Austin Netzley phải gánh khoản nợ khổng lồ qua 4 năm đi học, nhưng anh tìm được cách trả hết chỉ trong chưa đầy 3 năm.
Austin Netzley là một cựu vận động viên, trước khi chuyển sang làm kỹ sư, nhà đầu tư và hiện là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Kiếm tiền, sống giàu có”. Anh còn sáng lập Công ty đầu tư ONE Pursuit Investments và điều hành trang web chuyên về tài chính cá nhân – YoPro Wealth.
Trên Business Insider, Austin đã chia sẻ câu chuyện về cách vượt qua khối nợ hàng chục nghìn USD khi vừa tốt nghiệp đại học.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoản nợ “khủng” đầu tiên trong đời. Khi ấy, tôi đang là sinh viên năm cuối và sắp trở thành kỹ sư ở thành phố Houston (Texas, Mỹ). Đến một ngày, tôi nhận được thông báo từ Sallie Mae – một công ty tài chính chuyên hỗ trợ vay vốn cho sinh viên – về tổng khoản nợ của mình trong bốn năm qua.
Austin Netzley đã trả xong hơn 80.000 USD chỉ trong gần 3 năm. Ảnh: Yopro Wealth
Dù vậy, tôi biết đã đến lúc phải đối mặt với thử thách, và tôi đã làm được. Chỉ chưa đầy ba năm, tôi đã giải quyết hết nợ nần và đang dần có được tự do tài chính khi đang ở độ tuổi 20.Tôi có ít nhất 8 khoản vay khác nhau, tức là sẽ phải trả tổng cộng 72.000 USD. Với một sinh viên nghèo, chuyện này không chỉ đáng ngán ngẩm, mà còn mang lại cái cảm giác khủng hoảng mà tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Cộng thêm chiếc Honda 9.000 USD đang sử dụng nữa, tôi vào đời với tình trạng còn thê thảm hơn cả phá sản – nợ 81.000 USD.
Và dưới đây là cách tôi đã làm:
Bước 1: Đưa ra quyết định
Nghe có vẻ đơn giản, bởi ai chẳng muốn thoát khỏi nợ nần. Nhưng hành động của chúng ta thường không đi kèm lời nói. Khi bạn thực sự ra quyết định, nó sẽ trở thành hiện thực. Hãy xây dựng niềm tin vững chắc rằng mình sẽ đạt được mục tiêu, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi.
Tôi phát ốm vì bị cháy túi – hay đúng hơn – là cảm giác bị cháy túi. Tôi cũng quá mệt mỏi khi ngày nào cũng phải lo lắng chuyện tiền nong. Bởi vậy, khi còn chưa tốt nghiệp, tôi đã quyết định bằng cách nào đó phải trở nên giàu có.
Bước 2: Ngừng vay nợ thêm
Khi bạn bè của mình vung tiền vào những chiếc xe thể thao đời mới, tôi vẫn trung thành với chiếc Honda dùng từ năm 2002 và cố gắng tối thiểu hóa mọi chi tiêu của mình.
Khó khăn lớn nhất chính là đưa mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự vay nợ. Và đây chính là bước mấu chốt để thực hiện điều đó.
Bước 3: Nắm rõ tình hình
Bạn không thể khắc phục những gì mình không biết. Vì thế, tôi đã phải tìm hiểu rất chi tiết về tất cả các khoản nợ của mình, bao gồm tổng nợ, nơi cho vay, lãi suất, khoản thanh toán bắt buộc hàng tháng và ngày bắt đầu.
Cách tốt nhất để xác định các thông tin này là nghiên cứu hợp đồng cho vay và báo cáo tín dụng. Khi xem báo cáo tín dụng đầu tiên của mình, tôi phát hiện ra hai tài khoản cứ tưởng đã đóng lại vẫn còn hoạt động. Và chúng vẫn đòi trả lãi hàng năm.
Tôi nhập tất cả dữ liệu về khoản nợ của mình vào một bảng tính và thường xuyên cập nhật nó. Từ đó, tôi đã có cái nhìn rõ ràng nhất về tình hình hiện tại và tìm ra phương án giải quyết.
Bước 4: Nghiên cứu các chương trình hỗ trợ xóa nợ
Tôi không đủ điều kiện để đăng ký bất kỳ chương trình nào thế này vì có mức lương khá cao, nhưng tôi vẫn không bỏ qua chúng. Việc làm đơn giản này có thể giúp bạn tiết kiệm cả nghìn USD. Tuy nhiên, có rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng, nên bạn phải hết sức thận trọng.
Những giải pháp cứu trợ nợ bao gồm các chương trình miễn nợ, hợp nhất các khoản nợ thành một hình thức khác dễ giải quyết hơn, đàm phán trả một khoản đền bù cho chủ nợ, hoặc giảm lãi suất. Từng ấy đủ để bạn nhấc máy lên và tìm hiểu xem có giải pháp nào phù hợp với mình, nhưng hãy chắc chắn rằng đã tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn tài chính trước khi đưa ra quyết định.
Bước 5: Lựa chọn cách trả nợ
Có hai cách thức trả nợ chính.
Phương án A: Trả lượng tiền yêu cầu tối thiểu cho tất cả các khoản vay, nhưng hãy trả hết sức có thể cho khoản vay có số dư nhỏ nhất. Điều này sẽ khiến bạn cảm nhận được số khoản nợ của mình đang dần giảm đi, và đây sẽ là động lực tâm lý lớn giúp bạn tiếp tục giải quyết nợ nần.
Phương án B: Trả lượng tiền yêu cầu tối thiểu cho tất cả các khoản vay, nhưng dồn nhiều tiền nhất có thể cho khoản vay có lãi suất cao nhất. Đây là cách tôi đã dùng, bởi khi đó bạn sẽ tối thiểu hóa được tiền lãi.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giữ vững tinh thần, hãy chọn phương án A. Nếu không, phương án B sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cả.
Bước 6: Kiếm tiền
Đây là bước thú vị nhất, nhưng cũng tốn công nhất. Khi viết cuốn “Make money, live wealthy” (Kiếm tiền, sống giàu có), tôi đã phỏng vấn 75 doanh nhân thành đạt và rất nhiều trong số họ từng có lúc nợ tới 75.000 USD.
Tất cả họ đều có chung một bí quyết để vượt qua nợ nần trong thời gian ngắn, đó là lao động chăm chỉ. Dù bằng cách làm thêm giờ, kiếm nghề tay trái, hay trong trường hợp của tôi là học cách đầu tư, thì nó cũng đáng nếu bạn muốn giải quyết nợ nần nhanh chóng.
Là một kỹ sư, tôi may mắn có được mức lương khá ổn. Tôi cũng chưa có gia đình và điều đó cho phép tôi có thể dành dụm nhiều tiền hơn và dễ dàng thử vận may hơn.
Từ ngày đầu đi làm, tôi đã bắt đầu dồn tiền cho quỹ hưu trí của mình, nhưng sau đó tôi cũng chuyển sang nhiều quỹ khác. Tuy trước giờ tôi thường không ủng hộ phương án này, nhưng sau đó lại nhận ra rằng mình đã có lợi nhuận và có thể dùng nó để trả số nợ hàng tháng. Khoản đầu tư của tôi thậm chí còn tăng lên mỗi ngày.
Đây là một phướng pháp cực kỳ rủi ro. Nhưng nếu bạn đủ tự tin mình có thể kiếm được số tiền gấp đôi số lãi nợ, thì tôi sẽ không ngăn cản bạn đặt cược.
Bước 7: Xóa nợ
Cuối cùng, sau gần ba năm, tôi gần như phát ốm với đống giấy nợ được gửi đến đều đặn. Tôi vẫn cảm thấy hoang mang mỗi khi nhận được mail từ Sallie Mae. Tôi vẫn nhớ nguyên cái cảm giác kinh khủng khi tôi bóc phong bì thư báo nợ hồi còn đi học. Thế nên, khi đã 24 tuổi và còn 35.000 USD nợ, tôi rút hết tiền khỏi thị trường chứng khoán và thanh toán tất tần tật số nợ còn lại của mình.
Rồi đột nhiên tôi bật khóc. Mỗi sáng thức dậy tôi đều phải lo lắng về tiền bạc. Thế nên, vào giây phút nhấn nút “Nộp tiền” cho khoản nợ cuối, cảm giác nghẹn ngào đó đã khiến tôi chẳng bao giờ quên được. Lần đầu tiên trong cuộc đời trưởng thành của mình, tôi thực sự cảm thấy tự do. Người ta nói rằng thoát khỏi nợ nần giống như được rũ bỏ gánh nặng trên vai, và tôi khẳng định điều đó là sự thật.
Bước 8: Ăn mừng
Trả hết nợ là một thành quả đáng mừng. Hàng triệu người đang ngập đầu trong nợ nần, và đó là thử thách bạn cần phải vượt qua nếu muốn tiến về phía trước. Thoát khỏi cái bẫy nợ nần, bạn có thể thực sự làm chủ tiền của mình và bắt đầu làm giàu. Tôi tin rằng, các vấn đề tài chính phải được ưu tiên số một nếu bạn muốn đạt được sự tự do tài chính.
Hãy đặt mục tiêu, ăn mừng chiến thắng và chào tạm biệt nợ nần bằng việc làm theo 8 bước trên. Nếu kết hợp kế hoạch với sự tập trung và chấp nhận hy sinh, bạn sẽ đến được với sự giàu có.
Theo Hà Tường từ VNExpress