Giới thiệu chung về hành lá
Hành lá là tên gọi chung của phần thân mềm màu xanh của các loài thực vật thuộc chi hành, sống và phát triển từ củ, củ hành có hương vị và tỏa ra mùi hăng khi chín, độ hăng tùy thuộc vào từng loại hành khác nhau. Các loại hành thông dụng mà chúng ta thường gặp là: hành tây, hành hoa, hành tím… Hành lá có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, Vina Vườn xin chia sẻ những cách trồng hành lá bằng nước thường gặp.
Cách trồng hành lá bằng nước
Trồng hành lá từ hành hoa bằng nước
Chuẩn bị:
- Hành hoa là nguyên liệu chính cho phương pháp này, hành hoa có phần củ nhỏ nhất trong các loại hành, hương vị dịu nhẹ, ít hăng nhất.
- Vật chứa có thể dùng ly, chai nhựa rỗng, thùng hoặc hộp nhỏ. Nên sử dụng vật chứa có thành trong suốt để dễ quan sát quá trình phát triển của hành.
- Dụng cụ: kéo cắt, dây buộc.
- Nước: vừa bằng 1/2 vật chứa, chừa khoảng trống để đặt hành vào trong.
Thực hiện:
- Nếu trồng hành lá bằng nước vào trong chai rỗng, các bạn nên cắt đôi chai để phần miệng rộng hơn, trồng được nhiều nhánh.
- Chọn các củ hành lá còn tươi xanh, thân mập và dai, cắt phần lá bên trên để nấu ăn, phần còn lại để dài khoảng 7cm (bao gồm cả củ). Độ dài phần hành có thể điều chỉnh để phù hợp với độ cao của ly/chai.
- Cắt bỏ phần rễ cũ có sẵn của củ hành như vậy sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển rễ mới.
- Rửa sạch phần hành vừa chuẩn và buộc thành bó vừa với vật chứa.
- Đặt hành lá ở vị trí có ánh sáng, thông thoáng, không đặt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Thường xuyên thay nước trong vật chứa để rễ không bị thối và không tạo vi khuẩn.
- Sau 7-10 ngày trồng hành lá, củ hành sẽ bắt đầu tạo rễ và chồi mới, lúc này có thể ngưng thay nước vì hành đã quen với môi trường sống.
Trồng hành lá từ hành tím bằng nước
Chuẩn bị:
- Nguyên liệu chính là hành tím, chọn khoảng 1-2 củ hành tươi, tùy thuộc vào kích thước của củ hành, đảm bảo rằng có thể đặt hành tím lên miệng chai mà không bị rơi vào trong.
- Dùng chai nhựa rỗng để tái sử dụng thành nơi để trồng hành lá bằng nước.
- 1 miếng bìa trong suốt để giữ thân hành không bị ngã khi đã phát triển, nên dùng bìa trong suốt để cây có thể tiếp xúc với ánh sáng và dễ quan sát hơn.
- Nước: gần đầy chai dùng để trồng, nước càng nhiều thì rễ hành tím càng nhanh phát triển.
- Dụng cụ: kéo cắt, băng dính.
Thực hiện:
- Dùng kéo tỉa sạch phần rễ của củ hành tím, rửa sạch và để ráo nước.
- Đổ nước gần đầy chai nước, dùng kéo tạo 4 lỗ trên chai ở vị trí không có nước. Những lỗ nhỏ này có tác dụng thông hơi, giúp rễ hành có thể tiếp xúc với không khí.
- Đặt hành tím lên miệng chai nước, nếu 1 củ không vừa miệng chai thì có thể đặt 2-3 củ.
- Cắt miếng bìa trong vừa bằng miệng chai và cuộn quanh miệng chai, dùng băng dính để giữ cố định miếng bìa.
- Đặt chai nước ở nơi khô ráo, có nắng nhẹ, có gió, tránh ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa.
- Như vậy là chúng ta đã hoàn tất cách trồng hành lá bằng nước từ hành tím, đợi sau 15-20 ngày là có thể bắt đầu thu hoạch. Khi rễ mọc quá nhiều trong chai, cần tỉa bớt và châm thêm nước để hành tiếp tục phát triển.
Trồng hành lá từ hành tây bằng nước
Chuẩn bị:
- Để có thể trồng hành lá bằng nước từ hành tây, nguyên liệu đầu tiên không thể thiếu là củ hành tây tươi.
- Tận dụng các chai nhựa cũ, lon sữa, hoặc ly/cốc trong suốt để trồng hành lá bằng nước, nên sử dụng các vật dụng có miệng to tương đương với củ hành tây để dễ thực hiện hơn.
- Chuẩn bị một lượng nước tương đương với ½ vật chứa mà chúng ta đã chọn.
- Dụng cụ: Kéo cắt, một ít tăm hoặc kẽm.
Thực hiện:
- Tỉa sạch rễ của củ hành tây, lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài rồi rửa sạch.
- Nếu dùng chai nước thì cắt đôi để tăng độ rộng của miệng, đổ nước đến khoảng nửa chai/ly/cốc.
- Đặt hành tây lên trên miệng chai/ly/cốc, nếu củ hành tây nhỏ hơn miệng chai/ly/cốc thì dùng tăm hoặc kẽm đâm qua giữa củ hành tây, tạo thành hình chữ X để giữ hành không bị vào trong chai/ly/cốc.
- Trồng hành lá bằng nước ở nơi thoáng khí, có ánh sáng, thường xuyên quan sát để ngăn côn trùng tấn công.
- Châm nước thường xuyên để hành tây có đủ nước phát triển và đợi thành quả sau 15-20 ngày.
Cách thu hoạch hành lá trồng bằng nước
Nếu trồng hành vào đất thì sau 45 ngày mới có thể thu hoạch được, nhưng với việc trồng hành lá bằng nước sẽ thu hoạch được trong vòng 15-20 ngày vì đã bỏ qua giai đoạn phát triển củ hành. Vì chúng ta trồng hành lá từ củ nên chỉ có thể thu hoạch phần lá xanh bên trên, phần củ giữ lại để tiếp tục phát triển lá mới. Mặc dù thời gian thu hoạch là 15-20 ngày sau khi trồng, tuy nhiên chúng ta có thể quan sát độ dài lá hành để quyết định đúng thời điểm thu hoạch, không nên thu hoạch khi lá hành quá ngắn, màu xanh chưa đậm và khi hành lá quá dài, dễ làm ngã cây thì nên thu hoạch.
Nếu thu hoạch hành lá để nấu ăn ngay thì bạn có thể thu hoạch bất cứ lúc nào trong ngày, dùng kéo cắt ngang thân hành, chừa lại một đoạn khoảng 2cm (tính từ củ hành lên trên) để hành tiếp tục ra nhánh mới.
Nếu thu hoạch hành lá để dự trữ hoặc cho tặng, bạn nên thu hoạch vào buổi chiều, mang vào rửa sạch và để ráo nước, đến sáng hôm sau đóng gói vào túi kín và bảo quản ở ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh đều được.
Công dụng của hành lá đối với sức khỏe
Có tác nhân ngăn ngừa ung thư
Hành lá trồng bằng nước có thể ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư, dạ dày là nơi tiếp xúc nhiều với thức ăn nên là nơi đầu tiên được bảo vệ. Theo các nghiên cứu khoa học, trong hành có allicin – một hợp chất khiến cho hơi thở của bạn có mùi hôi khi ăn chúng, có thể ngăn chặn các tế bào chuyển thành ung thư hoặc làm chậm quá trình lây lan của chúng.
Làm chậm quá trình lão hóa
Hành lá là một trong những thực vật thuộc nhóm allium nên chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể của bạn khỏi quá trình lão hóa tự nhiên. Trong hành tây có các chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol sẽ triệt tiêu các gốc tự do trong cơ thể, gốc tự do là nguyên nhân chính làm tổn hại đến tế bào và gây ra ung thư. Nhiệt độ cao sẽ làm chất chống oxy hóa mất đi hiệu quả của mình, vì vậy chúng ta nên trồng hành lá bằng nước và ăn sống hoặc chế biến sơ bộ chứ không nên nấu chín.
Bổ sung chất xơ
Hành lá bổ sung rất nhiều chất xơ, chỉ với một chén nhỏ đã chiếm 10% lượng chất xơ mà bạn cần mỗi ngày. Chất xơ giúp chúng ta no lâu mà không bị đầy bụng, giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh khác.
Khả năng diệt khuẩn cao
Hành lá, tỏi và các nhóm thực vật có mùi hăng tương tự chúng đều có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm và vi rút. Một nhóm các nhà khoa học đã thí nghiệm và nhận ra khi chiết xuất một số loại hành ở nồng độ cao, một trong số chúng sẽ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn salmonella hoặc E. coli (nguyên nhân gây tiêu chảy, kiết lị).
Hỗ trợ giảm cân
Hàm lượng calo trong hành lá rất thấp nhưng lại giàu dinh dưỡng, điều này khiến chúng trở thành một nguyên liệu phổ biến trong các thực đơn giảm cân. Lượng chất xơ trong hành lá sẽ khiến cho cơ thể cảm thấy no lâu hơn, rút ngắn các khoảng thời gian đói bụng cho ngày, giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Giải cảm
Giải cảm hay còn gọi là khả năng chống lại các bệnh cảm cúm, là khả năng đặc biệt của hành lá vì có tính kháng khuẩn và kháng vi-rút. Vị hăng trong hành lá làm ức chế việc sản sinh chất nhờn khi bị cảm, các triệu chứng sổ mũi và ho sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Khi bị cảm cúm, thường xuyên ăn cháo hành sẽ giúp cơ thể mau phục hồi.