Cách Tạo Blog Cá Nhân Với 9 Bước Đơn Giản Cho Người Mới

Tháng 12/2020, lần đầu tiên tôi bắt đầu mày mò học cách tạo blog cá nhân. Lúc đó, tôi tạo blog miễn phí trên WordPress.com. Sau hơn một tháng sử dụng, tôi quyết định bước vào chặng đường khó khăn hơn khi quyết định từ bỏ công việc full time trong ngành xuất nhập khẩu để thực sự “khởi nghiệp” với blog. Tội lựa chọn nền tảng WordPress đi kèm với hosting để xây dựng blog chuyên nghiệp.

Tôi dành gần hai tháng để học hỏi, cài đặt và chỉnh sửa blog. Quá trình tốn nhiều thời gian công sức này hóa ra cho tôi nhiều bài học quý giá hơn những tất cả những gì bản thân có thể tưởng tượng. Sau tất cả, tôi biết rằng, ai cũng có thể tự tạo blog cá nhân cho riêng mình, dù không rành về kỹ thuật và không có kiến thức về lập trình.

Hướng dẫn này dành cho tất cả những ai muốn bắt đầu một sự nghiệp nghiêm túc với blog. Điều kiện duy nhất bạn cần là kiên trì học hỏi và sẵn sàng hành động hướng tới mục tiêu.

Cùng bắt đầu nhé!

1. Bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?”:

Tại sao bạn muốn tạo blog cá nhân? Một lý do mạnh mẽ, rõ ràng là động lực giúp bạn tiến về phía trước, vượt qua khó khăn và là kim chỉ nam định hướng cho bạn trên con đường tương lai. Hãy viết những lý do của bạn ra giấy hoặc trên ứng dụng điện thoại và lưu giữ vào những nơi dễ nhìn để nhắc nhở bản thân mỗi ngày.

2. Chọn niche (ngách) cho blog

Khi bắt đầu làm blog, tôi từng muốn viết về rất nhiều chủ đề, như lối sống tối giản, tài chính cá nhân, nuôi dạy con và phát triển bản thân. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định chọn phát triển bản thân vì đây là điều tôi thích, đang học hỏi mỗi ngày và thực sự thực hành cuộc sống. Việc bản thân trực tiếp thử nghiệm ắt hẳn sẽ mang lại nhiều ý tưởng, bài học quý giá cho chính tôi và cho cả độc giả.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn thu hẹp hơn nữa. Tôi tập trung vào vấn đề hiểu về bản thân – tự nhận thức (self-awareness). Bên cạnh đó, tôi điểm xuyết một số bài viết về phát triển kỹ năng và làm việc hiệu quả để blog thêm phần đa dạng, phong phú.

Sau đây tôi sẽ trình bày từng bước tôi đã thực hiện để các bạn có thể tham khảo và quyết định ngách viết cho bản thân.

Bước 1: Viết ra tất cả những gì mình yêu thích

Bước 2: Trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Bạn có thể kiên trì viết về chủ đề nào trong vòng 1 năm tới mà không bỏ cuộc? Liệt kê ra 52+ ý tưởng bạn định viết về chủ đề này (tương ứng với một bài viết/1 tuần).
  • Mọi người có quan tâm đến chủ đề bạn định viết? Bạn có thể hỏi những người xung quanh, đồng nghiệp, tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn để khảo sát nhu cầu người dùng hoặc tìm kiếm thông tin trên Google để trả lời cho câu hỏi này.
  • Chủ đề bạn định viết có thể mang lại thu nhập cho bạn? Bạn dự định kiếm tiền như thế nào? Cụ thể bạn sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ gì hay kiếm tiền thông qua các hình thức như tiếp thị liên kết, Google Adsense,…?

Bước 3: Sau khi trả lời được 3 câu hỏi này, bạn đã thu nhỏ được danh sách của mình. Dựa vào những gì đã viết, hãy sử dụng phương pháp loại trừ và tìm ra mảng tiềm năng nhất để bắt đầu.

Bước 4: Khi có được lựa chọn duy nhất, bạn vẫn nên cố gắng thu hẹp hơn nữa.

Gần đây tôi có thực hiện dịch vụ tư vấn miễn phí cho một bạn đang băn khoăn đi tìm ngách viết. Bạn ấy nói đã nghiên cứu về SEO 6 tháng nhưng không muốn chọn niche này vì sợ cạnh tranh. Nếu đây thực sự là mảng yêu thích của bạn, là điều bạn làm tốt, có khả năng đem lại lợi nhuận và có nhiều nhu cầu, tôi nghĩ bạn vẫn có thể bắt đầu mảng này bằng cách thu hẹp lại niche.

Thay vì viết về ngách SEO quá rộng lớn, bạn có thể chỉ viết về SEO cho một nền tảng nào đó như SEO cho Tiktok hoặc SEO cho Youtube. Tập trung vào một chủ đề ngách “vừa đủ” như vậy giúp bạn có thể viết đủ sâu và mang đến nhiều thông tin hữu ích cho người đọc, đặc biệt, thông tin đó có thể họ chưa tìm thấy ở đâu khác. Điều này sẽ tạo ra lợi thế lớn cho bạn – một blogger mới. Khi đã viết đủ nhiều, bạn có thể viết thêm về những chủ đề khác, hoặc xen lẫn những bài viết về các chủ đề khác với tỷ lệ phù hợp trên blog.

Rất hay:  Cách tạo chữ ký đẹp theo tên của bạn - Thủ Thuật Phần Mềm

Một vài niche tiềm năng cho bạn tham khảo.

3. Chọn nền tảng lập blog

Có rất nhiều nền tảng miễn phí để bạn bắt đầu blog như WordPress.com, Wix.com, Blogger.com, Tumblr.com, Medium.com,…Tạo blog cá nhân trên những nền tảng này không hề khó. Bạn chỉ cần truy cập vào trang chủ, đăng ký tài khoản và cài đặt một số tính năng đơn giản là đã có một chiếc blog nhỏ xinh cho mình rồi.

Tuy nhiên, để tạo blog cá nhân chuyên nghiệp, tích hợp nhiều tính năng như ý muốn, các nền tảng miễn phí bộc lộ nhiều hạn chế. Bạn không có nhiều lựa chọn tùy biến và không thể chỉnh sửa blog theo ý muốn nếu không nâng cấp lên gói trả phí. Bởi vậy, khi quyết định xây dựng sự nghiệp blog chuyên nghiệp, tôi đã chuyển sang sử dụng WordPress kèm hosting.

Một số điểm nổi bật của blog xây dựng trên nền tảng WordPress kèm hosting đó là quyền tự chủ về website, tên miền riêng (không có thành phần wordpress.com, wix.com đi kèm). Bạn cũng có thể dễ dàng tùy biến giao diện, tính năng bằng việc cài đặt theme và plugin. Với kho theme và plugin đồ sộ, bạn có thể tùy biến không giới hạn theo ý thích với chi phí cực ưu đãi.

Độc giả của bạn cũng sẽ không bị làm phiền bởi những quảng cáo hiển thị trên blog. Nếu muốn kiếm tiền từ một số hình thức như Adsense, bạn cũng không phải chia sẻ lợi nhuận với bên thứ ba.

Bên cạnh WordPress kèm hosting, một số lựa chọn khác phù hợp với người mới bắt đầu có thể kể đến Wix, Squarespace.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ giới thiệu về cách tạo blog cá nhân trên nền tảng WordPress kèm hosting (self-hosted blog). Tôi cho rằng đây là nền tảng tốt nhất để bạn bắt đầu xây dựng một blog chuyên nghiệp.

4. Chọn nhà cung cấp hosting và domain

Nếu bạn cũng lựa chọn nền tảng WordPress kèm hosting, bạn sẽ cần phải thuê hosting (máy chủ để lưu trữ dữ liệu) và domain (tên miền).

Có rất nhiều nhà cung cấp hosting và domain để bạn lựa chọn. Có thể kể đến các nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng ở nước ngoài như Bluehost, Hostinger, Hawkhost, Stablehost,…Ngoài ra, Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều dịch vụ cung cấp hosting để bạn bắt đầu với giá hợp lý như AZDIGI, iNet,…

Với The Introvert Writer, tôi lựa chọn AZDIGI của anh Thạch Phạm vì ba lý do.

Một là tôi không sử dụng thẻ tín dụng.

Hai là website của tôi dành cho người Việt nên nhà cung cấp hosting ở Việt Nam đem lại lợi thế về tốc độ đường truyền và không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp.

Cuối cùng, tôi tin tưởng anh Thạch Phạm vì những giá trị anh mang đến cho cộng đồng người sử dụng WordPress tại Việt Nam. Chắc hẳn, nếu quan tâm đến blog, bạn cũng đã từng nghe đến cái tên Thạch Phạm.

Ban đầu, tôi lựa chọn gói shared hosting giá AZPro 2 45.0000/tháng vì gói này cho phép sử dụng 2 domain. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu từ gói 29.0000/tháng và nâng cấp đơn giản sau khi nhu cầu tăng lên. Đây là mức giá khá hợp lý cho những ai mới bắt đầu blog.

Tôi cũng mua luôn tên miền trên AZDIGI vì không muốn mất công thanh toán nhiều lần và bỏ được bước trỏ tên miền về hosting khá rắc rối nếu mua ở nhà cung cấp khác. Chi phí mua tên miền trên AZDIGI không rẻ. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể lựa chọn một số nhà cung cấp khác như Namecheap, Godaddy hay iNet (Việt Nam).

Đánh giá nhanh về AZDIGI:

Ưu điểm:

  • Dịch vụ shared hosting có tốc độ đường truyền tốt
  • Hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, nhiệt tình. Chỉ vài phút sau khi gửi ticket, đội ngũ kỹ thuật đã feedback và giải quyết vấn đề hiệu quả. Ngoài ra, có thể tìm kiếm hỗ trợ qua livechat hoặc trung tâm trợ giúp của AZDIGI.
  • Thanh toán vô cùng tiện lợi.
  • Thao tác thanh toán và sử dụng dịch vụ dễ dàng, không rắc rối

Nhược điểm:

  • Giá cả mắc hơn so với một số nhà cung cấp khác
  • Dung lượng lưu trữ cho các gói shared hosting không nhiều. Nếu bạn nào cần tạo blog cá nhân về các lĩnh vực nghệ thuật, cần nhiều tài nguyên để upload hình ảnh, video, cần cân nhắc sử dụng gói hosting khác hoặc từ các nhà cung cấp khác.

Để hỗ trợ một số khách hàng tạo blog cá nhân, tôi đã tìm kiếm một giải pháp khác cho những người cần sử dụng dung lượng lưu trữ lớn ngay từ ban đầu. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi lựa chọn Hostinger.

Đánh giá nhanh về Hostinger

Ưu điểm:

  • Chi phí cực kỳ hợp lý nếu bạn lựa chọn gói 4 năm. Chi phí để bắt đầu chưa tới 30 nghìn/tháng nhưng bạn được sở hữu dịch vụ lưu trữ web với 30GB dung lượng, tài khoản email, SSL miễn phí, bảng điều khiển dễ sử dụng. Nói chung đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những người mới bắt đầu tạo blog cá nhân.
  • Hỗ trợ người dùng 24/7 nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đặc biệt, dù là hosting của nước ngoài nhưng Hostinger có website bằng tiếng Việt và đội ngũ hỗ trợ bằng tiếng Việt nên thuận tiện hơn so với các dịch vụ hosting nước ngoài khác
  • Thanh toán tiện lợi, dễ dàng với người Việt Nam.
Rất hay:  Tấm Cách Nhiệt Cát Tường, Tấm Chống Nóng Cát Tường

Nhược điểm:

  • Tốc độ đường truyền không được tốt, có thể bị ảnh hưởng bởi sự cố nếu so với dịch vụ hosting trong nước như AZDIGI.

5. Chọn tên miền cho blog

Quá trình này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Vì hầu như những cái tên đẹp nhất, dễ nhớ nhất đã thuộc sở hữu của người khác. Tuy nhiên, sẽ luôn có một cái tên ấn tượng dành cho bạn và thuộc về bạn. Chỉ cần bạn nhìn sâu vào bên trong để suy nghĩ thực sự nghiêm túc về những giá trị bạn có thể mang lại cho người khác.

Có hai kiểu bạn có thể lựa chọn:

  • Tên miền thể hiện thương hiệu cá nhân (tên của bạn, tên viết tắt, nickname, bút danh…). Ví dụ: theintrovertwriter.com, elnacain.com, mrmoneymustache.com…
  • Tên miền thể hiện mục đích, ý nghĩa blog. Ví dụ: becomingminimalist.com, makelivingwriting.com, bemorewithless.com,…

Lưu ý khi chọn tên miền:

  • Nên ngắn gọn, không quá 14 ký tự.
  • Ưu tiên tên miền .com
  • Nên dễ nhớ, dễ đánh vần và phát âm.
  • Tránh sử dụng số và dấu gạch nối.
  • Đơn giản nhất bạn hãy sử dụng chính tên của mình. Lựa chọn này cũng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân trong tương lai.
  • Cuối cùng, hãy kiểm tra tên miền bạn chọn liệu có sẵn để sử dụng hay không bằng cách truy cập vào các trang cung cấp dịch vụ tên miền hoặc hosting như domain.com, namecheap.com,…

6. Cài đặt WordPress

Sau khi đã thực hiện mua xong tên miền và hosting, bạn hãy truy cập vào trang khách hàng của dịch vụ hosting, tìm đến bảng điều khiển Cpanel và chọn WordPress để cài đặt rất dễ dàng chỉ với một cú nhấp chuột.

7. Tùy biến blog

Sau khi cài đặt xong WordPress là lúc bạn đối mặt với vấn đề thách thức nhất nhưng cũng không kém phần thú vị. Đó là tùy biến blog phù hợp với sở thích cá nhân.

Cài đặt theme (giao diện)

WordPress cung cấp kho theme đồ sộ hoàn toàn miễn phí cho bạn cực nhiều lựa chọn về giao diện cho blog. Một số nhà cung cấp theme uy tín bạn có thể chọn lựa như Astra, Divi, Genesis Press, Hello Elementor, Mythemeshop, Themeforest, CSSIgniter…Các bạn yêu tông màu pastel nhẹ nhàng, tươi sáng và ưa thích sự tối giản nhiều khả năng sẽ muốn cài đặt những giao diện đến từ nhà cung cấp Blossom Theme hay 17th Avenue.

Cách cài đặt theme:

Đăng nhập vào bảng điều khiển (Dashboard) của WordPress. Ở phía bên tay trái, bạn chọn Themes (Giao diện) → Add new (Thêm mới). Say đó, bạn sẽ được chuyển đến màn hình có chứa rất nhiều giao diện miễn phí của WordPress. Tại đây, bạn có thể lựa chọn giao diện mình thích và nhấp chuột vào Install (Cài đặt) → Activate (Kích hoạt). Hoặc upload file theme (đuôi .zip) từ máy tình và làm tương tự.

Cài đặt plugin

Để bổ sung các tính năng quan trọng cho website như bảo mật, tăng tốc, lưu trữ dữ liệu và tối ưu SEO, bạn sẽ cần sự trợ giúp của một số plugin phổ biến.

Có thể kể đến:

  • Akismet – Giúp lọc comment, hạn chế spam.
  • Yoast SEO hoặc Rank Math SEO – Giúp tối ưu SEO cho trang web.Contact Form 7 – Tạo form liên hệ, đặt lịch hẹnGoogle Site Kit: Tích hợp Search Console, Analytics, Adsense và Page Speed Inside giúp kiểm tra và phân tích hoạt động của website
  • iThemes Security: Tăng cường bảo mật cho website
  • WP Rocket: Tăng tốc website mạnh mẽ, hiệu quả và dễ sử dụng
  • Updraft Plus: Giúp sao lưu, khôi phục dữ liệu website một cách nhanh chóng.
  • Elementor: Giúp tạo trang đơn giản, hiệu quả chỉ bằng cách kéo thả các phần tử, các khối mà không cần biết code
  • Easy Table of Contents: Chèn mục lục cho bài viết
  • Imagify hoặc WebP Converter: Tối ưu hình ảnh
  • WP Mail SMTP : Cấu hình gửi email trong WordPress
  • WooCommerce: Hỗ trợ tính năng thương mại điện tử

Cách cài đặt plugin:

Đăng nhập vào bảng điều khiển (Dashboard) của WordPress. Ở phía bên tay trái, bạn chọn Plugin → Add New (Thêm mới) rồi gõ tên plugin bạn muốn cài đặt. Sau đó, nhấn vào nút Install (Cài đặt) → Activate (Kích hoạt) để bắt đầu thiết lập cài đặt cho plugin.

Cấu hình blog cơ bản

Cài đặt thông tin cơ bản cho blog

Bao gồm blog’s title (tiêu đề của blog), description (mô tả về blog), language (ngôn ngữ bạn sử dụng), upload favicon – một hình icon được hiển thị ở góc trên cùng của trình duyệt, thông tin người dùng (tên, hình ảnh, mô tả ngắn,..).

Rất hay:  [Siêu tổng hợp] 1000+ Mẫu hình xăm chữ Family ở ngực đẹp cho nam 2023

Cài đặt cấu trúc đường dẫn tĩnh (Permanent link)

Đường dẫn tĩnh mặc định trong WordPress sẽ có dạng http://www.blogcuaban.com/?p=123.

Đường dẫn như vậy không thân thiện với người dùng và sẽ gây khó khăn cho việc thu thập dữ liệu của các công cụ tìm kiếm.

Bởi vậy, bạn nên thay đổi cấu trúc đường dẫn tĩnh cho blog. Để thay đổi, bạn truy cập vào bảng điều khiển WordPress (Dashboard), chọn Cài đặt (Settings) và nhấp chuột vào phần Đường dẫn tĩnh (Permanent link), chọn postname (Tên bài đăng). Đây là tùy chọn tốt nhất cho Google và người đọc.

Kiểm tra cài đặt hiển thị blog với công cụ tìm kiếm

Truy cập phần Setting (Cài đặt) → Reading (Đọc) và bỏ dấu tick ở ô “Discourage Search Enigine from Indexing this site” → Save changes.

Tham khảo: How to configure your site

Tạo các trang chính và menu

Tạo trang

Trước khi xuất bản blog cá nhân, bạn cần tạo một số trang cần thiết cho blog như trang giới thiệu (About me – giới thiệu về bạn, blog của bạn và những giá trị bạn có thể mang đến cho độc giả) và trang liên hệ (Contact – giúp độc giả có thể liên hệ với bạn dễ dàng, có thể liên kết đến các tài khoản mạng xã hội phù hợp).

Cách tạo trang khá đơn giản. Từ bảng điều khiển WordPress, bạn chọn Page → Add New và bắt đầu soạn thảo nội dung, tương tự như trên Word. Sau đó, bạn nhấn nút “Publish” ở phía trên cùng bên tay phải.

Tạo menu

Thanh menu giúp điều hướng người dùng, để họ có thể dễ dàng khám phá website của bạn. Hãy đặt những mục quan trọng nhất và cần thiết nhất trên menu của mình.

Để tạo menu, bạn lại truy cập từ bảng điều khiển WordPress, chọn Appearance → Menus. Sau đó, bạn đặt tên cho Menu → chọn “Create menu”. Bây giờ, bạn có thể lựa chọn các thành phần mong muốn từ cột bên trái như Post, Page, Custom Links để thêm vào Menu của mình. Tiếp theo, bạn sắp xếp các thành phần của menu vào vị trí bạn muốn chỉ với thao tác kéo thả đơn giản. Cuối cùng, chọn “Save Menu”.

8. Đăng bài viết đầu tiên

Nhiều người chỉ quan tâm đến giao diện của blog mà quên rằng nội dung mới là linh hồn của blog. Lần đầu tiên lập blog, tôi cũng dành nhiều giờ liền để thay đổi giao diện, tùy chỉnh phông chữ, màu sắc, sắp xếp các thành phần của blog.

Thế rồi thời gian trôi qua, tôi vẫn chưa thể đăng được bài viết nào. Lúc này, tôi nhận ra điều quan trọng nhất mình cần tập trung vào là nội dung chứ không phải bất kỳ điều gì khác. Từ đó, tôi dành phần lớn thời gian tạo ra các bài viết chất lượng, hữu ích cho mọi người.

Tham khảo: Cách Viết Bài Đăng Blog “Chuẩn SEO” Và Chạm Đến Trái Tim Độc Giả (Tặng Blog Post Checklist)

9. Quảng bá blog

Ngay khi xuất bản được bài viết đầu tiên, bạn nên chia sẻ chúng đến mọi người và nhận về phản hồi. Đừng sợ sẽ nhận được những lời nhận xét tiêu cực. Bởi bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ chúng.

Bạn cũng có thể đăng chéo bài viết lên các nền tảng mạng xã hội, group, forum để tiếp cận nhiều độc giả hơn nữa.

Ngoài ra, SEO là một cách thức miễn phí và hiệu quả để đem blog của bạn đến đúng đối tượng độc giả tiềm năng. Bạn nên dành thời gian nghiên cứu thêm về SEO và áp dụng cho blog của mình. Chắc chắn, blog của bạn sẽ có thêm nhiều lượt truy cập chất lượng trong tương lai.

5 khóa học SEO miễn phí chất lượng dành cho bạn:

  • SEO – Hubspot Academy
  • Free SEO by Yoast
  • Become an SEO expert – Linkedin Learning
  • SEO Training Course by Moz – Udemy
  • SEO Training Course – Ahrefs Academy

Bạn biết không? Có đến hơn 66% người dùng không cập nhật blog của họ trong vòng một năm. Tạo blog chỉ là bước đầu tiên bạn cần vượt qua. Để duy trì và phát triển blog, cần rất nhiều sự kiên trì và nỗ lực từ phía bạn. Hãy cố gắng tạo cho mình thói quen viết hàng ngày. Liên tục cập nhật blog theo lịch trình đã định. Tin rằng “Hard work pays off”.

Chúc các bạn blog vui!

FAQs – Câu hỏi thường gặp

*Trong bài viết có sử dụng một số link tiếp thị liên kết, đồng nghĩa với việc tôi sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ một khi bạn sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, điều này không có ảnh hưởng gì tới giá thành và chất lượng sản phẩm của dịch vụ. Tôi chỉ giới thiệu với bạn khi bản thân cũng đã sử dụng hoặc đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cảm thấy thực sự hữu ích với bạn.