Tai biến mạch máu não là trường hợp khẩn cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí có nguy cơ tử vong cao. Do đó, việc sơ cứu người tai biến mạch máu não kịp thời và đúng cách là điều rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người bệnh mà còn giảm nguy cơ để lại những biến chứng nguy hiểm.
1. Sơ cứu tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là hiện tượng xảy ra do chảy máu não hoặc thiếu máu não do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu. Nó làm giảm hoặc gián đoạn quá trình cung cấp máu cho một phần não bộ, từ đó gây chết các tế bào não. Đột quỵ não thường khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh chóng và có thể tử vong trước 24 giờ sau khởi phát.
Do tình trạng này diễn biến nhanh và nguy hiểm nên việc sơ cứu người mắc tai biến mạch máu não đóng vai trò tiên quyết để cứu sống được bệnh nhân. Sơ cứu khi tai biến là một loạt các thao tác nhanh, chính xác để tránh nguy cơ chuyển biến xấu của người bệnh. Đây cũng là hành động đặc biệt cần thiết trong lúc chờ đợi sự trợ giúp của các nhân viên y tế.
2. Quy trình sơ cứu người mắc tai biến mạch máu não
Sơ cứu cơ bản chính là nền tảng cần thiết cho quá trình điều trị nâng cao. Do vậy, điều quan trọng nhất là người thực hiện sơ cứu phải nắm vững các bước cơ bản để có thể tiến hành cấp cứu liên tục với các thao tác thành thạo. Và đặc biệt là không để bỏ sót những vấn đề quan trọng và hữu ích cho quá trình điều trị về sau. Quy trình các bước sơ cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não bao gồm:
2.1 Xác định bệnh nhân có dấu hiệu của tai biến không?
Những dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não đơn giản có thể dựa vào thang điểm FAST – cụm từ được ghép bởi các ký tự đầu tiên của từ tiếng anh có liên quan đến những cơ quan biểu hiện triệu chứng tai biến, cụ thể đó là:
– F (Face – Khuôn mặt): Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như méo miệng, mặt bị rũ xuống hoặc liệt một bên mặt.
– A (Arm – Tay): Bệnh nhân có cảm giác tê bì tay hoặc có các triệu chứng của liệt vận động, không thể cử động như bình thường. Ngoài ra còn có dấu hiệu của rối loạn cảm giác, rối loạn vận động ở cả tay và chân.
– S (Speech – Lời nói): Khó nói, không hiểu ý nghĩa của lời nói, rối loạn ngôn ngữ…
– T (Time – Thời gian): Thời gian là yếu tố quan trọng bởi nó quyết định đến hướng điều trị của bệnh nhân. Chính vì vậy, trong lúc sơ cứu cần phải theo dõi chính xác thời gian bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tai biến cho tới khi nhập viện.
2.2 Sơ cứu người tai biến mạch máu não bằng cách không để bệnh nhân bị té ngã
Bệnh nhân có thể không tử vong vì tai biến nhưng nếu ngã hoặc va đập mạnh có thể dẫn tới tình trạng chấn thương sọ não. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu của tai biến cần cho nằm trên mặt phẳng, cứng.
Cần chú ý những trường hợp bị ngã chấn thương vùng cổ. Trong tình huống này, biện pháp an toàn nhất đó là cố định vùng cột sống cổ, chỉ di chuyển cơ thể bệnh nhân nếu cần thiết và cần di chuyển đồng bộ cả đầu và thân mình.
2.3 Để bệnh nhân nằm trên mặt phẳng và làm thông thoáng đường thở
Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo nên hướng dẫn thở đều và thở sâu để hỗ trợ tăng lưu thông máu. Người sơ cứu cũng có thể nói chuyện bình tĩnh và tìm cách trấn an người bệnh. Khi thấy bệnh nhân đáp ứng với các kích thích đau như nhéo nhẹ vào da thì cần phải đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
Bình thường, bệnh nhân có thể tự tìm được tư thế thích hợp để làm thông thoáng đường thở. Vì vậy, không nên ép bệnh nhân phải nằm ở tư thế không thoải mái. Có thể nới lỏng quần áo, cà vạt, khăn quàng cổ… giúp thông thoáng và dễ thở hơn.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê hay lên cơ co giật, sùi bọt mép cần nghiêng đầu sang một bên để tránh hiện tượng tắc nghẽn đường thở do đờm dãi. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ vật gì nhét vào miệng hay cố gắng kìm hãm cơn co giật của bệnh nhân.
2.4 Quá trình sơ cứu người tai biến mạch máu não cần gọi trợ giúp và cấp cứu y tế
Song song với các bước sơ cứu, cần phải gọi giúp đỡ từ những người xung quanh và cấp cứu y tế. Khi gọi cần chú ý cung cấp thông tin bệnh nhân đang bị tai biến để được xử lý nhanh chóng nhất.
Thông thường, tế bào não chỉ cần thiếu oxy khoảng 5 – 6 phút thì có thể bị hoại tử và không thể phục hồi trở lại. Vậy nên quá trình sơ cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não cần được xử trí càng nhanh càng tốt.
3. Những điều cần lưu ý khi sơ cứu bệnh nhân tai biến
Đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não, việc rút ngắn thời gian vận chuyển đến bệnh viện cần được diễn ra càng nhanh càng tốt. Không nên áp dụng và điều trị theo bất cứ phương pháp nào tại nhà. Dưới đây là một số những điểm cần tránh khi sơ cứu bệnh nhân tai biến:
– Không nên thực hiện cạo gió cho bệnh nhân.
– Tuyệt đối không lấy máu ở những ngón tay. Vì cảm giác đau có thể làm huyết áp tăng vọt nhanh chóng và làm lan rộng vùng hoạt tử.
– Không vận chuyển người mắc tai biến bằng xe máy.
– Không tự ý điều trị với bất kỳ loại thuốc nào tại nhà.
– Không áp dụng các mẹo dân gian để sơ cứu như bấm huyệt, vắt chanh… vì có thể làm chậm trễ thời gian đưa bệnh nhân tới viện cấp cứu.
– Nếu bệnh nhân bị ngừng thở cần tiến hành hô hấp nhân tạo.
Trên đây là những thông tin cần thiết trong quy trình sơ cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, nếu thấy người thân hay người xung quanh có dấu hiệu tai biến cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ và hướng dẫn tốt nhất. Không nên tự ý điều trị cho bệnh nhân vì có thể gây ra những hậu quả khó lường.