Nếu tình trạng ra nhiều mồ hôi xảy ra thường xuyên và kéo dài thì rất có thể đó là biểu hiện của chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis). Cần phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác vấn đề và có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, tăng tiết mồ hôi thường xảy ra trên toàn thân hoặc nhiều khu vực trên cơ thể chứ không chỉ riêng vùng dưới cánh tay.
Nguyên nhân gây ra nhiều mồ hôi
Tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều hay còn gọi là chứng tăng tiết mồ hôi xảy ra khi các dây thần kinh truyền tín hiệu đến các tuyến mồ hôi dù không bị kích hoạt bởi các yếu tố như nhiệt độ cao hay hoạt động mạnh và các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức.
Nghiên cứu cho thấy rằng ở một số người, chứng tăng tiết mồ hôi là do di truyền nhưng gen cụ thể gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định. (1)
Một số bệnh lý cũng có thể gây đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, chẳng hạn như bệnh tim mạch, mãn kinh, đột quỵ, cường giáp, ung thư,…
Đổ mồ hôi nhiều cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn một số thuốc chống trầm cảm, thuốc trị đau nửa đầu, thuốc giảm đau và thuốc trị bệnh tiểu đường.
Các cách giảm mồ hôi nách
Có nhiều biện pháp để làm giảm hoặc ngăn mồ hôi ở vùng dưới cánh tay.
1. Sử dụng chất chống mồ hôi
Nhiều người sử dụng chất khử mùi (deodorant) để đối phó với tình trạng nách ra nhiều mồ hôi nhưng không có tác dụng. Nách nhiều mồ hôi là do các tuyến mồ hôi ở khu vực này hoạt động quá mức trong khi chất khử mùi lại chỉ có tác dụng làm giảm mùi hôi chứ không ngăn cản hoạt động của các tuyến mồ hôi. Do đó, sử dụng chất khử mùi không phải giải pháp phù hợp cho vấn đề này. Thay vào đó nên sử dụng chất chống mồ hôi (antiperspirant).
Chất chống mồ hôi vừa tiêu diệt vi khuẩn gây mùi và vừa ngăn sự tiết mồ hôi từ các tuyến mồ hôi dưới cánh tay. Điều này sẽ giúp giảm bớt cảm giác khó chịu và ngăn mùi cơ thể do mồ hôi ra nhiều.
Tuy nhiên, đối với một số người bị ra nhiều mồ hôi, các chất chống mồ hôi không kê đơn cho hiệu quả không cao. Nếu như cảm thấy chất chống mồ hôi thông thường không hiệu quả thì hãy thử chuyển sang các loại chất chống mồ hôi chứa lượng aluminum chloride cao hơn (ít nhất 13%). Aluminum chloride (nhôm clorua) là một thành phần hoạt tính có trong nhiều loại chất chống mồ hôi.
Và nếu đã dùng những sản phẩm này mà tình trạng ra nhiều mồ hôi vẫn không cải thiện thì hãy đi khám để được bác sĩ kê các loại chất chống mồ hôi mạnh hơn.
Điều quan trọng là phải sử dụng chất chống mồ hôi đúng cách:
- Thoa chất chống mồ hôi lên vùng da sạch, khô (không thoa khi đã ra mồ hôi và khi da vẫn còn ẩm sau khi tắm).
- Sử dụng chất chống mồ hôi sau khi tắm vào buổi tối vì đây là lúc cơ thể mát mẻ nhất và chất chống mồ hôi sẽ phát huy tác dụng tối đa.
- Loại bỏ lông dưới cánh tay vì lông sẽ ngăn cản hoạt động của chất chống mồ hôi. Tuy nhiên, không thoa chất chống mồ hôi ngay sau khi cạo lông vì lúc này da đang bị tổn thương và chất chống mồ hôi có thể gây kích ứng da.
- Kiên nhẫn sử dụng đều đặn hàng ngày. Có thể phải mất đến 4 ngày để chất chống mồ hôi cho hiệu quả rõ rệt.
2. Không mặc quần áo ngay sau khi tắm
Sau khi tắm, hãy chờ một vài phút để người khô hoàn toàn rồi mới mặc quần áo, đặc biệt là khi tắm nước nóng hoặc sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm. Điều này sẽ giúp giảm mồ hôi dưới cánh tay ngay sau khi tắm.
3. Loại bỏ lông nách
Loại bỏ lông nách có thể giúp làm giảm mồ hôi. Lông giữ ẩm trên bề mặt da và khi vùng dưới cánh tay có lông, mồ hôi sẽ lâu khô hơn.
Đối với những người bị ra nhiều mồ hôi nách, việc làm sạch lông ở khu vực này lại càng cần thiết. Việc loại bỏ lông còn giúp giảm hoặc ngăn ngừa mùi cơ thể.
4. Tránh các loại đồ ăn gây đổ mồ hôi
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến lượng mồ hôi. Một số loại thực phẩm có thể khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn bình thường.
Nếu như cảm thấy nách đổ nhiều mồ hôi thì hãy thử cắt giảm hoặc loại bỏ các loại thực phẩm làm tăng tiết mồ hôi trong chế độ ăn, chẳng hạn như thực phẩm ít chất xơ, đồ ăn chứa nhiều natri và thực phẩm giàu chất béo.
Khi ăn những thực phẩm có hàm lượng chất xơ thấp, hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc nhiều hơn để phân hủy thức ăn và điều này có thể khiến cho cơ thể dễ đổ mồ hôi. Khi chế độ ăn có lượng natri cao, cơ thể sẽ phải tăng tiết mồ hôi để đào thải lượng natri thừa. Và khi ăn đồ ăn giàu chất béo, quá trình xử lý chất béo sẽ làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Lúc này, các tuyến mồ hôi sẽ tiết ra nhiều mồ hôi hơn để cân bằng thân nhiệt.
Một số loại thực phẩm và đồ uống khác cũng có thể khiến vùng dưới cánh tay ra nhiều mồ hôi còn có:
- Thực phẩm chế biến sẵn công nghiệp
- Đồ uống có cồn
- Tỏi và hành tây
- Đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê
- Món ăn cay, nóng
- Kem
5. Ăn nhiều thực phẩm làm giảm mồ hôi
Một số loại thực phẩm có thể giúp làm dịu các tuyến mồ hôi đang hoạt động quá mức và làm giảm lượng mồ hôi.
Để giảm mồ hôi bằng chế độ ăn uống, hãy lựa chọn các loại thực phẩm không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, không kích thích hệ thần kinh và có chứa các chất làm dịu hoạt động của hệ thần kinh.
Một số loại thực phẩm và đồ uống giúp giảm tiết mồ hôi gồm có:
- Nước
- Thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa
- Hạnh nhân
- Chuối
- Đạm whey
- Rau và trái cây có hàm lượng nước cao, ví dụ như dưa hấu, nho, dưa vàng, bông cải xanh, cải bó xôi, bông cải trắng, ớt chuông, cà tím,…
- Dầu ô liu
- Yến mạch
- Trà xanh
- Khoai lang
6. Uống đủ nước
Uống nhiều nước và ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao có thể giữ cho cơ thể mát mẻ và ngăn tiết mồ hôi quá nhiều ở vùng dưới cánh tay.
7. Mặc áo rộng rãi, thoáng mát
Mặc áo chật, đặc biệt là áo bó sát ở vùng nách có thể góp phần gây tăng tiết mồ hôi và tạo ra vệt mồ hôi trên áo.
Nên chọn áo bằng chất liệu vải thoáng mát và rộng rãi. Điều này sẽ giúp hạn chế ra mồ hôi ở vùng dưới cánh tay và ngăn mồ hôi thấm lên áo.
8. Hạn chế caffeine
Caffeine kích thích hệ thần kinh và làm tăng tiết mồ hôi. Caffeine còn làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn.
Việc uống các thức uống nóng chứa caffeine như trà hay cà phê sẽ khiến cho cơ thể càng đổ mồ hôi nhiều hơn vì khi thân nhiệt tăng, tuyến mồ hôi phải tiết ra nhiều mồ hôi hơn để hạ nhiệt độ. Để giảm mồ hôi thì hãy cắt giảm hoặc tránh hoàn toàn những món chứa caffeine.
9. Không hút thuốc lá
Giống như caffeine, chất nicotine trong thuốc lá cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến tim đập nhanh hơn và làm cho các tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn.
Hút thuốc còn gây ra nhiều vấn đề khác liên quan đến vệ sinh và sức khỏe như hôi miệng, răng ố vàng và ung thư.
Vì vậy, nếu như đang hút thuốc thì hãy bỏ càng sớm càng tốt để giảm mồ hôi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
10. Tiêm Botox hoặc phẫu thuật
Nếu đã thử hết các phương pháp trên mà không hiệu quả thì có thể cân nhắc các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox hoặc phẫu thuật để ngăn ra mồ hôi nách.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm Botox giúp điều trị hiệu quả tình trạng ra nhiều mồ hôi dưới cánh tay. (2)
Botox là một loại độc tố thần kinh có tác dụng ngăn cản sự truyền dẫn tín hiệu thần kinh từ các hạch thần kinh giao cảm đến tuyến mồ hôi, nhờ đó làm giảm sự tiết mồ hôi.
Hiệu quả của phương pháp tiêm Botox sẽ mất dần nên cần phải tiêm lại sau một thời gian để duy trì hiệu quả.
Có một số phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi, gồm có phẫu thuật cắt hạch giao cảm ở ngực và cắt tuyến mồ hôi.
Cắt hạch giao cảm ở ngực là một phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ cắt bỏ các hạch thần kinh giao cảm để chặn sự truyền dẫn tín hiệu thần kinh đến các tuyến mồ hôi. Một lựa chọn điều trị khác là cắt hoặc hút tuyến mồ hôi nách.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám nếu đã thử các biện pháp tự khắc phục và thuốc không kê đơn mà tình trạng nách ra nhiều mồ hôi vẫn không cải thiện.
Có thể sẽ phải điều trị bằng cách tiêm Botox, phẫu thuật hoặc dùng thuốc chống mồ hôi kê đơn.
- Đọc thêm: trị hôi nách
Tóm tắt bài viết
Có nhiều cách đơn giản để giảm ra mồ hôi vùng dưới cánh tay, chẳng hạn như thay đổi một số thói quen sống, điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng chất chống mồ hôi.
Nếu những cách này không hiệu quả thì có thể cân nhắc tiêm Botox hoặc một thủ thuật y tế khác để ngăn tiết mồ hôi.