Khi nói chuyện hoặc phát biểu trước đám đông, phần lớn chúng ta thường có tâm lý lo lắng, áp lực. Khi gặp stress, cơ thể sản sinh ra nhiều hormone stress khiến nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đổ mồ hôi nhiều,… Để có thể tự tin giao tiếp, nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, bạn cần phải áp dụng một số biện pháp tức thời, song song với đó, bạn cũng cần thường xuyên rèn luyện một số kỹ năng để cải thiện tình trạng mất bình tĩnh của mình. Dưới đây là một số cách giữ bình tĩnh trước đám đông mà bạn có thể thử.
Cách giữ bình tĩnh trước đám đông bằng việc chuẩn bị tâm lý
Tâm lý là điều khiến bản thân mất bình tĩnh trước bất kỳ sự việc gì. Do đó, bạn cần giải quyết suy nghĩ của mình trước.
Tự thôi miên bản thân
Một trong những cách giữ bình tĩnh khi nói chuyện là tự nhủ trong đầu bản thân đang phấn khích và mong ngóng được giao tiếp với nhiều người. Biểu hiện của suy nghĩ này có thể là thẳng lưng, mỉm cười hoặc cố gắng kiểm soát tay chân không bị run. Nhờ những suy nghĩ tích cực này mà não bộ của bạn sẽ cảm nhận cơ thể đang thoải mái, tự tin. Từ đó, hormone stress sẽ không bị tiết ra nhiều giúp giảm thiểu tình trạng run, mất kiểm soát.
Bỏ qua sự chú ý từ mọi người
Một nguyên nhân khiến bạn run khi nói trước đám đông chính là tâm lý sợ bị người khác đánh giá. Những suy nghĩ kiểu “mình làm thế này có đúng không? có vừa lòng mọi người không? Họ đang nói gì về mình chăng?…” sẽ chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của bạn. Từ đó, bạn sẽ trở nên bối rối, kém linh hoạt trong cách ứng phó. Vì vậy cách giữ bình tĩnh khi nói chuyện là bỏ qua ánh mắt xét nét của mọi người, hãy là chính mình.
Giữ bình tĩnh trước đám đông bằng việc xây dựng thói quen
Giữ bình tĩnh khi nói chuyện bạn có thể rèn luyện hàng ngày để cải thiện tình trạng lo lắng, căng thẳng khi đứng trước đám đông.
Rèn luyện giọng nói
Giọng nói là phương tiện để truyền tải thông tin giữa người với người. Do đó, cách giữ bình tĩnh khi nói chuyện là thường xuyên rèn luyện giọng nói. Không chỉ rèn luyện trước khi lên thuyết trình, phát biểu, mà ngay cả trong sinh hoạt thường ngày, bạn cũng cần dành thời gian để rèn luyện giọng nói.
Khi bạn cảm thấy giọng bị run, khàn hoặc nói không rõ như thường ngày nghĩa là cổ họng bạn chưa sẵn sàng cho buổi thuyết trình. Vì vậy bạn cần tập nói trước khi đứng trước đám đông để cổ họng được quen với môi trường mới.
Ngoài ra, bạn không nên sử dụng đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê bởi chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giọng. Hãy tự thưởng cho bản thân những thức uống này sau khi hoàn thành buổi thuyết trình.
Tập hít thở
Hít thở sâu là phương pháp cơ bản để giữ bản thân bình tĩnh trong mọi tình huống. Cách thức này còn giúp bạn hạ hỏa khi tức giận, tăng cường sự tập trung. Đây cũng là cách giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác thư giãn tinh thần tốt. Bạn hãy hít một hơi sâu bằng mũi, đếm 6 giây rồi thở ra từ từ, nhẹ nhàng bằng miệng. Hãy lặp lại điều này 3 lần trước khi chuẩn bị bước lên sân khấu.
Không cố gắng nhớ chính xác từng từ
Nhiều người quan niệm rằng, để tránh hồi hộp khi thuyết trình cần chuẩn bị một tập kịch bản cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên điều này vô tình khiến bạn lệ thuộc vào kịch bản. Bạn sẽ luôn cố gắng ghi nhớ chính xác từng từ, bản thân sẽ rơi vào trạng thái lo lắng khi nói sai dù chỉ một chữ.
Thế nhưng bạn hãy nhớ rằng không phải bạn đang trả bài cho khán giả mà đang truyền đạt thông điệp đến họ. Vì vậy, bạn chỉ cần nhớ những ý chính và thể hiện nỏ bằng cách diễn đạt của riêng mình. Nếu vô tình quên hay sai vài chữ thì cũng đừng dừng lại mà hãy tiếp tục một cách tự nhiên.
Cách giữ bình tĩnh trước đám đông bằng môi trường xung quanh
Các yếu tố từ môi trường cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bạn khi thuyết trình trước nhiều người. Dưới đây là một số mẹo nhỏ thay đổi môi trường xung quanh để bạn thoải mái nói chuyện với nhiều người.
Sử dụng ánh sáng mờ
Đây là thủ thuật nhỏ giúp bạn giảm căng thẳng khi nói chuyện với người khác. Bạn có thể tắt đèn hoặc mở ít đèn và bật máy chiếu. Khi đó, khán giả sẽ chú ý vào màn hình thay vì vào bạn. Khi không còn là trung tâm của mọi ánh nhìn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài ra, ánh sáng mờ ảo cũng khiến không gian trở nên gần gũi, ấm cúng hơn, bạn cũng sẽ phát biểu, trò chuyện một cách tự nhiên hơn.
Tương tác mắt với người có phản ứng tích cực
Nhiều người thuyết trình cố tình tránh ánh nhìn người khác để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, cách này khiến mắt bạn không tìm được điểm cố định, đảo qua đảo lại, biểu hiện này khiến bạn trông có vẻ thiếu tự tin, thiếu chính trực. Ngoài ra, việc này khiến người nghe cảm thấy thiếu sự tôn trọng. Do đó, bạn có thể nhìn vào đối phương khi giao tiếp nhưng bằng cách nhìn vào trán của họ thay vì mắt.
Ngoài ra, bạn có thể chọn giao tiếp mắt với người mà bạn cảm thấy thoải mái. Cụ thể, bạn có thể chọn người hay cười và gật đầu khi bạn thuyết trình. Đó có thể là bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp thân thiết ngồi dưới. Điều này hỗ trợ đắc lực cho bài nói của bạn trở nên suôn sẻ.
Cách giữ bình tĩnh trước đám đông bằng khoảng lặng
Khi có buổi thuyết trình, nhiều người có thói quen tưởng tượng ra những tình huống xấu. Những lúc này, suy nghĩ tích cực sẽ là phương pháp hiệu quả nhất. Thay vì lo lắng cho tương lai, bạn có thể nghĩ đến những lần thuyết trình suôn sẻ trong quá khứ để làm động lực cho hiện tại. Điều này sẽ giúp nâng cao sự tự tin trong bạn.
Trên đây là các cách giữ bình tĩnh trước đám đông mà bạn có thể áp dụng nhằm hạn chế tình trạng hồi hộp hay mất bình tĩnh trước đám đông một cách hiệu quả nhất.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp