Tóm tắt câu hỏi
Biên bản lời khai theo đúng quy định pháp luật và vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên.
Hôm qua cháu được yêu cầu lên văn phòng của Công an Thành phố để làm bảo lãnh cho em trai cháu. Khi đến, cháu có làm việc với điều tra viên (ĐTV). ĐTV đó thông báo rằng em cháu và nhóm bạn đi đánh nhau với 1 đối tượng khác và làm người đó bị thương. Hiện giờ người bị thương đó khởi kiện.
Sau đó, ĐTV đó cho cháu xem bản hỏi cung (cháu không nhớ chính xác tiêu đề ạ) giữa bên điều tra và em trai cháu, rồi 02 bản tự khai do chính tay em cháu ghi. Nội dung đại khái là 2 bên có xích mích, rồi mấy đứa bạn bên em cháu cùng nhau đi đến tiệm net để đánh người, em cháu đi xe cùng 1 bạn và đứng ngoài tiệm (theo như lời khai của em cháu). Sau đó, ĐTV yêu cầu cháu ký xác nhận vào 2 bản tự khai của em cháu, viết Đơn bảo lãnh, đưa sổ hộ khẩu cho ĐTV đó kiểm tra, ĐTV đó thông báo rằng sẽ giữ sổ hộ khẩu, rồi trong quá trình điều tra nếu có yêu cầu sẽ liên hệ với cháu để đưa em cháu lên làm việc.Cháu có vài vấn đề thắc mắc như sau ạ:- ĐTV đó giữ sổ hộ khẩu gốc của nhà cháu như vậy là đúng pháp luật không ạ? Nếu đúng thì mục đích của việc giữ lại là gì ạ?- Lúc xem 2 bản tự khai, bản đầu tiên em cháu trình bày có nói đến việc em cháu và bạn nó bị đối tượng khởi kiện trên đánh gây thương tích, nhưng nó bỏ qua chuyện (bản viết này kết thúc rất kỳ lạ, không có dòng ghi:…điều khai là đúng sự thật…chịu trách nhiệm trước pháp luật; sau khi về nhà ba mẹ hỏi lại, cháu mới sực nhớ phía sau có những dòng trống mà không có gạch chéo bỏ đi Không biết điều này có nguy hại gì không ạ? Bản tự khai thứ 2 em cháu cũng ghi lại những điều giống bản 1, nhưng lược bỏ đi chuyện em cháu bị đánh, chỉ trình bày sự việc, và kết thúc là dòng ghi:…chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi cháu hỏi vì sao lại có 2 bản tự khai, ĐTV đó nói bản đầu viết không rõ nên viết lại. (điều này càng làm cháu nghi ngờ về sự kết thúc không hợp lý của bản 1)- Nếu bị khởi kiện, gia đình cháu phải giải quyết như thế nào ạ? Nếu như hòa giải, bồi thường, bên khởi kiện có thể đợi đến lúc em cháu đủ tuổi thành niên để kiện lại để em cháu phải đi tù không ạ? Gia đình cháu có thể kiện bên kia tội gây thương tích không ạ? (về bằng chứng chỉ có video quay lại cảnh em cháu bị đánh, nó giấu gia đình nên không đi bệnh viện không có giấy chứng thương ạ)
Người gửi: Lê Văn Sỹ (Thái Bình)
Luật sư tư vấn
Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:
1/ Việc giữ lại hộ khẩu của Điều tra viên
Hiện nay pháp luật không có quy định nào đề cập tới vấn đề phải nộp sổ hổ khẩu bản chính như trường hợp của bạn, Vì vậy, không thể kết luận được việc cầm giữ này có hợp pháp hay không. Tuy nhiên để phục vụ cho công tác điều tra nhân thân lý lịch thì việc làm này của Điều tra viên có thể được chấp nhận.
2/ Thắc mắc về cách ghi biên bản lời khai
Căn cứ theo Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về Biên bản như sau:
“1. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất.
Trong biên bản ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
2. Biên bản phiên toà phải có chữ ký của chủ toạ phiên toà và Thư ký Tòa án. Biên bản các hoạt động tố tụng khác phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định trong từng trường hợp. Những điểm sửa chữa trong biên bản cũng phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.”
Căn cứ theo Điều 132 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 quy định về Biên bản hỏi cung bị can như sau:
“1. Biên bản hỏi cung bị can phải được lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.
Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
2. Sau khi hỏi cung, Điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.
Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.
Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.
3. Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.
Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.
4. Trong trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì phải thực hiện theo quy định của Điều này.”
Với quy định này nhận thấy rằng việc ghi biên bản lời khai phải theo mẫu thống nhất về ghi biên bản. Theo đó kết thúc mỗi biên bản phải có dòng chữ với nội dung biên bản này đã được lập xong kết thúc vào hồi….giờ và đọc cho những người có liên quan cùng nghe….. Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp việc ghi biên bản lời khai của Điều tra viên như vậy là không đúng. Mặt khác, do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ không xác định được tuổi cụ thể của em bạn dưới 18 tuổi là bao nhiêu? 14 tuổi hay 16 tuổi… Bởi mỗi độ tuổi khác nhau pháp luật lại có những quy định khác về hỏi cung, lấy lời khai.
Căn cứ theo Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về Việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức như sau:
“2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.”
Khi hỏi cung người từ đủ 14 tới 16 tuổi phải có mặt của gia đình, người giám hộ trừ trường hợp người này không có gia đình hoặc gia đình từ chối tham gia hoặc vắng mặt có lý do chính đáng. Điều này xác định rằng việc lấy lời khai đối với em bạn có hợp pháp hay không.
Như vây, trong biên bản ghi lời khai mà thiếu những nội dung và hình thức trên sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới em bạn. Chẳng hạn không ghi ngày tháng lập xong thì rất có thể bản lấy lời khai sẽ được viết lại; không có người giám hộ, đại diện thì chắc chắn quyền lợi của em bạn không được bảo đảm do yếu tố tâm lý lứa tuổi,…
3/ Cách giải quyết khi bị khởi kiện và có bị khởi kiện sau khi em đã thành niên?
Để giải quyết được vấn đề này cần phải xác định được tuổi của em trai bạn, bởi liên quan tới vấn đề cần giải quyết sau đây:
3.1 Vấn đề bồi thường
Căn cứ theo khoản 2 Điều 606 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
“2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.”
3.2 Xác định em bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Thông tin bạn cung cấp chúng tôi chưa thể xác định được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do em bạn thực hiện và hậu quả xảy ra.
Cho nên chúng tôi sẽ được ra hướng dẫn chung: Căn cứ điều 12 Bộ luật hình sự 1999 quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, nếu em bạn mà đủ 16 tuổi thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trong do cố ý hoặc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
3.3 Thời hiệu khởi kiện
Câu hỏi đặt ra là em bạn có bị khởi kiện sau khi em bạn đã thành niên hay không? Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự 1999 quy định về Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
“2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo quy định pháp luật, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội nghiêm trọng; 15 năm đối với tội rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Để có thể áp dụng quy định này, phải xác định được tuổi của em bạn vì thỏa mãn điều kiện tuổi sẽ xác định được em bạn có phạm tội hay không và chỉ khi xác định được phạm tội thì mới áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa là nếu em bạn không đủ tuổi thì sẽ không phạm tội và sau đó có khởi kiện thì em bạn cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
3.4 Gia đình bạn có nên khởi kiện bên kia tội gây thương tích hay không?
Để có thể khởi kiện bạn phải có các bằng chứng để chứng minh thông qua tài liệu, chứng cứ, video, bản giám định tỷ lệ thương tích….Tuy nhiên cũng phải xác định được tuổi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bên kia vì dù có hành vi đánh, đấm…nhưng không đủ tuổi, không có năng lực thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Từ sự việc của bạn chúng tôi thấy rằng gia đình bạn nên xem xét, đánh giá thật cẩn thận việc có khởi kiện hay không vì em bạn cũng đang ở tình trạng bất lợi. Rõ ràng thấy một điều xảy ra là khi bạn khởi kiện thì gia đình kia cũng kiện, tức là bên bào cũng gặp bất lợi. Cho nên gia đình bạn vẫn cần phải thương lượng với gia đình bên kia về sự việc.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về vấn đề Biên bản lời khai theo đúng quy định pháp luật và vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.