chỗ tắt, phân ở phía dưới chỗ tắt vẫn đi qua được dễ dàng khi bệnh nhân đi tiêu. Càng về sớm thì khi đến chỗ tắc nghẽn không qua được, người bệnh mới có triệu chứng bí trung đại tiện.14
4. Chướng bụng
Người bệnh khi bị tắc ruột, các quai ruột ứ đọng thức ăn, dẫn đến vi khuẩn lên men bên trong sinh hơi gây căng chướng bụng. Bình thường phản xạ trung tiện giúp tống thoát hơi trong đường tiêu hoá, nên bụng không căng chướng khó chịu. Khi ruột bị tắt nghẽn, hơi không qua được khiến bụng căng chướng. Khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện sóng nhu động ruột, các quai ruột nổi lên quai ruột chướng hơi.456
5. Sốt
Ban đầu, người bệnh có thể chỉ sốt nhẹ khi mất nước. Nếu người bệnh đến khám muộn, bệnh đã có biến chứng viêm phúc mạc; bệnh nhân có thể sốt do độc tố vi khuẩn lan vào máu, hoặc ruột bị hoại tử phóng thích độc chất, sốc nhiễm khuẩn.15
Bên cạnh đó, người bệnh có thể có những triệu chứng của nguyên nhân gây tắc ruột như:
- Sờ thấy u ở bụng;
- Sụt cân nhanh không chủ ý;
- Sốt về chiều;
- Sờ thấy khối hạch ở thượng đòn hoặc thấy khối phồng bất thường ở rốn, vết mổ cũ hay vùng bìu (khối thoát vị);
- Một số bệnh nhân có thể đi tiêu ra máu.
6. Phân biệt các triệu chứng của tắc ruột non và tắc ruột già14
Tắc ruột non Tắc ruột già
- Thường gặp hơn (80%).7
- Từ tá tràng đến gốc tá hỗng tràng.
- Thường nôn sớm.
- Bụng ít chướng hơn.
- Ít gặp hơn (20%).7
- Đại tràng – trực tràng.
- Thường nôn muộn.
- Bụng căng chướng nhiều hơn.
Tắc ruột có nguy hiểm không?
Hội chứng tắc ruột là bệnh cấp cứu cần được can thiệp và xử trí sớm. Trong tắc ruột cơ học, nếu vị trí tắc nghẽn không được giải quyết, đoạn ruột trên sẽ thiếu máu dẫn đến hoại tử. Bệnh có thể diễn tiến đặc biệt nhanh nên quai ruột bị xoắn lại, nghẽn tắc mạch máu nuôi. Nếu đến muộn, người có thể đối mặt với các nguy cơ:145
- Viêm phúc mạc: do ruột bị hoại tử, thủng, chảy dịch vào phúc mạc gây viêm, thường gặp khi bệnh nhân đến muộn; nhưng có thể diễn biến rất sớm nếu tắc ruột do xoắn. Nếu không được xử trí kịp thời có thể phải cắt một đoạn ruột lớn, mở hậu môn nhân tạo. Điều này sẽ gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này. Sau khi viêm phúc mạc, người bệnh sẽ gia tăng nguy cơ tắc ruột ở những lần sau, do lớp phúc mạc sau viêm không còn trơn láng như trước.
- Sốc giảm thể tích, rối loạn điện giải: thường gặp khi bệnh nhân nôn ói nhiều lần, không ăn uống được.
- Sốc nhiễm trùng: thường gặp khi bệnh nhân đến muộn.
- Suy thận cấp: tình trạng mất nước, sốc nhiễm trùng dẫn đến gây tổn thương thận.
Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể can thiệp tối ưu và tránh được những biến chứng đe dọa tính mạng. Nhưng nhìn chung, hầu hết các trường hợp tắc ruột đều có thể điều trị. Tuy nhiên, đối với các nguyên nhân khác, chẳng hạn như ung thư, lại đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian hơn.
Chẩn đoán tắc ruột như thế nào?
Quá trình chẩn đoán bắt đầu bằng việc tìm hiểu các triệu chứng và khám thực thể. Sau đó, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm thêm:124
1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra rối loạn điện giải, đánh giá gián tiếp dấu hiệu mất nước, và kiểm tra chức năng các cơ quan.
- Công thức máu: đánh giá nhiễm trùng, mất nước.
- Chức năng thận: phát hiện sớm tình trạng suy thận.
- Ion đồ: khảo sát điện giải.
2. Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ bụng – chậu
Giúp phát hiện dấu hiệu tắc ruột, cũng như các nguyên nhân, biến chứng.
3. Chụp X-quang cản quang Baryt
Đây là phương pháp ghi nhận hình ảnh bít tắc ống tiêu hoá bằng cách bơm chất cản quang vào trong cơ thể người. Vị trị mất chất cản quang không qua được ghi nhận tắc ruột. Tuy nhiên phương pháp này ít được sử dụng ngày nay.
4. Nội soi tiêu hoá
Giúp phát hiện u trong lòng ống tiêu hoá để sinh thiết, gắp dị vật nếu tắc nghẽn bên trong,…
Phương pháp điều trị tắc ruột
Việc điều trị bệnh cần kết hợp biện pháp dùng thuốc và phẫu thuật. Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn, nguyên nhân, thời gian khởi phát.
Điều quan trọng trong điều trị nội khoa là điều trị biến chứng xảy ra khi tắc ruột, theo dõi tình trạng bệnh nhân và phối hợp ngoại khoa kịp thời.
1. Điều trị nội khoa
Khi bệnh nhân tắc ruột, sự di chuyển thức ăn trong ống tiêu hoá sẽ bị ngưng trệ. Người bệnh thường sẽ nôn ói nhiều, không ăn uống được dẫn đến biến chứng mất nước rất phổ biến, kèm theo các rối loạn điện giải. Người bệnh sẽ được bồi hoàn thể tích dịch, điện giải, cung cấp dinh dưỡng đường tĩnh mạch; tránh ăn qua đường miệng.125
Nếu bệnh nhân nôn quá nhiều, bác sĩ sẽ đặt ống thông mũi dạ dày. Đây là một ống nhỏ được đặt từ mũi đến dạ dày của người bệnh; giúp dẫn lưu lượng dịch và thức ăn ứ đọng ra ngoài. Mục đích là:4
- Giảm áp lực trong lòng ruột, từ đó khiến cho ruột bớt căng chướng và bớt phù nề. Kết quả là người bệnh giảm chướng bụng, cảm thấy đỡ đau và khó thở.
- Hạn chế nôn (làm giảm nguy cơ hít sặc vào đường thở gây viêm phổi).
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng thuốc:1456
- Thuốc chống nôn: giúp giảm nôn để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc chống co thắt: có thể được sử dụng để giúp giảm triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu.
- Kháng sinh cũng được cân nhắc, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng là cần thiết. Trong từng tình huống cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu trên lâm sàng và quyết định xem có nên sử dụng chúng hay không.
Cuối cùng, nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, phẫu thuật sẽ được tiến hành.
2. Điều trị ngoại khoa3456
Điều trị ngoại khoa thường được sử dụng cho các trường hợp tắc ruột cơ học với mục đích là:
- Giúp cho dòng thức ăn và dịch tiêu hóa lưu thông lại bình thường.
- Giải quyết nguyên nhân: phương pháp phẫu thuật sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể (chẳng hạn như mở lòng ruột lấy sỏi trong trường hợp tắc ruột do sỏi, gỡ dính hay cắt dây dính trong trường hợp tắc ruột do dính,…) và tình trạng của đoạn ruột bị ảnh hưởng. Nhưng nhìn chung, đây thường là các cuộc phẫu thuật lớn và người bệnh cần được gây mê.
Trong tất cả các trường hợp, tái lập lưu thông ruột được ưu tiên hơn, do không phải lúc nào cũng loại bỏ được nguyên nhân gây tắc (ví dụ ung thư giai đoạn trễ, dính ruột nhiều và chặt,…).
Cần lưu ý gì sau khi điều trị tắc ruột?
Chế độ ăn uống – sinh hoạt
Người bệnh sau điều trị nên tạm thời nhịn ăn uống, nuôi dưỡng tĩnh mạch đến khi sự lưu thông của ống tiêu hoá được bác sĩ thăm khám ghi nhận.
Khi được cho ăn lại, người bệnh cần:
- Chia nhỏ bữa ăn nhiều lần trong ngày.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo, cơm nhão. Cần tăng từ từ lượng và độ rắn của thức ăn.
- Tránh ăn quá no, ăn nhiều chất béo khó tiêu.
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ.
- Tránh quá lo lắng, căng thẳng.
Theo dõi sau điều trị
- Cần dùng thuốc đúng quy định dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng. Không tự ý ngưng thuốc hay bỏ thuốc.
- Tự theo dõi các tác dụng phụ nếu có của thuốc: ngứa, nổi mày đay, khó thể để báo bác sĩ kịp thời.
- Theo dõi các triệu chứng của bệnh như: tình trạng nôn, buồn nôn, đầy bụng, đi tiêu phân đen hay có máu, trung tiện, sốt, vết mổ (màu sắc, dịch bất thường của vết mổ).
Lưu ý, bệnh nhân cần tái khám ngay khi có các triệu chứng tái phát: đau bụng, nôn ói, bí trung đại tiện, chướng bụng; hoặc đau, sưng, chảy dịch bất thường vết mổ nếu có.
Tắc ruột quả thực không quá khó để nhận biết. Chỉ cần thận trọng với các triệu chứng như đau, nôn, bí trung và đại tiện, chúng ta đã có thể phát hiện được phần lớn các trường hợp. Chẩn đoán sớm và điều trị sẽ mang lại kết quả rất khả quan. Vì vậy, hãy đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào và đừng nên cố gắng điều trị tắc nghẽn đường ruột tại nhà, bạn nhé!