Bố mẹ có thể tự dạy bé tập bơi với 8 bước tuần tự dưới đây.
1. Cho trẻ làm quen với nước
Bạn có thể đưa trẻ từ sơ sinh xuống bể bơi để làm quen với nước, chỉ cần lưu ý một số điều cơ bản.
– Luôn giữ bé trong tay bạn.
– Đảm bảo rằng bé mặc bỉm phù hợp (có thể chọn bỉm vải) để tránh phân hòa vào nước bể bơi (gây hại cho những người bơi khác).
– Một bé sơ sinh có thể bị chết đuối khi ngập trong 2,54cm nước, trong khoảng thời gian dưới 30 giây. Do đó, hãy lưu ý mực nước trong xô, bể bơi bơm hơi và bồn tắm.
– Luôn giữ các dụng cụ sơ cứu và cấp cứu gần bể bơi.
2. Nếu trẻ chưa biết bơi chút nào, việc đầu tiên là dạy trẻ cách tự nổi
Nếu bé đang độ tuổi chập chững biết đi hoặc lớn hơn mà chưa biết bơi, bạn có thể dạy trẻ bơi bắt đầu bằng bài học cách tự nổi trên mặt nước. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn khi gặp nạn dưới nước mà chưa biết bơi. Đảm bảo đầu trẻ ở trên mặt nước và dạy trẻ cách hít thở cho tới khi có người đưa trẻ lên bờ.
Các bước dạy trẻ tự nổi trên mặt nước bao gồm:
– Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước.
– Thả lỏng người để nước đẩy lên, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
– Đạp mạnh chân xuống nước để nhô đầu khỏi mặt nước. Khi ở trên mặt nước, há miệng to để thở, khi xuống dưới mặt nước, ngậm miệng và từ từ thở ra.
3. Học cách đá chân và thổi bong bóng
Sau khi đã biết cách tự nổi trong nước, những kỹ năng khác mà trẻ cần học bao gồm:
– Cách thổi bong bóng: yêu cầu trẻ úp mặt xuống nước và thở đều đặn để tạo ra những bong bóng nhỏ dưới nước và nhắc trẻ không được hít vào.
– Cách đá chân: luôn luôn được thực hiện với chân gần như duỗi thẳng và đạp mạnh xuống nước.
Kỹ năng đá chân có thể được dạy một cách tốt nhất khi bạn để trẻ bám vào gờ bể bơi. Khi đó, trẻ có thể giữ đầu trên mặt nước.
4. Không dạy trẻ học bơi với các dụng cụ phao bơm hơi
Các dụng cụ bơm hơi có thể xẹp đi hoặc nổ tung, hậu quả là bé sẽ bị chìm xuống nước khi đã phụ thuộc vào nó. Áo bơi bơm khí, bè, mảng bơm hơi… đều tạo cảm giác an toàn giả tạo và vì thế có thể gây hại nhiều hơn là đem lại lợi ích. Vì vậy, khi dạy trẻ học bơi, bố mẹ không cho trẻ sử dụng các loại áo phao hay phao.
5. Dạy trẻ các kĩ năng khó hơn ở khu vực bể nông
Khi bé đã cảm thấy thoải mái với kỹ năng thổi bong bóng và đá chân, giờ đây, trẻ có thể học một loạt kỹ năng mới ở khu vực bể bơi có mực nước nông nhất. Hãy thử dạy trẻ:
– Dìm đầu xuống nước, giữ nguyên tư thế đó và nín thở 5-10 giây.
– Chuyển từ tư thế đứng sang tư thế bơi mà không cần trợ giúp.
– Lướt đi bằng cách đẩy chân vào thành bể sau đó lướt người về phía bên kia bể bơi.
– Sử dụng các chuyển động bơi và đá chân phối hợp bằng cách ôm trẻ lúc đầu để chỉ cho trẻ thấy cách đổi chân và tay, sau đó, lướt đi và cuối cùng, để trẻ tự thực hiện.
6. Khi trẻ đã nổi và nín thở thuần thục, chuyển sang dạy trẻ các kỹ năng nâng cao
Giờ thì con bạn đã có thể giữ đầu trên mặt nước khi cần thiết hoặc nín thở và tránh nuốt nước vào khi lướt đi trong nước và đá chân, trẻ đã có thể học thêm các kỹ năng khác. Trẻ lớn tuổi hơn có thể nín thở lâu hơn, vì thế, bạn có thể dạy trẻ:
– Bơi dưới nước – bằng cách bơi xuống đáy bể và sau đó đá chân ngang qua bể.
– Lấy lại đồ vật rơi ở dưới đáy bể.
– Nhảy xuống góc bể sâu từ rìa bể và nổi trở lại.
7. Bắt đầu dạy trẻ các kiểu bơi, như bơi ếch, bơi ngửa
Khi dạy các kiểu bơi, khuyến khích trẻ đổi chân và tay. Với kiểu bơi úp mặt xuống, khuyên trẻ hít thở giữa các động tác bơi. Với kiểu bơi ngửa, nhắc trẻ rằng trẻ có thể hít thở bình thường vì đầu trẻ ở trong không khí, nhưng khi xoay người ra trước, trẻ hãy hít thở trước rồi mới tiếp tục bơi.
8. Luôn nhấn mạnh đến an toàn khi bơi
Kể cả khi con bạn đã biết bơi giỏi, hãy không ngừng nhắc trẻ về việc phải hỏi người lớn trước khi tới bể bơi và không bao giờ bơi 1 mình hoặc chạy lung tung quanh khu vực bể bơi.