1Uống nhiều nước
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể, chiếm tới 55 – 65% trọng lượng cơ thể. Các vai trò của nước có thể kể đến như:
- Tham gia cấu tạo cơ thể.
- Tham gia vào các quá trình lý – hóa của cơ thể sống.
- Nước là dung môi hòa tan các chất.
- Điều hòa thân nhiệt.
- Bảo vệ cơ thể.
Tiêu chảy khiến khối lượng tuần hoàn trong cơ thể hao hụt ít nhiều và điều này còn phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Mất nước nặng gây ảnh hưởng lớn đến chức năng sống của bệnh nhân, phá vỡ sự cân bằng các chất.
Do đó, khi bị tiêu chảy người bệnh cần phải uống nhiều nước để bồi hoàn thể tích dịch cho cơ thể, trung bình khoảng 1,2 – 1,5 lít nước/ngày.
2Dùng men vi sinh
Một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là do rối loạn hệ vi khuẩn của đường ruột. Vậy nên đối với bệnh nhân tiêu chảy cấp, việc bổ sung men vi sinh là hết sức cần thiết.
Men vi sinh giúp hỗ trợ hệ vi khuẩn đường tiêu hóa, duy trì sức khỏe hệ miễn dịch cho cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng và bệnh tật. Một số loại thực phẩm có chứa men vi sinh như:
- Sữa chua.
- Phô mai.
- Chuối.
- Kim chi.
3Có chế độ ăn hợp lý
Thường xuyên ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không cân bằng các chất trong bữa ăn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy. Việc đường tiêu hóa không thể tiêu hóa và hấp thu thức ăn, các chất này sẽ trở nên ưu trương bên trong lòng tiêu hóa, kéo nước từ biểu mô đường tiêu hóa vào đường ruột gây tiêu chảy.
Do đó, trong thành phần thức ăn cần phải cân bằng đủ các chất, đặc biệt là bổ sung chất xơ để giúp tiêu hóa, thải phân dễ dàng hơn.
4Dùng thuốc trị tiêu chảy không kê đơn
Một số loại thuốc và dược phẩm có thể dùng khi tiêu chảy như:
- Pepto Bismol.
- Smecta.
- Loperamid.
- Attapulgite.
- Racecadotril.
- Oresol.
- Kẽm.
Tuy nhiên, khi sử dụng các loại dược phẩm trên cần có sự hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi khi chưa được bác sĩ tư vấn cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy.
5Khi nào gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Đối với trẻ nhỏ:
- Tiêu chảy từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.
- Li bì khó đánh thức.
- Vật vã, kích thích.
- Co giật.
- Không thể bú/không chịu bú mẹ.
- Sốt cao.
- Nôn ói, ọc sữa.
- Mắt trũng.
Đối với người lớn:
- Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày không khỏi.
- Mất nước.
- Đau bụng.
- Có máu trong phân.
- Sốt cao.
Ngoài ra, khi có bất kỳ các dấu hiệu bất thường nào khác thì cũng cần đến gặp bác sĩ ngay để được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề về sau.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tình trạng bệnh của bệnh nhân, hỏi về tiền sử mắc bệnh trong quá khứ và thăm khám lâm sàng để phát hiện các triệu chứng, biến chứng và tìm các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp trên bệnh nhân.
Một số xét nghiệm bác sĩ có thể tiến hành làm như:
- Xét nghiệm máu: dùng để kiểm tra số lượng các dòng tế bào máu, phát hiện các rối loạn điện giải, dấu hiệu nhiễm trùng và khảo sát chức năng gan, thận của bệnh nhân.
- Soi phân: tìm vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Đồng thời có thể tiến hành làm xét nghiệm tìm máu trong phân (FOB) để phát hiện các bất thường đường tiêu hóa.
- Xét nghiệm hơi thở hydro: sử dụng phép đo hydrogen trong hơi thở để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa.
- Nội soi đại trực tràng: khảo sát hình ảnh bên trong trực tràng và đoạn đại tràng, phát hiện các tổn thương thực thể như khối u, polyp,…
- Nội soi dạ dày – tá tràng: khảo sát đường tiêu hóa trên, phát hiện các dấu hiệu viêm loét, xuất huyết ở thực quản, dạ dày và tá tràng, đồng thời còn giúp xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Tham khảo các bệnh viện điều trị chứng tiêu chảy
- Tại TP HCM: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thu Cúc, Trung tâm Y khoa số 1 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
Xem thêm:
- Gừng có tác dụng trị tiêu chảy không?
- Những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị tiêu chảy