Bánh chưng là món ăn ngày Tết không thể thiếu của người Việt Nam. Nhưng món ăn này lại chứa nhiều calo khiến mọi người e ngại. Vì vậy năm nay đã có thêm một lựa chọn mới đó là bánh chưng gạo lứt rất tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về loại bánh chưng này nhé!
1Vì sao nên chọn ăn bánh chưng gạo lứt?
Gạo lứt được gọi là thực phẩm vàng đối với sức khỏe của con người. Lớp cám lụa ở ngoài gạo lứt có dinh dưỡng chiếm đến 90%, gấp 2 lần so với các loại gạo thông thường khác. Gạo lứt có chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng như các loại vitamin và các nguyên tố vi lượng khác.
Đặc biệt gạo lứt còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như chống lão hóa da, tốt cho hệ tim mạch, cơ xương khớp, người đang ăn kiêng, người bị ung thư và vô vàn lợi ích khác.
Gạo lứt khi nấu lên sẽ mang trong mình một màu đỏ rất đẹp. Trong ngày Tết, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc.
Chính vì thế, làm bánh chưng gạo lứt vào ngày Tết không chỉ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe mà còn đem lại sự may mắn và tài lộc trong năm mới.
Bánh chưng gạo lứt giàu chất xơ, giúp no lâu
2Bánh chưng gạo lứt bao nhiêu calo?
Việc sử dụng gạo lứt thay thế gạo thông thường trong mỗi bữa ăn là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Đối với 100g gạo lứt thì sẽ cung cấp cho cơ thể 110kcal, một miếng bánh chưng gạo có chứa gạo nếp lứt, đậu xanh và thịt sẽ cung cấp cho cơ thể 325kcal.
Vậy nên những người đang mắc bệnh lý tiểu đường hoặc đang muốn giảm cân thì nên cân nhắc khi sử dụng tránh ăn quá nhiều bánh chưng gạo lứt.
1 miếng bánh chưng gạo lứt cung cấp cho cơ thể khoảng 325kcal
3Nguyên liệu
Nguyên liệu để làm bánh chưng gạo lứt bao gồm:
- Gạo lứt: 500g.
- Gạo nếp trắng: 300g.
- Đậu xanh chà vỏ: 280g.
- Thịt ba rọi: 500g.
- Gia vị: Đường, bột ngọt, muối, hành tím, tiêu, nước mắm.
- Lá dong.
- Dây lạt.
Nguyên liệu làm bánh chưng gạo lứt
4Cách làm bánh chưng gạo lứt
Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên bạn trộn gạo lứt với gạo nếp trắng và đem đi vo sạch. Sau đó bạn hãy pha một muỗng cà phê muối vào nước và ngâm trong gạo khoảng 12 tiếng. Làm như vậy sẽ giúp gạo mềm hơn và ngon hơn.
Sau đó bạn vo sạch đậu xanh và ngâm trong nước có chứa một muỗng cà phê muối trong 4 tiếng.
Sau khi gạo và đậu xanh đã ngâm xong, bạn vớt ra và để ráo nước. Bạn để đậu xanh vào tô và cho 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng muối, 1/4 muỗng bột ngọt rồi trộn đều các gia vị.
Bạn cắt thịt ba rọi dày thành từng miếng nhỏ, mỗi miếng dày khoảng 1cm. Sau đó cho vào 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng muối, 1/3 muỗng bột ngọt, 10ml nước mắm, 50g hành tím thái lát, 1/2 muỗng tiêu xay và trộn đều.
Sơ chế lá dong
Bạn rửa sạch lá dong qua nước sau đó để ráo nước, bước này sẽ giúp bánh giữ được lâu hơn. Tiếp theo bạn lật úp lá và gọt phần sống của lá dong để khi gói bánh, lá sẽ mềm và dễ gói hơn nhiều.
Gói bánh
Đầu tiên bạn lật úp lá dong thứ nhất nằm ngang. Sau đó bạn để lá dong thứ hai nằm ngửa thành hình dấu thập.
Bỏ một chén gạo lứt lên lá dong và trải đều nếp ra. Sau đó đổ ½ chén đậu xanh và trải đều ra. Tiếp tục, đặt một lát thịt ba rọi đã ướp sẵn lên mặt đậu xanh và đổ thêm 1/2 chén đậu xanh còn lại phủ kín thịt. Cuối cùng là phủ toàn bộ đậu và thịt bằng một chén gạo lứt.
Sau đó bạn lấy hai đầu lá dong thứ nhất gấp lên nhân bánh rồi dùng dây cột lại để cố định. Tiếp tục gấp hai đầu lá còn lại để bánh không bị lòi ra ngoài. Khi hai đầu lá được gấp thành hình chữ nhật , bạn dùng dây buộc hai đầu lại.
Sau đấy dùng 6 dây lạt buộc lên chiếc bánh để được chiếc bánh chưng gạo lứt có hình vuông đẹp mắt.
Nấu bánh
Bạn có thể đặt bánh vào nồi áp suất để nấu bánh nhanh hơn. Bạn đổ nước ngập 2/3 nồi và bắt đầu cho bánh vào nấu. Sau khi nấu được một tiếng, bạn mở nắp ra đảo đầu bánh và tiếp tục thêm 2/3 nước sôi để nguội vào nồi. Tiếp tục nấu thêm một tiếng.
Khi bánh chín, vớt bánh ra khỏi nước và ngâm nước lạnh trong vòng 5 phút. Để bánh có thể ngon hơn và chắc hơn, bạn có thể ép bánh trong 1 giờ.
5Thành phẩm bánh chưng gạo lứt
Bánh sẽ có màu đỏ nâu rất đẹp. Bánh rất chắc và khi cắt ra sẽ mềm và dẻo. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được mùi bánh rất thơm và sự béo ngậy của đậu xanh.
6Lưu ý khi làm bánh chưng gạo lứt
Một số lưu ý khi làm bánh chưng gạo lứt để bánh có thể ngon hơn:
- Bạn nên chọn lá dong bánh tẻ, tán lá rộng, có màu xanh đậm và phải tươi để gói bánh. Những lá dong đạt tiêu chuẩn sẽ gói bánh dễ dàng hơn và ngăn không cho nước vào bánh.
- Khi bỏ đậu xanh và gạo nếp lứt vào để gói bánh, bạn nên bỏ từng lớp một và mỗi lớp chỉ nên dày khoảng 1/2 ngón tay trỏ. Nếu bạn đổ quá dày thì bánh sẽ lâu chín và khó gỡ bánh.
- Bạn nên buộc chặt dây lạt để nước không chảy vào trong nhân vì nếu nước thấm vào trong thì bánh sẽ bị chảy xệ và không dùng được lâu.
- Nếu nấu bánh chưng có những đặc điểm như hạt gạo tròn, mập, ngắn và dùng tay bấm hạt không bị vỡ thì chắc chắn bánh sẽ rất ngon và chất lượng.
7Cách bảo quản bánh chưng gạo lứt
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi bánh chưng gạo lứt để được trong bao lâu? Nếu như ngày xưa, công nghệ chưa được hiện đại như bây giờ thì bánh chưng rất dễ bị mốc và lên men.
Tuy nhiên hiện nay với cách bảo quản bánh chưng bằng công nghệ hút chân không, bạn hoàn toàn có thể bảo quản bánh chưng tối đa 20 ngày mà không gặp phải tình trạng nấm mốc hoặc lên men.
8Nhược điểm của bánh chưng gạo lứt
- Về màu sắc: Đối với những gia đình quan trọng về việc phong tục tập quán thì thường chọn bánh có màu xanh để thắp hương vì màu xanh của đất trời, mang ý nghĩa tốt lành. Vậy nên bánh chưng gạo lứt mang màu đỏ, thậm chí tím đen (tùy loại gạo lứt) sẽ không phù hợp để dâng cúng tổ tiên.
- Về calo: Bánh chưng là loại thực phẩm chứa nhiều Calo và bánh chưng gạo lứt cũng không hề ngoại lệ, nó chỉ đảm bảo cho bạn về mặt dinh dưỡng và sức khỏe nhưng không cải thiện nhiều về mức năng lượng.
Xem thêm:
- 12 cách ăn uống giảm cân lành mạnh không thể bỏ qua
- 16 loại thực phẩm giảm cholesterol giúp tim bạn khỏe mạnh