Lê Đạt đã từng viết:
“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ có một dạng vần chữ”
Quả đúng là như vậy! Mỗi nhà thơ, mỗi tác giả lại có một cái tôi, một phong cách nghệ thuật riêng biệt để làm nên tên tuổi của mình. Nếu như thơ Xuân Diệu đẹp bởi cái mới, cái gấp gáp, cái yêu đời của nó thì thơ Huy Cận lại đẹp bởi cái buồn, cái sầu, bởi cái cổ điển xen lẫn hiện đại. Khác với Xuân Diệu, Huy Cận của chúng ta chậm rãi tiến từng bước và thành công trên Thi đàn văn học. Thơ ông chịu ảnh hưởng của Đường thi, của văn học cổ truyền, của dân tộc, vậy nên nó mang nét đẹp cổ phong, cổ điển. Nhưng ngược lại, ông cũng là một trí thức Tây học, tâm hồn ông cũng được thổi bùng lên bởi một lần gió mới, bởi văn học Pháp với tư tưởng tự do và dân chủ của nền văn học ấy lúc bấy giờ, vậy nên thi liệu của ông cũng đầy đủ những điểm sáng tạo mới mẻ mang vẻ đẹp hiện đại, tinh tế. Khác với Xuân Diệu rạo rực, yêu đời thắm thiết, hồn thơ Huy Cận lại là một hồn thơ ảo não mang nỗi sầu vạn kỳ, đó không chỉ là nỗi sầu vũ trụ mà còn là niềm thương với quê hương đất nước, với những con người bất hạnh lẻ loi. Thế nhưng, cũng bởi ông là một nhà thơ lãng mạn, nên ông đau đời nhưng nào có cứu được đời đâu. Vậy nên, nhà thơ chỉ đành gửi bao khát khao, bao ước muốn của mình vào từng câu thơ, đó là khát khao mãnh liệt được mang lại hạnh phúc cho đời, cho người, đó là khát khao được tận hưởng, tận hiến nhưng chẳng thể thực hiện, đó còn lại nỗi khổ tâm, là nỗi bất lực chẳng thể nói thành lời của nhà thơ. Vậy nên mới nói, thơ Huy Cận mang nỗi sầu của đất nước mà lặng buồn núi sông. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi buồn rười rượi, không phải là nỗi buồn vu vơ vớ vẩn, mà đó là một nỗi buồn đẹp, cái buồn lãng mạn sâu kín trước cảnh nước mất nhà tan khi ấy. Nhận định về tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận, tác giả Hoài Thanh có viết: “Buồn thương sầu não là âm hưởng chính khiến ‘Lửa Thiêng’ như một bản ngậm ngùi dài, tập thơ dằng dặc một nỗi buồn nhân thế, một nỗi buồn đau đớn, với nỗi sầu vạn kỉ đó Huy Cận đi lượm nhặt từng chút buồn rơi rác trong không gian, để rồi sáng tạo nên những hồn thơ ảo não, nhưng ai có ngờ đâu, chỉ với một chút ít cát bụi tầm thường, đó Thi sĩ đã đắp lên biết bao nhiêu là châm ngọc.” Thật vậy, nỗi buồn trong thơ Huy Cận là châm là ngọc, là cái buồn tinh tế sâu sắc, là những nét thừa hưởng, tiếp thu từ thơ ca cổ đại, nhưng cũng là những nét đột phá riêng biệt mang đậm cái tôi của Huy Cận, mang dấu chấm phá độc đáo của một nhà thơ mới. Và có lẽ, những điều ấy được thể hiện rõ nét nhất, chính là qua bài thơ “Tràng Giang” trích từ tập “Lửa Thiêng” được nhà thơ sáng tác năm 1939.
Ngay từ nhan đề của tác phẩm, ta đã thấy được nét độc đáo của nhà thơ Huy Cận. Tại sao không phải là “Trường Giang” mà lại là “Tràng Giang” trong khi cả hai từ này đều có nghĩa là con sông dài? Phải Chăng, chỉ đơn thuần là do yếu tố vần điệu hay tác giả còn có dụng ý nghệ thuật nào khác? “Tràng Giang” – hai tiếng ngắn gọn mà sao âm hưởng của nó cứ như vang mãi, vang mãi trong đầu người đọc, hơn nữa lại mang đến một ấn tượng vô cùng sang trọng, xen lẫn chất cổ điển ở trong đó, lại gợi sự thân mật gần gũi với người đọc người, nghe. Vậy nếu tác giả đặt tên tác phẩm là “Trường Giang” thì liệu những dư âm, những ấn tượng với người đọc đó có còn vẹn nguyên?!
Bài thơ mở ra trong cảnh dòng sông cùng hình ảnh những con sóng lăn tăn gợi buồn:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Sử dụng từ “buồn”, từ “sầu”, tác giả khắc họa nỗi buồn của cảnh vật hay cũng chính là nỗi buồn trong lòng thi nhân, con sóng lăn tăn nhấp nhô hay là lòng người cứ gợn lên từng đợt sóng trào, chẳng thể nào yên. Hình ảnh “thuyền” và “nước” trong thơ ca xưa vốn là những hình ảnh luôn gắn liền với nhau, chẳng thể nào tách rời, vậy mà qua con mắt của thi nhân lại trở thành hai đường thẳng song song không thể chạm được tới nhau. Khác với “Vội Vàng” của Xuân Diệu thời bấy giờ – vạn vật thiên nhiên đều có đôi có cặp, thì trong “Tràng Giang” của Huy Cận, vạn vật đều như đang ở thế chia lìa. Quả đúng như câu nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong thi liệu cổ, người ta lấy Tùng, lấy Cúc lấy Trúc lấy Mai để đưa vào trong thơ, nhưng lại chẳng có ai lại đi lấy một cành “Củi khô” để đưa vào thơ ca hết, Huy Cận chính là người đầu tiên dám làm điều ấy! Một cành củi vừa khô khốc, rơi rụng, rời rạc, lẻ loi lại gợi sự chết chóc như vậy có điểm nào đẹp để có thể mang vào trong thơ ca? Phải chăng cành củi lạc lõng trôi giữa dòng nước mênh mang ấy chính là tượng trưng cho những kiếp người trôi nổi giữa dòng đời xuôi ngược? Phải chăng đó là cách mà tác giả thể hiện sâu sắc nỗi buồn của cái tôi thi sĩ, cái buồn khi đối diện với không gian trời bể, khi cảm nhận được những kiếp người nhỏ bé, nghèo khổ, nổi trôi?
Nếu như chúng ta vẫn biết, Xuân Diệu có một cảm thức sâu sắc về mặt thời gian thì Huy Cận lại cảm thức về mặt không gian, ông viết:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông Dài trời rộng bến cô liêu”
Giống như Thạch Lam trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Huy Cận cũng chọn không gian tàn, thời gian tàn – cảnh chợ chiều để đặc tả cái buồn như lan tỏa khắp không gian. Từ “đâu” được tác giả đặt ở đầu câu như một câu hỏi mông lung chẳng rõ được đáp án, đó là câu hỏi hay là câu phủ định, là sự lắng nghe âm thanh phía xa kia, hay là sự kiếm tìm bóng dáng của con người, nhưng càng tìm thì lại càng chẳng thấy?! Không gian thiên nhiên vốn đã rộng lớn, qua cách miêu tả hai hình ảnh đối lập “nắng xuống” và “trời lên” của tác giả lại như càng được kéo căng ra chiều. Hai cụm từ “sâu thăm thẳm” và “cao chót vót” được Huy Cận kết hợp lại, sáng tạo nên một từ mới “sâu chót vót” – vừa tả được chiều cao lại cho thấy được cả chiều sâu của không gian bao la ấy. Trước không gian mênh mông rợn ngợp, con người nhỏ bé nay lại càng trở nên nhỏ bé hơn, lẻ loi, cô độc giữa đất trời.
Cái buồn của sự cô độc càng làm nhân lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương từ sâu trong lòng tác giả:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Trong thơ xưa, Thôi Hiệu đã từng viết:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Hai câu thơ của Huy Cận có sự kế thừa, sự tiếp nối hai câu thơ cổ ấy, nhưng đồng thời cũng có sự sáng tạo và phá cách vô cùng đặc biệt. Nếu như Thôi Hiệu trong thơ xưa tức cảnh sinh tình, nhìn thấy khói sóng mới động lòng nhớ quê hương, thì ở đây, Huy Cận của chúng ta chẳng cần phải có tác động của ngoại cảnh, dù “không khói hoàng hôn” thì ông cũng vẫn “nhớ nhà”. Nỗi nhớ ấy da diết trong lòng tác giả, có lẽ là bởi hình bóng của quê hương vẫn luôn thường trực, vẫn luôn đau đáu trong lòng của thi sĩ bấy lâu nay.
Như vậy, “Tràng Giang” với thể thơ thất ngôn quen thuộc trong thơ Đường đã thể hiện đậm nét phong vị cổ điển của nó, cùng với đó là bút pháp tả cảnh ngụ tình thường thấy trong thơ xưa, cũng như cách gieo vần, cách ngắt nhịp 4/3 và những từ ngữ Hán Việt đầy cổ kính trong “Tràng Giang”. Nhưng cũng rất mới qua cách biểu lộ trực tiếp tình cảm, cái tôi trữ tình qua những từ ngữ, hình ảnh sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ Huy Cận. Tóm lại, bài thơ không chỉ là một bức bình phong, mà còn là một bài thơ về tâm hồn. Từ đề tài, cảm hứng, giọng điệu, bút pháp cho đến chất liệu sáng tác, “Tràng Giang” đều mang phong vị thi ca cổ điển sẽ xen lẫn những bút pháp sáng tạo hiện đại của nền thơ mới, cũng là nét đặc trưng nhất của phong cách thơ Huy Cận.
Viết bởi Bùi Ngọc