Đau dạ dày là căn bệnh gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tìm hiểu về cách giảm đau dạ dày được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến quý vị những cách giảm đau dạ dày hiệu quả có thể dễ dàng áp dụng tại nhà.
1. Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp của bệnh đau dạ dày
1.1. Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh đau dạ dày
Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày rất đa dạng, dạ dày đau có thể do 1 hoặc nhiều yếu tố khác cùng nhau gây nên. Cụ thể:
– Do thói quen ăn uống và sinh hoạt không tốt như uống nhiều bia rượu và hút thuốc lá, ăn uống quá no hoặc quá đói, ăn khuya, bỏ bữa sáng, ăn không đúng giờ, ăn nhiều thực phẩm có hại cho dạ dày như đồ lên men, đồ nhiều dầu mỡ, đồ quá cứng, đồ ôi thiu…
– Đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): có đến 80% người bị đau, viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP. Ngoài ra, nhiễm nấm và các ký sinh trùng khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau và viêm dạ dày.
– Uống quá nhiều thuốc giảm đau và kháng viêm trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, bào mòn dạ dày. Thậm chí, nếu sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm liều cao bạn có thể bị thủng dạ dày.
– Phải đối diện với căng thẳng, stress kéo dài khiến dạ dày tăng co bóp và tăng tiết acid dẫn tới đau nhức.
– Trào ngược dịch mật, thiếu máu, tổn thương trong dạ dày như polyp hoặc khối u… tạo nên những cơn đau dạ dày.
1.2. Các triệu chứng thường gặp của bệnh
– Khi bị đau dạ dày, người bệnh sẽ thường xuyên bị đầy bụng, ậm ạch khó tiêu, đặc biệt sau khi ăn các triệu chứng càng rõ ràng.
– Đau thượng vị: Cơn đau vùng bụng trên rốn hay còn gọi là đau thượng vị thường xuyên xuất hiện gây phiền toái, tần suất và mức độ ngày càng tăng nặng nếu không kịp thời điều trị.
– Người bệnh bị chán ăn và sút cân: Do dạ dày bị tổn thương khiến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém đi, cùng với những triệu chứng đầy bụng khiến người bệnh chán ăn dẫn đến việc giảm cân ở người bệnh bị đau và viêm loét dạ dày.
– Người bệnh bị nôn, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi: Dẫn đến triệu chứng này là do thức ăn tồn đọng lâu ở dạ dày, sinh ra nhiều khí và khiến dạ dày tăng tiết acid gây ra chứng trào ngược, gây ợ hơi, ợ chua và buồn nôn. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý để xử lý sớm triệu chứng này, tránh tình trạng trào ngược diễn ra trong thời gian dài dễ gây tổn thương thực quản…
– Người bệnh đi ngoài phân đen như bã cà phê và nôn ra chất dịch nâu trông như máu: Hiện tượng xảy ra khi dạ dày bị chảy máu tại những vết loét.
2. Hướng dẫn các cách giảm đau dạ dày hiệu quả
Bạn có thể áp dụng một cách giảm đau dạ dày tại nhà sau đây để tạm thời xua tan cảm giác khó chịu:
2.1. Nằm nghỉ và xoa bụng nhẹ nhàng
Nếu cơn đau dạ dày vừa mới xuất hiện và ở mức độ nhẹ, bạn có thể giảm đau ngay bằng cách nằm nghỉ ngơi và dùng lòng bàn tay nhẹ nhàng xoa bụng, đặt bàn tay lên vị trí đau rồi xoa đều theo chiều kim đồng hồ bạn sẽ thấy cơn đau dịu đi nhanh chóng.
2.2. Chườm nước nóng – cách giảm đau dạ dày hiệu quả
– Chườm nước nóng là một cách giảm cơn bụng nói chung và cơn đau dạ dày nói riêng được đánh giá nhanh và hiệu quả. Hơi nóng từ khăn chườm hay chai nước chườm giúp lưu thông máu, giảm cảm giác đau.
– Bạn có thể kết hợp cả chườm nóng và xoa bụng để hiệu quả giảm đau nhanh hơn.
2.3. Cách giảm đau dạ dày bằng một cốc nước ấm
Khi xuất hiện cơn đau dạ dày, bạn hãy uống ngay một cốc nước ấm, cách này giúp pha loãng dịch vị bên trong dạ dày, giảm nồng độ acid. Vài phút sau khi uống nước ấm, cơn đau sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Ngoài ra, người bị đau dạ dày cũng nên uống một cốc nước ấm vào buổi sáng để giúp làm sạch hệ tiêu hóa.
2.4. Ăn bánh mì hoặc một chút thức ăn khô
Bánh mì hay các loại bánh quy giúp trung hòa acid dạ dày, làm dịu cơn đau nhanh chóng mà bạn có thể thử áp dụng. Khi trung hòa được acid dạ dày, niêm mạc hay các vết viêm loét tạm thời không bị acid tấn công giúp bạn giảm cảm giác đau.
2.5. Nước muối loãng và baking soda
– Người bị đau dạ dày có thể dùng muối sạch pha loãng với nước ấm, sau đó uống từng ngụm nhỏ. Đây là cách giảm đau dạ dày được lưu truyền từ lâu trong dân gian. Nước muối loãng có tác dụng diệt khuẩn, ức chế một phần vi khuẩn gây hại có trong dạ dày, từ đó làm giảm đau. Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều vì sẽ gây tổn hại đến chức năng thận.
– Sử dụng Baking soda cũng là một cách giảm đau dạ dày, bạn uống một lượng vừa đủ dung dịch baking soda pha với nước sẽ giúp trung hòa acid dạ dày từ đó giảm đau hiệu quả.
3. Những lưu ý quan trọng cho người bị đau dạ dày
Những cách giảm đau dạ dày kể trên chỉ là phương pháp tạm thời, không thể giúp bạn khỏi bệnh. Để điều trị dứt điểm, ngăn ngừa bệnh tái phát, khi gặp các vấn đề về dạ dày bạn cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa và nội soi dạ dày. Từ đó, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề trong ăn uống và sinh hoạt như:
– Tốt nhất nên chế biến đồ ăn mềm, dễ tiêu, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây…
– Thực đơn hằng ngày nên tránh ăn đồ cay nóng, đồ muối chua, thức uống có cồn, có ga.
– Ăn uống khoa học như ăn đúng giờ, ăn đủ bữa, không ăn đêm, không vừa ăn xong đã nằm hoặc vận động mạnh.
– Ngủ đủ giấc và tránh thức khuya, sống vui vẻ, tránh xa căng thẳng…
– Thường xuyên luyện tập thân thể để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng phòng chống bệnh tật.
Đau dạ dày khiến người bệnh không thể tập trung trong học tập và làm việc, những cách giảm đau dạ dày trên sẽ giúp ích cho bạn phần nào. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó bạn cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt.